Trang chủ Diễn đàn Phật tại Tâm! Tâm tại Ý. Ý tại Hành động. Hãy hành...

Phật tại Tâm! Tâm tại Ý. Ý tại Hành động. Hãy hành động tốt! (cập nhật ý kiến độc giả lần 4)

70

Khi xã hội hiện đại phát triển một cách chóng mặt với tất cả những xáo trộn, bát nháo của nó mà không có được một sự bảo đảm vững chắc từ vốn văn hóa của mỗi người dân, không gian chùa cũng trở thành nơi cho người ta trút lên đó tất cả những tham sân si của mình, của người.


Thay vì đi tìm sự thanh thản của tâm hồn, người ta đi chùa để cố gắng trút bỏ tội lỗi, để cầu danh mong lợi, để “mua” thêm chút may mắn cho chuyến đi buôn, cho lần thăng chức này…. Ông to, bà lớn thì mong quyền ngày càng cao, lợi ngày càng nhiều, đi cửa nào qua cửa ấy, thoát vòng tù tội. “Bình dân” hơn thì buôn lời bán lãi, buôn một bán mười, tình duyên suôn sẻ…


Thậm chí, đến chùa người ta còn nghe được những lời cầu “siêu thực” đến độ: cầu ngoại tình không bị phát hiện. Mọi thứ thực đến không thể thực hơn, đời đến không thể đời hơn, tất cả những ham muốn hỉ nộ ái ố lạc đều được người đời mang đến cầu khẩn dưới chân Phật với “tấm lòng thành kính” nhất.


Cũng bởi vậy, chuyện những ngôi chùa trở thành địa điểm tập trung đông đúc, náo nhiệt của một số lượng lớn “Phật tử” trong những ngày ba mươi, mùng một rồi ngày lễ tết hay hội chùa là điều khỏi cần bàn tới. Cũng là tất yếu bởi nhu cầu tâm linh là lớn lắm! Những ngày ấy, đến chùa quả thực, người ta phải ngỡ ngàng vì niềm tin vào Phật lại lớn đến vậy?


Trên con đường dẫn vào chùa đâu đâu cũng chỉ thấy người là người đang chen chân, chen tay nhau mà hành hương về với đức Phật. Nhưng nếu mọi việc chỉ đơn thuần như vậy, hẳn cũng không có quá nhiều điều để phàn trách. Tâm linh là của mỗi cá nhân, nhu cầu lại cũng là rất riêng với mỗi con người nên chuyện cầu khấn, mong ước thế nào cũng chẳng thể cấm đoán, ngăn cản hay hoặc định dạng chuẩn theo kiểu chính sách được.


Khốn nỗi, cái phát sinh, cái phiền hà lại nảy sinh nhiều hơn từ chính những nhu cầu phụ đi kèm với nhu cầu tâm linh. Sau một quãng đường lặn lội xa xôi để có thể trình diện dưới chân Phật, để cởi lòng mình với Đức Phật, cầu khấn khấn xong tức là phải “giải trí”, thư giãn, phải bồi bổ, lấy lại sức khỏe. Mà thư giãn, bồi bổ còn gì hơn là ăn uống, mua sắm! Có cầu, ắt phải có cung!


Vậy nên, chùa đâu là chợ đấy, cầu khấn đâu, ăn uống, mua sắm đấy! Chẳng cần phải kể đến những quán xá với đủ các loại sản phẩm bao quanh những ngôi chùa như một hệ thống rào thép gai vững chắc mà ngay cả sân chùa, vườn chùa, người ta cũng chẳng tha.



Sân chùa Tây Phương biến thành chợ


Những ngôi chùa như chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Hương, chùa Yên Tử… được đánh giá là rất linh thiêng. Do đó, vào những dịp lễ hội, chùa thu hút một lượng rất đông du khách và các tín đồ Phật tử đến để dâng hương, cầu lễ.


