Trang chủ Thời đại Xã hội Kinh tế Phật giáo – Một giải pháp toàn diện

Kinh tế Phật giáo – Một giải pháp toàn diện

74

Những định nghĩa đầu tiên về kinh tế – chính trị của thế gian chỉ đơn giản là sự nghiên cứu về tài sản. Sự tiếp cận mang tính khoa học đầu tiên về đề tài này đã được bắt đầu bởi Aristotle, người vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay với sự hiện hữu của trường phái Austrian.


Adam Smith, tác giả của quyển sách có ảnh hưởng lớn The Wealth of Nations và được một số người xem là “cha đẻ của kinh tế hiện đại,” đã định nghĩa kinh tế học đơn giản là “Khoa học về tài sản.”


Ông ta cũng đã cho một định nghĩa khác “Khoa học liên hệ đến những luật lệ sản xuất, phân phối và trao đổi.”


Theo định nghĩa của tự điển Webster’s New World thì kinh tế là sự quản lý lợi tức, chi tiêu,… của một gia chủ, doanh nghiệp, cộng đồng hay nhà nước; sự quản lý cẩn thận tài sản, tài nguyên,..; tránh sự lãng phí bằng kế hoạch và tiêu dùng cẩn thận; một hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng tài sản.


Nhìn chung, những định nghĩa về kinh tế là làm sao lưu thông cho được hàng hoá (về phía người bán) hoặc thoả mãn cho được nhu cầu (về phía người mua), và nhà kinh tế đã không đả động gì đến những hậu quả đạo đức của những hoạt động kinh tế hay giai đoạn sau khi thoả mãn nhu cầu.


Chẳng hạn, nhà sản xuất hoặc buôn bán rượu chỉ nghĩ là làm sao bán cho được càng nhiều rượu càng tốt và họ không cần biết đến hậu quả của sự tiêu thụ rượu đó có thể là tai nạn giao thông, bạo hành gia đình…


Đạo Phật với pháp môn thiền định cùng những kỹ thuật quán chiếu nội tâm ngày càng được biết nhiều ở phương Tây. Nhưng đồng thời, một hình ảnh về đạo Phật luôn gắn bó với khổ hạnh hoặc xuất ly thế gian để nhập vào một cảnh giới tịch mịch, ẩn dật và riêng tư vẫn còn khá phổ biến trong suy tư của nhiều người.


Tuy nhiên, những lời Phật dạy có liên hệ đến nhiều lĩnh vực của đời sống và chỉ cho ta cách hành xử thế nào để được hoà hợp và an vui trong một thế giới đầy bất ổn.


Mục đích của đạo Phật là nhằm đem lại lợi ích, làm giảm khổ đau và mang lại sự bình an nội tâm cho con người. Tuy nhiên, chỉ tụng đọc kinh điển thôi thì không đủ.


Và, phải ngang qua hành thiền, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp người ta mới thật sự đạt được sự hoà hợp giữa nội tâm và ngoại cảnh.


Đức Phật tuyên bố rằng, thế giới là thiếu thốn, khao khát và nô lệ cho tham ái (taṇhā). Ngài đã kể câu chuyện một ông vua giàu có trị vì một vương quốc hùng mạnh, vị vua này đã gần tám mươi tuổi, già yếu; thế nhưng, khi nghe nói có một xứ sở nào có nhiều vàng bạc, gia súc, gái đẹp thì vị vua này lại hăng hái lên và cử quân chinh phạt.[1]


Lòng tham của con người là vô cùng tận. Và chính nó là nguyên nhân cho mọi bất an của xã hội trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả kinh tế.


Về kinh tế ngày nay, con người đã đạt được những thành tựu kỳ diệu với sự gia tăng không ngừng của những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để đáp ứng những nhu cầu của mình.


Tuy nhiên, những thành tựu đó như con dao hai lưỡi, có thể giúp ích và cũng có thể làm hại con người. Do vậy, chúng ta phải cảnh giác với việc sử dụng một cách bất công, phi đạo đức, vô trách nhiệm và vị kỷ với những ứng dụng mới này. Thế giới đang phải đương đầu khốc liệt với nạn khủng bố, nhiên liệu cạn kiệt, hố cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, bịnh AIDS thế kỷ, đạo đức suy đồi.


