Trang chủ PGVN Nhân vật HT.Thích Trí Quảng: Dù ở cương vị nào,hoằng pháp vẫn là sứ...

HT.Thích Trí Quảng: Dù ở cương vị nào,hoằng pháp vẫn là sứ mạng xuyên suốt của đời tôi

74

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI đã mở ra những vận hội mới cho dòng chảy Phật giáo Việt Nam. Trong những vận động chuyển mình của Phật sự Giáo hội, lẽ dĩ nhiên, hoằng pháp là một trong những ban ngành gắn chặt với sứ mạng phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng và sinh lộ của Phật giáo nói chung.


Nhân dịp đầu năm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với HT. Thích Trí Quảng, nguyên Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương liên tiếp 5 nhiệm kỳ, về những ngày đầu thành lập ngành hoằng pháp cũng như những ưu tư về việc phát triển ngành hoằng pháp ở hiện tại và tương lai. 


PV: Trong sáu kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc, HT đã tham dự và đảm nhận một cương vị quan trọng do Giáo hội giao phó. Xin HT cho biết đôi nét thành tựu cũng như cảm nghĩ của HT sau kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức?


 – HT Thích Trí Quảng: Trước năm 1981, do bối cảnh xã hội thời bấy giờ, hoạt động của Phật giáo gặp nhiều hạn chế. Một mặt, Phật giáo tồn tại nhiều tổ chức, hệ phái và chủ trương hoạt động không giống nhau. Thứ hai, người xuất gia trẻ gặp nhiều khó khăn như lưu trú, đi lại, thọ giới v.v… Cho nên, việc tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ I là một thành công lớn của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, việc thông qua hiến chương là một pháp quy bước đầu để Phật giáo khẳng định vai trò của mình và tự do phát triển tại đất nước Việt Nam. Đây là một niềm vui lớn đối với tôi trong giai đoạn này.


Mặt khác, thành công của Đại hội là việc hợp nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, từ Đại hội này, tôi được suy cử vào chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương. Tôi luôn trăn trở khi đảm nhận cương vị này, tuy nhiên, khi thấy các HT như HT.Thích Trí Thủ, HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Minh Châu, HT.Thích Thiện Siêu…cùng tham gia hoạt động trong Giáo hội mới, tôi rất vui vì được làm việc cùng với chư tôn Hòa thượng mà đã từng cộng sự trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước kia. Đây là một niềm vui và là một khích lệ bước đầu đối với tôi.


– PV: Với vai trò là Trưởng ban Hoằng pháp từ nhiệm kỳ đầu, Hòa thượng đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì cùng những thành tựu sơ khởi trong nhiệm kỳ đầu tiên?


– HT. Thích Trí Quảng: Thật sự tôi vô cùng lo lắng khi được chư tôn đức giao nhiệm vụ Trưởng ban Hoằng pháp. Do đó, sau khi kết thúc Đại hội, tôi đã đến tham vấn HT Pháp chủ Thích Đức Nhuận, xin ngài chỉ giáo về vấn đề hoằng pháp trong bối cảnh xã hội lúc đó thì phải như thế nào cho phù hợp. HT đã dạy tôi: “Trong công tác hoằng pháp, mình nên làm những điều gì mà luật pháp cho phép, những điều gì mà luật pháp chưa cho phép thì phải đợi”. Tôi nghĩ, lời dạy đó của HT là một kinh nghiệm quý báu, không những có giá trị lúc đó mà còn có thể áp dụng trong bối cảnh hôm nay.


Trở lại vấn đề, với trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, tôi luôn đắn đo làm sao để vận dụng kiến thức, sở học của mình vào hoàn cảnh và xã hội lúc đó. Trong khi Tăng Ni, người xuất gia còn bị khó khăn trăm bề, quần chúng, thanh niên Phật tử lại nằm trong các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, các tổ chức sản xuất của xã hội… Tôi có cảm giác mình chưa thể làm được điều gì vào lúc đó.


