Trang chủ Diễn đàn Năm ước mơ của một người Phật tử và mười điều cấp...

Năm ước mơ của một người Phật tử và mười điều cấp thiết mà Phật giáo Việt Nam không thể thiếu

98

NĂM  ƯỚC MƠ


1. Ước mơ thứ nhất:  Cơ cấu tổ chức Giáo hội


Tình trạng phân rẽ như Việt nam Quốc tự và Ấn quang trước đây, là điều rất bất hạnh trong lịch sử Phật giáo, và làm đau lòng không ít cho Tăng tín đồ mỗi khi nhớ lại bối cảnh thiếu lục hòa giữa những người con Phật. Do đó, chúng ta chỉ cần có một giáo hội duy nhất và thống nhất từ Bắc chí Nam, từ trong ra ngoài nước để hộ quốc an dân và truyền bá chánh pháp đến khắp các thôn ấp làng mạc cũng như đến các quốc gia khác trên thế giới.


Giáo hội cần có ít nhất là bốn đặc điểm chính sau đây:


a. Giáo hội thực sự kế truyền mạng mạch của chư Phật chư Tổ, được tưới tẩm un đúc từ các lịch đại tổ sư, từ các triều đại vàng son Trần- Lý. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải là một giáo hội Phật thực sự. Một giáo hội qui tụ đầy đủ tứ chúng, biết hổ trợ, tương kính trong các chương trình hoằng pháp lợi sanh. Giáo hội đủ tầm cở để làm chỗ qui hướng cho tăng tín đồ như cha mẹ luôn che chở cho đàn con thơ dại.


b. Hàng giáo phẩm là những tấm gương về đạo hạnh để làm phương châm cho giới đức của tăng tín đồ, là những ngôi sao bắc đẫu để hàng hàng lớp lớp tăng ni Phật tử qui ngưỡng hướng về như người đi lạc đường giữa đại dương tăm tối tìm được la bàn và ánh sáng để đến được đất liền. Hàng tăng ni trẻ là những người có tu và thực học, có đủ hành trang để vận dụng lời Phật dạy mà chuyển Pháp Luân trong thời đại mới, và hàng cư sĩ là những người mang hạnh bồ tát để hộ đạo giúp đời.


c. Giáo hội cần phải trẻ trung, năng động, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cần thiết cho một quốc gia Việt nam trên đà phát triển. Nhân sự của Giáo hội phải có đủ kiến thức và bản lãnh để đối diện trước một thế giới đang bị toàn cầu hóa, có nghĩa là đang bị xâm thực hóa ở mức độ sâu sắc và toàn diện nhất trong tất cả các lãnh vực.


d.  Một Giáo hội nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc gia nhưng không bị ràng buộc bởi các điều kiện của các hiệp hội thế tục. Một giáo hội không bị chi phối bởi xu hướng và quyền lực chính trị, không bị ảnh hưởng, bị sức ép hay trúng kế ngoại bang.


2. Ước mơ thứ 2:  Vấn đề giáo dục Phật giáo


Bốn chúng đệ tử của Phật, hàng Tăng Ni được xem là trưởng tử Như Lai. Tăng Ni là những vị lãnh đạo, là đoàn thể nguyện sống cuộc đời tỉnh thức và hướng dẫn tín đồ. Một người lãnh đạo hoặc hướng dẫn kẻ khác thì phải đi trước, ít nhất là đi “ngang hàng” với quần chúng chứ không thể “đi sau” mà có thể lãnh đạo được người đi trước. Do đó, Tăng Ni cần phải được đào tạo quy mô, phải được trang bị đầy đủ hành lý để lãnh đạo và “lên đường” phục vụ.


– Thành phần Tăng Ni lớn tuổi: Trong thời kỳ chiến tranh và sau khi đất nước thống nhất, nhiều Tăng Ni thiếu sở học vì hoàn cảnh và luống tuổi không thể vào trường lớp, nhưng vẫn chưa có chương trình bổ túc văn hóa, bổ túc kinh-luật-luận. Vì thế, một số ít Tăng Ni đã tạo ra nhiều trở ngại không nhỏ cho các hành hoạt từ chốn thiền môn ra ngoài xã hội, nhất là tại nước ngoài.


Một số ít bị lôi cuốn vào con đường thế tục sai lầm, nhất là con đường chính trị thủ đoạn vì thiếu nhận thức. Một trong những hệ quả của vấn đề nầy là tạo tình trạng thiếu hoà trong Tăng giới và thiếu hợp trong Cộng đồng Phật tử. Thí dụ điển hình là bốn nhà sư ở California và một số ít cư sĩ bị xúi bẩy để phe ta đánh phá phe mình. Hoặc những vụ chống đối chư tăng như chống Hòa Thượng Thanh Từ, TT. P. Trí, TT. K. Chơn…, ra chữa bệnh, giảng diễn hoặc tham quan tại Hoa Kỳ. Toa rập với kẻ khác để chống đối Thiền sư Nhất Hạnh sau lời tuyên bố về nạn khủng bố 11.9.2001 tại Mỹ, và chống lúc thầy dẫn đoàn đệ tử về thuyết giảng tại Việt Nam năm 2005…


