Trang chủ Diễn đàn Không thể có quốc lễ nếu người dân thiếu lễ (cập nhật...

Không thể có quốc lễ nếu người dân thiếu lễ (cập nhật ý kiến độc giả 21h54 ngày 11/2)

62

Khổng Tử từng dạy: “Nén mình theo lễ là người” (Khắc kỷ phục lễ vi nhân). Lễ là những chuẩn mực, những quy tắc, nguyên tắc trong cuộc sống. Những chuẩn mực ấy hướng dẫn lối sống, nhận thức nơi mỗi con người. Đó cũng chính là ý nghĩa nền tảng của giáo dục: “Tiên học lễ, hậu học văn”.


Lễ nâng tầm cho nhân cách, đạo đức, văn hóa, phong tục, lối sống. Lễ điều hòa các mối quan hệ xã hội từ vua quan đến cha con, chồng vợ, bạn bè… Lễ quan trọng đến mức người ta chú trọng giáo dục con người ngay từ trong bào thai, từ đó một con người khi được sinh ra và lớn lên sẽ có những nền tảng tâm thức để tiếp thu những chuẩn làm người cơ bản khác.


Các tôn giáo truyền thống của Việt Nam đã quan tâm đến chữ Lễ ngay trong các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc căn bản của mình cụ thể bằng giới luật, quy điều. Nhưng điều đó không hề có tính chất ràng buộc pháp lý cho nên nghiêng nhiều hơn về các nguyên tắc đạo đức (tốt xấu trong hành vi ứng xử). Và chính các nguyên tắc này hình thành nên những giá trị ứng xử tích cực, tác động không nhỏ vào quan niệm xã hội.


Không chỉ kêu gọi mọi người giữ gìn đạo đức, chuẩn mực bằng khuyến khích tôn giáo, nhà nước, trong thực tiễn phát triển của mình còn định ra pháp luật để giữ vững trật tự xã hội. Vừa ngăn ngừa bằng pháp luật, vừa khuyến khích các hành vi ứng xử đúng mực và có chuẩn là những điều kiện cần thiết để xã hội có được sự ổn định, thanh bình. Không khó để có thể từ Lễ mà nhìn ra quốc lễ, quốc đức, thậm chí quốc vận của cả một dân tộc.


Trong những ngày gần đây, báo Vietnamnet có tổ chức diễn đàn thảo luận “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”.


Có lẽ, về mặt lý thuyết, chúng ta không thiếu những bài viết, những công trình hội thảo khoa học bàn về lễ hội. Ngay cả việc “làm thế nào…” cũng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, trong nhiều năm nay. Thế thì vì lý do gì đến nay chúng ta vẫn phải bàn việc “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”.


Nếu lấy lý do vì thấy cảnh lễ hội diễn ra xô bồ, chặt chém, xả rác (ở một góc cận cảnh nào đó) để bàn về lễ hội thì đó là bàn ngọn mà không phải bàn gốc. Bởi vốn dĩ chữ “lễ” trong lễ hội lâu nay đã bị hiểu sai là đi cúng lễ với hương vàng, hoa quả, khấn vái…


Muốn bàn gốc, chúng ta phải quay trở về với giáo dục học đường để chấn chỉnh, bởi những gì chúng ta đang thấy ngày hôm nay là vết khuyết của từ một, hai, thậm chí ba thế hệ đã được giáo dục một cách đầy sai lầm về “lễ giáo” (giáo dục về lễ). Bởi hễ nhắc đến “lễ giáo” là người ta gắn ngay nó với “sản phẩm phong kiến” bằng một cách nhìn thiếu thiện cảm. Vì vậy, chữ “lễ” cùng với các bài học cơ bản làm người khác đã bị bỏ quên trong một thời gian dài.


Những năm gần đây, chữ “lễ” đang được quan tâm trong học đường, nhưng hiểu nó thế nào còn là một vấn đề cần phải bàn tiếp. Bởi “lễ” đâu có phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực “lễ phép” với thầy cô, cha mẹ, bạn bè (tức quan hệ người – người) mà lễ còn là một trật tự của vụ trụ muôn loài.


