Trang chủ Văn hóa Lễ hội đầu năm

Lễ hội đầu năm

53

Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, người xưa có câu vậy. Bây giờ thì dù là tháng Giêng, người hiện đại cũng phải làm việc ngay từ sau Tết, chứ không thể có nhiều thời gian dành cho “ăn chơi”. Nhưng ngày xưa, nói “ăn chơi” cũng là nói…chơi thôi, chủ yếu câu nói muốn nhắm tới các lễ hội truyền thống được tổ chức rộn rịp từ Nam chí Bắc trong suốt tháng Giêng – Hai.

Lễ hội mang đậm tình cảm quê hương

Đã có một thời kỳ khá dài, do chiến tranh, do những quan niệm không đúng đắn về tính chất của các lễ hội truyền thống, mà những hoạt động lễ hội trong nước, chủ yếu là ở miền Bắc, bị bỏ ngỏ. Khi thời kỳ ấy đã qua, thì lại như một cuộc “ăn trả bữa” sau ốm, những lễ hội ngày nay được tổ chức tưng bừng, hoành tráng, kéo dài trong cả nước. Người tham gia lễ hội có thể là khách du lịch, là người ở cộng đồng Việt trong nước và ngoài nước, là người có tín ngưỡng hoặc không theo tôn giáo nào nhưng có niềm tin vào những điều thiêng liêng.

 
Nếu người đi lễ với cái tâm không lành thì người "bán lễ" cũng hành xử với cái lòng không thẳng

   

Những hoạt động lễ hội được hưởng ứng nhiệt liệt là những lễ hội gắn với lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu những nhân vật lịch sử của đất nước, và yêu kính những thánh thần trong truyền thống vẫn phù hộ cho đất nước, cho nhân dân. Những lễ hội như thế cần được phát huy tối đa, và luôn gắn với tinh thần yêu nước, sự giáo dục lòng yêu nước trong các thế hệ người Việt Nam. Như đại lễ hội Yên Tử, đang diễn ra với hàng chục vạn người tham dự nhằm tưởng nhớ Hoàng đế Trần Nhân Tông-người khai sinh Phật phái Trúc lâm Yên Tử-người đã lãnh đạo quân và dân Việt đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Yên Tử bây giờ đã thành một địa điểm du lịch vừa mang tính tâm linh vừa là thắng cảnh độc đáo, nhưng nếu không gắn với hình ảnh vua Trần Nhân Tông, không gắn với lòng yêu nước Việt Nam, thì làm sao lễ hội thu hút được một lượng người tham dự lớn đến như vậy! Những lễ hội khác được hưởng ứng nhiệt liệt cũng đều khởi phát từ một nguồn văn hóa: văn hóa yêu nước.

Lễ hội cũng cần "xanh, sạch, đẹp"

Nhưng không phải tất cả những lễ hội đang diễn ra tại Việt Nam đều đạt tới cõi “xanh, sạch, đẹp” như thế. Vì cũng có những lễ hội, khởi nguyên với tinh thần đẹp và nhân ái, nhưng đã bị dung tục hóa, thậm chí thực dụng hóa, ích kỷ hóa vì những tham vọng cá nhân.

Đi cầu nguyện cho quốc thái dân an ở những lễ hội đầu năm là điều tuyệt đẹp, nhưng đi cầu cho cá nhân mình hay người nhà mình năm mới được "xơi lộc” tham nhũng, được kiếm ghế kiếm quyền, được “nịnh trên nạt dưới” thì ai dám bảo những lời cầu nguyện nhiều khi cũng rất chân thành ấy là “xanh, sạch, đẹp”? Nhìn những mâm cỗ tú hụ người ta đội trên đầu vào đảnh lễ, nhiều khi không biết nên vui hay nên buồn. Vì nếu những lời cầu nguyện chân thành là hướng tới những điều tốt đẹp, thì thật là vui. Nhưng ngược lại, nếu những lời cầu nguyện đầy những “mưu đồ” cá nhân ích kỷ thì nên nghĩ thế nào về những mâm lễ cực “hoành tráng” kia? Mà một khi đã có “cầu” ắt có “cung”. Nói như người xưa thì là “cầu gì được nấy”. Nếu người đi lễ với cái tâm không lành, thì người đứng ra “bán lễ” cũng sẽ hành xử với cái lòng không sạch. Và đó sẽ là những cuộc “buôn thần bán thánh” rất đáng quan ngại.  

