Trang chủ Bài nổi bật Khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ...

Khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XVII tại chùa Bằng

Ngày 01 tháng 10 năm 2022, nhằm ngày 06 tháng 09 năm Nhâm Dần, tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XVII diễn ra từ ngày 01 - 07/10/2022 (nhằm ngày 6 - 12/09/Nhâm Dần).

263

Tối ngày 30/09/2022, Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và thực hiện nghi thức sái tịnh đàn để khai mạc Pháp hội Dược Sư PL2566 – DL2022.

Đức Phật Dược Sư là một vị Phật nổi tiếng với khả năng chữa bệnh của mình. Ngoài tên gọi trên, Ngài còn được biết đến với những tên gọi khác như: Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật hay Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Trên phương diện hiện tượng, đàn tràng được gọi là đàn Dược Sư bởi vì nương vào Kinh Dược Sư Bản Nguyện Công Đức nói về 7 vị Phật Dược Sư ở phương Đông, cho nên có 7 bàn thờ và 7 pho tượng của Phật Dược Sư. 

Chia sẻ với đại chúng trong buổi khai mạc Pháp hội Dược Sư, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN đã nhấn mạnh “Khái niệm Pháp hội trong Đạo Phật khác lễ hội nơi thế gian. Lễ hội là nét đẹp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, địa phương, khu vực và quốc gia. Phần Lễ là nghi lễ truyền tải khí thiêng, đưa sự mong muốn và nguyện cầu của con người tới đấng cao siêu mà người dân tôn kính thờ phụng. Còn “Hội” là diễn lại sự tích của Đấng cao siêu ấy, hay là tổ chức những chương trình mang nét sinh hoạt văn hóa dân gian cộng đồng. Còn trong Phật giáo, phần Lễ dùng phương pháp tu, truyền tải sự tu và học. Còn “Hội” tức là đại chúng hội họp lại với nhau. Gọi đây là Pháp hội, bởi trong phần “Hội” có phần “Pháp”. Pháp chuyển tải tinh thần giáo pháp của Đức Phật, những lời dạy mang tính chất chuyển mê khai ngộ, đoạn trừ Tam độc Tham – Sân – Si, chuyển phàm thành thánh, đưa người đến bờ Giác ngộ. Vì vậy, trong đàn tràng có giảng pháp. Khi tụng kinh, chư Tổ đã dạy “tụng kinh giả, minh Phật chi lý”. Tức là tụng kinh không phải chỉ để cầu nguyện, mà tụng kinh phải hiểu được lời lẽ Phật dạy trong kinh như thế nào, và đem lời lẽ đó để thực hành trong cuộc sống thì mới ý nghĩa.

Qua đây, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử trong Pháp hội hãy chuyên chú nhất tâm để tu tập, hưởng trọn vẹn năng lượng của mười phương chư Phật, áp dụng lời Phật dạy để xây dựng cuộc sống an bình, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương từ ái.

Sau đó, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng, đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Dược Sư trong niềm chí thành chí kính của người con Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, gia đình hạnh phúc yên vui.

Buổi trưa, đại chúng cùng thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm, an lạc.

Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư một thời vào buổi sáng, một thời vào buổi chiều, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn 8h00 sáng các ngày từ mùng 01 đến ngày 07/10/2022, chư Tôn đức giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư. “Đây chính là dịp để các Phật tử có thể nghe những vị Tăng Ni trẻ thuyết pháp, nhưng cũng là môi trường tốt để các vị giảng sinh thực tập được những kiến thức hoằng pháp đã học” – Hòa thượng chia sẻ.

Diệu Tường