Trật tự của vũ trụ muôn loài có tương quan nhân quả rất rõ với con người, vì bất cứ một yếu tố nào đi ngược với lễ đều làm đảo lộn “trật tự” ấy và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến con người. Thiên ý và nhân luân bao giờ cũng phải thuận hợp với nhau, bất cứ sự tàn phá rừng núi, ao hồ, sông suối nào cũng đều là những hành vi xúc phạm đến thần minh. Nếu nghiên cứu kỹ về tín ngưỡng đa thần và cách cúng tế của người Việt xưa mới thấy rõ sự tôn trọng lễ đối với thiên nhiên của người Việt chi tiết trong từng việc nhỏ như chặt cây, khai mương, đào giếng…


Như vậy ở trong nhà, ra ngoài cửa, cho đến động chân, cất bước, bắt tay vào việc làm không điều gì là không có lễ. Quét bụi ngược gió là vô lễ, phủi áo quần trước mặt người là vô lễ, cởi trần tiếp khách là vô lễ, rác không bỏ vào nơi quy định, ngồi đâu xả rác đó là thiếu lễ…


Ở ý nghĩa xã hội, “nén mình theo lễ” chính là phải biết điều chỉnh mình theo các nguyên tắc văn hóa ứng xử trong những hoàn cảnh khác nhau. Với điều này, những biểu hiện “trực quan sinh động” trong ứng xử gần đây của người Việt tại các lễ hội đã đến mức báo động.


Ở TP.HCM, có năm tại lễ hội hoa xuân, người ta đổ xô tràn vào cướp hoa, đến nỗi nhiều chủ hoa phải dùng gậy đập nát hoa của mình vì không còn cách gì để ngăn tình trạng “cướp cạn” ấy; đường hoa Nguyễn Huệ cũng gặp những sự cố như bê trộm những đồ vật trang trí…; sau đêm mừng Giáng sinh khu vực công viên chung quanh nhà thờ Đức Bà trắng rác trên mặt cỏ (tình trạng xả rác này cũng diễn ra tại chùa Phúc Khánh Hà Nội).


Ở Festival Huế, từng xảy những cảnh đập phá, lấy cắp những sản phẩm trưng bày trong lễ hội. Ở Hà Nội, điển hình là vụ bẻ hoa tại lễ hội hoa anh đào, và gần đây là việc phá phách lễ hội hoa trong dịp đón năm mới 2009; Điều đáng nói, trong những gương mặt phá phách lễ hội không chỉ có những người trẻ mà có cả những người trung niên và người già. Đây là một mặt bằng ứng xử văn hóa rất đáng quan ngại.


Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, ở lễ hội chùa Hương, một lễ hội cấp quốc gia, người ta chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt của rác thải trên suối, cách hành xử của chủ đò, việc nâng giá để “chặt chém” túi tiền của du khách trong một số dịch vụ gửi xe, ăn uống… Đây cũng là những chuyện “đến hẹn lại lên” của không ít lễ hội trên khắp đất nước.


Lễ hội chùa Hương năm nào cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Song gần như chúng ta đều rơi vào vấn đề “bàn ngọn” qua một số hình ảnh làm chúng ta phật lòng. Nói một cách khách quan và công bằng, việc tổ chức và phục vụ lễ hội tại chùa Hương đã được cải thiện theo từng năm.


Thực tế, không có một lễ hội nào dù tổ chức tốt đến đâu không có những vấn đề tiệc cực của nó, vì thế chúng ta nên nhìn nhận sự việc ở mức độ tương đối.


Sống theo lễ không phải là việc đến chùa Hương dâng lễ mà phải biết “nén mình”, điều chỉnh thói quen thường ngày, tôn trọng những nội quy của chùa, của ban tổ chức đặt ra. Chúng ta thấy rõ là có rất nhiều biển nội quy nhưng một bộ phận du khách (chứ không phải vài chục vạn người ai cũng làm thế) vẫn xả rác xuống suối và bất cứ đâu trên đường đi.