– Lớp trẻ mới xuất gia:  Sau những năm kinh tế nước nhà bắt đầu phát triển thì đợt sóng con em Phật tử trẻ xuất gia đầu Phật cũng gia tăng. Trong lớp tuổi xuất gia nầy có nhiều em xuất thân từ Gia đình Phật tử, họ mang một hoài bảo rất lớn, tràn đầy đức tin và nhiệt huyết muốn hộ đạo giúp đời, mang giáo pháp của đức Như Lai đến với  tha nhân và đồng loại. Bên cạnh đó cũng không thiếu những em xuất gia vì lý do kinh tế gia đình. Vị trú trì trong một số tự viện lại thu nhận người xuất gia quá tải nên không đủ thì giờ để giáo huấn và hướng dẫn tu tập, không đủ khả năng kinh tế để nuôi dưỡng và không đủ điều kiện để gởi đến trường mà phần lớn phải đi làm rẫy, làm nhang đèn … để có cái ăn cái mặc. Thành phần Tăng Ni thiếu tu và nhất là thiếu học nầy vô tình là nạn nhân của một vài vị trú trì do lòng từ bi nên thu nhận điệu chúng vượt ngoài khả năng nuôi dưỡng và thiếu phương tiện để cung ứng một nền giáo dục cần thiết. Thành phần tu sĩ đáng quí và cũng đáng thương nầy sẽ trở thành những tai hại cho Phật giáo.


– Gia đình Phật tử:  Đây là thế hệ con em kế thừa mạng mạch của Phật giáo để truyền trì chánh pháp. Nếu vắng bóng thành phần nầy Phật giáo Việt nam không những giống như một gia đình thiếu người nối giỏi tông đường mà còn là một gia đình bị tuyệt tự và bị xóa tên trong sổ bộ đời. Thế nhưng, nhiều năm qua có không ít đơn vị GĐPT đã không thể sinh hoạt trong khuôn viên của nhiều tự viện ở trong cũng như ngoài nước.


Ở nước ngoài, một số GĐPT, nhất là thành phần huynh trưởng, vì không đứng trong Giáo hội nầy hay Giáo hội khác nên bị chụp mũ là Cộng sản. Cái mũ rách nầy cũng có sức tàn phá sự nhất quán đã xuyên suốt trong tình áo lam muôn thuở. Hệ quả là thay vì dùng thì giờ nghiên cứu đường hướng để dẫn dắt các em trong một xã hội mới, trong môi trường và thời đại tin học toàn cầu, thì một số huynh trưởng “nằm ngủ”, số khác phải mất công cải chính luận tà vì bị chụp mũ Cộng sản nên phải cầm cờ chạy theo người khác, chống Cộng chết bỏ để minh oan mà họ lại không biết là đã trúng kế…


Căn cứ trên thực tế và đứng trên quan điểm giáo lý đạo Phật mà nói, thì người Phật tử, nhất là chư Tăng Ni, không bao giờ nên chống ai, không bao giờ tạo sự đối kháng hoặc đối đầu mà cần đối thoại, cần thông hiểu. Hàng chục năm trời thiếu cơ hội để cầm bút mà phải cầm súng để đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước nên một số ít viên chức Nhà nước chắc chắn không tránh khỏi những điều bất cập. Nhưng nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh ấy, chưa ai đoán được tình huống sẽ ra sao. Để xây dựng, chúng ta nên khách quan phê bình những việc sai trái của nhà cầm quyền tại bất cứ quốc gia nào mà chúng ta đang sống, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên ca ngợi, tán thán công đức những việc làm đúng đắn của bất cứ chính quyền nào của bất cứ quốc gia nào mang lại ích lợi cho dân chúng.


Nhưng rất tiếc trong nhiều năm qua, trong nước cũng như tại hải ngoại, có một số ít tăng ni và Phật tử đã bị mấy “cậu ấm” có tâm nhưng thiếu trí cố vấn sai lầm dẫn theo con đường đối kháng không cần thiết. Có người thì lợi dụng Phật Giáo, họ muốn quý thầy phải nằm vạ chính phủ Việt nam để khai thác cho mục tiêu chính trị đen tối có lợi cho ngoại bang, kẻ thì đưa tin thất thiệt thổi phồng vụ việc để kiếm sống bằng ngân khoản của CIA Mỹ. Trong vài buổi lễ Phật Đản, chúng ta thấy một không khí đối kháng chống Cộng chết bỏ. Một vị tăng trọng tuổi, hơn ba mươi năm sống ở nước ngoài, Phật tử chưa thấy ngài đóng góp được gì đáng kể cho Phật giáo, nhưng cứ luôn luôn hô hào phải “Giải thể đảng Cộng sản”. Thử hỏi, trong ba tạng kinh điển, có chỗ nào Phật dạy một vị tỳ kheo phải giải thể đảng nầy, phải tiêu diệt nhóm khác không? Chưa nói tới ngày lễ trọng đại của đấng Từ Phụ bị nhuốm màu sắc chính trị.