Khi đến chùa vào những ngày này, bạn sẽ bị ngợp, bị choáng không chỉ bởi người người đang nườm nượp đi lại, khấn vái cũng như làm trăm nghìn công việc khác mà còn bởi lượng lều quán với đủ loại đồ ăn cũng như các loại hàng hóa bày bán ở đây. Những hàng quán này tập trung lại có thể đạt đến “tầm cỡ” của một cái chợ hạng trung.


Ngỡ rằng, đến chùa, chẳng phải thấy những tanh hôi đời thường, thấy rượu bia nồng nặc men say, thấy những mảng thịt đang còn tươi rói au đỏ màu máu! Nhưng không, cái chợ ở chùa là cái chợ có “tất tần tật” mà theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại là “bao luôn từ A đến Z”. Từ hương hoa, lễ lạt, vàng mã,.. cho thần Phật đến đồ ăn, thức uống của người trần, đều đủ cả.


Cạnh hàng vàng mã với đủ các loại tiền vàng, hương nhang, hoa quả… để sắm lễ lên chùa lạy Phật là những quán phở, quán cơm,…(trăm kiểu quán, tây ta lẫn lộn) với người người đang ngồi xì xì xụp xụp ăn uống.


Để lên được chùa Tây Phương ngự trên đỉnh núi Ngưu Lĩnh Sơn, sau khi vượt qua con đường đất bụi vàng mù mịt, người, xe hàng hóa chen lấn, bạn sẽ được chứng kiến những lều quán nhỏ nhỏ xinh xinh ven hai bên những bậc thang lên chùa để đáp ứng nhu cầu của các Phật tử! Càng lên đến chùa, thay vì cảm nhận được sự trong lành, tịnh tâm của cõi Phật, người ta lại càng nhận thấy nồng đậm hơn mùi rượu, mùi bia kèm lẫn mùi cá chỉ vàng, cá mực nướng! Không gian chùa sực nức thứ “nước hoa” đậm đặc ấy!


Mùi khói hương mang theo cái thanh tịnh của tâm hồn tuyệt nhiên không sao vượt thoát được sự bủa vây của những loại hương vị quá ư là nặng mùi này! Vào đến sân chùa thì cái tục, cái phàm trần cũng đạt đến cực điểm của nó bởi sân chùa đã trở thành một cái chợ nhỏ bất đắc dĩ.


Vách ngăn duy nhất giữa khói hương nhà chùa và những quán xá kiểu ấy là ba bậc thềm đá. Người ta thắp hương, khấn Phật trong mùi cá, mực nướng, trong tiếng í ới mua bán, mặc cả, trong những cái cụng ly, trong những cái xé, nhai, nuốt nhồm nhoàm. Người ta gửi những lời cầu khẩn đến Phật bằng hương cá, hương mực, hương rượu bia!


Thậm chí, tay người thắp hương còn vương mùi cá, thoảng hương rượu. Tiếng phạch phạch quạt bếp than của những người nướng cá mực càng góp phần đẩy mạnh hơn nữa những luồng hương trần tục ấy vào chốn cửa Phật!


Văn hóa tâm linh đã bị bóp méo bởi những hành động vẫn mượn danh tâm linh này. Họ cười nói rôm rả, phấn khởi. Nào thì là đã dâng được cái lễ to lắm cho nhà Phật, lại đọc cả tên tuổi địa chỉ để Phật nhớ nữa! Rồi thì viết sớ, dâng tấu trình, đủ cả, chuẩn cả! Nào thì đã trả được cái lễ năm trước vay nhà Phật, lại đã cầu xin được phước lành, lộc phát cho năm nay, rồi còn hứa hẹn sang năm lại trả cho Phật nhiều hơn, to hơn.


Phen này, làm ăn thì tha hồ mà khấm khá, phát đạt, buôn năm được mười,… Cứ vậy, họ “thênh thang” tâm trạng mà hồi hương.


Nói cái chuyện ăn, lại phải bàn sang cái chuyện mặc. Với quan niệm: Phật cũng là người mà nên, Phật tử đi chùa giờ cũng góp phần làm cho đức Phật được mở mang tầm mắt, được “mát con mắt bên trái mà sướng con mắt bên phải” với các loại trang phục đủ loại sắc màu, đủ loại kiểu dáng. Từ sooc ngắn, lỡ, ngố, loe dài cho đến các loại váy, đầm liền thân, đầm dời.


