Trang chủ Quốc tế Một số hoạt động văn hóa trong ngày lễ Vu Lan tại...

Một số hoạt động văn hóa trong ngày lễ Vu Lan tại các nước châu Á

99



 Tại Nhật Bản: Cho đến ngày nay, trong các cộng đồng truyền thông đặc biệt ở vùng quê, dân chúng chuẩn bị lễ Vu Lan từ ngày mồng một tháng Bảy. Trong mỗi gia cư người Nhật đều có một bàn thờ Phật gọi là Budsudan.Đầu tháng Bảy, người ta đặt trước bàn thờ Phật một chiếc bàn vong Shoryodana, trên bàn vong đặt bài vị để đón tiếp hương linh người qúa vãng. Ngày mồng Bảy gọi là ngày Nanoka Bon, gia chủ hay người trưởng tộc đi mở cửa mả (tức là quét dọn, làm cỏ) và làm lễ tại ngôi mộ gia tiên, và từ ngôi mộ về đến nhà trải một giây vải trắng gọi là bommichi để chỉ lối cho người chết trở lại nhà. Trên lối đi nhiều nơi còn treo đèn lồng ở mỗi khúc rẽ cho vong hồn khỏi lạc, và mỗi gia cư tứ bề thắp đèn lồng treo quanh máng xối. Nhiều gia đình ý tứ hơn, đem cúng cả ngựa, cả xe kết bằng rơm, hoặc bằng giấy, bằng hoa quả để cho người chết dùng làm phương tiện trở lại nhà. Ngày 13 gọi là ngày “đón vong hồn” (Mukac Bon), ngoài mộ và trên bàn vong chưng đầy hoa đẹp gọi là Bonbana. Lúc xế chiều, đốt đèn ngoài cửa tiếp đón vong hồn. Lửa này giữ cho đến ngày 16, gọi là ngày “tiễn đưa vong hồn” (Okuri Bon). Tại một vài địa phương lại còn có tục lệ nhảy múa Vu Lan gọi là Bon odori, chào mừng tổ tiên trở lại nhà sum họp với con cháu mỗi năm một lần. Sau Thế chiến II, để phát triển kỹ nghệ du lịch, lệ nhảy múa Bon odori được tổ chức rất đẹp và trọng thể.



Tại Đài Loan:



Hàng năm cứ vào mùa Vu Lan báo hiếu, giới Phật giáo Ðài Loan lại long trọng cử hành Ðại lễ Pháp hội Trai tăng Quốc tế, đây là dịp để ôn lại tấm gương hiếu hạnh của Ðức đại hiếu Mục Kiền Liên. Ðồng thời cũng nương nhờ vào uy lực thù thắng của Pháp hội để cầu nguyện cho Quốc thái dân an; Thế giới hoà bình, Chúng sinh an lạc



Tại Trung Quốc:



Các tư gia cũng làm cơm chay cúng ông bà trong nhà, cúng vong hồn ngoài trời. Các chùa lớn còn tổ chức trưng bày các bảo vật thờ tự, di tích của Đức Phật như: Ngọc Xá lợi, răng, tóc, móng tay Phật, đựng trong các bình ngọc, bình đá, tảng đá khắc chân Phật, các bổn kinh chép bằng chữ Sanskrist, chữ Pali khắc trên đá, trên gỗ, trên lá bối, lá cót… đem về từ Ấn Độ. Đồng thời nhà chùa còn khuyến khích các gia đình giàu có tham gia cuộc triển lãm bằng cách đem đến trưng bày các báu vật trân châu dị bảo của riêng, cho khách thập phương xa gần đến thưởng ngoạn.Vì vậy mà mọi người tấp nập đi dự, khách xa đến dựng lều bạt ở trên đất chùa và tổ chức các buổi ca vũ, hát tuồng, trổ tài thi phú, thi đua tài nấu nướng các món chay để cúng dường Phật, Tăng, cúng ông bà tổ tiên và sau đó thiết đãi nhau ăn uống vui chơi. Từ đó mà có ý nghĩa thiêng liêng “Đại Hội Vu Lan Báo Hiếu” cùng xá tội vong nhân, trở thành một lễ hội, một tập tục ăn sâu vào lòng người.