Vị Hòa thượng thứ hai, không có chùa riêng hiện sống tại bang California, chuyên môn đón xe buýt đi đến những chùa nào không có sư trú trì, thay vì để hướng dẫn Phật tử tu học, an ủi và dắt dìu họ vượt qua những khủng hoảng trong gia đình và những cơn bệnh của thời đại, thì ngài lại ép buộc Phật tử phải gia nhập với một Giáo hội chống Cộng…


Thứ ba, sư Thích T.U., cũng ở Nam California. Trong một thư mời Phật tử dự lễ, ông hô hào tổng nổi dậy, lời lẽ giống như những tên khủng bố mà thế giới đang chống lại.


Nhiều GĐPT trong nước cũng chỉ phát triển từ Quảng Trị trở vào. Một số ít huynh trưởng thì không những nằm đợi chờ một Giáo hội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử được phục hoạt lại mới chịu dấn thân, mà còn dèm pha và cản trở những huynh trưởng biết áp dụng khế lý khế cơ và khế thời trong một bối cảnh mà đất nước đã trải qua biết bao chinh chiến điêu tàn cùng khắp trên vạn nẻo đường quê hương. Một số khác cũng không sinh hoạt được vì một vài nhận thức hạn hẹp của vài viên chức chính quyền địa phương trong những vùng xa đô thị.  Nếu tình trạng nầy vẫn còn tiếp tục thì không những Phật giáo Việt nam như người tuyệt tự mà quốc gia cũng thiếu đi những công dân sẵn sàng đem xương máu để bảo về giang sơn, đánh đuổi ngoại xâm mà trong suốt chiều dài lịch sử mở nước, dựng nước và bảo vệ tổ quốc qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và thời kháng chiến chống thực dân đế quốc đã cho thấy.


– Giáo dục hàng Phật tử tại gia


Đã hơn hai ngàn năm kể từ ngày đạo Phật truyền vào Việt Nam nhưng Phật giáo chưa có một cuốn giáo lý căn bản thực dụng và giản dị để người Phật tử tại gia hiểu một cách rõ ràng cặn kẻ về giá trị của một tôn giáo mà mình đang theo. Chúng ta thường nói, Việt Nam có 80% dân số là Phật tử, điều đó không sai. Nhưng hầu hết Phật tử nầy được mệnh danh là Phật tử truyền thống chung chung; cha mẹ đi chùa dẫn con theo trong những buổi sám hối ngày mười bốn, rằm hay ba mươi, mồng một, hoặc những buổi tụng kinh Pháp hoa cho có phước, tụng Địa Tạng để cầu siêu, tụng Dược Sư để cầu an, tụng Thủy sám tiêu trừ tội lỗi. Nhưng lúc bị hỏi về căn bản giáo lý của đạo Phật thì nhiều người quả thật không trả lời được.


Ước mong thay, Phật giáo Việt nam nên có những chương trình dạy Phật pháp hoặc học hàm thụ cụ thể từ thôn quê đến thành thị, có sách giáo lý căn bản, giản dị để tô bồi kiến thức cho người Phật tử, để họ không những sử dụng giáo lý của Phật vào cuộc sống hằng ngày trong việc giúp đối trị các bệnh tật các khủng hoảng trong gia đình cũng như xã hội, mà còn tạo cho đất nước thêm những con người biết phụng sự tổ quốc, phụng sự tha nhân như phụng sự cha mẹ và phụng sự cho chính mình.


3. Ước mơ thứ 3: Sự liên hệ giữa Nhà nước và Giáo hội


Tất cả các đoàn thể sống trong một quốc gia nào cũng phải tôn trọng và chấp hành pháp luật của quốc giá đó, nếu không thì sẽ tạo ra tình trạng nhiều quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn nếu không muốn nói đó là tình trạng Thập nhị Sứ quân. Trước lúc trở thành một tín đồ hoặc một tu sĩ, người đó đã là một công dân. Một tôn giáo không thể đi vào cuộc đời nếu không có một quốc gia mà trong đó tôn giáo sinh hoạt. Do đó, tôn giáo là một bộ phận, một cá thể trong một quốc gia. Tuy nhiên, Giáo hội cũng không nhất thiết tham gia Mặt trận tổ quốc, và tu sĩ cũng không nhất thiết là đại biểu quốc hội.