Nén mình theo lễ” là cả năm chúng ta đã ăn thịt cả quá nhiều rồi thì nên dành một, hai ngày ăn chay để đến viếng cửa Phật cho lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh. Nếu du khách nào cũng nghĩ được như vậy thì làm gì có cảnh thịt treo, bia rượu bày bán tùy tiện nơi đất Phật bất chấp phản ứng của giới Tăng Ni, Phật tử.


Chuẩn mực đã có, nội quy cũng được phổ biến, thông tin báo chí trong nhiều năm nay cũng nhắc đến nhiều, nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ du khách vẫn sống với lễ hội ở mức “chưa có lễ”. Cái lỗi ấy, nếu đổ hết lên ban tổ chức thì cũng có phần oan uổng, bởi khi lập công tác chuẩn bị phục vụ lễ hội, họ đã nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất, thành công nhất, đỡ tai tiếng nhất, nhưng không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra giống như mong muốn.


Những diễn biến tiêu cực là điều có thể kinh nghiệm và điều chỉnh được qua mỗi mùa tổ chức lễ hội. Đây cũng không phải là việc làm ngày một ngày hai khi lễ hội diễn ra theo bầu không khí “thị trường” có kẻ bán người mua và tham vọng “kinh doanh” lâu dài lợi dụng vào thắng tích.


Tình trạng không tôn trọng pháp luật biểu hiện trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, càng khiến người dân nghi ngờ nhiều hơn về các giá trị. Nếu nhìn vào việc tăng giá để “chặt chém” du khách của một bộ phận kinh doanh nào đó thì thấy đó là tâm lý khá phổ biến của những người bán hàng thời kinh tế thị trường. Nếu ở hoàn cảnh có thể bắt bí được (độc quyền) đối với người tiêu dùng là họ tăng giá. Tăng giá diễn ra ở những tầm mức rộng lớn trong xã hội, giữa giá trị thực và giá trị ảo đã được bơm phồng bằng quảng cáo, nhưng nhiều khi nó vui tai, vui mắt và ngọt ngào đi vào cuộc sống thường ngày đến mức khó nhận ra được.


Chúng ta lấy ví dụ, đồ điện tử gia dụng nay đã rẻ đến bất ngờ so với những lúc giá cao chót vót của nó mấy năm trước. Giá gạo năm 2008, thực tế gạo ngon, nhập lậu từ Campuchia qua, giá còn rẻ hơn giá gạo trong nước, nhưng họ vẫn tung tin đồn thất thiệt để tăng giá gạo một cách vô tội vạ khiến người dân đổ xô đi mua gạo với giá cắt cổ. Rồi thì giá xăng dầu, khi tăng tìm mọi cách để tăng từng ngày từng giờ, nhưng khi giảm thì cứ như nhỏ giọt.


Giá nhà đất ở một nước nghèo như Việt Nam cũng tương đương, thậm chí cao hơn những nước giàu. Cho đến giá điện, giá nước, giá tất cả mọi mặt hàng thiết yếu khác trong từng lĩnh vực đều được người chủ kinh doanh chỉnh lên một mức quá “chuẩn” để kiếm lời, càng “ảo” trong chuẩn giá càng kiếm lời nhiều.


Tâm lý kiếm lời ấy đã ăn sâu vào trong lối nghĩ xã hội, thử hỏi với những người bám vào mùa lễ hội để tạo nguồn sống trong cả một năm, họ có thể đi ra ngoài cách nghĩ ấy không?


Luật lệ do con người đặt ra, và cái gì đã bị biến thành hàng hóa thì thuận mua vừa bán, nhưng trong hoàn cảnh có thể bắt bí được người khác thì việc nâng giá cao là thiếu lương tâm. Kiềm lời bằng mọi cách bất chấp đạo lý, lương tâm cũng đều là do sống thiếu lễ, mà thiếu lễ thì sẽ có khuynh hướng làm lợi cho mình gây tổn cho người.


Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tận dụng mọi cách để “thu thuế” người dân, nên ngay cả trong việc tâm linh, cúng bái thì không thể tránh khỏi tâm lý đó, vì thế du khách bỗng dưng phải trở thành một trong những “thượng đế” bỏ tiền ra đi “mua” không khí lễ hội. Họ mất tiền nên thông thường họ nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ họ. Trách họ xả rác và trách ban tổ chức phục vụ chưa hết lòng, chứ không thể trách dòng người đi lễ đông, vì đó là một nhu cầu chính đáng như bao nhu cầu khác. Mọi quan hệ thương mại đã sòng phẳng với nhau đến như thế thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để nhìn sự việc sâu từ trong bản chất.


Ông bà mình xưa đi lễ chùa, vì không mất tiền gì ngoài lòng thành và sự tùy tâm hỷ cúng nên thấy mình là chủ của di sản, thắng tích, mọi hành vi làm ô uế, vấy bẩn lên cửa chùa đều có cảm giác bị thánh thần trừng phạt. Chính điều đó mà hiểu tại sao ông bà mình mỗi khi bước chân đi lễ chùa là sửa thân, sửa lòng hướng dẫn con cháu từ việc không được chỉ trỏ vào tượng thần Phật, vì như thế là vô lễ, sẽ bị thần thánh quở trách.


Hoa tươi dâng cúng Phật, thánh song không được vứt chung với rác bẩn mà phải để chỗ sạch cho khô rồi đốt đi, nếu nó mục thì bón vào gốc cây. Không được khạc nhổ, tiểu tiện không đúng chỗ vì theo quan niệm tâm linh của ông bà ta những chỗ đó có thần, quỷ, hoặc những người khuất mặt trú ẩn, nếu vô tình vấy bẩn lên người họ, họ sẽ hành cho mình bị ốm đau…


Thiết nghĩ, ngoài việc chờ đợi những tín hiệu vui từ việc giáo dục đạo đức lối sống có quy mô hơn của cả hệ thống giáo dục, chúng ta càng phải quan tâm đến các giá trị tâm linh tôn giáo nhiều hơn nữa bằng hành động sửa mình nghiêm trang, đưa con cháu đi lễ hội để giáo dục lòng yêu quý, trân trọng di sản văn hóa của ông cha, chỉ ra cho con cháu thấy được những mặt tích cực và tiêu cực đang diễn ra trong lễ hội, chứ không phải mới nhìn vào một vài biểu hiện phật ý mình mà tẩy chay lễ hội. Bởi điện ảnh, ca hát, game, trò chơi cảm giác mạnh và nhiều thứ khác trong đời sống hiện đại vĩnh viễn không thể thay thế được những giá trị tâm linh, tinh thần đến từ các lễ hội truyền thống.


Còn rất nhiều những hình ảnh tốt đẹp trong lễ hội rất đáng để chúng ta dành tặng những lời khen ngợi. Tô hồng hay bôi đen hình ảnh của lễ hội truyền thống dân tộc một cách chủ quan thái quá, tùy tiện cũng nên xem đó là một hành vi không trung thực với chính mình.


Điều chỉnh được mình, sống đúng với lễ cũng có nghĩa khẳng định mình là một con người. Nếu chúng ta không quan tâm giáo dục chữ “lễ” ngay từ trong ghế nhà trường thì càng mở rộng quy mô các lễ hội thì càng thúc đẩy nhanh quá trình tàn phá di sản. Người đi lễ chùa bao gồm nhiều thành phần dân chúng không thuần nhất nên rất phức tạp, nếu không gắn với ứng xử văn hóa, văn minh thì càng đông người càng làm cho lễ hội trở nên lộn xộn, xô bồ.


Tôn giáo mà biến tướng vào các hành vi cầu tài, cầu lộc không phải là hướng đi tích cực cho xã hội. Và không thể có bộ mặt quốc lễ khi những việc như vứt rác đúng chỗ, vào nơi tôn nghiêm phải ứng xử thế nào cho phải đạo không được nhà trường quan tâm giáo dục và người dân ý thức trong cuộc sống của mình. Vận nước lâu dài của dân tộc chúng ta có lẽ nào lại không liên quan gì đến việc kịp thời giáo dục người dân sống sao cho đúng với lễ?







