Trang chủ Đời sống Một góc nhìn khác về việc lo hậu sự Sư bà Hải...

Một góc nhìn khác về việc lo hậu sự Sư bà Hải Triều Âm

1018

Ban Biên tập: Vừa qua, dư luận Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước cho nhiều băn khoăn về việc lo hậu sự của Sư bà Hải Triều Âm, trong đó vấn đề mấu chốt là nơi sẽ nhập tháp của Sư Bà. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ và chưa làm nhiều người tâm phục khẩu phục, nhất là những đệ tử của Sư Bà không thuộc chùa Dược Sư và chùa Bát Nhã. Để có góc nhìn đa chiều, Phattuvietnam.net xin giới thiệu bài viết của tác giả Huệ Minh – một cây bút quen thuộc và là thành viên của Ban Biên tập Trang tin Phattuvietnam.net. Tuy nhiên, bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban Biên tập.

Va rồi trang nhà Phattuvietnam.net có đăng 1 số tin, bài, ảnh về một số chuyện quanh việc sẽ lo hậu sự của Sư bà Hải Triều Âm. Thông tin phản hồi cũng đa dạng và nhiều tâm tư.

Để hiểu rõ phần nào thực chất của sự việc, Huệ Minh đã về chùa Dược Sư, trực tiếp đỉnh lễ, yết kiến Sư bà, gặp gỡ trao đổi với ban chức sự nhà chùa, chính quyền thôn Phú An, gặp các nhân chứng, tiếp xúc các tài liệu liên quan, đến chùa Bát Nhã, chùa Hương Sen, chùa Lăng Nghiêm; đến Tịnh thất Linh Quang, Ni Liên ở Đức Trọng, đến thiền viện Vạn Hạnh ở Đà Lạt…

Tổng hợp, phân tích, đối chiếu các sự việc và tài liệu, Huệ Minh có một số suy nghĩ xin được chia sẻ.

Nhiều chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị Phật tử và độc giả gần xa đã băn khoăn, không rõ thực hư ra sao khi thấy thông tin rằng, Sư bà vừa mới bệnh duyên, chưa trầm trọng lắm, mà sao các đệ tử tranh biện, không thống nhất, đã đưa đơn từ  đề đạt ý kiến lên các cấp Giáo hội, chính quyền về việc sau khi Sư bà viên tịch sẽ nhập tháp ở chùa Dược Sư hay tịnh thất Linh Quang? –  Trong khi đáng lẽ là phải tập trung chăm sóc và điều dưỡng để Sư bà mau chóng bình phục sức khỏe, trụ thế lâu dài hơn nữa!

Vụ việc này tương đối ồn ào, thật chẳng phải là điều lành ở chốn Thiền môn.

Thực tế, trung tuần tháng 7/2012, Sư bà có mệt hơn, Ni chúng  chùa Dược Sư, theo lời chỉ bảo của Sư bà đã mời thầy thuốc thăm khám, chăm sóc và hành lễ niệm Phật cầu an cho Sư bà. Việc hậu sự không cần được đặt ra, vì tưởng như mọi việc đã được Sư bà sắp đặt rất chu đáo.

Vậy nhưng, khi biết Sư bà mệt thì có các sư cô, đa số ở ngoài chúng đã về chùa Dược Sư vấn an và đề nghị với Ni chúng, với cả Sư bà về việc thay đổi những điều mà chùa Dược Sư cho rằng Sư bà đã sắp đặt.

Bạn đọc đã được xem những cảnh xô xát trên ảnh, trên băng hình do các quý sư cô chuyển tải thông tin; Các quý sư cô còn kết hợp đưa đơn từ và gặp gỡ khắp các cấp Giáo hội, chính quyền từ cơ sở tới TW, bước đầu dường như đã tạo nên sự xao xuyến nhân tâm.

Vậy tâm nguyện của Sư bà về việc hậu sự ra sao?

Nhiều năm trước, khi còn mạnh khỏe, Sư bà đã sắp đặt hậu sự khi Sư bà viên tịch rất chu đáo.  

1. Sư bà, theo luật Phật, đã tổ chức sơn môn theo quy định có nội chúng và ngoại chúng rõ ràng. Tất cả các sư Ni, đã từng xuất gia, thọ giới, tu học với Sư bà, đã từng nhập chúng trong 8 ngôi chùa, tịnh thất do Sư bà quản lý dù bao lâu, nhưng khi đã rời khỏi chúng, ra bên ngoài thì Sư bà hoàn toàn không chịu trách nhiệm và họ không có quyền tham gia quyết định nội vụ. Vì “khi đã ra ngoài chúng, hành tung thiện ác của họ, mình không có gì đảm bảo”.

Do vậy, việc các sư cô đã “xuất” chúng nhiều năm, thậm chí đi sang tận nước ngoài, hay đã tu theo pháp môn khác, nay quay về đưa ra yêu sách với Ni chúng, với Sư bà, gặp gỡ, kiến nghị với các cấp có lẽ không phụ hợp với nguyên tắc tổ chức chúng của Sơn môn?