 4. Ước mơ thứ tư:  Một đạo Phật nhập thế


Nếu không có một sự tinh tấn dũng mãnh trường kỳ trong 49 năm truyền bá thì giáo Pháp của Phật đã bị mai một. Sau khi nhập niết bàn, nếu không có các đệ tử noi gương Phật để chuyển Pháp luân thì ngày nay có thể không có một tôn giáo có tên là đạo Phật trên thế giới nầy.  Các vua như A-Dục đại đế ở Ấn độ, các vua thời nhà Đường Trung hoa, các triều đại Lý Trần của Việt nam là những tiêu biểu cho một đạo Phật nhập thế, và đã đem lại những thời kỳ vàng son cho ba quốc gia vừa kể. Một Trần Nhân Tông đã tâm sự với các quan trong triều “Trẫm yêu dân như yêu con trẫm”. Một ông vua đã từng rời cung điện để vào các thôn ấp chỉ dạy cho muôn dân, biết đem đức từ bi để làm phương châm hành động, biết lấy trí tuệ để làm đuốc soi đường và dũng mãnh để làm nhựa sống. Đó là một trong những yếu tố để giải thích tại sao quân Nguyên Mông từng chiếm cứ cả thiên hạ, nhưng đến lúc đem binh xâm lăng Việt nam thì không những đạo quân bách chiến bách thắng nầy thua trận một lần mà thua trận đến ba lần.


Thực vậy, Thái lan là một quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo (95% dân số là Phật tử). Chư tăng qua nhiều thế hệ đã đi vào cuộc đời, ngay cả gánh vác phần lớn công việc giáo dục từ các miền quê xa xôi hẻo lánh. Nhưng trong vài thập niên qua, vì kinh tế thị trường, vì sự phát triển đô thị nên phần lớn lớp trẻ di dời lên thành phố, để lại miền quê một sự trống vắng không những từ thành phần giáo chức trong các trường tiểu học và trung học do chư tăng điều khiển, mà chư tăng cũng lên đô thị,  cũng di chuyển về thành. Sự trống vắng của một đạo Phật nhập thế ở thôn quê là cơ hội ngàn vàng cho các tôn giáo khác xâm nhập và phát triển. Hệ quả vô cùng tai hại là hiện nay số lượng tín đồ các tôn giáo khác, nhất là Hồi giáo, gia tăng quá mức đã tạo tình trạng bất ổn ở các tỉnh miền Nam nước Thái.


Tại Nam Hàn, trong Thế chiến thứ hai phần lớn Tăng Ni chạy lên núi tu, để lại những người bệnh tật, những nạn nhân chiến tranh, những thương binh quả phụ cho Tin lành săn sóc. Hậu quả là, hiện nay số lượng tín đồ Tin lành giáo (30%) xấp xỉ gần bằng số lượng tín đồ Phật giáo (36%).


Tình trạng Việt nam chúng ta. Như tôi đã trình bày sơ lược trong lần Đại hội Phật giáo Việt nam tại Hà nội tháng 12. 2002 rằng tổ chức Phật giáo trong cũng như ngoài nước giống như cái ghế một chân. Tự thân cái ghế đã không đứng vững nói gì đến nhập thế hoặc vào đời.


Thiếu một chân ghế đã yếu, thiếu hai chân ghế sẽ ngả, và thiếu đến 3 chân thì ghế không còn là ghế nữa. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm qua ở trong cũng như ngoài nước, Giáo hội như cái ghế chỉ còn một chân. Hàng Tăng giới cáng đáng hầu hết công việc. Ba giới còn lại chỉ để làm kiểng hay để sai vặt mà thôi. Ngay cả hàng Tăng giới có nhiều vị đạo cao đức trọng nhưng năm tháng đã chồng chất tuổi đời cần phải được tĩnh dưỡng nghỉ ngơi thì quí ngài lại bị giao phó quá nhiều chức vụ, nhiều lúc bất kham mà cũng phải gánh vác trọng trách. Phật giáo không còn là Phật giáo của cả nước mà Phật giáo hầu như chỉ còn là Phật giáo của đô thị, còn thôn quê và miền cao nguyên bị bỏ ngỏ cho các tôn giáo khác. Hệ quả là số lượng tín đồ Tin lành sinh sôi nảy nở ở các tỉnh Cao nguyên Trung Phần đủ để họ nổi lọan đòi độc lập thành lập một quốc gia Dêga mới trên lãnh thổ Việt nam vào năm 2002.


Song song với tình hình thiếu nhập thế của Phật giáo Việt nam ngày nay ở một vài đô thị trong cũng như ngoài nước, tình trạng phân hóa giữa các tổ chức Phật giáo bên ngoài về quan điểm và khuynh hướng chính trị lại càng tệ hại hơn nữa. Thay vì hỗ trợ nhau để truyền trì chánh pháp, để dấn thân vào đời cứu độ chúng sinh, thì một số đã để luống thì giờ trong tình huống phe ta đánh phá phe mình. Đó cũng là một trong những lý do mà một số Tăng Ni chán nản, sống riêng không tham gia tổ chức nên thay vì thi đua tu, học và truyền trì chánh pháp, thì lại thi đua làm chùa để có một cuộc sống thoải mái, độc lập và tự do hơn. Một trong những hệ quả của vấn đề đã và tiếp tục xẩy ra tại nam California là phần lớn đồng tiền mà Phật tử cúng dường đều được xử dụng để trả nợ tín dụng nhà băng cho việc mua nhà làm “chùa” mà có nhiều nơi không cần thiết. Đó là chưa nói đến tình trạng có nơi chỉ cách nhau từ 3-5 km mà có đến từ 5-7 chùa. Có vùng chỉ cần từ 3-5 phút lái xe mà có đến 3 ngôi chùa do một thầy làm chủ, để chứng tỏ ta có nhiều chùa, và số tín đồ mỗi lần lễ sám hối trong các ngày 14 rằm, 30, mồng một có lúc không quá 20 người. Mỗi tháng, mỗi “chùa” cần có khoảng trung bình 2.500 Mỹ kim để duy trì một căn nhà gọi là chùa mà nhiều nơi thực ra không cần thiết phải có một cơ sở như thế vì số Phật tử không có bao nhiêu.