Sau Đại hội, khoảng đầu năm 1982, tôi được một người bạn tâm giao là HT.Thích Từ Hạnh, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯGH, bàn bạc với tôi là nên chuyển đổi hình thức hoạt động của Tổng vụ Thanh niên Phật tử sang hình thức sinh hoạt như là tín đồ, đạo tràng.


Ngay đó, tôi bèn nghĩ tới các tổ chức hội đoàn ở Nhật khi tôi còn tham học tại nơi này. Họ chỉ đến chùa tụng kinh lạy Phật, xem việc tụng kinh lạy Phật là chính, còn các việc của xã hội họ không quan tâm. Từ ý tưởng này, tôi đã nỗ lực góp phần xây dựng những đạo tràng tu học cho quần chúng Phật tử mà Đạo tràng Pháp Hoa là một trong những thành tựu từ ý tưởng này.


Như vậy, dù có nhiều trở ngại và khó khăn, nhưng với sự gia tâm hỗ trợ của chư tôn đức, môi trường hoằng pháp đã từng bước được thiết lập thông qua hình thức mới là các đạo tràng.


Trong thời gian ở nhiệm kỳ đầu tiên làm Trưởng ban Hoằng pháp, dẫu có nhiều nỗ lực, thế nhưng cả toàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một giảng đường duy nhất là giảng đường Xá Lợi, và giảng sư lúc đó chỉ có HT. Minh Châu, HT. Siêu Việt, tôi và TT. Giác Toàn. Thính chúng nghe giảng khoảng từ 400-500 người, phần lớn là thành viên của đạo tràng Pháp Hoa.


Ngoài ra, trong những chuyến công tác Phật sự của HT. Chủ tịch HĐTS Thích Trí Thủ, tôi được ngài bố trí tháp tùng theo đoàn. Và, trong khi HT thăm viếng chư tôn đức, tôi có dịp thuyết giảng cho quần chúng Phật tử ở các nơi.


Có thể nói, trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu đảm nhận chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp đầu tiên, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong sự nghiệp hoằng pháp là sự chung tay của chư tôn đức, sự nỗ lực nghiêm trì tu học của Tăng Ni và niềm tin vững chắc vào Chính pháp của quần chúng Phật tử. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều khó khăn ở những năm đầu đất nước mới giải phóng, tôi trân trọng tất cả những điều này.


– PV: Liên tục trong 5 nhiệm kỳ, HT. được chư tôn đức trong HĐCM, HĐTS tín nhiệm suy cử chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, trải qua 26 năm, HT có thể cho biết những điều tâm đắc của mình về những thành tựu của ngành hoằng pháp?


– HT. Thích Trí Quảng: Trong nhiệm kỳ đầu tiên, điều tâm đắc của tôi là: hoàn cảnh càng khó khăn thì đạo tình càng thắm đượm, gắn bó. Tôi ra làm đạo trong lúc hoàn cảnh quá khó khăn nên ai cũng thương, cũng quan tâm, lo lắng.


Sau Đại hội PGTQ lần II, tôi đã tái đắc cử Trưởng ban Hoằng pháp. Đây là một giai đoạn mở ra nhiều vận hội cho đất nước Việt Nam: thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong thời kỳ này, một nhận thức đúng đắn đã được khẳng định trong giới chức lãnh đạo: nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu có thực của một bộ phận quần chúng nhân dân.


Do đó, giới chức lãnh đạo đất nước đã quan tâm cụ thể đến việc tổ chức và xây dựng mới các cơ sở giáo dục Phật giáo. Trường cao cấp Phật học, trường cơ bản Phật học cũng từng bước hình thành trong giai đoạn này. Riêng ngành hoằng pháp, đây là một thời kỳ có nhiều khởi sắc thật sự.


Đầu tiên là việc mở khóa “Đào tạo giảng sư ngắn ngày” ở Cần Thơ (tỉnh Hậu Giang, cũ). Sau thành công mang tính chất sơ khởi đó, tôi đã mạnh dạn chủ trương mở liên tiếp hai khóa đào tạo giảng sư tại TP.Hồ Chí Minh là khóa Thiện Hoa và khóa Trí Thủ. Thời gian đào tạo mỗi khóa là 3 năm với chương trình đào tạo rất xúc tích, cụ thể.


