Trang chủ PGVN GHPGVN Phật giáo Hà Tây: 5 năm xây dựng và phát triển

Phật giáo Hà Tây: 5 năm xây dựng và phát triển

265


Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Phật Giáo (ĐHPG) tỉnh Hà Tây lần thứ V vào ngày 10-10-2002, Ban Trị sự tỉnh hội khóa V (2002- 2007) gồm 37 thành viên chính thức, trong đó có 17 ủy viên thường trực đảm nhận 21 phần công việc. Thường trực Ban Trị sự tỉnh hội họp 3 tháng/ lần, và hàng năm tổ chức hội nghị thường kỳ để kiểm điểm, đánh giá và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ban Trị sự cũng đã chỉ đạo 14 đơn vị huyện, thị tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ đúng thời gian, phát huy được hiệu quả, điều hành các hoạt động Phật sự tại các cơ sở, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thành quả Phật sự to lớn của tỉnh Hà Tây. Việc triển khai các nghị quyết, phổ biến các văn kiện được Ban trị sự thực hiện kịp thời, xây dựng kế hoạch công tác từng quí, từng tháng, và có các văn bản hướng dẫn Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thị tổ chức nghiên cứu, học tập và thực hiện trong các ngày lễ lớn như: Tết Nguyên Đán, Lễ Phật đản, Vu Lan, Phật Thành đạo…

Trong năm 2006, lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính được tổ chức cho 80 Tăng Ny là Ủy viên Ban Trị sự Tỉnh hội và Ban Đại diện Phật giáo của 14 huyện, thị nhằm nâng cao nghiệp vụ công tác Phật sự cho các cấp Giáo hội; Đồng thời, ý kiến đóng góp của toàn thể các thành viên Ban Trị sự về việc tu chỉnh Hiến chương GHPG VN và nội quy Ban Tăng sự T.Ư đa được tập hợp và gửi về Ban Tu chỉnh Hiến chương GHPGVN.

Ban Tăng sự đã lập được sổ danh bạ, hệ thống hóa lại các hồ sơ của Tăng Ni, cập nhật bổ sung vào danh bạ những trường hợp xuất gia thụ giới, thống kê những trường hợp tăng giảm do thuyên chuyển và viên tịch. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tây có 1.108 vị Tăng Ni, trong đó có 83 Tỷ Khiêu, Tỷ Khiêu Ni 809 vị, Sa Di 23 vị, Sa Di Ni 137 vị, Hình Đồng Tăng 12 vị, Hình Đồng Ni 44 vị.

Số lượng các ngôi chùa trong tỉnh cũng tăng lên rõ rệt, hiện có 1.181 ngôi chùa. Một số cơ sở chùa chiền bị hư hoại trong chiến tranh nay đã được nhân dân phục hồi lại. Có 236 ngôi chùa đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 92 chùa được quyết định bảo vệ, với 779 chùa có Tăng Ny trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì. Viec xuất gia tu học của nam nữ Phật tử, việc đăng ký hộ khẩu tạm trú, nhập khẩu hợp thức tại các cơ sở tự viện đã được thực hiện có nề nếp, và thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tây, đã giải quyết kịp thời đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử. Ban tăng sự tỉnh hội cũng đã hướng dẫn thủ tục, làm hồ sơ và tiếp nhận 114 trường hợp nam, nữ xuất gia. Trong 3 tháng hạ, Ban Giảng huấn đã giảng Kinh, Luật, Luận, học tập Hiến chương Giáo hội, giới thiệu nội qui tăng sự, nghị quyết hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam…

Trường Trung cấp Phật học Hà Tây khóa IV với 97 Tăng Ni sinh đã và đang tiếp tục mạnh dạn cải tiến chương trình giảng dạy, sắp xếp thời lượng các môn học một cách khoa học, phù hợp với trình độ của các Tăng Ni sinh, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Đến nay, môn Tin học và Tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình học chính khóa.

Trên tinh thần hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp, chương trình thuyết giảng tại các lớp giáo lý, giảng đường của tỉnh hội và các tổ đình, tự viện lớn trong tỉnh được duy trì đều đặn, nâng cao chất lượng, và cải tiến, đổi mới về nội dung và phương pháp diễn giảng nên đã thu hút được đông đảo Phật tử tham gia. Việc tổ chức diễn giảng trong các ngày đại lễ, qua đó đã nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý, chính tín trong các Phật tử, đồng thời bài trừ mê tín dị đoan, tà giáo, góp phần xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Ban Hoằng pháp đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Công tác Hoằng Pháp tại các vùng sâu, vùng xa” và  thành lập Ban giảng sư lưu động tại các khu vực trọng điểm trong tỉnh, như Tp. Hà Đông, Sơn Tây và các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Các Đại lễ, được tổ chức chức trang nghiêm, trọng thể, đặc biệt là Đại lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan – Báo hiếu hàng năm trùng với ngày kỷ niệm Thương binh liệt sỹ 27-7 cho nên đây cũng là dịp để Tăng Ni, Phật tử thể hiện trọn tinh thần đền ơn đáp nghĩa những người đã góp một phần xương máu cho Tổ quốc thông qua việc thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và đã tặng trên 100 xuất quà cho gia đình chính sách tại địa bàn an cư, góp hàng chục triệu đồng vào các quỹ phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Hoạt động nghi lễ trong tỉnh Hà Tây cũng đã nhiều chuyển biến tích cực, Ban Trị sự đã có những hướng dẫn vận động Tăng Ny, Phật tử thực hiện nếp sống văn hóa mới, hạn chế các hủ tục không phù hợp với chính pháp, đồng thời tổ chức lễ hội truyền thống như: Chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Đậu, chùa Tây Phương và khánh thành chùa, tháp, Phật tượng… trang trọng và tiết kiệm.

Nhìn lại một nhiệm kỳ công tác Phật sự với tinh thần đoàn kết hòa hợp, Tăng Ni Phật tử Hà Tây đã góp phần thực hiện có hiệu quả tôn chỉ mục đích đúng đắn của GHPGVN. Bộ máy nhân sự tổ chức đã mở rộng, trình độ được nâng cao, thể hiện trọn vẹn nguyên tắc đoàn kế, thống nhất ý chí và hành động, đặt lợi ích của đạo Pháp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân sơn môn hệ phái, tạo thế ổn định vững chắc và phát triển lâu dài của Phật giáo tỉnh Hà Tây.