Quyên tiền gởi về Việt nam làm nhà thờ thì không ai cáo buộc gì cả, còn gởi về làm chùa thì bị gán cho cái mũ nuôi chế độ Cộng sản sống còn. Cũng thế, miền nam California được gọi là thủ đô Việt kiều tị nan, có khoảng 290 ngàn người Việt cư ngụ. Trong hai trận bão lụt 1997 và 1999 tại Việt nam, Cộng đồng Phật giáo nam California có cổ động quyên tiền gởi về cứu trợ. Nhưng vì quan điểm bất đồng của một số người trong ban tổ chức là nên gởi tiền về cho giáo hội thân chính hay giáo hội đối chính. Đó là một trong những lý do chính để hiện nay có đến 80 ngôi “chùa” Phật giáo trong vùng mà không có một tổ chức từ thiện. Ba lần bão lụt tại Việt nam gần đây, không thấy bất cứ một chùa nào ở nam California công khai tổ chức quyên góp cứu trợ, nên nhiều Phật tử nóng lòng đem tiền đóng góp, hơn cả trăm ngàn Mỹ kim, vào các tổ chức từ thiện của các tôn giáo khác. Nhưng cũng lại bị một vài người không có chức năng và tâm huyết của người làm từ thiện mà làm việc bất thiện và vi phạm nhân quyền. Tiền Phật tử ngoài nước được người ta dùng để đổi đạo những Phật tử trong nước. Đúng là “phe ta giúp tiền để đổi đạo phe mình” !!!


Từ việc thiếu phương tiện thông tin ngôn luận, thiếu điều nghiên trong việc có nhiều “chùa” và nhất là thiếu am tường tình hình chính trị trong nước và thế giới, và quan điểm chính trị chưa thông thoáng nên đã hơn 30 năm, một số Tăng Ni và Phật tử chưa hề về thăm quê cha đất tổ để biết thực hư thế nào. Họ bị ám ảnh là chùa bị bao vây, Tăng Ni bị tù tội, hình ảnh một nước Việt nam “nghèo nhất thế giới” hình ảnh một “đảng Cộng sản sắp sụp đổ” đến nơi rồi, nên nhanh chân xuống đường chống Cộng để tránh muộn màng.


Những thông tin sai lạc nầy lại được vài cơ quan truyền thông nhắc đi lặp lại nhiều lần cũng lung lạc được một số người. Cũng vì sự tuyên truyền sai lạc và một chiều nầy mà có không ít Tăng Ni và Phật tử Việt kiều đã không thể tích cực ủng hộ các công tác Phật sự trong nước, các di tích văn hóa trong các ngôi chùa ở miền quê bị bỏ quên, các chương trình cho một đạo Phật nhập thế khó thực hiện. Một ngày nào vấn đề truyền thông tại Việt nam được nới rộng, thì Phật giáo cũng chỉ có tai mà không có miệng.


Sau khi nhận được thư mời tham dự hội thảo, tôi có gặp Hòa thượng Thích Mãn Giác, ngài cảm động mếu máo khóc và nói “Việc làm nầy là của Trưởng tử Như Lai, nhưng anh em cư sĩ tích cực hỗ trợ quý Thầy bên nhà tổ chức một cuộc Hội thảo tầm cở như thế, thầy tán tán công đức, thầy sẽ viết bài và đóng góp tịnh tài.” Nhưng rất hiếm người ý thức được như HT Mãn Giác.


Một hôm có ba thân hữu Giáo Điểm đến chùa của một sư bà, trình bày về cuộc hội thảo Phật giáo trong thời đại mới, đồng thời xin sư bà ủng hộ tinh thần và tịnh tài. Sư bà nói rằng có Cộng sản đứng đằng sau, nên sư bà từ chối. Một tâm cảnh mà ngay một vị xuất gia cũng bị ám ảnh và bị đầu độc đến như thế, rất trở ngại cho con đường hoằng hóa độ sinh.