Ý kiến độc giả


Huy Lê – Hoa Kỳ ([email protected]) Là một Phật tử, xem hình ảnh lễ hội ở các danh lam cổ tự mà thầy buồn. Kính xin quý vị có trách nhiệm nên tự vấn lương tâm về những hình ảnh của người Việt Nam như vậy. Du khách nước ngoài sẽ nghĩ sao về phong tục, văn hóa của nước ta? Ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để có tiếng nói, hành động, phối hợp với địa phương để trang nghiêm chốn thờ tự, lễ hội.


Người Quan Sát – Huế ([email protected]) Trong khi một số vĩ lãnh đạo lo làm sao để diễn giải “khế cơ là chủ nghĩa xã hội” thì cảnh nhếch nhách, xô bồ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm vẫn diễn ra chung quanh các lễ hội Phật giáo. Với tôi nên định nghĩa khế cơ nhỏ, thật nhỏ hơn nữa. Khế cơ là Phật tử không xả rác. Khế cơ là Phật tử không uống rượu. Khế cơ là Phật tử không hút thuốc chỗ đông người. Khế cơ là biết tin nhân quả, tin điều lành… Vân vân những thứ định nghĩa khế cơ hay ho, dễ hiểu như thế tại sao chúng ta không quan tâm?


Tâm linh xã hội biến tướng nhiều quá. Những điều cao siêu quá thì với mỏi tay cũng chưa tới, còn những điều hiển nhiên, sờ sờ trước mặt thì chúng ta ngó lơ, xin đừng… Xã hội nào thì cũng phải cần có lễ, trong đó có cái lễ phải thành thật và trung thực với chính mình. Khi bước vào các lễ hội, sự ồn ào lấn át trang nghiêm, thói bốc rời giá cả đánh tan lương tâm và lòng trung thực. Chốn thanh tịnh và ngó dọc cũng có rác, ngó ngang cũng có rác… Sạch cho mình và bẩn cho người, cho môi trường sống đang ở mức báo động đỏ như thế thì chỉ còn biết than ôi… VĂN MINH…


Có lẽ chư Phật, chư Bồ tát sức tùy thuận và lòng bi mẫn viên mãn lên đã lắng nghe tất cả. Trong đó có vô vàn nỗi khổ nhân sinh mà một nỗi khổ làm cho người ta không tôn trọng nhau đó chính là thiếu Lễ.


Lan Anh – Hà Nội ([email protected]) Thật xúc động khi đọc bài viết của tác giả Nguyễn Mai Sơn vì quả thực nhìn ở góc cạnh nào cũng thấy xã hội chúng ta đang “mất lễ”, và tôi cũng tán đồng với ý kiến quy hoạch hàng quán của Nguyễn Khoa. Chúng ta cần phải chấn chỉnh cảnh nhếch nhác trong lễ hội, vì thực sự việc chấn chỉnh cho đem đến lợi ích dài lâu cho lễ hội. Cải thiện được môi trường lễ hội sẽ cuốn hút du khách nhiều hơn. Tôi xin góp một ý kiến nhỏ để các cơ quan chức năng Phật giáo tác động đến chính quyền phải triệt để dẹp các ổ cờ bạc trong các lễ hội Phật giáo, đặc biệt là kiểm tra và xử lý các loại sách bói toán nhảm nhí, mê tín… vì khi báo chí nhắc nhiều đến điều này, quả thực nhưng người chưa từng tiếp xúc với Phật giáo sẽ nghĩ rằng đó là những nội dung của Phật giáo. Giới trí thức trẻ như chúng tôi rất dị ứng với điều này. Vì nó chỉ gậy hại cho tư tưởng khi chỉ trông chờ vào sự ban ơn cứu rỗi.


