Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Người muốn xuất gia cần nguyện hy sinh trọn đời vì mục...

Người muốn xuất gia cần nguyện hy sinh trọn đời vì mục đích giải thoát giác ngộ (*)

102

Hôm nay trong niềm hân hoan được về tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VI ( Nhiệm kỳ 2007 – 2012), cho phép con thay mặt toàn thể Tăng Ni, Phật tử Tỉnh Hà Tây kính gửi đến chư Tôn Trưởng Lão Chứng minh, Chủ Tọa đoàn, quí vị Đại biểu và toàn thể Đại hội lời cầu chúc an lạc, hạnh phúc trong ánh từ quang của Phật Tổ, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.


Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa toàn thể Đại biểu!


Hoạt động của ngành Tăng sự trong Giáo hội có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó quyết định sự ổn định và phát triển của Giáo hội trong mọi thời đại, nhất là trong giai đoạn xã hội hiện nay.


Trong xu hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu hóa của đất nước, đó là điều đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó những tệ nạn xã hội cũng theo đó gia tăng khó kiểm soát, con người bị văn minh vật chất tha hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến Tăng Ni xuất gia, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh chốn Thiền môn. Trong phạm vi tham luận này, chúng con mạo muội đề cập đến một số vấn đề bức thiết liên quan đến quản lý Tăng Ni, Tự viện đệ trình lên Đại Hội.


I. Về Quản Lý Tăng Ni:


Hiện nay số lượng Tăng Ni xuất gia tu học trên phạm vi cả nước nói chung đã phát triển khá đông về mặt số lượng và có xu hướng tập trung về địa bàn các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm, đây là một hiện tượng tự nhiên đối với xã hội, nhưng đối với Giáo hội không phải là điều đáng mừng mà chính là điều đáng lo ngại, là một thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp duy trì, củng cố và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Nếu nhìn nhận thẳng thắn, sâu xa về việc xuất gia của Tăng Ni ngày nay, chúng ta sẽ thấy người thật sự “Hảo tâm xuất gia”, vì mục tiêu giải thoát “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh” là rất ít. Tình trạng xuất gia không giới hạn đã tạo ra một lớp Tăng  Ni ô hợp và thế tục, không theo đúng giới luật Phật chế định và Nội quy Ban Tăng sự.


Nhiều người vẫn cho rằng Phật tận độ chúng sinh, nên cứ có người đi theo là tốt rồi, mà không thừa nhận đến mục đích của việc xuất gia để làm gì? Trong thực tế gần đây có một số người lục căn bất cụ, đồng tính, già cả, không nghề nghiệp v.v… đến chùa tu như một giải pháp cứu kính, lấy chỗ dung thân một cách nhàn hạ. Họ vẫn được tiếp nhận, thụ giới Cụ túc mà Ban Tăng Sự của Tỉnh – Thành hội và Trung ương Giáo hội không kiểm soát được.


Ở đây chúng ta muốn nói đến và nhấn mạnh lý tưởng xuất gia, phẩm hạnh của Tăng Ni, vai trò của Tăng Ni là người kế thừa mạng mạch Phật Pháp, xiển dương tinh thần trong sáng trong giáo lý của Đức Từ Phụ nhằm duy trì Phật Pháp tại thế gian. Vì thế việc giáo dục, hun đúc lý tưởng xuất gia chân chính là một nhiệm vụ quan trọng trong việc hướng dẫn, tiếp độ và đào luyện người xuất gia hiện nay.


Nếu không người xuất gia sẽ rất khó trụ vững, vượt qua mọi sự cám dỗ của thời đại văn minh vật chất, đang từng giờ từng phút xâm lấn vào mọi ngõ nghách của đời sống xuất gia. Chính vì điều này đã chỉ ra rằng người xuất gia tuy nhiều nhưng vấp ngã cũng nhiều, phẩm hạnh ngày một sa sút, không tạo nên hình ảnh đẹp của người xuất gia trong con mắt người đời, làm suy thoái niềm tin của nam nữ Phật tử tại gia.


