Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Những pho tượng cổ quí cần được bảo vệ

Những pho tượng cổ quí cần được bảo vệ

54

Ngôi chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển rất sớm và phồn thịnh của vùng đất Xuân Canh.

“Thôn Thượng Lão, xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có cổ tích danh lam là chùa Quan Âm. Chùa này cảnh vật đẹp lạ, qui mô rộng rãi, trong điện có tượng Phật, trên án đặt lư hương. Tượng Phật óng ánh mầu sắc, gác treo chuông đồng, cầu bắc trên ao… Địa thế có sông ôm núi chắn, khí thiêng hun đúc, cầu có ứng, cảm ắt thông”, từ bao đời đã “che chở cho thôn làng được lắm của đông người, cung chúc cho Hoàng Vương gặp vận lớn trường cửu, thật là danh lam đứng đầu xứ Kinh Bắc” (“Quan Âm tự bi”, niên đại Vĩnh Trị V, 1680).

Không rõ ngôi chùa có từ bao giờ.  Trước đây chùa này nằm ở bãi Quan Âm, đến thời nhà Lý, khi đắp đê quai mới dời vào địa điểm bây giờ.

Chùa Quan Âm là một quần thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật rất cao, hài hòa, gắn kết chặt chẽ và tôn vẻ đẹp, sự trang nghiêm của từng khối kiến trúc.
Nổi bật và có giá trị tâm linh và nghệ thuật cao là những pho tượng cổ, với các loại hình: Tượng Phật, tượng Mẫu và tượng Tổ.

Hiện nay chùa còn 35 pho tượng Phật, 03 pho tương Mẫu và 03 pho tượng Tổ, hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII, XIX. Nét mặt của các pho tượng đều tỏa ra sự từ bi, nhân hậu ẩn chứa triết lý của đạo Phật.

Các tượng đều được mặc hai lớp áo với bộ tăng già phía trong mang hình chữ “vạn” ở ngực áo. Lớp la bào phủ ngoài khoác qua vai tạo những đường cong mềm mại sống động. Các pho tượng đều được sơn thếp bằng chất liệu sơn ta cổ truyền, tạo nên một vẻ đẹp thâm trầm mà vẫn lộng lẫy.

Mỗi pho tượng đều được chạm khắc tỉ mỷ, chau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện rõ tính cách từng nhân vật. Nếu như các pho tượng Phật được tạc trong một khối vững chãi, theo đúng qui chuẩn, thì ở các pho tượng Tổ lại dựa trên những con người thật là các vị sư tổ của chùa đã viên tịch, nên ít gò bó và tạo sự dung dị và gần gũi.

Tượng Mẫu với khuôn mặt tròn, phúc hậu, khuôn mặt toat lên vẻ hiền lành, nhân từ nhưng sang trọng và cao quí. Giá trị nghệ thuật cao nhất là các pho tượng Phật có niên đại thời Lê Trung hưng và các bức phù điêu bằng đá, mang đậm tính cách con người Việt Nam.

Trải bao năm tháng, những pho tượng quí hiếm này bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các pho tượng đều bị bong sơn, nứt vỡ rơi cả cốt tre ra ngoài, tay ngai  tượng thờ Chúa Đức Ông bị gẫy rụng hẳn xuống…

Ngôi chùa bị nghiêng về phía trước do sức ép của bom trong chiến tranh. Mái ngói bị vỡ nứt nhiều, mỗi khi mưa bị dột nhiều nơi làm cho các pho tượng ngày một hư hại thêm.

Điều đáng nói là sau 21 năm không có sư trụ trì, thì từ tháng 12. 2008 thầy Thích Minh Đăng về chùa, chỉ trong thời gian ngắn ấy thầy đã làm được rất nhiều việc cho nhân dân trong vùng như mua sắm đồ thờ, thành lập “Câu lạc bộ Đạo tràng” tập hợp những phật tử trung tuổi trở lên, thường xuyên sinh hoạt để ngộ thêm giáo lý nhà Phật, giúp mỗi người sống gương mẫu hơn cho con cháu noi theo.

Đặc biệt thầy thành lập “Câu lạc bộ Hiếu Hạnh”, tu hút gần 100 cháu từ lớp một tới sinh viên đại học với nhiều hoạt động bổ ích và lý thú, giúp các em sống tốt hơn với gia đình, thầy cô, xã hội. Tổ chức lễ Phật Đản và cầu nguyện cho hòa bình…

Nhưng ngôi chùa mang những giá trị tâm linh và nghệ thuật đã được xếp hạng “Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia quí hiếm ấy có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào, các pho tượng mang tầm cao của giá trị nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn nếu không có sự đầu tư khẩn cấp của các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước và thành phố Hà Nội cùng các nhà hảo tâm.

Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, Hà Nội sắp đến, lẽ nào chúng ta lại nỡ để một công trình mang giá trị lịch sử và văn hóa quí hiếm như vậy có thể bị mai một vĩnh viễn. Trong khi việc huy động vốn, trùng tu chùa và các pho tượng cổ là công việc quá sức của nhà chùa và nhân dân trong vùng.

Cột bị mối mọt rất sâu

Tượng bị nứt vỡ rơi cả cốt tre

Tượng đức ông bị gãy tay ngai