Phạm Văn ĐăngHà Nội ([email protected]) Tôi nghĩ rằng, để cải thiện hình ảnh lễ hội một cách lành mạnh trong các tự viện Phật giáo, thiết nghĩ Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương đó cần phải vào cuộc. Bởi lễ hội đã quá tầm của một vị trụ trì. Không phải địa phương nào cũng có lễ hội Phật giáo lớn. Những lễ hội được báo chí gần đây nhắc đến nhiều là lễ hội chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính, chùa Phúc Khánh… Theo cách nghĩ chung đó là hình ảnh lễ hội của Phật giáo, chính vì thế những hình thức tiêu cực diễn ra trong các lễ hội này sẽ mang hình ảnh của Phật giáo. Tôi cho rằng, Giáo hội lên đẩy mạnh tuyên truyền trước nhất trong giới Tăng Ni, Phật tử khi đi đến các lễ hội. Theo tôi việc làm đầu tiên là cấp giấy chứng nhận Phật tử kèm theo những điều khỏan về giới luật, bảo vệ môi trường văn hóa, cách đi đứng nói năng… Giấy chứng nhận này làm cơ sở để giảm giá vé vào các khu thắng tích Phật giáo do chính quyền quản lý. Điều thứ hai là tiến hành một một cách đồng bộ về y phục mặc khi đi tham dự lễ hội. Phật giáo các địa phương cần lên kế hoạch du xuân chiêm bái cho Phật tử qua các điểm lễ hội để đi tổ chức theo đoàn để bài bản và trật tự hơn.


Thích Tịnh QuangTP.HCM ([email protected]) Chúng ta cần xây dựng lại hình ảnh lễ hội Phật giáo ngay từ bây giờ, đừng để những du khách vô ý thức từ nhiều thành phần làm xấu hình ảnh lễ hội của Phật giáo, tôi nghĩ trong đêm kinh hoàng tại Bái Đính, Phật tử không bao giờ làm điều đó. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm trong khâu tổ chức những hình ảnh lễ hội, nghi thức trong trang nghiêm và chọn lọc. Đặc biệt khi nhiếp phục đàn tràng cần phải tuyển chọn những người có đức độ, thanh tịnh bằng không hộ pháp, thiện thần sẽ không tăng uy lực phù trợ. Khi xưa trước những nghi lễ quan trọng ở tầm quốc gia từ người chủ lễ, người tài trợ, pháp sư, những người hộ đàn phải trai giới nghiêm mật trong cả tháng trời. Vì vậy sức thành công thật mỹ mãn. Chúng ta nên phục dựng những hình ảnh tâm linh, thiêng liêng bằng chính hành động có thanh quy của mình. Không nên tùy tiện, xem thường những việc làm như vậy.


Văn ThànhHà Nội ([email protected]) Theo dõi trên Vietnamnet tôi thấy họ đang bàn nhiều về lễ hội, tôi rất vui khi phattuvietnam không đứng ngoài diễn đàn này. Thành thực mà nói, đáng lẽ đó là công việc cần phải làm của chúng ta. Tại sao Giáo hội không nghiên cứu và quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh lễ hội Phật giáo trong thời hiện đại. Đã đến lúc chúng ta phải chấn chỉnh lại hình ảnh lễ hội. Dù biết rằng nhiều thành phần dân chúng tuy có tình cảm tôn giáo nhưng chưa thuần là người Phật tử đúng nghĩa. Chính vì vậy, họ đến thắng cảnh thực chất là một công đôi chuyện, vừa đi dạo cảnh thay đổi không khí, vừa đến để cầu may, cầu tài, cầu lộc. Đó cũng là một nhu cầu. Chúng ta không thể bác bỏ, nhưng việc làm trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục. Tuyệt đối không nên đến lễ hội để thỏa mãn những thú vui vật dục thế tục như bia rượu, thịt cá tràn lan… Giáo hội nên có ban chuyên trách kịp thời bàn thảo trước những mùa lễ hội để tư vấn, thiết kế chương trình lễ hội, tránh những việc làm tùy tiện. Tôi thấy qua hình ảnh cảnh chen nhau lấy lộc và xả rác đầy đường tại chùa Phúc Khánh mà trong lòng không vui. Đó không phải là một hình ảnh văn minh. Nếu chưa tác động nhiều đến tâm lý của người đi lễ chùa thì nên chăng chùa cũng có một ban trật tự, ban dọn dẹp vệ sinh, để thấy bất cứ đâu có lộn xộn và rác thải là phải xử lý kịp thời. Đặc biệt cần phải trả lại cảnh quan trong sạch cho đường phố, thậm chí phải tô thắm thêm vẻ đẹp cho đường phố chung quanh chùa.