Sau thành công này, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tiếp tục mở song song hai chương trình: cao cấp giảng sư và trung cấp giảng sư. Theo kế hoạch của chúng tôi, sau khi tốt nghiệp, nhân sự của khóa Cao cấp giảng sư sẽ được kiện toàn vào Đoàn Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương và hệ Trung cấp giảng sư sẽ bổ sung vào đội ngũ Ban Hoằng pháp thuộc các tỉnh. Cùng với việc đào tạo giảng sư, việc kiến thiết, thành lập Ban Hoằng pháp tại các tỉnh thành cũng là một mối quan tâm của chúng tôi.


Tính đến nay, các tỉnh thành phía Nam đều có Ban Hoằng pháp và hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Giảng sư Trung ương cũng vừa thành lập, ra mắt với 128 thành viên trải đều 34 tỉnh thành phía Nam. Với những hoạt động khởi sắc bước đầu của Đoàn Giảng sư, tôi coi đây là một trong những thành công trong chiến lược của Ban Hoằng pháp Trung ương.


So với nhiệm kỳ đầu tiên mà tôi đảm nhận chức vụ này, tính đến nay, tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương liên tục 26 năm. Nhìn vào số lượng giảng sư, giảng sinh đông đảo, trải đều các khu vực trong cả nước; nhìn vào số lượng các giảng đường liên tục được mở rộng từ Trung ương đến địa phương; nhìn vào sự phong phú của các mô hình tu học dành cho người Phật tử…, trong tôi ngập tràn một niềm pháp lạc, vì tôi tin rằng giáo lý của Đức Phật đang ngày càng lan tỏa đến đời sống của nhiều người dân và tôi hoàn toàn an tâm vào con đường mà từ trước đến nay tôi đã đảm nhận.


– PV: Được biết, từ sau Đại hội ĐBPGTQ lần thứ VI, HT đã đảm nhận vai trò quan trọng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế và chính thức rời vị trí Trưởng ban Hoằng pháp sau 26 năm liên tục đảm nhiệm, gánh vác. Nhân đây, ngài có điều gì chia sẻ đối với người kế nhiệm?


– HT. Thích Trí Quảng: Trong nhiệm kỳ này, chư tôn đức trong HĐTS đề nghị tôi đảm nhận nhiệm vụ mới là Trưởng ban Phật giáo quốc tế kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Tăng sai thì tôi nhận. Hơn nữa, riêng bản thân, tôi đã nhớ rất rõ lời phát nguyện của ngài Thiện Hoa: “Nơi nào chúng sinh cần, con đến, nơi nào Phật pháp cần, con đi; chẳng quản gian lao, không nề khó nhọc”. Cho nên, dù thay đổi vị trí cũng như chức năng, nhiệm vụ, nhưng tất cả đều giống nhau ở ý nghĩa là đem lại hạnh phúc cho mọi người, nên tôi cảm thấy an lạc trong cương vị mới.


Mặt khác, vấn đề phát triển ngành hoằng pháp, nhất là các tỉnh thành phía Bắc cũng là một ưu tư sâu đậm trong suy nghĩ của tôi. Tôi nhớ lại lời dặn của HT.Thích Thiện Hào thuở còn sinh tiền: hoạt động hoằng pháp ở miền Nam đã phát triển khá tốt, nên lưu tâm phát triển ngành hoằng pháp tại các tỉnh phía Bắc.


Cho nên, trước khi diễn ra Đại hội Phật giáo toàn quốc lần VI, tôi đã từng suy nghĩ: cần tập trung phát triển ngành hoằng pháp tại các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, cũng từ Đại hội VI, tôi được suy cử vào hai chức vụ quan trọng như đã nêu. Ở đây, vì lý do không thể kiêm nhiệm đồng thời hai Trưởng ban nên Ban Nhân sự Đại hội đã suy cử TT.Thích Bảo Nghiêm, một trong những vị Phó ban Hoằng pháp trong nhiệm kỳ của tôi, vào vị trí Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương trong nhiệm kỳ này.