Thủ phạm của những hậu quả nghiêm trọng đó không ai khác ngoài tham ái (taṇhā) của con người. Trong đạo Phật cũng có một loại tham muốn (chanda) khác với taṇhā. Taṇhā là thoả mãn nhu cầu có tính vị kỷ, gây nên bất an nội tâm và bất ổn xã hội; trong khi chanda là tham muốn có tính vị tha, đưa đến lợi mình lợi người, góp phần vào sự an sinh của cộng đồng, là một sự hoà hợp giữa cá nhân, xã hội và môi trường.


Những gì thế giới cần ngày nay là một sự đổi mới những giá trị. Những nỗ lực của chúng ta là nhắm đến xây dựng một hoàn cảnh toàn cầu mới biết quý trọng sự hoà hợp với thiên nhiên và sự bảo vệ hệ sinh thái độc đáo của thế giới.


Đức Phật rất quan tâm đến môi trường sống, ngài dạy các vị tăng là chớ làm hại các hột giống và các loại cây cỏ, không nhận các hạt sống, không nhận thịt sống[2].


Chúng ta cũng nên tìm cầu sự chuyển hoá thế giới từ đơn cực thành đa cực, từ độc quyền chiếm đoạt thành giúp đỡ, chia xẻ và hợp tác. Chỉ ngang qua sự chuyển hoá của tâm mà mục đích này mới có thể thành tựu.


Đạo Phật như một phương tiện, qua đó ta có thể mang lại sự chuyển hoá của tâm. Đạo Phật không chỉ quan tâm đến những lý tưởng đạo đức và triết học thâm sâu. Phật giáo với chánh niệm không chỉ thích hợp cho giới trí thức và giáo hội mà còn cho cả giới bình dân.


Có một người đến học pháp, đức Phật đưa cho một câu kệ, vị này học mãi nhưng vẫn chẳng thuộc. Thế rồi, khi biết vị này là thợ rèn, ngài chỉ cho vị này tu tập theo phương pháp đếm hơi thở vào ra tương thích với công việc hàng ngày của vị ấy và không lâu sau đó, vị này đã chứng ngộ. Và, đức Phật bàn về mọi khía cạnh của thực tiễn khổ đau gồm cả những vấn nạn của kinh tế xã hội.


Đức Phật thừa nhận rằng thật khó để có một đời sống ổn định trong một hoàn cảnh nghèo khó. “Đối với những gia chủ trên thế gian này, nghèo là khổ đau.”[3] “Khổ đau trên cuộc đời này là nghèo và nợ nần.”[4] Nghèo khó, giống như lòng tham, góp phần vào tội phạm và bất ổn xã hội.[5]


Do đó, ở góc độ nhà nước cần phải thấy được nhu cầu của những người nghèo khó và phải xua đuổi nghèo khó ra khỏi đất nước. Tối thiểu, mọi người phải có được việc làm lương thiện, buôn bán nên được khuyến khích, vốn liếng cần được tổ chức và kinh doanh cần được giám sát để chặn đứng những công việc bất thiện hay bóc lột. Theo tiêu chí này, thì sự vắng mặt nghèo khó, một loại thành công của nhà nước, có thể tốt hơn sự có mặt của những nhà triệu phú.


Và ngài đã có những lời dạy thực tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế một cách ổn định. Một hôm, Bà la môn Ujjaya viếng thăm và hỏi đức Phật về cách sống thế nào để được hạnh phúc. Ngài đã trả lời bằng sự giải thích những điều kiện có thể đưa đến hạnh phúc cho đời này và đời sau:


“Này Bà-la-môn, bốn điều kiện này đưa đến hạnh phúc và lợi ích trong hiện tại. Đó là nỗ lực, thận trọng, bạn tốt và nếp sống cân bằng.