Mai Văn TrungBắc Ninh ([email protected]) Tác giả bài viết nêu vấn đề rất xác đáng, tôi nay đã là một cán bộ về nghỉ hưu nhưng tôi vẫn nhớ bà tôi nói rằng chỉ tay vào tượng Phật là sẽ bị đau mắt, đau tay đến mức sẽ không chữa khỏi nếu không đến sám hối, tạ lễ. Điều bà tôi nói đã theo tôi suốt cuộc đời, nên mỗi khi bước vào chốn chùa chiền tôi rất ý thức điều này. tôi nghĩ, nhiều du khách hiện nay đã quá xem thường các giá trị thiêng liêng mặc dù đã kéo nhau đi cầu cúng tài lộc rất nhiều. Họ cài tiền lên tay tượng, mình tượng, một cách rất bất kính. Tôi nghĩ tội đó cũng nặng không kém tội chỉ tay vào tượng Phật hay khạc nhổ tiểu tiện không đúng chỗ. Quý thầy nên giáo dục Phật tử điều này tốt hơn. Tốt nhất các nơi có lễ hội nên đề xuất với Ban tổ chức có một đội tuyên truyền trong lễ hội, đội tuyên truyền này nên được hóa trang bằng những trang phục vui mắt mang tính lễ hội nhưng trên trang phục gắn với biểu tượng thắp ít nhang, không xả rác, không khạc nhổ, kèm theo những hình ảnh sinh động báo động tình trạng mỗi người chúng ta đang góp tay tàn phá môi trường, di sản…


Trương Công Khanh – Australia ([email protected]) Lễ hội truyền thống là một trong những phương tiện hữu ích để nhà nước tiếp thị hình ảnh của mình nhằm đẩy mạnh công nghiệp du lịch và dịch vụ. Trong các lễ hội truyền thống, lễ hội Phật giáo luôn gắn bó và gần gũi với dân chúng. Vậy thì tại sao Giáo hội không có chiến lược dài hạn để thông qua các lễ hội đặc sắc mà nâng cao hình ảnh của chính mình. Mỗi năm Phật giáo có những lễ hội thu hút rất nhiều người tham dự như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán mừng Xuân Di Lặc. Gọi là Xuân Di Lặc vì gắn với hình ảnh hoan hỷ, tươi vui rất phù hợp với các phong tục đầu năm mới của dân tộc. Các lễ hội xuân lớn của Phật giáo thường gắn với Chùa Hương, Yên Tử. Đây là 2 lễ hội mang tầm vóc quốc gia. Vậy thì hình ảnh của nó phải chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn dù biết rằng kinh tế thị trường đang tràn vào mọi ngõ ngách. Giáo hội nên quan tâm nhiều hơn đến lễ hội vì ở tầm vóc ấy, và cần phải có nhiều bộ óc cùng tham gia xây dựng hình ảnh lễ hội, vì lễ hội cũng là một hình thức để Giáo hội hoằng pháp. Mỗi một năm nên có một chủ đề cho lễ hội. Chẳng hạn năm 2010 là năm lễ hội làm sạch môi trường, tổ chức họp báo, phổ biến sâu rộng đến khắp các tự viện, Phật tử, cùng góp tay tham gia xây dựng lễ hội. Từ hình ảnh đó mà thay đổi thói quen của du khách, bằng không chỉ sau 5, 10 năm nữa các Thắng Tích, Linh Địa ấy sẽ tồn tại song song với những bãi rác khổng lồ mà cả hàng triệu năm mới tiêu hủy hết những chất liệu gây ô nhiễm như túi nhựa… Nên kết hợp với chính quyền giải tỏa để trả lại cảnh non xanh, núi biếc do các hàng quán dựng nên trong phạm vi thắng tích. Khi mảnh đất tâm linh bị gây ô nhiễm như vậy thì các giá trị trong xã hội sẽ bị xem thường.


