Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Mạn đàm về ca khúc Phật giáo

Mạn đàm về ca khúc Phật giáo

70

Trong điều kiện biến chuyển của xã hội hiện đại, tôn giáo càng có cơ sở trở thành chỗ dựa tâm linh đối với con người. Hiện tượng bùng phát nhiều môn phái tôn giáo mới với nhiều màu sắc khác nhau có liên hệ trực tiếp tới bối cảnh xã hội đương đại.


Đó cũng là nền tảng của trào lưu âm nhạc Phật giáo đang thịnh hành và ngày càng trở nên thiết thực, như món ăn tinh thần, một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của người dân.


Âm nhạc Phật giáo hiện  là trào lưu nghệ thuật  khá phổ biến tại một số quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Đài Loan, chủ yếu với bộ phận ca khúc có lời ca đề cập tới phạm vi tôn giáo hoặc trích dẫn từ các kinh điển của đạo Phật.


Trước khi các nhà chuyên môn lên tiếng về hiện tượng trên, thì giới kinh doanh đã nhảy vào cuộc. Nhân cơ hội này họ thu về khoản lợi nhuận và đồng thời góp phần chấn hưng đạo pháp, quảng bá Phật ngôn.


Xét ở góc độ coi âm nhạc như một công cụ để truyền bá giáo lý nhà Phật… còn nhiều ý kiến bàn cãi, thậm chí nhiều người kịch liệt phản đối, không chấp nhận hiện tượng sử dụng âm nhạc làm phương tiện truyền bá Chính pháp. Bởi, âm nhạc là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên sự xáo trộn nội tâm, trong khi mục đích của Phật giáo lại hướng tới sự tĩnh lặng của tâm hồn và giải thoát.


Âm nhạc vẫn được dùng làm phương tiện thực hành nghi lễ trong nhiều trường hợp, như: khoa nghi Ứng phú ở lễ chẩn tế cô hồn, hay ở lễ Vu lan thắng hội… là những ví dụ điển hình.


Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong và ngoài giới Phật giáo không chấp nhận sự thế tục hóa âm nhạc Phật giáo, đặc biệt sử dụng vì mục đích giải trí. Dẫu sao, sự tồn tại của âm nhạc Phật giáo đã và đang là hiện thực, điều này thì không ai có thể chối cãi.


1. Như chúng ta biết, nghệ thuật, triết học, tôn giáo vốn là ba cột trụ của tòa thành trì văn hóa. Khi sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các thành tố trên thì sản phẩm kết hợp mang tính di truyền dựa trên bản thể ở con người vẫn tồn tại song hành cùng với sự biến đổi, thậm chí nảy sinh ra những khuynh hướng đối lập.


Bởi vậy, truyền thống của mối quan hệ bất phân giữa nghệ thuật, triết học và tôn giáo dù diễn ra những thay đổi về chất, nhưng tinh thần nghệ thuật và niềm tin tôn giáo – thứ giáo lý bất thành văn đó vẫn tồn tại một cách bền vững.


Trong điều kiện biến chuyển của xã hội hiện đại, tôn giáo càng có cơ sở trở thành chỗ dựa tâm linh đối với con người. Hiện tượng bùng phát nhiều môn phái tôn giáo mới với nhiều màu sắc khác nhau có liên hệ trực tiếp tới bối cảnh xã hội đương đại.


Đó cũng là nền tảng của trào lưu âm nhạc Phật giáo đang thịnh hành và ngày càng trở nên thiết thực, như món ăn tinh thần, một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của người dân, giống như mọi hiện tượng văn hóa khác tác động tới đời sống xã hội, ảnh hưởng trên nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và bối cảnh cụ thể.


2. Xu hướng đa dạng hóa về thị hiếu và thẩm mỹ tạo đà cho sự phát triển về chiều rộng, góp phần làm phong phú nội dung, cũng như loại hình của nghệ thuật. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những nhận định của một số nhà dự báo tương lai học nghệ thuật. Theo đó, âm nhạc thế kỷ XXI sẽ phá vỡ khuôn mẫu truyền thống tiến tới xác lập sự đa dạng hóa về trường phái, thậm chí không còn ý nghĩa trường phái, hoặc khái niệm này được chuyển nghĩa sang một khía cạnh khác biến đổi về nội hàm và chỉ còn tác gia thống trị!


Nền âm nhạc của thế kỷ XXI là sự tương hỗ giữa các ngành nghiên cứu âm nhạc và khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn. Âm nhạc Phật giáo bằng con đường nhập thế đã bước tới chỗ khế hợp với nhu cầu giải trí đại chúng để hòa nhập vào bảng màu đa sắc của thế giới hiện thực.


3. Ở Nam Bộ, bằng nhiều con đường, âm nhạc Phật giáo Đài Loan đã du nhập lãnh thổ, tuy không phổ biến như tại bản quốc, song cũng thu hút được số lượng người thưởng thức nhất định.


Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, âm nhạc Phật giáo không chỉ được dùng có tính chất như một liệu pháp nhằm xoa dịu đời sống tinh thần của một số tầng lớp thị dân vốn quá mệt mỏi bởi cuộc sống phồn tạp nơi đô thành, mà còn tích hợp vào môi trường tín ngưỡng làm phương tiện thực hành nghi lễ.