Áo thì lửng tay, sát nách! Cô nào mát mẻ, sành điệu hơn tí nữa thì áo hai dây tung tăng đi chùa. Gặp tiết trời nóng, lại leo đường núi mệt quá rồi thì các Phật tử cũng chẳng ngần ngại mà cởi phanh áo ngoài, diện luôn cái áo mỏng manh, trong suốt ở trong. Nhẹ nhành hơn thì phanh một vài cái cúc trên, còn ở dưới thì buộc túm lại để lộ cái rốn xinh xinh giống các ca sĩ nhà mình vẫn làm khi lên sân khấu đó.


Cũng bởi những thái độ ứng xử ấy mà đến chùa, người ta thấy xuất hiện nhiều biển cấm dở khóc, dở cười. Đại loại kiểu: “Cấm mặc váy ngắn, quần đùi, áo hở nách”, “Cấm khạc nhổ”,… Rồi thì những tấm biển lưu ý người hành hương: chú ý đề phòng mất cắp, đề phòng móc túi,…


Phàm, sống trong đời, ắt hẳn phải có những điều cấm! Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ chuyện nhỏ đến chuyện cực nhỏ, chuyện gì cũng có những quy định, yêu cầu riêng của nó. Bởi thế, tất phải có cấm! Cấm nhắc nhở người ta, lưu ý người ta về những điều nên – không nên làm, phải – không phải làm với “mong ước nhỏ nhoi” là làm cho con người và cuộc sống tốt đẹp hơn.


Nhưng, đôi khi nhìn vào những điều cấm, lại thấy chạnh lòng vì vốn văn hóa, vốn sống hay những điều căn bản của con người dường như không có! Lên chùa, nhìn những biển cấm ấy, lại càng phải ngẫm nghĩ cho văn hóa ứng xử với chính đời sống tâm linh mình của người Việt. Lên chùa để khạc nhổ? Lên chùa để diễn thời trang quần sooc, áo hai dây? Lên chùa để móc túi, để trộm cắp? Hay lên chùa để xóc đĩa, ba cây? Lên chùa để làm từng ấy việc sao?


Ở đất nước mà đạo Phật chiếm giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh con người như Việt Nam, những ngôi chùa luôn hiện hữu và tồn tại như chứng tích lớn nhất cho văn hóa tâm linh độc đáo này. Thế nhưng, chính những người con dân đất Việt lại tự biến đời sống tâm linh của mình thành mớ hỗn độn, thành nơi vụ lợi, thành những trò mua bán, đầy tính toán.


Không tôn trọng đời sống tâm linh của mình, họ đang tự tạo ra cho mình những hố ngăn, lỗ hổng mới về văn hóa tinh thần. Thử hỏi, ai lên chùa, sau tất cả những bon chen chật đường bụi bặm vì hàng hóa, vì đồ ăn thức uống ấy, thấy nhẹ lòng với chính mình? Ai tìm được ở nơi đó vài phút tĩnh tâm.


Tâm. Đến tâm linh mình, giá trị tinh thần của chính mình, người dân Việt còn không biết trân trọng, thử hỏi những ngoại khách sẽ nhìn nhận như thế nào về văn hóa tôn giáo ấy, về bản sắc đời sống tinh thần ấy?


Nhìn sang đất nước láng giềng Thái Lan mới thấy mình khác xa họ về cách ứng xử với chính tâm linh của mình quá, mình kém họ nhiều quá về sự tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần ấy quá. Không chi chít quầy hàng ăn uống, không từng đoàn người ăn xin lăn lê bò toài ra đất cất giọng thều thào, không có cảnh chèo kéo, mời mọc mua hàng cũng chẳng có những biển cấm với những điều cấm có một không hai…


Tất cả đều yên tĩnh và tôn nghiêm đến tuyệt vời mặc dù cũng có rất đông khách nước ngoài và người bản xứ về đây cầu khẩn Đức Phật. Thái độ tôn trọng, thành kính trước văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc mình của những người chủ nhà khiến cho du khách không thể không làm theo.