 Và như vậy, với năng lực và sức trẻ, tôi nghĩ rằng TT. Bảo Nghiêm sẽ thực hiện được ưu tư: phát triển ngành hoằng pháp tại các tỉnh phía Bắc, như mong mỏi của chúng tôi cũng như chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội.


Tuy vậy, để ổn định và phát triển ngành hoằng pháp, tôi đã hứa ủng hộ TT. Bảo Nghiêm trong nhiều chương trình hành động. Vì như lời thầy tâm sự với tôi, việc hoằng pháp tại các tỉnh phía Nam, thầy chưa thể đáp ứng được, và hơn nữa, thực tế là đa số hoa trái và thực tiễn hoằng pháp ở miền Nam đều do tôi xây dựng. Do đó, tôi sẽ giúp TT trong việc duy trì, ổn định và phát triển ngành hoằng pháp nói chung và các chương trình hoằng pháp nói riêng tại khu vực miền Nam.


Riêng về cá nhân tôi, những ý tưởng mà tôi đã nghĩ ra trong nhiệm kỳ VI, tôi sẵn lòng truyền lại. Quan tâm của tôi trong sự nghiệp hoằng pháp ở nhiệm kỳ này là vùng dân tộc và nước ngoài. Trước mắt, có 2 việc mà tôi dự định làm:


Thứ nhất, phát triển Đoàn Giảng sư Trung ương. Từ Đoàn Giảng sư Trung ương, xây dựng một bộ phận chuyên đảm trách việc hoằng pháp ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc ít người; xây dựng những sứ giả hoằng pháp có tâm và có lực, đi vào các buôn làng để hướng dẫn đồng bào dân tộc. Trong bối cảnh mới, Đoàn Giảng sư Trung ương nên có một bộ phận chuyên trách về lĩnh vực này.


Thứ hai, từ Đoàn Giảng sư Trung ương cần xây dựng một bộ phận giảng sư chuyên đi hoằng pháp tại nước ngoài. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, tôi thấy nhu cầu học hỏi giáo pháp của một bộ phận Phật tử Việt Nam hải ngoại là rất lớn. Cho nên, nếu chúng ta có đội ngũ giảng sư có trình độ ngoại ngữ, am tường Phật học, đi ra nước ngoài hoằng pháp thì sẽ có ý nghĩa rất lớn. Nếu các thầy trong Ban Hoằng pháp Trung ương thực hiện ý tưởng này thì tôi sẵn sàng hỗ trợ.


– PV: Như vậy, để phát triển ngành hoằng pháp, theo HT chúng ta cần phải làm gì? Và HT có gởi gắm điều gì đối với chư vị giảng sư nhân dịp năm mới?


– HT. Thích Trí Quảng: Với vai trò là một Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tôi nghĩ rằng sẽ có những hỗ trợ rất mực cần thiết để phát triển ngành hoằng pháp.


Trước mắt, với vai trò là Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, tôi sẽ hỗ trợ cho quý thầy giảng sư trong những chuyến công tác hoằng pháp ở nước ngoài; xúc tiến và tạo điều kiện phát triển ngành hoằng pháp không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều khu vực trên thế giới. Với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, việc tổ chức nghiên cứu, hội thảo, ấn hành, những công trình phát triển ngành hoằng pháp là những việc mà tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới.


Với những giảng sư đã từng cộng tác với tôi trong nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực trong hoạt động hoằng pháp, tôi mong các vị sống đúng với tinh thần hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp. Phải nuôi dưỡng ý thức rằng, dù ở cương vị nào đi chăng nữa thì hoằng pháp vẫn là nhiệm vụ chính của cuộc đời mình. Tôi mong tất cả các anh em thực hiện được như điều tôi mong mỏi!


PV: Xin chân thành cám ơn HT.