Lại nói về những từ ngữ mà những kẻ chống Cộng thường rêu rao như Phật giáo, sư Nhà nước, quốc doanh.  Sau khi chính thể độc tài Ngô Đình Diệm sụp đổ, Đại đức Thích Minh Châu đỗ tiến sĩ tại Ấn độ trở về quê hương và được mời làm Viện trưởng viện Đại học Vạn hạnh. Ngoài đạo hạnh của một bậc chân tu hiếm quý, ngài là một nhà văn hóa, một nhà giáo dục thuần túy không dính dấp chính trị. Do vậy, trước bao sóng gió mà thời thế đổi thay theo đà leo thang của cuộc chiến nhưng Đại học Vạn hạnh vẫn đứng vững. Sau 1975, mặc cho một số Phật tử ở nước ngoài bị trúng kế ngoại đạo, trong một vài buổi họp mặt đã la ó nguyền rủa ngài là “sư quốc doanh”. Chắc ngài cũng nghe được, nhưng tâm vẫn an nhiên theo con đường giáo dục và văn hóa thuần túy cố hữu của ngài. Do vậy, nhờ công lao của vị sư “quốc doanh” nầy mà ngày nay Phật giáo Việt nam có được vài trăm tăng ni du học khắp các quốc gia trên thế giới, đây là con số lớn nhất từ xưa đến nay. Có nhiều vị đã đỗ tiến sĩ về nước phục vụ, có vị đang theo học. Cũng nhờ công lao của “sư quốc doanh” Thích Minh Châu mà Phật Giáo Việt nam hiện nay có được hằng ngàn tăng ni được đào tạo có trường lớp qui củ trong viện Cao cấp Phật học. Cũng nhờ những sư “quốc doanh” khác như cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Cố Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Cố Hòa thượng Thích Đổng Minh, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, sư Thích Giác Toàn, v.v. mà chùa vẫn còn, Phật tử có chỗ quy hướng, các ngành từ thiện được hoạt động, các trường cơ bản được đào luyện để tăng ni có khả năng truyền thừa mạng mạch của Phật giáo.


Nhưng bất hạnh thay, những Tăng Ni và Phật tử không quốc doanh, sống đầy đủ phương tiện vật chất ở nước ngoài, thì chưa đào tạo được một tăng ni nào trong suốt 30 năm qua. Có chăng, là do sự cố gắng vươn lên của một vài cá nhân lẻ tẻ. Do đó, những ai chạy theo ngoại đạo chống đối sai lầm, mang khẩu nghiệp, gọi Hòa thượng Thích Minh Châu, gọi Thầy gọi Tổ là “sư quốc doanh” nên ăn năn sám hối.


Nói ra thì bị phạm thượng và đôi khi bị trù dập, nhưng thực tế phải thừa nhận rằng đạo Phật Việt nam ngày nay đang có khuynh hướng thiếu nhập thế. Một vài chùa có số lượng Tăng Ni chúng đến vài chục người, nhưng mỗi người chỉ làm việc được vài giờ trong một ngày như hai thời công phu bái sám, chấp lao phục dịch. Thì giờ còn lại, có một số vị, không phải để đọc sách, nghiên cứu, tham thiền mà để nghe nhạc, xem tivi, tán ngẩu bằng phone di động, dạo phố, hoặc nằm ngủ. Sự biếng trễ (cần khắc phục) của một số nhỏ tăng ni như thế cho thấy tính nhập thế của một đạo Phật Việt cần được ý thức đúng đắn và có kế hoạch triển khai cụ thể trước lúc quá muộn và trở thành thói quen.


5. Ước mơ thứ năm: Vấn đề hoằng pháp


Tại sao Phật giáo Việt nam từ sau 1966 đến nay vấn đề hoằng pháp chưa đạt hiệu quả? Chúng ta thường bảo 80% dân Việt nam là Phật giáo, nhưng thật tế rất ít người hiểu đạo Phật. Thậm chí, có người tự nhận là theo đạo Phật nhưng cũng chỉ là đạo truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên, ít đi chùa, không biết tụng kinh, lại càng không biết vận dụng giáo lý vào cuộc sống. Những Phật tử đi chùa cũng chỉ tụng kinh, cúng dường rồi ra về, không được thầy giảng pháp, thỉnh thoảng có những buổi giảng chung chung tại những ngày lễ lớn dưới lễ đài công Cộng, mà đáng lẽ ra, mỗi chùa sau khóa lễ hoặc những ngày sóc vọng đều phải giảng giải cho tín đồ hiểu ít nhất là căn bản giáo lý đạo Phật.


Nhiều năm qua, ban Hoằng pháp của Giáo hội có tổ chức nhiều khóa diển giảng, đào tạo giảng sư, nhưng ít hiệu quả. Chương trình đào tạo và diển giảng chưa được cải tiến đúng mức, những bài giảng thiếu thực tế nên khó đi vào lòng người. Lúc ra trường, quý vị giảng sư không được gởi đến các vùng sâu, vùng cao, vùng xa. 


Hoằng pháp là công tác mũi nhọn để truyền bá chánh pháp, cần quan tâm đặc biệt. Các buổi giảng phần lớn tập chú tại TP Hồ Chí Minh, còn các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng mới có vài buổi giảng do ban Hoằng pháp tổ chức, chỉ là mưa bụi không đủ thấm vào đất đã khô hạn lâu ngày. Chính việc Hoằng pháp thiếu năng động mà Phật giáo đã bỏ trống nhiều diện rộng cho ngoại đạo tự tung tự tác, nhất là các tỉnh cao nguyên miền Trung và vùng núi Cao bằng Lạng sơn ở Tây nguyên. Tình trạng nầy nếu không thay đổi, thì trong vòng 20 năm nữa  an ninh quốc gia bị lung lay và Phật giáo sẽ mất thế đứng trong lòng dân tộc.