Vậy xin đề nghị:


1. Đối với người muốn xuất gia cần phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc xuất gia, có đầy đủ căn lành, nguyện hy sinh trọn đời vì mục đích giải thoát giác ngộ. Đối với các tiêu chuẩn qui định theo luật Phật và Nội quy Tăng Sự phải được kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc bởi Ban Tăng sự các Tỉnh, Thành hội và Ban Tăng sự Trung ương. Nếu thấy không đủ tiêu chuẩn phải cương quyết ngăn chặn.


2. Đối với bản thân Thầy Tế độ: Cũng phải hiểu rõ về bổn phận, trách nhiệm của mình. Việc nuôi độ đệ tử là vì tương lai của Phật pháp, chứ không vì cá nhân mình thu nhận cho nhiều đồ chúng mà không biết cách giáo dục thì sẽ trở thành tội nhân của Phật Pháp. Vì vậy trong Nội qui Tăng sự cần quy định tiêu chuẩn của Thầy Tế độ phải có đủ hai điều kiện là Giáo pháp và điều kiện nuôi dưỡng cũng như Hạ lạp từ 10 hạ trở lên và mỗi năm không được thế phát thụ giới cho 2 đệ tử xuất gia.


3. Đối với Giáo hội: Việc quản lý giáo dục Tăng Ni xuất gia, thụ giới cần phải xem xét một cách nghiêm túc ngay từ ban đầu. Những trường hợp xuất gia không chân chính phải được loại bỏ, Thầy Tế độ không có khả năng nuôi độ đệ tử cũng phải được ngăn chặn. Người có khả năng, đủ tiêu chuẩn muốn nuôi độ đệ tử phải được Giáo hội xem xét và cho phép.


– Việc tổ chức Đàn giới cần phải đặt dưới sự kiểm soát của Trung ương Giáo hội, đặc biệt là Ban Tăng sự Trung ương. Các giới tử phải được khảo hạch trước khi thụ giới về ý tưởng xuất gia, Uy nghi, Giới luật cũng như thời gian tu học. Ban Tăng sự Trung ương cần phải cử nhân sự giám sát và hướng dẫn việc tổ chức đàn giới cho các Tỉnh, Thành hội và chỉ cấp chứng điệp thụ giới cho Tăng Ni xuất gia hợp pháp có đủ điều kiện theo quy định của Luật Phật, Nội quy Tăng sự và Pháp luật hiện hành. Trước và sau khi thụ giới, giới tử phải theo học và hoàn tất chương trình về giới luật theo quy định của từng cấp độ giới pháp đã thụ, sau đó mới được cấp chứng điệp thụ giới chính thức của Trung ương Giáo hội.


– Về Giới luật Phật chế: Gần đây có xu hướng đề nghị tu chỉnh sửa đổi cho phù hợp với thời đại. Việc này là không thể được, vì những điều Phật chế định không riêng cho một nhóm cộng đồng Tăng  Ni nào mà chế định cho toàn cõi Sa bà, nên không thể bãi bỏ. Nên chăng Giáo hội quy định thêm những điều khoản có liên hệ đến xã hội ngày nay một cách cụ thể trong Nội quy Tăng sự, để có cơ sở pháp lý điều chỉnh hành vi của Tăng Ni cho phù hợp với đời sống xuất gia.


– Đối với Tăng Ni và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội nếu không tuân thủ nghiêm túc các quy định trong việc xuất gia nuôi độ đệ tử và tổ chức đàn giới cần phải có những chế tài cụ thể.


II. Về quản lý Tăng Ni tại các Tự viện:


Việc quản lý Tăng Ni tại các cơ sở tự viện hiện nay chưa tốt là điều đáng quan tâm. Một trong những nhiệm vụ của Ban Tăng sự Trung ương là “Y cứ giới luật giám sát, hộ trì việc tu học của Tăng Ni, tự viện”, nhưng hiện nay việc này hầu như bỏ ngỏ, Tăng Ni tại các tự viện sinh hoạt tu tập thế nào các cấp Giáo hội không quản lý, giám sát được.


