Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Lửa

Lửa

95

 

Giống như một ví dụ mà tôi thường hay nói với các bạn: Một người lấy lửa bằng cách cọ hai thanh củi vào nhau, nhưng vốn tính vội vã nên anh ta không đủ kiên nhẫn để làm việc này. Anh cố gắng cọ sát một lát lại dừng. Cọ sát rồi dừng, cứ thế mãi. Sức nóng vừa mới tạo được một chút đã tan biến, thế là anh ta cứ phải cọ mãi. Dần dần anh mệt nhoài. Không những anh ta mệt nhoài mà còn thất vọng và chán nản. Anh tự nhủ: "Không thể có lửa được". Và cuối cùng anh ta quyết định bỏ việc tìm lửa.
 
Thật ra anh có làm công việc tìm lửa, nhưng chưa tạo đủ sức nóng để lửa phát sinh anh đã bỏ cuộc. Tâm chúng ta cũng thế, trừ phi tâm đạt được sự bình an thật sự, bằng không trước sau tâm vẫn như vậy. Bởi thế, Đức Phật dạy chúng ta hãy tiếp tục công việc, tiếp tục thực hành. Có thể chúng ta nghĩ rằng: "Nếu chưa hiểu gì cả thì làm sao có thể thực hành?" Khi nào thực hành đúng đắn, trí tuệ sẽ phát sinh. Bởi vậy, hãy tiếp tục thực hành. Nếu thực hành liên tục không gián đoạn, chúng ta sẽ bắt đầu biết được chúng ta đang làm gì và sẽ quan tâm đến việc hành thiền nhiều hơn.
 
Phân Bón

Phiền não của chúng ta là phân bón cho việc hành thiền. Chẳng khác nào dùng các loại phân bò, gà v.v… để bón cho các loại cây ăn trái khiến cây có nhiều quả ngon ngọt. Trong đau khổ có hạnh phúc, trong hỗn loạn có an tịnh. Đau khổ sinh ra hạnh phúc, hỗn loạn sinh ra an tịnh. Hãy lấy đau khổ và hỗn loạn làm phân bón cho hạnh phúc và an tịnh.
 

Chúng ta không muốn có tham ái hay ước muốn. Nhưng nếu không có ước muốn thì làm sao tu hành? Chúng ta phải có ý muốn thực hành. Ước muốn và không ước muốn đều là phiền não, cả hai đều là vấn đề si mê thiếu trí tuệ. Đức Phật cũng có ước muốn vậy. Ước muốn luôn luôn có mặt, đó chỉ là điều kiện của tâm. Những người có trí tuệ vẫn có ước muốn, nhưng họ không chấp trước, dính mắc. Ước muốn của chúng ta chẳng khác nào con cá lớn nằm trong lưới. Phải đợi cho đến khi cá mất sức thì mới có thể bắt được dễ dàng. Nhưng phải luôn luôn trông chừng đừng để cá trốn thoát.
 
Cá Và Ếch

Chấp trước, dính mắc vào dục lạc ngũ trần chẳng khác nào cá bị mắc câu, dầu có vùng vẫy đến đâu cũng không thoát khỏi. Thực ra bạn không bị bắt như cá, nhưng bị bắt như một con ếch. Con ếch khi đớp mồi, nó nuốt luôn cả lưỡi câu vào bụng, trong khi đó, con cá chỉ bị lưỡi câu móc vào mồm.

Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Theo: Chỉ là một cội cây thôi
Nguồn: Buddha Sasana