Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Nêu xây Việt Nam Quốc Tự thành chùa cao...

HT. Thiện Tâm: Nêu xây Việt Nam Quốc Tự thành chùa cao ốc, 1 phần cho giáo dục

121

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, để chuẩn bị cho hoạt động giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội, cần có cơ sở vật chất, cụ thể là trường lớp. Vậy trong hoàn cảnh hiện nay, cơ sở trường lớp lấy đâu ra?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Để Phật giáo Việt Nam có thể triển khai hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ, như nhận thức, cơ quan phụ trách, nhân sự…

Lẽ ra, cơ sở vật chất trường lớp là một nội dung chuẩn bị được đề cập đến sau. Nhưng do đạo hữu đã nêu ra vấn đề ở đây, thì chúng ta cùng nhau trao đổi ý kiến.

Thế đạo hữu thấy tôn giáo khác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội ra sao?

CS MT: Kính bạch HT, con thấy có thể chia ra làm 5 loại chính:

1)    Loại kiến trúc được xây dựng mới trên đất của tôn giáo, như một cao ốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, được sử dụng làm trường học mầm non do chính tôn giáo đó điều hành, phần còn lại cũng cho thuê làm trường học (trước đây là trường ngoại ngữ). Có rất nhiều cơ sở như thế, dù cho thuê hay tự sử dụng đều phần lớn dùng làm trường học.

2)    Loại kiến trúc vốn là cơ sở tôn giáo liên tục từ trước đến nay được chuyển đổi chức năng làm trường học. Loại này ít thấy cho thuê.

3)    Loại kiến trúc mới được giao trả lại, hầu hết được sử dụng làm trường học hay cho thuê làm trường học. Chẳng hạn, các tòa nhà trên đường Nguyễn Thông, Lý Chính Thắng, được dùng để mở trường trung cấp, trường ngoại ngữ…

4)    Loại kiến trúc mới xây dựng trong các nhà thờ hầu hết đều có thiết kế dùng làm trường học, nhưng trước mắt chỉ dùng làm trung tâm mục vụ hay lớp học âm nhạc, giáo lý… Đây cũng là kiến trúc trường học.

5)    Loại kiến trúc vốn là trường học nghe nói sẽ trả lại theo lộ trình như cơ sở hiện do Đại học Sài Gòn quản lý trên đường Bà Huyện Thanh Quan.

Như vậy, tổng diện tích kiến trúc mà tôn giáo khác chuẩn bị làm trường học và thực tế đã làm trường học rất lớn.

Những kiến trúc như thế một phần tọa lạc tại khu trung tâm TPHCM (quận 1, quận 3) là khu biệt thự sang trọng, vốn đã là khu trường học cao cấp trước đây. Phần còn lại rải đều ra ở khắp nơi, đi cùng các cơ sở tôn giáo tại TPHCM, cũng như các tỉnh thành.

Con có vào thăm cơ sở vật chất hiện dùng làm lớp học ở Trung tâm Mục vụ TPHCM thì thấy rất hiện đại, trang bị máy tính, máy chiếu, hệ thống nghe nhìn.

Việc chuẩn bị cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội như thế không chỉ là diện tích kiến trúc xây dựng mà còn là trang thiết bị nội thất, có thể đưa vào khai thác lập tức với quy mô lớn, vừa có trong điểm khu trung tâm thành phố lớn, vừa đều khắp trên phạm vi cả nước, cả ở những địa phương vùng xa, hẻo lánh nhưng đã có cơ sở tôn giáo đó. Việc chuẩn bị cũng gồm những tiện ích như hội trường, thư viện.

HT TTT: Đạo hữu nghĩ là việc cho thuê cơ sở tôn giáo làm trường học có đặt nặng mục tiêu lợi nhuận?

CS MT: Kính bạch HT, con nghĩ, mục tiêu lợi nhuận, tức là mục tiêu tạo nguồn thu cho quỹ hoạt động tôn giáo vẫn được tính đến, nhưng không phải là hàng đầu. Mà đây là việc duy trì các cơ sở kiến trúc phục vụ hoạt động giáo dục luôn ở tình trạng sẵn sàng khai thác.

Những trường học thuê cơ sở vật chất tôn giáo dường như đã là cơ sở giáo dục phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, thí dụ trường trung cấp trên đường Nguyễn Thông quận 3 có chức năng đào tạo (và cấp bằng) sư phạm mầm non. Trước yêu cầu người tu sĩ có bằng cấp sư phạm, thì vào đây học sẽ có ngay bằng cấp cần thiết. Vì vậy, con nghĩ trên hết là mục tiêu triển khai hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

HT TTT: Đạo hữu có thấy phía Phật giáo chúng ta chuẩn bị gì về cơ sở vật chất trường lớp cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội?

