Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ NSƯT Thành Lộc: Xã hội thoái hóa do con người không có...

NSƯT Thành Lộc: Xã hội thoái hóa do con người không có đời sống tâm linh

131

Mọi thông tin bề nổi về Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc – “gã phù thuỷ của sân khấu” hầu như báo chí giới thiệu khá rõ. Mấy chục năm trên sàn diễn chuyên nghiệp. Những vai diễn tuyệt vời. Những vở dựng xuất sắc.


Sau đợt triển lãm Phiêu Linh Lộc tại IDECAF (Viện Trao đổi văn hoá, ngôn ngữ với Pháp), TP.HCM, cuối tháng 12 vừa qua, khán giả yêu nghệ thuật sân khấu càng biết thêm ít nhiều về Thành Lộc.


Riêng đối với PV Văn Hoá Phật Giáo, trong một lần trò chuyện bên tách trà, anh hé mở một chút về nội tâm của mình. Buổi trò chuyện ấy không theo một chủ đề gì cụ thể, mà chỉ loanh quanh về vài khái niệm sống, sự tử tế, lòng lương thiện…


PV: Nghệ sĩ Thành Lộc là một Phật tử?


NSƯT Thành Lộc (TL): Tôi là người theo đạo Phật. Nhưng tôi thích cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng đạo Phật là một nghệ thuật sống. Thế nên tôi tiếp nhận đạo Phật một cách tự nhiên và hiện đại.


Là người của nghệ thuật, phải đóng nhiều vai khác nhau, tôi thường phải tiếp cận nhiều đối tượng. Nếu đóng vai một tu sĩ Hồi giáo, một cha cố Thiên Chúa giáo hay một tu sĩ Phật giáo thì tôi phải đến nhà thờ hay chùa để học cho vai diễn của mình thật và tròn trịa. Từ đó tôi nhận ra rằng các tôn giáo đích thực đều khuyến khích con người làm điều thiện.



Thành Lộc trong vai Na Tra


PV: Như vậy thì Thành Lộc tìm thấy điều gì đặc biệt ở đạo Phật để yêu mến?


TL: Đó là những nguyên lý rất giản dị nhưng đi hoài không tới, nhưng luôn ở ngay đây là hợp với mọi lẽ. Tôi thích những phạm trù rất đẹp trong Phật giáo như ngộ, nhẫn, nhân duyên, vô thường, luân hồi, nhân quả (nhất là cho-nhận)… Qua đó tôi thật sự tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình.


PV: Mà cuộc đời của Thành Lộc thì còn gì lớn hơn và đam mê hơn ngoài nghệ thuật?


TL: Đúng thế. Đối với tôi, làm nghệ thuật là sự dấn thân. Đúng hơn là một sứ mệnh mà đời giao cho tôi. Há chẳng phải đó là cái nhân duyên lớn nhất của tôi và đời đó sao?


Ai cũng biết tôi là con nhà chuyên nghiệp, hơn 8 tuổi tôi đã đứng trên sân khấu chuyên nghiệp. Lòng yêu nghệ thuật thấm vào máu tôi từ bé. Khi còn trẻ, tôi cũng từng hoài nghi về sự phù phiếm của nghệ thuật.


Nhưng phải nói rằng cho đến khi tôi trở thành ngôi sao thì tôi mới ngộ được vai trò của mình. Tôi hiểu rằng mình sinh ra là phải làm nghệ thuật và tôi phải nhả hết tơ để phục vụ cho khán giả.


Nhưng, như tôi đã nói về quy luật cho – nhận, trời cho tôi khả năng làm nghệ thuật, trở thành ngôi sao rồi cũng lấy đi của tôi rất nhiều thứ đáng giá khác. Mà nếu không có niềm đam mê nghệ thuật và sự nhận thức đúng đắn về nhân duyên thì tôi khó mà trụ lâu dài.



PV: Và Thành Lộc có cảm thấy tiếc hay một cảm giác gì đó gần giống như thế khi nghĩ về cuộc đời riêng của mình?


TL: Cái giá mà tôi phải trả đó là đời sống riêng của mình không vẹn toàn. Nhưng như đã nói, những nguyên lý trong đạo Phật giúp tôi sống thăng bằng với những mất thăng bằng. Giờ đây tình yêu của tôi chính là khán giả. Tôi gửi đến tâm tư kỳ vọng của mình qua những vở dựng, những vai diễn.


Trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi là đem kiến thức, tri thức và tiếng cười đến với khán giả. Cho tôi được gọi một cách trang trọng là khai sáng tâm hồn. Hành trình tôi sẽ đến với khán giả là khai nhãn – khai tâm – khai trí. Và mục đích của 3 khai ấy là làm cho con người sống với nhau đẹp hơn, có nghệ thuật hơn. Đem nghệ thuật vào đời sống, đó gọi là nghệ thuật sống.



Thành Lộc trong vai cha đạo


PV: Tại sao Thành Lộc lại có những tâm tư như thế?


TL: Tôi thấy xã hội mình thật là… kỳ cục. Có những người giàu thì giàu một cách… quái gở, song song cũng có những người nghèo một cách… quái gở. Cái đáng nói hơn là nghèo về tri thức một cách quái gở ở những người giàu quái gở. Tôi cảm thấy hình như (tôi chỉ nói hình như thôi nhé) xã hội mình bây giờ đang rơi vào tình thế rối loạn tâm linh.


PV: Theo anh thì làm thế nào để kiểm soát tâm linh, để nó không rối loạn?


TL: Làm thế nào để kiểm soát tâm linh à? Một câu hỏi khó đây! Trong nghệ thuật, đỉnh cao chính là sự dung dị. Đức Phật cũng thế, khi Ngài chứng ngộ thì Ngài trở nên đơn giản hoá mọi hình thức. Vật chất chỉ là phương tiện, nhân cách sống mới là quan trọng.


Nếu bạn giàu có và tri thức, bạn sẽ có đời sống bình ổn. Nhưng nếu bạn có thêm đức tin, bạn sẽ dễ kiểm soát mình. Đức tin làm cho con người ta biết cân bằng trạng thái sống và hướng thiện, hoặc ít ra biết chỉnh đốn mình.


Ở góc độ nghệ thuật, tôi chỉ cố gắng gửi những thông điệp tốt đẹp đó qua những vở dựng, kịch bản và vai diễn của mình. Tôi không mong kẻ ác bị trừng trị mà phải là kẻ ác đang sám hối.



PV: “Kẻ ác sám hối” có vẻ là một khái niệm rất lạ so với quan điểm dân gian? Ngay cả những câu chuyện cổ tích cũng luôn là cái ác phải bị trừng trị ở đoạn kết?


TL: Tôi lấy một ví dụ, khi dựng vở Bí mật vườn Lệ Chi, tôi đã cố để nhân vật phản diện Tạ Thanh và cả thần phi Nguyễn Thị Anh có nhiều đất diễn cũng vì mục đích này. Nguyễn Trãi là người tốt, điều này đã được lịch sử chứng minh quá hiển nhiên. Người tốt đã tốt rồi. Cái mà tôi muốn chính những con người ác phải biết sám hối. Chứ nếu kẻ ác bị trừng trị thì lại nảy sinh một nghiệp ác mới. Thế là cái ác luân hồi sao?


Không, chỉ khi biết sám hối, biết nhìn lại cái ác mà họ đã gieo thì họ mới có thể phục thiện. Có biết phục thiện thì mới trở thành người lương thiện và tử tế. Không có người tử tế thì xã hội sẽ loạn.


PV: Sự lương thiện và tử tế có rất nhiều trong xã hội chúng ta. Bằng chứng là khi có chiến tranh (ngày trước), thiên tai hay nhân hoạ gì thì người dân cả nước vẫn đùm bọc và hướng về nhau đó thôi?


TL: Vâng, đó chính là điều làm tôi rất lạc quan với cuộc sống này. Tôi vẫn đang rất mong và cầu nguyện về sự tử tế, về sự lương thiện sẽ đến với tất cả chúng ta ngày càng nhiều.


Nói gì thì nói, bạn tử tế mà nghèo thì cũng chẳng làm được gì. Nhưng nếu giàu có mà chả tử tế thì càng nguy hại. Bạn giàu, bạn tử tế mà bạn không có quyền thì việc làm của bạn chẳng đi đến tận cùng của vấn đề.


Cho nên, tôi vẫn thường vẽ chân dung của một người tử tế như thế này: Giàu + quyền + đức tin = người tử tế. Đó là một người tử tế hoàn hảo sẽ giúp cho đời nhiều việc. Có khó kiếm người như thế trên đời này không? Khó mà cũng không khó. Nếu mỗi chúng ta sống có đức tin thì sẽ hướng đến được điều thiện. Theo quan điểm cá nhân tôi, thì không có đức tin là một trong nhiều nguyên nhân làm đạo đức tha hoá. Bởi vì từ tôn giáo cho ta khái niệm về lương tâm.