“Và, thế nào là thể nhập sự nỗ lực (uṭṭhāna-sampadā)? Một vị thiện nam tử tự nuôi sống bằng sự nỗ lực. Hoặc nghề nông, buôn bán, chăn nuôi, binh nghiệp hay nghệ thuật, vị ấy nỗ lực, tự thích ứng và thiện xảo. Vị ấy không lười biếng trong công việc mà trái lại, lanh lẹ và có ý thức. Vị ấy biết cách quản lý công việc, có khả năng và có tinh thần trách nhiệm: đây được gọi là thể nhập sự nỗ lực.


“Và, thế nào là thể nhập sự thận trọng (rakkhana-sampadā)? Vị thiện nam tử có tài sản, là kết quả có được một cách lương thiện từ mồ hôi và sức lao động của mình. Vị ấy tự vận dụng để bảo vệ tài sản ấy và nghĩ rằng, làm sao ta có thể đề phòng tài sản này khỏi bị nhà vua tịch thu, khỏi bị kẻ trộm cướp, khỏi bị lửa đốt, khỏi bị lũ lụt cuốn trôi hay bị chiếm đoạt bởi những người thân không xứng đáng? Đây được gọi là thể nhập sự thận trọng.


“Và, thế nào là bạn tốt (kalyāṇa-mitta)?  Ở đây, vị thiện nam tử, sống ở thị trấn hay thôn làng, đối xử tốt, biết khuyên dạy, và biết nghe lời, những gia chủ ấy, những người con của những gia chủ, trẻ thì trưởng thành, và lớn hơn thì đáng kính, những người có niềm tin, đạo đức, lòng bố thí, và trí tuệ. Vị ấy học và thi đua niềm tin với những ai có niềm tin; vị ấy học và thi đua đạo đức với những ai có đạo đức; Vị ấy học và thi đua sự bố thí với những ai có bố thí; vị ấy học và thi đua với những ai có trí tuệ. Đây là bạn tốt.


“Và, thế nào là nếp sống cân bằng (sammā-ājīva)?  Vị thiện nam tử tự nuôi sống một cách điều độ, không phung phí cũng không keo kiệt. Vị ấy biết những nguyên nhân đưa đến sự gia tăng hay tổn giảm tài sản; vị ấy biết công việc kinh doanh nào sẽ mang lại lợi tức nhiều hơn sự tiêu dùng khác hơn là sự tiêu dùng vượt quá lợi tức.


Như một người cân đồ vật… Nếu vị ấy có lợi tức ít nhưng sống phung phí thì có thể vị ấy chẳng bao lâu sẽ sạt nghiệp. Nếu vị ấy có lợi tức lớn nhưng keo kiệt thì có thể vị ấy sẽ chết như một kẻ nghèo túng. Nhưng vị ấy tự nuôi sống một cách tiết độ nên vị ấy được gọi là có nếp sống cân bằng.


“Này Bà-la-môn, tài sản thu hoạch chân chính như vậy có bốn con đường dẫn đến suy giảm. Đó là tiêu dùng vào đường trụy lạc, say xỉn, cờ bạc và giao du bạn ác. Ví như một hồ nước lớn với bốn ống dẫn vào và bốn ống dẫn ra được mở van, và trời không mưa, hồ nước lớn ấy chỉ có mong đợi là giảm, không tăng…


“Này Bà-la-môn, tài sản thu hoạch chân chính như vậy có bốn con đường dẫn đến phát đạt. Đó là không tiêu dùng vào đường trụy lạc, không say xỉn, không cờ bạc và giao du với bạn thiện. Ví như một hồ nước lớn với bốn ống dẫn vào và bốn ống dẫn ra. Nếu những ống dẫn vào được mở ra và những ống dẫn ra được đóng lại, và trời mưa, thì sự mong đợi chỉ có thể gia tăng, không giảm…


“Này Bà-la-môn, bốn điều kiện này đưa đến hạnh phúc và lợi ích cho một thanh niên trẻ trong hiện tại.”[6]


Rồi, đức Phật tiếp tục mô tả bốn điều kiện dẫn đến hạnh phúc và lợi ích trong tương lai. Đó là niềm tin tinh thần, đạo đức, bố thí và trí tuệ.