CS MT: Kính bạch HT, dạ không ạ, ngoại trừ một số cơ sở tu học, hội trường lớn, mà có thể chuyển đổi chức năng. Còn lại, con thấy hầu hết đều là thư vận động xây chùa, đúc tượng, nhất là những pho tượng lớn hàng trăm tỷ đồng. Tất nhiên, chưa thể kể đến kiến trúc và tiện ích cho hoạt động giáo dục tu sĩ trong khi đang nói đến hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

HT TTT: Như vậy, theo đạo hữu, lấy đâu ra cơ sở vật chất trường lớp khi Phật giáo Việt Nam triển khai hoạt động giáo dục hướng ra xã hội?

CS MT: Kính bạch HT, con nghĩ Phật giáo Việt Nam chúng ta có thể xin được giao lại cơ sở giáo dục trước đây, như cơ sở Viện Đại học Vạn Hạnh cũ.

HT TTT: Thầy thì nghĩ khác. Nói về cấp đất, thì Phật giáo Việt Nam vừa được cấp hơn 7000 m2 đất tại khu đất Việt Nam Quốc Tự cũ. Đã có đất, thì:

–    Nếu chúng ta chỉ xây dựng cơ sở cúng bái thờ tự thì chỉ có cơ sở cúng bái, thờ tự, không thể có cơ sở vật chất trường lớp cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

–    Nếu chúng ta kết hợp vừa xây dựng cơ sở thờ tự cúng lễ, vừa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp chuẩn bị cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, thì sẽ có cả 2.

CS MT: Kính bạch HT, như thế thì làm sao ạ?

HT TTT: Theo thầy, đối với Việt Nam Quốc Tự, chúng ta xây dựng một cao ốc, trên đỉnh là chính điện, phần diện tích bên dưới sẽ dùng làm trường học và đảm nhiệm những chức năng giáo dục văn hóa khác như hội trường, thư viện, cơ sở xuất bản phát hành sách.  

Hình thức chính điện trên đỉnh nhà cao tầng này, với bố cục hợp lý, chúng ta đã thấy ở công trình xây dựng Phật giáo mới đây là Pháp viện Minh Đăng Quang, chỉ có điều là chính điện trên đỉnh tòa nhà nhiều tầng Pháp viện Minh Đăng Quang hơi nhỏ, vì bố trí hình tháp, càng lên cao diện tích càng nhỏ lại.

Nếu bố trí theo mẫu chùa trên đỉnh cao ốc hình trụ như đã có ở Đài Loan, Singapore… thì chúng ta sẽ có chính điện 1000m2 chẳng hạn, trên cao ốc thí dụ 15 tầng còn lại là 15.000m2. Với diện tích này thì có thể xây dựng một trung tâm giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội lớn, có thể gồm cả mầm non, tiểu học, trung học, đại học…

CS MT: Kính bạch HT, cho phép con xin mạn phép một chút, có lẽ HT là nhà giáo dục nên nhìn đâu cũng thấy ra trường lớp? Như thế có thể là Phật giáo Việt Nam chúng ta phải hy sinh kiến trúc một ngôi chùa mang tính dân tộc chăng?

HT TTT: Không đâu đạo hữu. Nếu chúng ta xây chỉ một ngôi chùa một tầng lầu như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Phổ Quang hay Đại Tòng Lâm thì cũng không có gì là mới mẻ, đặc sắc.

Còn theo phương án của thầy, thì chúng ta có mất ngôi chùa đâu?

Ở đây vấn đề chỉ là làm sao đưa ngôi chùa lên đỉnh một kiến trúc cao tầng một cách mỹ thuật và bảo đảm tính dân tộc. Thầy nghĩ rằng các kiến trúc sư tài giỏi sẽ giải quyết được vấn đề này.

Chùa 1 tầng trệt là chùa từ thế kỷ XIX trở về trước.

Chùa trên 2 – 3 tầng lầu là chùa đầu thế kỷ XXI.

Chùa có thể trên 10-15 tầng lầu là chùa đáp ứng nhu cầu Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ XXI.

Trong hoàn cảnh đất chật người đông hiện nay, cách kiến trúc hiệu quả nhất, lợi ích nhất là cao tầng.

Nếu không xây nhà cao tầng thì lấy đâu ra diện tích để đáp ứng mục tiêu hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam.

Có nhận thức, chủ trương, cơ quan phụ trách, có nhân sự được đào tạo, nhưng cơ sở vật chất không có, thì làm sao triển khai hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, đòi hỏi cơ sở vật chất khu trung tâm.

Thầy thấy các đại học lớn ở TPHCM hiện nay đều là các cao ốc. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm, Đại học Y Dược… nếu cuối thế kỷ XX, có độ cao trung bình 3-4 tầng, thì hiện nay đã là các cao ốc đồ sộ, mười mấy tầng.

Nếu không xây dựng cao ốc thì lấy diện tích đâu đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục.