PV: Với tình hình sân khấu cũng như tình hình xã hội chung hiện nay thì Thành Lộc sẽ thực hiện ý đồ nghệ thuật cũng như gửi gắm tâm tư của mình vào nghệ thuật như thế nào cho hợp mọi lẽ?


TL: Nói thật, tôi rất đau về tình hình xã hội hiện nay. Khi đọc một cái tin trên báo rằng một cây cầu xây chưa xong đã gãy làm chết bao nhiêu mạng người vô tội, tôi bần thần cả người và cứ nằm một mình trong phòng suy nghĩ về vấn đề đó. Câu hỏi tại sao lại có chuyện bất nhân đến thế cứ ám ảnh trong tôi không một lời giải đáp.


Đôi khi, với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, tôi đã khóc. Tôi nghĩ, nguyên nhân của những hiện tượng gây thoái hoá xã hội như thế là do những con người sống mà không có đời sống tâm linh thật sự.


Riêng về tình hình sân khấu ngày nay đã có nhiều tiến bộ hơn, nhưng vẫn ở trong tình trạng ru ngủ nhau, ve vuốt nhau và vo tròn vấn đề. Cho nên, thú thật là khả năng sáng tạo cũng như đề tài mà tôi chọn ít nhiều bị hạn chế. Tôi vẫn phải sử dụng ngôn ngữ hài kịch để dễ dàng đi đến công chúng hơn cũng như trao gửi vấn đề mình muốn nói nhẹ nhàng hơn.


PV: Khán giả rất đa dạng về cách nhận thức. Phải chăng Thành Lộc đang định bình dân hoá nghệ thuật để ai cũng hiểu?


TL: Điều này vừa đúng vừa không. Nghệ thuật là phải đến được với công chúng ở mọi tầng lớp, vì nó có chức năng giải trí. Chứ dựng vở nào, diễn vai nào mà hầu như không ai hiểu cũng như không làm cho họ thấy vui thì coi như tiêu.


Tuy nhiên, bạn phải biết dung hoà cái tôi riêng và thị hiếu sân khấu. Bạn phải gửi gắm được nhiều thông điệp đến nhiều khán giả, mà mỗi khán giả sẽ tìm thấy và hiểu ngôn ngữ sân khấu bằng mức độ tri thức mà họ có được.


Trở lại vở Bí mật vườn Lệ Chi mà tôi vừa nhắc đến lúc nãy, tôi gửi gắm rất nhiều thông điệp rất Phật giáo nhưng hầu như chưa có ai hiểu được tôi. Đặc biệt là qua dàn múa, đồng ca với ý nghĩa Càn khôn 3 không là không biết, không nghe, không thấy diễn đạt bằng hình thế. Không có một tờ báo nào phân tích được điều này.


Sau đó, có một nhà sư rất đặc biệt từ Pháp về, gọi cho tôi và muốn đi xem vở diễn. Xem xong, thầy chia sẻ chính xác những gì tôi muốn nói, nhất là về góc độ triết lý nhà Phật. Lúc ấy, tôi mừng quá và nói với thầy rằng: “Thầy là khán giả đầu tiên hiểu được con!”.


Về sau, tôi và thầy rất thân. Làm nghệ thuật nghiêm túc là thế đó. Phần chìm của tảng băng bao giờ cũng dành riêng cho mình và cho một lượng khán giả hiếm hoi nào đấy mà thôi.


PV: Thành Lộc cảm nhận như thế nào về những tràng pháo tay và những khen lời dành cho mình, cả về nghề cũng như khen về nhân cách sống?


TL: Tất nhiên là hạnh phúc rồi. Nhưng tôi nhanh chóng bình tĩnh và không bao giờ ngủ quên. Trở về với chính mình, tôi vẫn không quên những vết thẹo trên lưng từ những va chạm trong đời sống cũng như trong nghệ thuật. Nhưng đạo Phật cho tôi chữ ngộ và chữ nhẫn tuyệt hay. Thế nên, tôi vẫn là một Thành Lộc rất đam mê, rất nhiệt huyết, rất tử tế. Mỗi ngày, vẫn là một Thành Lộc trước khi dắt xe ra khỏi nhà với lời nguyện cầu Phật cho con một ngày bình yên.


PV: Xin cảm ơn Thành Lộc về buổi trò chuyện chân tình này. Chúc anh luôn có những vở dựng và vai diễn thật hay!


Ghi chú: Tựa bài do Phật tử Việt Nam đặt lại. Tựa nguyên gốc trên Văn hóa Phật giáo: NSƯT Thành Lộc: Tôn giáo cho ta khái niệm lương tâm.