2. Hơn nữa, sau rất nhiều lựa chọn, cân nhắc và tham khảo ý kiến, Sư bà đã tổ chức lễ động thổ xây kinh tĩnh hậu sự tại sân sau chùa Dược Sư, công khai, trang trọng và đúng phép tắc vào ngày 7/10/2006. Ấn định và công bố nơi Sư bà sẽ nhập tháp sau khi viên tịch. Từ đó tới nay, điều này không hề thay đổi.

3. Về văn bản, ngày 22/11/ 2010 (âm lịch), Sư bà viết thư: “Thầy gởi toàn chúng Dược Sư. Thầy đã già yếu, sức khỏe không còn lâu dài, sắp về cảnh Phật. Thầy xin giao tất cả hậu sự của Thầy cho trụ xứ Dược Sư hoàn toàn trách nhiệm”.

Ngày 5/6/2012 (âm lịch), Sư bà viết: “Thầy đồng ý nhập tháp ở chùa Dược Sư. Thầy đã giao cho ban chức sự chùa Dược Sư. Xin chị em hòa hợp, tôn trọng ý kiến Thầy”.

Ngày 2/8/2012, Sư bà gửi đơn thỉnh cầu đến các cấp chính quyền và Giáo hội: “Con tỷ khiêu Ni Hải Triều Âm, xin quý ngài xét lại giúp cho con được mãn nguyện nhập tháp tại chùa Dược sư. Con đỉnh lễ tạ ơn”. Đồng thời để từ bi ngăn chặn các việc làm sai trái đáng tiếc mà các sư cô trên có thể mắc phải, ngày 25/1/2011, Sư bà đã viết thư khẳng định: “… các vị đã rời chúng  ra ngoài thì tôi không trách nhiệm những vị đó” (Có ảnh bút tích đăng kèm). Tuy nhiên, chưa có sự kiểm chứng thật giả của các văn bản này.

Mọi việc Sư bà đã từ bi cắt đặt như vậy, chắc hẳn các bậc có trách nhiệm đều tôn trọng, lưu tâm.

Sư bà độ chúng rộng rãi, không phân biệt, không ưu ái riêng tư, lấy Lục hòa làm tôn chỉ tổ chức, không có cắt đặt đệ tử trưởng – thứ, thứ mấy, thứ mấy. Ngài lấy Chúng và tổ chức Chúng hiện tại làm nền tảng hành xử, không trì níu quá khứ.

Cho nên việc một số sư cô tự nhận là đệ tử thứ mấy, thứ mấy của Sư bà không phù hợp với tôn chỉ Ni viện Tịnh độ của Sư bà. Người trong chúng phải là người đang tu hành và đang ở trong tổ chức. Những vị đã rời khỏi chúng thì Sư bà không có trách nhiệm và không yêu cầu trách nhiệm.

Tuy đã độ trên 1.000 đệ tử xuất gia, nhưng gần một nửa các vị đã ly chúng thì Sư bà không có quản lý, cắt đặt gì hết. Họ phải tự chịu trách nhiệm về mình.

Hiện nay Ni chúng của Sư bà đang tu học, hành trì ở 8 cơ sở: chùa Dược Sư – Sư bà trực tiếp lãnh chúng và đã tịnh tu tại đó 20 năm, có 156 sư Ni, Chùa Bát Nhã có 144 vị, chùa Hương Sen có 98 vị, chùa Lăng Nghiêm có 13 vị, Tịnh viện Linh Quang có 4 vị, Tịnh viện Ni Liên có 1 vị. (Các cơ sở trên đều ở quanh chùa Dược Sư – Đức Trọng). Chùa Liên Hoa – Sài gòn có 20 vị, chùa Viên Thông – Đồng Nai có 20 vị. Tổng số nội chúng có gần 500 vị.

–  Đã có một số ý kiến cho rằng:

1. Việc Sư bà đặt kim tĩnh và sẽ nhập tháp ở chùa Dược Sư là không được, vì nơi đó không thanh tịnh, có dòi bọ và gần hầm cầu – Thực tế cho thấy điều này là không đúng với sự thật.

2. Đất chùa Dược Sư về địa lý không tốt, không đẹp như đất nơi tịnh thất Linh Quang (!).

3. Cần nhập tháp Sư bà ở “chùa”  Linh Quang, vì đó là “chốn Tổ”, là nơi “phát tích” (!) – Vậy: – chốn Tổ là Tổ nào? – Phát tích là Tích nào?

Ai cũng rõ, Sư bà chính là Tổ khai sơn hệ thống Ni viện Tịnh độ Hải Triều Âm, Ngài đã 20 năm và đang tịnh tu tại chùa Dược Sư (!).

Linh Quang chỉ là một tịnh thất trong số rất nhiều tịnh thất mà Sư bà đã tu tập từ năm 1948 đến nay, từ Bắc vào Nam. Huống hồ ai không biết, Sư bà duyên pháp với Đức Dược Sư.