Cấm rốt cục cũng chỉ là giải quyết ở khâu bề nổi và sẽ chẳng thể thay đổi được gì nếu bản thân con người không hiểu rõ người ta đến cõi Phật để làm gì! Con đường đến với Phật, đến với Niết Bàn, gạt bỏ những tham sân si dường như còn xa lắm!


Đỗ Hòa (Theo vietimes.vietnamnet.vn)







Nếu quý độc giả có ý kiến về bài viết trên, xin bấm vào đây, hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected].







Ý kiến độc giả phattuvietnam.net


Ý kiến của tác giả Trần Điều


Vinh Hiển ([email protected])  Đỗ Hòa là một hiện tượng của thời nhũng nhiễu thông tin. Động cơ của bài viết này có tốt như lời khuyên “Hãy hành động tốt” của Đỗ Hòa hay không?


Nếu như ai cũng như Đỗ Hòa có thể nhìn cái một vài ra cái toàn thể thì xã hội này nhất định không cần phải có các giá trị đo lường nữa. Bằng chứng cho thấy Đỗ Hòa đã nói rằng không còn “linh thiêng, yên tĩnh, tôn nghiêm, thanh bình” nữa. Đã không còn nữa thì khỏi phải nhọc lòng khuyến cáo, nhọc lòng nhìn thêm vào một số biểu hiện chưa đẹp mắt của du khách vãng cảnh chùa.


Từ cổ chí kim, tôi chưa thấy ai kết luận mục đích đi “đến chùa là chỉ để ăn”. Chính kết luận này đã làm cho cái “thiêng liêng” ở trên mất đi, chứ không phải ở một vài hành vi có thể điều chỉnh được của khách du lịch, người hành hương.


Tôi cũng chưa từng nghe ai nói Đức Phật sẽ “mát con mắt bên trái, sướng con mắt bên phải” khi chứng kiến sự ăn mặc hở hang của khách viếng thăm. Chính suy luận kiểu phỉ báng này đã làm cho cái “tôn nghiêm” bị mất đi.


Tôi cũng chưa nghe ai nói chùa biến thành chợ chỉ vì nhìn vào một vài hàng quán chung quanh nơi một số ngôi chùa của những người “sống nhờ” vào du khách và cửa từ bi cả. Và nếu chùa biến thành chợ như kết luận của tác giả thì thêm một lần nữa cái “yên tĩnh” bị Đỗ Hòa thổi phồng khiến nó mất đi.


Cuộc sống thanh bình là nhờ chúng ta ứng xử tốt với nhau, với thiên nhiên, môi trường, nhưng chính sự tưởng tượng vô căn cứ của Đỗ Hòa khi nói “cầu cho ngoại tình không bị phát hiện” đã là cho sự “thanh bình” trong cuộc sống mất đi.


Điều đáng nói, Đỗ Hòa đã thiếu căn cứ và không trong sáng khi sử dụng danh xưng Phật tử. Tôi chưa thấy hiện thực nào của mấy chục nghìn ngôi chùa, đình trên đất nước này mất đi điều đó, mà chỉ thấy qua bài báo của Đỗ Hòa những điều đó đã bị ngang nhiên bức tử. Vậy thì “Phật tại Tâm” ở chỗ nào? “Hãy hành động tốt” như thế nào khi ngòi bút của mình không mang nổi sự thật.


Người phương Tây có nói “Một nửa cái bánh mì thì vẫn là cái bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật”. Những nỗ lực của Giáo hội, của cuộc sống nơi biết bao Tăng Ni, Phật tử đang ngày càng làm cho xã hội nề nếp hơn đã bị Đỗ Hòa rũ sạch. Đó chính là “hãy hành động tốt” hay sao?


Tiếc thay bài viết của Đỗ Hòa vẫn chưa đến mức được “một nửa sự thật” nhưng đã làm cho người đời bị lầm lẫn, tưởng thật rằng đình chùa không còn “linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thành bình” và tưởng lầm rằng linh hồn của những ngôi chùa là người Phật tử nay không còn ra hồn là người Phật tử nữa.