Nguyễn Khoa ([email protected]) Tôi cho rằng, tại các lễ hội Phật giáo, Giáo hội và chính quyền địa phương không nên để hàng quán nhếch nhác như vậy mà cần có quy hoạch nơi mua sắm đồ lưu niệm vào một khu thích hợp. Các hàng quán cơm phở cũng nên tập trung vào một nơi. Tuy nhiên thống nhất trong kiến trúc xây dựng cho phù hợp với canh quan. Thống nhất bảng quảng cáo không to quá không nhỏ quá. Không cho phát loa làm ồn ào cảnh quan thanh tĩnh (nếu có chỉ nên cho cá băng tụng kinh). Tuyệt đối không thể để các lều bạt nhếch nhác, các ô dù quảng cáo của thuốc lá, bia, nước ngọt xuất hiện trong khu vực dí tích. Nếu có trên đường đi bộ dài trong hành trình, Ban Tổ chức nên lập những chòi nước mang phong cách lễ hội, phục vụ nhu cầu uống nước giải khát của du khách mà không thu phí. Số tiền du khách hỷ cúng do việc uống nước dùng để làm từ thiện. Lập những tổ thu gom rác định kỳ theo giờ. Cần có chế độ thù lao thích đáng cho những công nhân dọn dẹp rác thải. Cần xây dựng một nhà máy xử lý rác thải cách xa thắng tích với bán kính 5 km, rác hàng ngày được ô tô chuyên chở đến đó để xứ lý. Chúng ta đã “làm kinh tế” và kiếm tiền không ít từ lễ hội thì cần phải có cái nhìn giữ gìn lâu dài cho di sản và đầu tư thích đáng, bằng không thì sẽ rất có tội với tiền nhân tiên tổ.


Trần HoàngQuảng Ninh ([email protected]) Quả thực, không có lễ thì khó mà trở thành người được. Tôi chỉ là người tình cờ ghé thăm Phattuvietnam, nhưng tôi thấy vấn đề lễ hội nêu ra rất thiết thực. Quý nhà chùa nên hiến kế cho lễ hội, vì quả tình là một du khách, tôi cũng có lúc bức xúc khi viếng thăm một số cảnh chùa. Thú thật khi trong lòng có sự bực bội thì rất khó để tĩnh tâm. Nhiều khi tôi cứ nghĩ hay do mình quá nhạy cảm chứ người chung quanh có thấy bực gì đâu. Nghĩ thế để tạm an ủi thôi chứ thực tình tôi thấy nhiều du khách “thiếu lễ” quá. Vàng mã đốt tràn lan, mỗi khi gió thổi qua là bay mù mịt. Đó là ô nhiễm, bụi bẩn chứ gì nữa. Quý nhà chùa nên khuyên người vãng cảnh đốt ít vàng mã cho đúng thủ tục thôi, và phải đốt đúng nơi quy định. Tôi thấy quý nhà chùa nhắc nhở du khách rằng một nén hương cũng thấu đến trời xanh, một vái xa bằng ba vái gần, lòng thành của mình chính là thứ hương thơm nhất để cúng thần Phật, nhưng người ta cứ cắm đầu cắm cổ châm từng bó lớn, đến nỗi có người bị cháy tay quang cả bó nhang xuống đất. Vào chùa hít phải khói hương dày đặc, không phải là chuyện tốt cho sức khỏe. Hơn nữa nhiều chùa phải nhổ bớt hương nhúng vào nước không dễ gây cháy. Số hương vứt bỏ đi to hàng đống vô cùng lãng phí tiền. Đã đến lúc quý nhà chùa tập cho Phật tử thay đổi thói quen mang hương đến chùa vì hương đã luôn được nhà chùa thắp sẵn rồi.







Nếu quý độc giả có ý kiến về bài viết nêu ra, đặc biệt về vấn đề tổ chức lễ hội đầu năm, xin bấm vào đây để ghi ý kiến, hoặc gửi email về địa chỉ [email protected]