Trong đoạn sau, đức Phật giải thích cho người triệu phú Anāthapiṇḍika những lợi ích có thể phát sinh từ tài sản: 


“Này gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm? Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chân chính duy trì sự an lạc. Làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.


“Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Nó làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chân chính duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.


“Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Các tai hoạ từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự không xứng đáng được chận đứng, và nó giữ tài sản được an toàn cho nó. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.


“Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu tóm với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, có thể làm năm hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho tổ tiên đã chết, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.


“Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu tóm với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đối với các Sa môn, Bà la môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục nhu hoà, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.”[7]


Liên hệ đến lĩnh vực kinh tế, đức Phật cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng công việc kinh doanh, “Tài sản cần chia làm bốn phần: Một phần để ăn uống và làm các bổn phận, hai phần để đầu tư mở rộng doanh nghiệp, và phần tư còn lại để dành lúc khó khăn.”[8] Tuy nhiên, ngài cấm buôn bán một số nghề làm hại con người, động vật, làm hại đến sức khoẻ, nhân phẩm đưa đến rối loạn xã hội; đó là: buôn bán vũ khí, buôn bán con người, buôn bán thịt động vật, buôn bán các chất gây nghiện, và buôn bán thuốc độc.[9]


Tuy nhiên, khi so sánh các loại hạnh phúc thì đức Phật cho rằng hạnh phúc tinh thần là tối thắng. Có lần giảng giải cho thương gia Anāthapiṇḍika, đức Phật nói có bốn loại hạnh phúc, đó là hạnh phúc của sở hữu, thọ hưởng, không nợ và thanh tịnh. Và ba loại hạnh phúc trên (thuộc vật chất) không bằng một phần mười sáu của hạnh phúc do thanh tịnh (thuộc tinh thần) thân, khẩu, ý.[10] Ngài cũng nói, tài sản làm hại kẻ ngu nhưng không làm hại được kẻ tìm cầu mục đích.[11] Kẻ tìm cầu mục đích, theo đạo Phật, là người xa lánh taṇhā.


Chơn hạnh phúc chỉ có thể chứng nghiệm bằng thiền định. Có một lần, sau khi tranh luận với ngoại đạo, đức Phật hỏi rằng giữa ngài và nhà vua Bimbisara ai sống hạnh phúc hơn? Ngoại đạo trả lời rằng, ngài sống hạnh phúc hơn, vì nhà vua không thể ngồi thiền bảy ngày, sáu ngày, năm ngày… cho đến một ngày; trong khi, đức Phật trái lại, ngài có thể ngồi thiền  một ngày… cho đến một tuần.[12]


Cá biệt như nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển và sự giàu có đang gia tăng, nhưng chúng ta nên nhớ và vận dụng những lời dạy của đức Phật, những vấn đề kinh tế cần được gắn liền với đạo đức và an sinh xã hội. Hạnh phúc chân thật của con người phải là mục đích và kinh tế chỉ là phương tiện. Nói một cách khác, kinh tế phải có tính nhân bản. Với sự đóng góp của đạo Phật – sự giác tĩnh, kinh sách và người giác tĩnh – thì sự phát triển kinh tế mới toàn diện và con người mới thật sự hạnh phúc.
——————————————————————————–


[1] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), II, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1974, tr. 72 – 73.
[2] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), I, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 268
[3] Anguttara Nikāya, III, 350.
[4] Ibid., 352.
[5] Dīgha Nikāya, III, 65, 70.
[6] Anguttara Nikāya, IV, p.241.
[7] Tăng Chi  Bộ  Kinh (Anguttara Nikāya), II, Thích Minh Châu dịch, Hồ Chí Minh, 1988, tr. 49-51A.
[8] Dīgha Nikāya, III, 188.
[9] Anguttara Nikāya, III, p.207.
[10] Anguttara Nikāya, II, p. 69.
[11] Dhammapada,55.
[12] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), I, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 94B – 94C