Tôi nghĩ để nói năng, viết lách và hành động cho tốt, Đỗ Hòa nên phân biệt những hành vi của người đi du lịch thắng tích xem cái nào thuộc “thẩm mỹ” cái nào thuộc “đạo đức” như Trần Điều nói, để không tùy tiện dạy đời mà lại bỏ quên mình.


Tôi cũng xin nhấn mạnh, người biên tập để đăng bài viết này, cũng như người quản lý tờ báo đó nên trau dồi thêm kiến thức và cái nhìn khách quan hơn, để cho xã hội vốn đã nhiều tối tăm được thêm phần trong sáng. Kéo thấp giá trị của người khác xuống cho bằng mình. Đó không phải cách đi chân chính của một cá nhân, cũng như của một cơ quan ngôn luận.


Phùng Hoài Nam (ph_nam…@gmail.com) Ông Đỗ Hòa viết “Linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình… cái người ta nghĩ, mong tìm được khi đến không gian đình chùa là vậy! Vậy nhưng dường như, những điều ấy chỉ còn là một sự viễn tưởng trong ẩn ức xa xưa!” thì rõ ràng ông Đỗ Hòa rơi vào sự phiến diện, nếu không muốn nói là có dã tâm bôi nhọ cửa thiền, bôi nhọ Phật giáo. Một vài ngôi chùa, rồi một số hiện tượng ông Đỗ Hòa nêu ra không phải là phổ biến, không phải là hành vi của Phật tử, càng không phải là Phật tử. Nếu ông Hòa là Phật tử, ông sẽ thấy trong hàng chục nghìn ngôi chùa khác, Phật tử tu thập theo chính đạo, giữ giới, trang nghiêm, thanh tịnh, cửa thiền là chốn bình an, vui bồi phúc đức, hóa giải khổ đau cho con người. Ông Đỗ Hòa nên quy y Tam Bảo để biết nhìn nhận theo con mắt trí tuệ và từ bi của Phật giáo.


Lê Duy ([email protected]) Trong cuộc sống, những quan hệ ứng xử với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, môi trường tâm linh là một quá trình mà chúng ta luôn phải tự điều chỉnh để hướng đến chân thiện mỹ. Điều gì chưa đẹp thì chỉnh cho đẹp, chưa tốt chỉnh để tốt…


Tôi nghĩ những điều mà ông/bà Đỗ Hòa nêu ra như là hàng quán chung quanh một số chùa là một thực tế có nhiều căn nguyên đáng suy ngẫm. Vì sao chùa chiền bị hàng quan xâm lấn? Vì sao người đi du lịch thắng cảnh (khác với đi lễ chùa) ứng xử với di tích và nơi tôn nghiêm như vậy?
Thời pháp di sản của chúng ta bị thực dân phá phách không thương tiếc, thần Phật bị coi là ma quỷ, nhiều di sản văn hóa tôn nghiêm của Phật giáo không chỉ có giá trị như một mảnh đất, họ phá đi để xây công sở, xây nhà thờ phục vụ cho chính sách cai trị và đồng hóa của họ.


Rồi thì trải qua bao loan lạc và kháng chiến và nhiều ngôi chùa bị “tiêu thổ kháng chiến”. Với định nghĩa về tôn giáo của Marx, người ta đã diễn giải sai lầm, dẫn đến việc bài trừ tôn giáo, phá hủy đền chùa. Nay nhà nước điều chỉnh nhận thức về tôn giáo, nhưng chưa đủ thời gian để lấp đầy nhận thức của ba bốn thế hệ sống không có niềm tin tâm linh đã qua.


