Trang chủ PGVN HT. Thích Trí Quảng: Vận hội mới cần có những người mới

HT. Thích Trí Quảng: Vận hội mới cần có những người mới

71

– Xin Hòa thượng cho biết công tác chuẩn bị của Phân ban đã chuẩn bị đến giai đoạn nào?


HT Thích Trí Quảng: Mỗi kỳ Đại hội, TƯGH cử ra bốn vị tôn túc phụ trách bốn lĩnh vực: nhân sự, nội dung, tổ chức và Thông tin báo chí – Văn nghệ, triển lãm. Tôi được TƯGH giao trách nhiệm đứng đầu Phân ban về Thông tin báo chí – Văn nghệ, triển lãm. Thực ra, công tác của Phân ban tùy thuộc vào Phân ban Tổ chức Đại hội do HT.Thích Thanh Tứ làm Trưởng Phân ban. Vì Phân ban do tôi phụ trách có hai nội dung là Thông tin báo chí – Văn nghệ, triển lãm, đều phải phụ thuộc vào sự sắp xếp của Phân ban Tổ chức. Vấn đề họp báo, tuyên truyền hay triển lãm tại Đại hội đều phải do Phân ban Tổ chức sắp xếp.


Nhưng Phân ban cũng có những sự chuẩn bị cụ thể của mình. Tôi đã cử HT.Thích Giác Toàn phụ trách mảng thông tin báo chí và TT.Thích Thiện Bảo phụ trách mảng triển lãm. Đây là hai vị sẽ phụ trách chính các mảng. Ngoài ra, nhân sự của Phân ban còn có nhiều chư tôn đức và cư sĩ Phật tử khác cùng giúp việc. Đó là những vị thuộc Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa, Báo Giác Ngộ và Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo…


Nhân sự Phân ban Thông tin báo chí – Văn nghệ, triển lãm tôi đã trình lên Ban Tổ chức Đại hội. Riêng mảng triển lãm cho Đại hội, Giáo hội đã có thông báo cho các ban ngành cũng như các BTS tỉnh thành đóng góp các tư liệu hoạt động Phật sự trong 5 năm qua. Tiểu ban triển lãm sẽ thu thập và chuẩn bị cho triển lãm.


Công tác tuyên truyền Đại hội đã được thực hiện trong thời gian qua thông qua báo Giác Ngộ. Các tổng kết của các ban ngành, ý kiến chư tôn đức lãnh đạo, thông tin Đại hội… đã được đăng tải cập nhật.


Mới đây, Ban Hoằng pháp T.Ư đã kết hợp với VPII và THPG TP.HCM tổ chức “Khóa tập huấn hướng về Đại hội PG toàn quốc lần thứ VI và Đại lễ Phật đản LHQ 2008” tại Nhà Truyền thống – Văn hóa Phật giáo cho chư tôn đức các BTS tỉnh thành và giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư cũng như của tỉnh thành. Đây là khóa tập huấn nhằm để chư tôn đức các địa phương có thông tin tuyên truyền cho Tăng Ni và Phật tử địa phương.


Hoạt động văn hóa – văn nghệ chào mừng Đại hội, vì chúng ta không có nhiều kinh phí nên không thể tổ chức cho các đoàn từ miền Nam ra Hà Nội biểu diễn. Do đó, chúng tôi cũng giao lại cho Phân ban Tổ chức hoạt động văn hóa – văn nghệ chào mừng Đại hội. Phân ban Tổ chức sẽ tìm kiếm một đoàn văn nghệ nào phù hợp với Phật giáo để biểu diễn.


– Vấn đề họp báo là một kênh dẫn thông tin đến với quần chúng về hoạt động của Giáo hội. Lần họp báo kỳ Đại hội này sẽ tổ chức thế nào?


Các kỳ Đại hội chúng ta đều tổ chức họp báo và đều mời các cơ quan báo chí đến tham dự. Như đã nói, vấn đề họp báo cũng phụ thuộc vào Phân ban Tổ chức sắp xếp ngày giờ và địa điểm họp báo. Phân ban Thông tin báo chí – Văn nghệ, triển lãm chỉ chuẩn bị nội dung họp báo và nhân vật để báo chí tiếp xúc phỏng vấn. Kỳ họp báo của Đại hội trước chúng tôi đã làm tốt, các cơ quan báo chí đến tham dự rất đông.


Tất nhiên cũng có những mặt chưa được và lần này sẽ khắc phục. Chẳng hạn như vấn đề tài liệu sẽ được chuẩn bị tốt hơn. Còn vấn đề “tranh thủ” thì chúng ta vẫn làm. Nhưng với thông tin chúng ta cung cấp, đăng phát với hình thức thế nào, nội dung dài ngắn là tùy thuộc ở các cơ quan báo đài.


– Vấn đề nhân sự luôn là sự quan tâm không chỉ của Tăng Ni mà còn của cả Phật tử. Hòa thượng có thể cho biết ý kiến cá nhân về vấn đề nhân sự của Đại hội lần này?


Quan điểm của tôi trước sau vẫn là trẻ hóa nhân sự, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Đất nước chúng ta đang hội nhập và phát triển không ngừng. Phật giáo cũng đi cùng sự phát triển ấy. Chúng ta phải hòa nhập mới có thể phát triển được. Đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, nhiệt huyết mới có thể theo kịp với đà phát triển của xã hội. Những công việc cần người trẻ làm nên giao cho họ để họ có cơ hội cống hiến và cũng để phù hợp với quy luật chung. Trong vận hội mới cần có những người trẻ tâm huyết đóng góp sức lực cho Giáo hội. Phải đào tạo họ để họ có thể đảm trách công việc. Vì họ sẽ là những người lãnh đạo Giáo hội sau này.


Tuy nhiên bên cạnh đó, Phật giáo có những đặc thù riêng là cần phải có chư tôn đức giáo phẩm cao niên trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội. Các Hòa thượng sẽ là người trao kinh nghiệm cũng như chỉnh lại những công việc chưa phù hợp. Giữa thế hệ cũ và mới phải có sự hài hòa. Tôi tin rằng nhiệm kỳ này sẽ bổ sung nhiều nhân tố mới cho Giáo hội.