Và lại còn những nhu cầu khác của Phật giáo nữa như hành chính, hoằng pháp, tu học, sinh hoạt thanh niên…

Thầy nhìn vấn đề không phải với góc độ giáo dục mà với tầm nhìn phát triển dài hạn.

Mười năm trước, tòa nhà Học viện Phật giáo Việt Nam ở đường Nguyễn Kiệm 5 tầng đã là một trường học thuộc loại đồ sộ, có thể là cao nhất lúc đó.

Đến nay, thì đã chẳng thấm vào đâu so với Cao ốc Đại học Y Dược mới xây dựng.

Nếu chọn lựa phải đi ra xa ngoài thành phố với phương án cao ốc, đạo hữu chọn phương án nào?

CS MT: Dạ con chọn phương án ở cao ốc. Bây giờ trên đỉnh cao ốc có những căn biệt thự trên cao rất đẹp, rất giá trị, có cả sân vườn, làm con nghĩ đến giải pháp ngôi chùa có chính điện trên đỉnh cao ốc của HT.

HT TTT: Hơn nữa, với thửa đất có thể được phép xây dựng cao ốc, nhưng nếu ta xây dựng 1-2 tầng lầu, sẽ rất lãng phí. Trước đây đã có dự kiến xây dựng cao ốc ở khu đất vừa được cấp. Như thế, nên xem đây là cơ hội. Còn khi đã xây chùa 1-2 tầng lầu thì đã là công trình vĩnh viễn, thôi không làm gì được nữa.

Cũng cần xét đến là trong bối cảnh gia tăng chiều cao bình quân của đô thị hiện nay, nếu không xây cao ốc kiến trúc chùa có thể rơi vào tình trạng lọt thỏm.

Cách đây 10 năm, tháp chùa Vĩnh Nghiêm là một kiến trúc tháp đúng nghĩa. Bây giờ, tháp chùa Vĩnh Nghiêm bị thấp đi một cách biểu kiến trước việc xây dựng nhiều cao ốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Hay giữa một khu cao ốc đã và đang xây dựng, nếu không đưa lên cao chính điện Pháp viện Minh Đăng Quang thì cũng coi không được, ngôi chùa sẽ như một thung lũng.

CS MT: Kính bạch HT, nhưng chùa trên cao ốc, chung với trường học, có ồn náo, phiền nhiễu?

HT TTT: Đạo hữu có thấy các cao ốc lớn ở trung tâm TPHCM có ồn ào, phức tạp hay trật tự, sạch sẽ thậm chí là yên tĩnh? Trường học trong chùa, chùa là trường học là điều mà chúng ta hướng tới. Một ngôi chùa vắng vẻ, tịch mịch, không người lai vãng ở trung tâm thành phố, chẳng những vừa không thích hợp, vừa đi ngược lại mục tiêu hoằng pháp độ sinh.

Thực ra, ý kiến đề xuất xây trường học, mà kiến trúc thế kỷ XXI là cao ốc, trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự không phải là điều gì mới.

Trước năm 1975, tại đây đã có Viện Đại học Phương Nam, là đại học tư thục của Khối Việt Nam Quốc Tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ý tưởng của thầy cũng chỉ là khôi phục trường học ở đây mà thôi. Tầm nhìn đó đã có từ thập niên 1960 đối với khu đất trung tâm này vốn đã được sớm nhìn thấy khả năng phục vụ hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Cơ sở vật chất trường lớp phục vụ hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo tuy là yếu tố khách quan nhưng rất cần quan tâm chuẩn bị.

Lý do quan tâm chuẩn bị chính là do ở tính chất khách quan, tức là tùy thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Yếu kém về cơ quan phụ trách, bộ máy quản lý, đào tạo nhân sự, nếu cố gắng, có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết trong 5-10 năm. Còn cơ sở vật chất trường lớp ở khu trung tâm thành phố, có khi cầm tiền trên tay, vẫn không tìm được địa điểm phù hợp như khu Việt Nam Quốc Tự hiện nay. Càng về sau khả năng để có được khu đất lớn ở trung tâm xây dựng trường học sẽ càng khó khăn.

Tuy là chủ yếu nhìn từ góc độ hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, nhưng thầy thấy việc xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành tòa nhà đa chức năng của Phật giáo Việt Nam, gồm cả thờ tự, tu học, hoằng pháp, văn hóa, y tế, sinh hoạt thanh niên, thương mại dịch vụ liên hệ đến đời sống tâm linh… là lợi ích nhiều mặt của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo TPHCM nói riêng, trong đó, lợi ích giáo dục hướng ra xã hội là một trong những lợi ích trọng tâm, căn bản.

CSMT: Thành kính cảm ơn HT đã dành nhiều thì giờ cho cuộc phỏng vấn. Kính chúc HT an lạc.

MT (thực hiện)

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.