Chùa được coi là tài sản riêng của Trụ Trì, nên dẫn đến việc thu nhận đồ chúng một cách tùy tiện, trong sinh hoạt, tu tập của Tăng Ni thì ngày càng xa rời quy củ truyền thống, chạy theo văn minh vật chất thế tục, việc sử dụng các vật dụng như điện thoại di động, thư điện tử, internet…. là không thể kiểm soát được.


Một số Tăng Ni khi không được tiếp nhận ở trụ xứ này thì lại được trụ xứ khác tiếp nhận, hoặc cư trú ở nhà dân, khách sạn, nhà trọ v.v… Những bổn phận như An cư, Bố Tát, Tụng Kinh, Hành thiền không được thực hiện, thậm chí có những Tăng Ni sống chung với nhau trong cùng một tự viện v.v…


Qua đó Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây xin kiến nghị:


– Hàng năm Trung ương Giáo hội cần lấy một bộ Kinh luật nào đó làm chủ đề nghiên cứu, sinh hoạt học tập cho tất cả Tăng Ni tại các cơ sở tự viện trong cả nước.


– Hàng năm các cơ sở tự viện cần phải đăng ký với các cấp Giáo hội về chương trình sinh hoạt, tu học, bao gồm cả nội quy sinh hoạt của các cơ sở tự viện đối với Tăng Ni. Trên cơ sở đó các cấp Giáo hội kiểm tra giám sát và hướng dẫn sinh hoạt tu học tại các cơ sở tự viện .


– Đối với Tăng Ni nếu không thực hiện các nghĩa vụ như An cư, Bố tát và các thời khóa tu tập cần phải có chế tài xử lý nghiêm túc .


– Việc bổ nhiệm Tăng Ni trụ trì tại các cơ sở tự viện của Giáo hội phải hội đủ tiêu chuẩn làm thầy như Tỷ khiêu phân từ 10 Hạ lạp ( Ni 12 Hạ Lạp) trở lên, có trình độ Phật học từ TCPH và thế học từ THPT trở lên, đã trải qua khóa huấn luyện về trụ trì mới được xem xét bổ nhiệm. Trong quá trình trụ trì nếu không làm tốt được cương vị trụ trì cần phải được xử lý, nếu nghiêm trọng thì phải phế truất.


– Các cấp Giáo hội cần phải có một tu viện nơi tu học cho Tăng Ni trước khi cho đi trụ trì và hoạt động Phật sự. Nếu Tăng Ni nào khi đi trụ trì hoặc hoạt động Phật sự có sai phạm cần phải được triệu hồi về tu viện để sám hối và tu học tiếp tục, khi có sự tiến bộ sẽ tái sử dụng.


– Các cơ sở tự viện cần phải được qui định trong Hiến chương là tài sản của Giáo hội, vấn đề tài chính của các cơ sở tự viện cũng cần phải được Giáo hội các cấp quan tâm quản lý và sử dụng đúng mục đích cho các sinh hoạt Phật sự, để tránh đi việc sử dụng lãng phí như tài sản cá nhân của Tăng Ni trụ trì.


Trên đây là những vấn đề bức thiết trong việc quản lý Tăng Ni tự viện hiện nay. Kính xin đệ trình lên Đại hội xem xét, nếu có gì sơ xuất, kính xin Đại hội hoan hỷ lượng thứ.


Một lần nữa xin kính chúc chư Tôn Trưởng lão, chư Tôn đức Tăng Ni, Quí vị Đại biểu thân tâm thường an lạc, Phật sự viên thành, chúc Đại hội thành công viên mãn.


Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát


(*) Tham luận của Phật giáo Hà Tây tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI