Trang chủ PGVN Nhân vật Phát hiện mới về Thái sư Trần Thủ Độ

Phát hiện mới về Thái sư Trần Thủ Độ

75

Phát hiện trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “750 năm chiến thắng Đông Bộ Đầu và những thành tự xây dựng, bảo vệ kinh đô của nhà Trần” do Hội khoa học lịch sử Việt Nam vừa tổ chức tại Bắc Ninh.

Giải mã chữ “Thượng phụ” 

Chùa Lim, tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Vân, thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nằm ngay sát cạnh bên trái chùa là đền Lim. Trong đền có ban chính giữa với bức hoành phi Trần triều Thượng phụ, mà nhân dân và cả sư Thầy Hội (trụ trì chùa Lim) cho rằng để chỉ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Tuy nhiên, theo các nhà sử học, do Trần Thủ Độ có công mở nghiệp nhà Trần, nên ngay sau khi lên ngôi vua, Trần Thái Tông đã phong cho ông làm “Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước”. Khi ông mất vào tháng giêng năm Giáp Tý (1264), được truy tặng “Thượng phụ”. “Trong giới sử học nhắc đến "Thượng phụ" là để chỉ Thái sư Trần Thủ Độ”, ông Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học cho biết.

 

Chùa Lim, nơi có bàn thờ Thái sư Trần Thủ Độ.

Ở ban thờ Đức Thánh Trần có đôi câu đối được dịch nghĩa: Công đức của ông để mãi đến ngày nay, chẳng những chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần/ Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam. Với hai câu đối trên, các nhà sử học cho rằng chỉ có thể viết về Trần Thủ Độ với các lý do: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông”.

Theo nhà sử học Hoa Bằng, câu "Sau nghìn đời, công luận đã định…” là một minh chứng thêm để nói về Trần Thủ Độ. Bởi lẽ, với Trần Hưng Đạo, cuộc đời và công trạng của ông đã quá rõ ràng, các sử gia phong kiến cũng như hiện đại đều khẳng định, công nhận và ca ngợi, chẳng phải đợi đến "sau nghìn đời".

Có công với Phật giáo Việt Nam

Với Trần Thủ Độ, hầu hết các nhà sử học (cả phong kiến và hiện đại) luôn nhận xét hai mặt con người ông: vừa khen lại vừa phê phán. Khen vì những công trạng, những việc ông làm cho nhà Trần, nhưng lại phê phán vì những việc ông làm với nhà Lý. Nhưng chẳng phải đợi đến một nghìn năm, (mà chỉ hơn 600 năm sau), năm 1905, tại thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, chính tại nơi mà sử chép Trần Thủ Độ đặt bẫy giết hại họ Lý, nhân dân đã dựng một ngôi đình Thái Bình để thờ Lý Chiêu Hoàng ngồi giữa, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ ngồi hai bên.

Ông Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học, cho rằng: “Dưới con mắt của nhân dân, Trần Thủ Độ hoàn toàn khác với những nhận định của các sử quan phong kiến. Nhân dân biết ơn ông đã cứu đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc, và nhờ có tài thao lược, khí phách hiên ngang, tinh thần kiên quyết của ông mà Đại Việt mới thoát khỏi cảnh nô lệ ở nửa sau thế kỷ 13”.

Phát hiện mới đây của PGS.TS Nguyễn Minh Tường còn cho biết: Những năm cuối đời, Trần Thủ Độ đi tu tại chùa Cù Tu (thuộc xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Đây là một gợi ý cho việc lý giải việc Trần Thủ Độ được thờ tại chùa Lim. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, "Việc các ngôi chùa, vốn là nơi thờ Phật, nay lại thờ cả Thái sư Trần Thủ Độ, nói lên rằng: Ông từng có thời gian tu hành và có những công tích trực tiếp đối với Phật giáo Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đồng tình với những luận giải của các nhà sử học rằng ban chính giữa tại đền Lim, thuộc chùa Lim là để thờ Trần Thủ Độ. Vì thế, người dân Thị trấn Lim và chùa Lim cũng nên cải chính để hướng dẫn du khách.