MƯỜI ĐIỀU CẤP THIẾT MÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM KHÔNG THỂ THIẾU


Một cách đại thể, ngoài những ưu điểm có thực rất đáng được tự hào sau những năm dài chinh chiến với bao khó khăn, nhưng Phật giáo Việt nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn chưa vững trên bước đường hoằng Pháp độ sinh. Về mặt tổ chức chúng ta chưa có sự nhất quán, thiếu chương trình thiết thực và khả thi hơn, thiếu một đội ngũ tứ chúng năng động và tích cực hơn để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia đang trên đà phát triển và của một thế giới đang hướng về Đông phương với những giá trị thiết thực, trí tuệ, nhân bản và khai phóng.


Sự tiến bộ của khoa học ngày càng đẩy dần các tôn giáo Tây phương vào bóng tối thì những mũi nhọn được họ hướng về Á châu và có sức cải đạo nhờ sáu yếu tố sau đây: được huấn luyện, có tổ chức, nhiều tiền, cuồng tín, đế quốc yểm trợ và chiêu dụ lớp người cùng đinh thiếu học.


Phật giáo không nên bắt chước những kế sách thiếu luân lý và vi phạm nhân quyền của tôn giáo khác, nhưng muốn Thành Tựu (TT) bất cứ một chương trình nào, ngay cả người đi buôn (đam mê nghề nghiệp, biết phương pháp và có vốn)  thì phải hội đủ ba chữ T: Tâm, Trí, Tiền (phương tiện). Nếu đặt vào phương trình toán học thì chúng ta sẽ có: TT (thành tựu) = T1+T2+T3.


Từ ngàn xưa, Phật Giáo Việt Nam không có một ban kinh tài để có phương tiện hành hoạt, nhưng hàng cư sĩ chưa bao giờ bỏ đói chư Tăng Ni, chưa bao giờ làm ngơ trước sự kêu gọi tùy tâm của Giáo hội. Vì thế, một vài tổ chức của Giáo hội không thành tựu như ý muốn vì không phải thiếu chữ T thứ ba, mà thiếu hai chữ T đầu.  Nhất là thiếu chữ T thứ nhì, nên một vài công việc chúng ta đã trở thành những kẻ dọn cỗ cho thiên hạ xơi, múc nước cho người rửa chân.


Cũng cần phải nói một cách khách quan và sự thực, nhờ có đại bi Tâm biết hộ quốc an dân, thương mến quần chúng nên hơn 30 năm qua, hầu hết chư tôn đức Tăng Ni và thiện hữu tri thức Phật tử biết hân hoan đón mừng đất nước độc lập và thống nhất, biết sống trong an bình lạc đạo, biết áp dụng khế lý khế cơ vào hoàn cảnh của một đất nước sau thời hậu chiến. Quý ngài đã đồng lao Cộng khổ chia xẻ với dân với nước. Nếu không có những hy hiến quý báu đó, Phật giáo Việt nam cũng đã mai một theo với các vết hằn đau thương sau những năm dài chinh chiến.


Cũng thế, mặc dầu có vài nơi chùa bị lạm phát, vài việc làm thiếu chín chắn như đã trình bày ở trên, nhưng một cách tổng thể, nếu không có Tâm Trí của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử hải ngoại biết lập lên những đạo tràng cho Phật tử có nơi tu học, biết chịu khó đi diễn giảng, hướng dẫn các khóa thiền, in ấn kinh sách … để Phật tử khỏi bơ vơ trong một quốc gia xa lạ đủ mọi mặt thì ngày nay Cộng đồng Phật giáo Việt nam ở nước ngoài cũng đã mai một. Mặc dầu không thiếu những tuyên truyền sai lầm có hậu ý của thế nhân, nhưng qua những đạo tràng và những ngôi chùa ở hải ngoại nầy, Phật tử tới lui lễ bái đã đóng góp gởi tiền về nên nhiều chùa mới ở Việt Nam được xây cất, nhiều chùa khác được trùng tu, những chương trình từ thiện v.v. vẫn được tồn tục.


Để bù đắp những gì còn trì trệ chưa thực hiện được trong hơn 30 năm qua, để kiện toàn những gì chưa chu tất hoặc những gì còn thiếu tinh thần khế lý khế cơ khế thời và sai lời Phật dạy, chúng tôi xin đạo đạt mười điều cấp thiết mà Phật giáo Việt không thể thiếu. Mười điều đó là:


1. Bỏ những vướng mắc dị biệt: Chư Tăng Ni cũng như Phật tử nên đổi mới tư duy, bỏ qua những quá khứ sai lầm, hoặc những bước đi lệch lạc, hướng về hiện tại và tương lai để xây dựng một Cộng đồng Phật giáo hòa hợp và bổ ích trong tổ quốc mà chúng ta đang sống.