Hiện nay, Linh Quang chỉ là một tịnh thất nhỏ, nằm hẻo lánh, đường xá ngoằn ngoèo, xe 2 bánh ra vào còn khó. Cả về lịch sử và thực địa đều không thuyết phục.

Và hơn hết, quyết định là ở Sư bà, với sự cân nhắc, từng trải và trí tuệ không thể nghĩ bàn!

4. Sau bao nhiêu năm yên bình tu tập, hành trì, khi các sư cô ngoài chúng trở về, đã có cảnh lộn xộn chính tại chùa Dược Sư. Rồi có tin phản ảnh, Ni chúng chùa Dược Sư ngăn cấm trái phép “đệ tử” đến thăm viếng và đang “giam lỏng” Sư bà. – Những thông tin này đã làm cho không ít môn đồ của Sư bà và Phật tử thập phương đau lòng, trăn trở.

Những điều đó, Sư bà trên giường bệnh, vẫn còn rất minh mẫn nên biết hết cả. Ngài vẫn ung dung tự tại, luôn cười từ ái. Cùng lắm cũng chỉ bảo: mọi việc đã cắt đặt, cứ thế mà làm, nên tôn trọng Thầy, việc đâu sẽ có đó. 

Rồi Sư bà bảo ban chức sự chùa Dược Sư: Đại nhân duyên đã đến, các con ra Bắc, gặp Đại tăng Pháp chủ dâng tác bạch!

– Tổng hợp các thông tin, các tài liệu và văn bản liên quan đến vụ việc, chúng tôi thấy, trong quá trình tư vấn, thông tin, đánh giá và giải quyết vừa qua đã có 1 số điều chưa phù hợp:

Thứ nhất, chưa rõ trong quan hệ với Sư bà và hệ thống Ni viện ở đây, ai là chủ nhân, ai là khách nhân, ai là chấp chính và ai là tham chính. Ai là người trong chúng và ai là người ngoài chúng. Do vậy đã để  cho những người từ các tỉnh thành khác, thậm chí ở nước ngoài, đã ly rời chúng hàng chục năm, không có trách nhiệm qua lại với Sư bà và tổ chức Ni viện, mà lại được tham gia quyết định nội vụ.

Thứ hai, Tâm nguyện về hậu sự của Sư bà phải chăng chưa được tôn trọng đúng mức. Trong khi, việc hậu sự của Sư bà đã được Ngài sắp đặt đầy đủ. Có nên đặt vấn đề xem xét, bàn bạc để thay đổi hay không?

Các cấp Giáo hội và chính quyền, hãy nên hỗ trợ các điều kiện để thực hiện tốt đẹp tâm nguyện của Sư bà.

– Về vấn đề bức lan can – hàng rào “ngăn cản đệ tử vấn an Sư bà” và “thái độ bất hợp tác” của Ban chức sự chùa Dược Sư:

Khi ngắm kỹ lại khung cảnh chùa Dược Sư, nhiều đêm suy nghĩ, liên hệ nơi này nơi khác, Tổ này, Ngài khác, Huệ Minh thấy, việc ai đó nặng lời yêu cầu dỡ bỏ bức lan can hàng rào và tự do vào thăm Sư bà; yêu cầu Ban chức sự chùa Dược Sư phải thế này, thế khác … hình như có điều gì đó hơi bất nhẫn, sự hiểu sâu và đồng cảm chưa đủ chăng?

Nhà chùa, tu viện được kiến lập, để duy trì các Tổ đã phải chế ra Thanh quy, lề lối. Là người tu hành, nhất là các đệ tử đã được Sư bà giáo dưỡng nền nếp, khuôn phép, phần lớn đều hiểu điều đó. Cho nên, việc một số sư cô vào trong Ni viện, to tiếng, muốn tùy tiện vào phương trượng của Tổ, ở nơi mình chỉ là khách, để các chị em đồng tu phải xô đẩy; rồi lại cho quay phim, ghép hình kêu cầu, nên chăng phải được xem xét đánh giá từ góc độ bản chất, không nên hời hợt nhìn nhận ở hiện tượng bề ngoài, nhất là hiện tượng đã được chủ tâm xếp đặt có dụng ý, khi tâm và trí có sự xao nhãng, để cái tâm thế tục chi phối.

Có lẽ chúng ta ai nấy nghĩ sâu một chút sẽ lắng lòng hơn, thị phi tự hiện.

Huống hồ, Sư bà còn đó, tỉnh táo, được đẩy xe đi dạo thung dung ngay bức lan can đó. Ngài thấy hết cả, phải chăng, Tổ đã thị hiện bệnh duyên để ai đó bộc lộ rõ chân tướng, tu tỉnh và “quay đầu lại là bờ”, ngõ hầu cảnh tỉnh hậu thế đó thôi?!

Phattuvietnam.net xin giới thiệu một số hình ảnh có liên quan, chụp 27/8/2012.