Mặt khác cũng phải thấy rằng, không gian văn hóa, dù giới hạn trong phạm vi tín ngưỡng, cũng không phải là rào cản tuyệt đối trước sự “tấn công” ồ ạt từ bên ngoài của nhiều dạng thức văn hóa khác nhau. Đây là quá trình gia tăng liên tục những nhân tố mới nhằm duy trì sự vận hành sống động của bản thân thực thể tôn giáo.


Bên cạnh đó, do đặc điểm của vùng kinh tế trọng thương, đồng thời là nơi tập trung đông đảo bà con trong cộng đồng người Hoa, thành phố Hồ Chí Minh trở thành giao điểm thu hút và thể nghiệm nhiều trào lưu nghệ thuật mới. Mối quan hệ truyền thống giữa người Hoa ở miền nam Việt Nam và người Đài Loan hình thành lâu dài trong quá trình lịch sử định cư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các dạng thức văn hóa thâm nhập đời sống.


Âm nhạc Phật giáo là một trong nhiều dạng thức văn hóa ấy đã len lỏi vào đời sống xã hội, đồng hành bên các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo trên địa bàn thành phố. Ngay tại các khu chế xuất có sự hợp tác lao động giữa người Việt và người Đài Loan, âm nhạc Phật giáo cũng được dùng làm công cụ giải trí hoặc truyền bá giáo lý.


Nhiều ông chủ Đài Loan vốn là tín đồ đạo Phật hoặc dân mộ đạo, thậm chí họ dành một vị trí trang trọng để làm điện thờ ngay trong cơ sở sản xuất. Thường thấy ở các ca khúc có nội dung là những bài kệ, trích dẫn kinh Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà, niệm Quan Thế Âm Bồ tát…


Bộ phận này góp phần bổ khuyết cho sự trì trệ của nhiều loại hình nghệ thuật người Hoa vốn ít có khả năng tái sinh trong điều kiện mới. Chỉ riêng phạm vi nhạc lễ của người Hoa, sự ảnh hưởng ca khúc Phật giáo Đài Loan bộc lộ khá rõ, đặc biệt ở lễ Vu lan hay còn gọi là Phổ độ pháp hội.


Nghi lễ này do tính chất và quy mô nên đòi hỏi sự quy tụ của nhiều thành phần tham gia thực hành nghi lễ. Trong lễ Vu Lan thắng hội của người Triều Châu, ca khúc Phật giáo Đài Loan, còn gọi là Phật khúc được lồng ghép vào các tiết mục nghi lễ một cách có dụng ý theo sự thống nhất về mặt tổ chức. Trên cơ sở phổ lời theo điệu, Phật khúc trở thành đắc dụng cho việc huy động nhiều thông tin chuyển tải qua những phương tiện chung nhất.


Bằng biện pháp thay đổi ca từ phụ thuộc bởi quá trình chuyển hóa bối cảnh, ca khúc Phật giáo với tính ổn định tương đối về khúc thức đã quy định khuôn khổ, phạm vi và đặc điểm của công cụ âm nhạc. Hiện tượng này làm nảy sinh những biến thể mới không hoàn toàn, mang đặc trưng của sáng tác dân gian. Chúng tạo nên bởi sự khuếch tán nguyên tác mà trong nhiều trường hợp quá trình đó diễn ra một cách không bằng phẳng. 


4. Đối trọng với Phật khúc Đài Loan là bộ phận ca khúc Phật giáo Việt Nam. Những ca khúc này cũng chủ yếu lưu hành trong phạm vi hạn chế, phổ biến tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo. Do chịu ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây như: “Dòng Anoma” của Trịnh Cung; “Sen trắng” nhạc của Ưng Hội, lời ca của Phạm Hữu Bích, Nguyễn Hữu Quán; “Dâng hoa” của Trúc Linh; “Đón mừng ánh đạo” của Nguyên Đàm, Hữu Nghĩa; “Đêm thành đạo” của Minh Minh; “Vu lan” của Anh Lạc…


Nói chung, ca khúc Phật giáo chưa thoát khỏi ranh giới khu biệt giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc thế tục, ngoại trừ phần lời ca. Vì vậy, bộ phận ca khúc Phật giáo chưa thực sự trở thành loại hình nghệ thuật đặc thù khu biệt với các loại hình nghệ thuật khác.


Mặc dù lời ca sâu sắc, giàu tính triết lý, nhưng xét ở góc độ chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật, ca từ dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là một trong nhiều thành tố cấu thành của tổng thể các phương tiện biểu hiện trong âm nhạc. Lợi thế của ca từ nằm ở chỗ đại chúng, dễ tiếp nhận do chức năng giao tiếp và công cụ của tư duy quy định. Song, từ đó đi đến chỗ cực đoan hóa vai trò của những thành tố phân lập, vô hình trung sẽ đẩy tác phẩm ra ngoại biên của hoạt động sáng tạo. Bản chất không tái hiện nguyên dạng của nghệ thuật cho phép duy trì sự trường tồn hữu ích của nó trong đời sống xã hội.


Bởi vậy, nhìn nhận một cách nghiêm túc, hiện tượng phổ biến trào lưu âm nhạc Phật giáo là sự chuyển biến về thị hiếu nói chung, trong chừng mực nhất định chứng tỏ tính đa dạng, phồn tạp của âm nhạc giải trí đương đại.