2. Tổ chức giáo hội: Phật giáo Việt nam cần có một Giáo hội gồm các ban ngành quy tụ đầy đủ tứ chúng. Một giáo hội trong nước, một giáo hội ngoài nước, hai mà một, để hỗ trợ cho nhau trong việc tuyền trì chánh pháp, hộ quốc an dân. Tu chỉnh hiến chương, bầu lại nhân sự, trẻ trung hóa giáo hội. Giáo hội muốn thành tựu bất cứ một chương trình nào cũng cần hội đủ 3 chữ T như đã nói ở trên. Và chỉ cần bốn năm (như nhiệm kỳ thổng thống hay thủ tướng của một nước) là có thể chấn chỉnh được tình trạng bế tắc của Phật giáo Việt nam ngày nay.


3. Thu nhận chúng xuất gia: Thỉnh cầu quý vị trú trì của tất cả các tự viện nên tùy theo khả năng, tài chánh và phương tiện mà cẩn thận thu nhận đệ tử xuất gia để tránh nạn tăng ni lạm phát và thiếu phẩm chất.


4. Vào thực tế: Các ban, ngành và chương trình tổng quát của Giáo hội sẽ được quy định trong hiến chương, phải thực tế, khả thi và đáp ứng nhu cầu của quốc gia và thời đại.


5. Ban tham vấn: Giáo hội phải có một ban tư vấn về các chương trình sinh hoạt của Giáo hôi. Ban nầy cũng thường liên lạc với các cấp chính quyền để trao đổi một số vấn đề liên hệ giữa Nhà nước và Phật giáo nhằm, cùng chung với quốc dân, đẩy mạnh chương trình kiến tạo một đất nước phú cường, nhân dân an lạc.


6. Văn hóa, Giáo dục và hoằng pháp: Giáo hội nên đặt nặng chương trình sinh hoạt văn hóa: vinh danh những nhà giáo dục, những nhà văn hóa đã có công đóng góp cho nền văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo, tổ chức các chương trình thi đua sáng tác truyện ngắn, truyện dài, thi phú, ca nhạc, kịch, phim, ảnh…


Giáo dục tăng ni có qui củ, huấn luyện giảng sư, đào tạo trú trì, hướng dẫn tín đồ, tổ chức GĐPT, hoằng pháp sâu rộng từ thành thị đến thôn quê, từ Bắc chí Nam từ trong ra ngoài.


7. Tăng Ni hải ngoại: Khuyến cáo Tăng Ni ở nước ngoài cố gắng tu và học để đủ đức độ và khả năng truyền bá Phật pháp không những cho người Việt mà cho cả người nước ngoài như chư tăng Tây Tạng và Tăng Ni người bản xứ. Chỉ nên lập chùa ở những nơi cần thiết nếu có đủ số lượng tín đồ được qui định.


8. Kinh tế Phật giáo: Giáo hội không nên trông cậy hoàn toàn vào sự cúng dường của Phật tử như từ trước đến nay, mà cần có kế hoạch kinh tế, có hệ thống nhà băng để có phương tiện chu toàn các chương trình hoằng pháp lợi sanh, cũng như có chương trình cố vấn hướng dẫn và trợ giúp vốn với lãi suất thấp để những gia đình nghèo có phương tiện buôn bán, canh tác nhằm xóa đói giảm nghèo và có một cuộc sống an lạc.


Nếu Giáo hội thiếu ban kinh tế tài chánh tức là thiếu mất một chữ T, Giáo hội khó lòng thực hiện các chương trình đã hoạch định. Ban kinh tế tài chánh sẽ nghiên cứu cách thức kinh doanh và hệ thống nhà băng trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và phù hợp với Bát chánh đạo mà Phật đã dạy. Ban sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm của Phật giáo Đài loan, và Nhật bản về chương trình kinh tế để thực hiện.


9. Truyền thông: Nhân loại đang đi vào một thời đại tin học triệt để. Một biến cố vừa xẩy ra từ chân trời nầy thì góc biển kia đã biết tường tận. Do đó, Giáo hội nên khuyến cáo tất cả các tự viện phải có hệ thống tin học để liên lạc, để nhận và gởi đi những bản tin và những bài giáo lý cần thiết. Giáo hội phải chuẩn bị, huấn luyện người và phải có ngân khoản để giảng kinh, đưa tin tức qua các hệ thống thông tin hiện đại lúc hoàn cảnh cho phép.


10. Không làm chính trị: Hiến chương giáo hội phải minh thị là Giáo hội và Tăng Ni không làm chính trị và không tham gia chính quyền, nhưng cư sĩ có quyền tham chính với tư cách một người dân.


Trên đây là bản đề nghị mười điều cấp thiết, tổng quát và khả thi, mà Phật giáo Việt nam không thể thiếu được.


Trân trọng kính chào liệt quý vị.


TS. Hồng Quang (Mỹ)


Lời Ban biên tập:


Đây là bài viết trong Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức”. Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban biên tập. Bài viết đã được Ban Biên tập Phật tử Việt Nam biên tập lược bớt một số đoạn. Chân thành cão lỗi tác giả bài viết này và quý độc giả.