Bằng những cung cách sống được giáo dục như vậy, khó đòi hỏi một sớm một chiều mà thay đổi ngay được, vì vậy di sản vẫn ngang nhiên bị lấn chiếm để kiếm lợi, sông suối ao hồ, núi rừng không còn là thần nữa mà là nơi để người ta khai thác lợi nhuận…


Bước đi kinh tế chưa quá nhanh mà sự xây dựng niềm tin tâm linh thì quá chậm. Đó là một sự khập khiễng mà chúng ta phải trả giá. Chính người Phật tử và di tích chùa chiền mới là nạn nhân, nay không hiểu sao ông Đỗ Hòa lại đổ vấy hết tội lỗi cho người Phật tử như vậy?


Ông cứ đi vào hết các chùa và ông dẫn tất cả những người như ông đã nêu vào trước mặt vị trù trì và trước mặt người Phật tử xem họ có công nhận những người đó là Phật tử hay không? Nếu làm được như vậy thì ông hãy viết và kết luận, bằng không sẽ là “không ngay thẳng”. 


Ông/bà đã viết về các hành vi không đẹp mắt đó có dụng ý bất kính với Đức Phật khi cho rằng nhờ vậy mà Đức Phật được “mát con mắt bên trái mà sướng con mắt bên phải”… 


Đỗ Hòa đã sử dụng những phỏng đoán chủ quan và dụng ý không trong sáng khi viết bài trên.


Tôi nghĩ giữa chốn trần ai của cõi người và cõi linh thiêng của chư Phật chỉ cần 3 bậc thềm như cái “thấy” của ông/bà Đỗ Hòa là đủ. Điều quan trọng là ông/bà Đỗ Hòa có “dũng khí” nhấc chân cúi đầu bước lên 3 bậc thềm đó để vào cõi linh thiêng như những người khác hay không mà thôi.


Trương Công Khanh (truong_congkhanh…@yahoo.com) Tôi không tán đồng với bài viết của tác giả Đỗ Hòa qua bài viết “Phật tại Tâm… Hãy hành động đúng”. Bài viết phiến diện, thiếu chứng cớ xác thực cho những “câu nói” được tưởng tượng ra như : “cầu ngoại tình mà không ai biết”. Không có người Phật tử nào được dạy như thế cả. Chỉ có những khách vãng lai, khách thập phương, khách du lịch mới có thể ăn mặc, khạc nhổ, nói năng như tác giả Đỗ Hòa viết. Nhưng thành phần đó vì sao bất kính với chùa, Phật?


Vì sao nhà chùa phải ghi biển (cấm) nhắc nhở họ? Hệ quả giáo dục “vô tâm linh”, “vô thần” nào đã tạo ra trong suốt những năm mà xã hội nhận thức sai lệch về tôn giáo. Tại sao hậu quả của lối sống tâm linh có phần lệch lạc ở thời “tự do tôn giáo” này nay lại được quy kết cho người Phật tử một cách tùy tiện như vậy?


Tác giả Đỗ Hòa không phải là Phật tử vì Phật tử thì phải hiểu những điều tối thiểu mà mình phải ứng xử với chùa, Phật. Tác giả Đỗ Hòa là người vô thần? Nếu vô thần thì tác giả cũng phải hiểu những người đến lễ chùa ấy (không phải ai đến chùa cũng là Phật tử) là sản phẩm giáo dục từ trung học đến tiểu học của một xã hội, là nạn nhân của những chính sách từng làm sai lệch néo mó hình ảnh tôn giáo, và sự bất kính kéo dài trong việc thờ cúng tổ tiên ông bà, thần Phật.


Nếu tác giả nhìn sinh hoạt của gia đình Phật tử, từ những em nhỏ oanh vũ thì tác giả đã không bao giờ hồ đồ muợn danh xưng Phật tử để gắn vào những hình ảnh tác giả thấy và những điều tác giả nghe hay tưởng tượng ra để mau vui, mua sự hiếu kỳ một cách rẻ tiền.


Nếu tác giả Đỗ Hòa là người tôn giáo khác tác giả càng thiếu lương thiện và công bằng hơn, khi bôi xấu, bóp méo hình ảnh người Phật tử, cũng như quy kết vô bằng như vậy.