 

Nguyễn Thị Liễu (Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, HN): Hội rước làng

 

tôi (Phú Mỹ) và làng Kiều Mai (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) mỗi năm tổ chức 1 lần. Mùng 7 Tết là bên Kiều Mai (làng em) rước kiệu bà sang làng tôi. Còn mùng 10.2 âm lịch là làng tôi rước kiệu ông sang bên đó. Chẳng quan tâm đến quy mô tổ chức năm chẵn hay năm lẻ, những nghi lễ cúng tế… nhưng năm nào chúng tôi cũng chen chúc trong đoàn rước, đi bộ đến vài cây số đón kiệu bà chỉ để tận mắt chứng kiến cảnh kiệu ông, kiệu bà phăng phăng bay về phía nhau. Tôi nhớ rất rõ, năm nào đám đón làng tôi càng tiến đến gần đám đưa bên kia là đám thanh niên trai tráng khiêng kiệu ông, kiệu bà cũng phải chạy băng băng mới theo nổi tốc độ bay của kiệu. Chỉ cần nhìn hình ảnh hai chiếc kiệu chòng chành, lắc lư quấn cạnh nhau, xô đẩy người khiêng bằng những bước đi nghiêng ngả, tôi cảm giác rõ hơn bao giờ hết những giá trị truyền thống rất thiêng liêng, không dễ dàng gọi tên và giải thích.

Káp Khánh Linh (Nhân viên nhà may Hằng, Đống Đa, HN): Quê tôi ở Bắc Ninh, ra Giêng có rất nhiều hội. Hội to như hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho, còn hội nhỏ thì làng nào cũng có. Tôi ở làng Quả Cảm (xã Hòa Long, Bắc Ninh), vào hai ngày 9, 10 tháng Giêng là chính hội làng. Tùy từng năm mà hội tổ chức to hay chỉ quy mô vừa vừa với lễ rước kiệu từ đình lên đền. Vào ngày đó làng rất đông, có những người làng, Tết không về kịp nhưng đến ngày hội đều cố gắng về tham dự. Với tôi, hội làng như một dịp lễ lớn để có thể gặp mặt đông đủ người thân, bạn bè của mình. Sau phần tâm linh, người làng chúng tôi đều tập trung ở sân đình, nghe hát quan họ giao duyên. Hội làng tôi tuyệt đối không có những kẻ lợi dụng để bày trò đỏ đen vì các cụ bô lão trong làng cử ra một đội bảo vệ nghiêm ngặt. Vị vậy, hội làng đã giữ được nét riêng vốn có của nó.

Nguyễn Bạch Mai (Lê Ngọc Hân, TP. Vũng Tàu): Cách đây độ chục

 

năm, khi còn ở Hà Nội nhóm bạn chúng tôi thường rủ nhau tham gia lễ hội xuân ở hội đền An Dương Vương (Cổ Loa, Đông Anh) hay hội Gióng (Sóc Sơn) khoảng mùng 6 tết.13 -15 Tết lại kéo nhau đi dự hội Lim ở Bắc Ninh nghe liền anh, liền chị hát quan họ giao duyên. Sau này, khi chuyển vào Vũng Tàu sống và lập gia đình thì tôi hay đi dự hội Linh Sơn Thánh Mẫu từ ngày 10 -15 tháng Giêng để cúng lễ cầu mong một năm thuận duyên, vạn sự hanh thông và sức khỏe cho cả nhà. Tôi nghĩ lễ hội là một phần không thể thiếu của mùa xuân, không khí của hễ hội làm cho mùa xuân thêm náo nức, vui tươi và được nhiều người trông đợi. Tuy nhiên, ở một số lễ hội thường có cảnh chen lấn, chèo kéo bán hàng chụp giựt rất mất trật tự, giá cả dịch vụ từ ăn uống, gửi xe đắt đỏ, các “cò” mê tín dị đoan thường “dụ” và “lừa” khách. Những điều này làm cho lễ hội mất đi không khí thiêng liêng, vui tươi vốn có và dần dà nhiều người e ngại đến hội xuân. H.Minh, M.Anh (ghi)