Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Khánh Hòa : Thanh tịnh, uy nghiêm Sắc tứ Kim Sơn cổ...

Khánh Hòa : Thanh tịnh, uy nghiêm Sắc tứ Kim Sơn cổ tự

135

 

Chùa cổ Kim Sơn nằm ở xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do Thiền sư Pháp Ấn xây dựng vào thời Hậu Lê trên một ngọn đồi đá nằm giữa bình nguyên, thường gọi là núi Gành, sau đổi là Kim Sơn do có sự tích khi xây dựng chùa thấy có một số vàng chôn ở đấy. Năm 1740, Nguyễn Phúc Khoát đổi tên chùa là Quy Tôn Tự và ban tấm biển sơn son thiếp vàng khắc 3 chữ lớn “Quy Tôn Tự” cùng 8 chữ lạc khoản “Quốc Chủ Từ Tế Đạo Nhân ngự đề”. Năm 1845, Vua Thiệu Trị sắc hạ chùa theo danh hiệu cũ. Dưới triều Khải Định, chùa còn được gọi là chùa Bà Nghè do bà vợ một vị quan đã xuất gia và có công trùng tu lại ngôi chùa.

Kim Sơn thiên cổ tự,
Bi Trí hiện tùy duyên,
Chân tâm vô sở trụ,
Điều Ngự Giác Hoàng viên.

     

   

 

 調  

Chùa cổ sắc tứ Kim Sơn tọa lạc tại thôn Ngọc Hội xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía Tây Bắc thuộc tỉnh Khánh Hòa.


Đây là một ngôi chùa cổ kính, được hình thành từ xa xưa, chưa xác định chính  xác từ năm nào, nhưng tương truyền được ghi lại trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký thì chùa (Thiền Tự) đã có từ thế kỷ 13. Nhân chuyến thăm Chiêm Thành của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông vào năm 1301, có ghé thăm chùa ở núi Gành (tức Ngọc Hội ngày nay). Trước cảnh thanh tịnh, uy nghiêm tuyệt đẹp của ngôi chùa ngài có đề câu đối:

Kim âu lãng thủy Ngọc hoàn quy

Sơn tự thiền tông Hội phước tri”.

Tạm dịch:

Bát vàng soi bóng  ngọc lại về,

Chùa thiền trên núi tụ phước mãi.

Từ đó tên chùa được đặt theo hai chữ đầu câu đối: Kim Sơn – còn hai chữ thứ năm là tên làng Ngọc Hội.

Cho đến thế kỷ thứ XVII, Đại lão HT. thượng Thiệt hạ Địa hiệu Pháp Ấn đã xây dựng hoàn chỉnh ngôi chùa tồn tại cho đến ngày nay. Và theo truyền thống từ xưa Đại lão Hòa thượng là vị Tổ Khai sơn sáng lập chùa.

Đến năm Canh thân (1740) chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên chùa và ban biển hiệu sơn son thếp vàng, khắc bốn đại tự SẮC TỨ QUY TÔNG và 8 chữ lạc khoản: Quốc chủ Từ Tế Đạo Nhân Ngự Đề cùng 4 chữ triện Nghiệp Quảng Duy Cần.


Vào năm Thiệu Trị thứ V (1845) nhà vua sắc hạ chùa theo tên cũ là Sắc Tứ Kim Sơn Tự.

Dưới triều vua Khải Định (1916-1924) có phu nhân của một vị quan hưu đã xuất gia tu hành và trùng tu lại chùa. Vì lẽ đó, chùa còn được dân chúng trong vùng gọi là chùa Bà Nghè. Trải qua mấy trăm năm chùa vẫn tiếp tục được tu bổ, phát triển ngày một rộng rãi, khang trang hơn.

Theo tài liệu “ Chùa KIM SƠN trong sự nghiệp phục hưng bảo vệ tổ quốc Việt Nam anh hùng” do cụ Nguyễn Hồng Sinh hội trưởng Hội văn hóa truyền thống dân tộc Nha Trang Khánh Hòa – khảo biên (năm Nhâm Ngọ – 2002) thì các thế hệ truyền thừa và trụ trì chùa Kim Sơn từ khi thượng hoàng Trần Nhân Tông cho “ tái lập Phật tự” (1301) đến nay (2006) là 23 vị:
Kế thừa đạo nghiệp truyền đăng tục diệm, trú trì thứ 23 hiện tại của chùa Sắc tứ Kim Sơn là TT. Thích Nguyên Minh, pháp hiệu Minh Hiền nối pháp đời thứ 44 dòng Thiên Lâm Tế Liễu Quán.

Chùa Sắc tứ Kim Sơn là một thắng tích lịch sử văn hóa của tỉnh Khánh Hòa.

Trải bao mùa sen nở, công đức truyền trì mạng mạch cổ tự Sắc tứ Kim Sơn cũng đã qua bao đời tiên tổ và hàng ngàn thế hệ Phật tử, ngôi chùa lúc nào cũng là:

 “Mái chùa che chở hồn dấn tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”


Giờ đây mỗi người con Phật lại càng dũng mảnh phát tâm tinh tấn tu hành, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Với đại chúng Phật tử tại đạo tràng Kim Sơn ngoài việc hàng tháng duy trì đều đặn hai ngày tu tập Chánh niệm và Bát Quan Trai, chùa còn tổ chức các khóa tu học, tập trung theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Năng lượng tu tập tinh cần của quý Phật tử luôn đem lại lợi lạc không những cho chính tự thân của mỗi người mà còn thanh tịnh hóa môi trường quanh…

Thật đúng là:

Kim điện nguy nga vạn cổ hồng đồ tăng tráng lệ,

Sơn môn thanh tịnh thiên thu phong cảnh thắng quang minh…

 

NNC Trí Bửu lược soạn theo thư tịch chùa Sắc tứ Kim Sơn. Tháng 1-2014