Trang chủ Diễn đàn Những điều nhỏ mà không nhỏ khi đến chùa

Những điều nhỏ mà không nhỏ khi đến chùa

92

Ngày đó, Phật giáo chưa được nhìn nhận và coi trọng như bây giờ! Công tác hoằng Pháp chưa được sâu rộng, đời sống văn hoá tâm linh chưa được quan tâm vì mọi người còn phải vất vả lo cơm, áo, gạo, tiền. Chùa chiền chủ yếu là các cụ già tháng đôi lần lễ Phật cầu an, hoặc thỉnh thoảng nhà nào có người mất xin phép sư trụ trì đưa ảnh vong lên chùa với mong muốn hàng ngày vong linh được nghe kinh Phật cầu sớm được siêu thoát.

Trải qua những thăng trầm theo lịch sử và văn hoá, Phật giáo trên thế giới nói chung và Phật giáo Viêt Nam nói riêng đã có những khởi sắc. Bây giờ đến chùa không chỉ có những cụ già mà hầu như mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội đều đi chùa và coi đó là chỗ dựa tinh thần lớn lao của mỗi người

Công tác hoằng Pháp được sâu rộng, những Đạo Tràng được thành lập quy củ, những Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử ra đời và hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác Phật sự.

Tuy nhiên, những vấn đề mà chúng ta thường gặp tưởng chừng như vặt vãnh, lại trở thành những điểm tối trong cuộc sống tâm linh.

Đầu năm mới, chúng ta đi lễ cầu an, cầu may, cảnh thưòng gặp là những người Phật tử (hoặc không phải Phật tử) ngồi ăn uống, nhậu nhẹt ồn ào nơi thanh tịnh. Họ coi những ngôi chùa cổ kính, chốn tâm linh tín ngưỡng thành quán nhậu lộ thiên. Đáng lẽ, họ chỉ cần thành tâm mua Hoa quả. bánh trái hoặc phát tâm cúng dường Tam Bảo bằng vật chất, đằng này họ mua gà, mua giò, thịt nguội…để mang vào chùa cúng Phật với mong muốn sẽ nhận được nhiều Tài Lộc.

Họ đâu biết hoặc biết nhưng cố tình không biết: đức Phật là bậc Đại Trí- Đại Hùng- Đại Lực- Đại Từ- Đại Bi, ngài từ bỏ cuộc sống giàu sang, xả phú cầu bần, tìm hưóng đi giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh Sinh Tử luân hồi, thì Ngài có giữ gì đâu mà ban phát cho đám ngưòi đó? Ngài dậy đại chúng không được sát sinh để không tạo ra thêm nghiệp ác, thì làm sao Ngài thụ thực được những món ngon mà đám ngưòi đó dâng cúng?

Họ đi vào chùa lễ Phật mà ăn mặc hở hang, đi đứng ồn ào, nói năng thô lỗ, ôm ấp bá vai bá cổ nhau như ở chỗ không ngưòi vậy! Họ viết, họ vẽ lên những nơi nào có thể trong chùa như muốn chứng minh cho thiên hạ biết-Tôi là đã từng đến đây! Họ thắp hương tuỳ tiện, hàng nắm, hàng bó mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu là những đám khói đó sẽ làm hỏng những bức tượng đã nhuốm mầu thời gian lịch sử.

Đi chùa lễ Phật để tìm sự tĩnh lặng thanh thản trong tâm, cúi mình trước Phật vì thấy mình quá nhỏ nhoi, ti tiện trước Phật, hàng ngày phải tự mình soi sét bản thân mình, sửa chữa những thói hư tật xấu của mình.

Gặp quý Tăng-Ni là gặp trưởng tử của Thế Tôn, có thể đem những thắc mắc về Phật giáo, những suy nghĩ, những tâm tư để chia sẻ với quý Thầy, quý Thầy sẵn sàng lắng nghe và có những lời động viên có ích.

Chúng ta phát tâm cúng dàng Tam Bảo đâu phải quý Thầy dùng tài vật để làm của riêng? Quý Thầy sẽ dùng tài vật đó cho việc mua tài liệu, sách báo phục vụ cho việc tu tập của mình, quý Thầy dùng tài vật đó tu bổ chùa chiền, tôn tạo cảnh quan.

Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta dù là Phật tử hay không phải Phật tử hay nhìn nhận những vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhoi này nhưng nó là những vấn đề để đánh giá về một khía cạnh trong văn hoá con ngưòi với tín ngưỡng tâm linh. Hãy đến chùa theo đúng nghĩa, hãy để sự bình an, thanh tịnh cho mỗi ngôi chùa.

Lá đa rơi nhẹ cửa thiền
Hư vô một cõi ưu phiền xua tan
Cà sa ánh những sắc vàng
Không không sắc sắc vô thưòng là đây
Công đức Thế Tôn cao đầy
Hào quang Phật Pháp tràn đầy nhân gian
Đảnh lễ quên hết lo toan
Cúi mình trước Phật nhẹ oan nghiệp đời
Nương theo ánh sáng của người
Khắc ghi trong dạ những lời Từ Bi
Bớt đi Tham, Nghiệp,Sân, Si
Bớt đi tội lỗi lối đi trong đời