Hình ảnh nội quy mà tờ báo vietimes.vietnamnet.vn đăng là ngôi chùa Hà, một ngôi chùa không có sư ở, từng bị truyền thông Phật giáo lên tiếng phê phán. Còn hình ảnh không đẹp mắt của những người đi du lịch ở các thắng cảnh nổi tiếng Phật giáo, họ là những ai? có phải Phật tử không?


Còn hàng quán ở chung quanh các di tích Phật giáo do chính quyền địa phương nào cho phép dựng lên để phục vụ, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Giáo hội Phật giáo và các Ban trị sự tỉnh thành rất nhiều lần đề nghị nhà nước và chính quyền các địa phương giải quyết giùm để lập lại sự trang nghiêm chốn chùa chiền, nhưng có được đáp ứng không?


Vậy hậu quả đó do những chính sách “mong lợi” nào? Không lẽ bảo các nhà sư và Phật tử đi làm việc đụng độ với người buôn bán?


Bài viết này không có ý xây dựng mà muốn đổ lỗi và phá phách Phật giáo, bóp méo các giá trị tâm linh Phật giáo.


Tâm Hằng ([email protected]) Tôi đồng ý với tác giả Trần Điều: Tâm bình thì thế giới bình. Tại sao ta không đến chùa để tìm những cái bình an. Cuộc sống xã hội đi đâu bây giờ cũng nhìn ra ít nhiều biểu hiện xô bồ. Không lẽ vì cuộc sống xô bô nên con người hết bình an nội tại.


Những chị em Phật tử đi chùa như chúng tôi luôn cảm thấy có sự bình an che chở. Tâm mình bình thì sẽ nhận được điều đó thôi. Cái vị Đỗ Hòa kia đến chùa chỉ nhìn thấy cái xấu, nên trong lòng mới có nhiều bực tức đến vậy. Thu gom cái gì thị bị cái đó làm ảnh hưởng.


Nếu tác giả Đỗ Hòa này mà nêu rõ người “Phật tử” nào “cầu ngoại tình không bị phát hiện” thì ngay lúc đó người ấy không còn là Phật tử nữa. Vì ai cũng biết khi Phật tử quy y và thọ ngũ giới trong đó có giới không tà dâm (không quan hệ xác thịt với người không phải vợ hay chồng của mình).


Lời viết trên đã xúc phạm đến người Phật tử, nhất là nữ Phật tử như chúng tôi. Tôi nghĩ, trước khi kêu gọi mọi người “Hành động tốt” người viết là Đỗ Hòa cũng cần làm trong sạch ngòi bút của mình, có nghĩa là phải để cho ngòi bút được lương thiện.


Các cụ ta vẫn dạy: “Nói có sách, mách có chứng”. Thời biểu thông tin như vậy, những bài viết “tung hỏa mù”, thiếu chứng cớ và mang tính gây nhiễu, quy chụp chung cho người Phật tử là thiếu công bằng từ ở trong tâm. Người Phật tử gọi hành vi này “vọng ngữ” làm sai lệch phải trái. Để có những người biết hành động tốt.


Chúng ta phải có những bài viết trung thực, có cái nhìn nhiều chiều, bao dung và không nên “vơ đũa cả nắm như” vậy. Mong sao tác giả Đỗ Hòa hiểu được thông điệp này của Phật tử chúng tôi. Nhân đây tôi cũng kiến nghị Giáo hội có văn bản gửi tờ báo nào đó đã đăng bài viết này. Cách viết có ý xúc phạm người Phật tử còn có thể tha thứ, nhưng xúc phạm Đức Phật như vậy không thể chấp nhận được.


Diệu Bảo ([email protected]) Tôi là Phật tử chùa Thanh Minh, TP.HCM. Tôi quy y Hòa thượng thượng Thanh hạ Minh. Những ngày đến chùa tôi cảm thấy rất bằng an và hạnh phúc. Tôi nghĩ mình là người có phươc duyên mới được quy y nơi Hòa thượng. Trước kia tính tôi rất nóng nảy và không chịu nhường ai. Nhưng nay thì các con tôi đều bảo “mẹ càng ngày càng dễ thương”. Tôi cũng thấy vui và hạnh phúc khi tính tình mình đã sửa đổi được.


Tôi đố các bạn (đặc biệt là các bạn chưa phải là Phật tử) có thể mặc đầm, mặc váy ngắn, mặc áo sát nách hay nói cười to tiếng mà bước chân được vào chùa Thanh Minh.


Có lần, tôi chứng kiến Hòa thượng không cho một nhóm nữ thí chủ tuổi trung niên trở xuống ở hải ngoại về, thăm người thân quá cố được gửi ở tháp cốt vào chùa. Gặp những người này, Hòa thượng hỏi ngay: Các cô từ đâu tới? Có phải Phật tử không? Khi Hòa thượng hỏi pháp danh thì mấy người đó nói “Dạ! Con chưa có pháp danh”. Hòa thượng bèn bảo: “Tôi biết ngay mà. Nếu là Phật tử đã quy y, không ai ăn mặc như các cô cả, vào chùa là phải mặc áo dài Phật tử mới vào chánh điện. Các cô xem Phật tử nào cũng như thế cả. Về mặc quần áo dài rồi hãy vào đây thăm tháp cốt nhé!”.


Tôi thấy những người này tỏ vẻ rất khó chịu, vì họ ở bên nước ngoài về không có nhiều thời gian. Nhưng Hòa thượng nhất quyết không cho vào, nên họ cũng có vẻ “xấu hổ” ra về. Đến chiều họ quay lại và ai cũng ăn mặc đàng hoàng. Hòa thượng rất vui vẻ.


Nếu ai đến chùa Thanh Minh sẽ rõ ngay thôi. Người Phật tử nào cũng phải mang áo dài theo bên mình, đến chùa là bỏ ra mặc áo dài, tìm đến phòng lễ Hòa thượng trước, sau đó mới lên lễ Tổ, rồi lễ Phật. Đó là quy cách của bất cứ ngôi chùa nào. Còn khách vãng lai họ chỉ là người có tín ngưỡng Phật giáo, nên chưa co cơ hội quy y và thực hành nếp sống người Phật tử.


Tôi mong tác giả Đỗ Hòa đến chùa Thanh Minh quy y Phật. Vì nhất định quy y xong thì Đỗ Hòa sẽ không viết về người Phật tử một cách thiếu công bằng như vậy.


Thảo Nguyên (thaonguyen_5…@yahoo.com) Tôi rất đồng ý với tác giả Trần Điều khi đánh giá về bài viết “Phật tại Tâm… Hãy hành động tốt”.


Đọc kỹ lại bài viết, tôi nhận thấy Đỗ Hòa ám chỉ người Phật tử chúng ta đang sống không tốt, nhưng chùa chiền vẫn đông người tìm đến. Rồi gắp lửa bỏ tay người, quy kết một vài hình ảnh không đẹp mắt cho người Phật tử.  Và biến tất cả mọi hình thức đến chùa thành sự bát nháo của tâm linh. Dụng ý không lương thiện như thế nào đã quá rõ. Đặc biệt là với những lời lẽ bất kính với Đức Phật như tác giả Trần Điều đã nêu ra.


Chúng ta đang nỗ lực cổ súy cho những niềm tin hiền thiện. Hàng ngày tôi vẫn đến chùa, nghe quý thầy giảng kinh thuyết pháp. Cuộc sống của tôi và gia đình tôi đã có biết bao nhiêu bình an. Đó không phải là những hiện thực tốt đẹp. Tôi không biết ông/bà Đỗ Hòa này đi chùa nào, vào những dịp nào, nghe lời cầu nguyện như thế nào, và tiếp xúc với thành phần bất hảo nào đến những khu vực chùa chiền để kinh doanh buôn bán… mà đã vội cho mình “ngồi chiếu trên phán xét” nhân cách chung của người Phật tử?


Tôi thấy ông/bà Đỗ Hòa trong bài viết sử dụng nhiều từ Phật tử và gắn với những hành động không đẹp mắt nhằm làm xấu hình ảnh của người Phật tử.


Đành rằng có chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng khái quát và gom hết người Phật tử vào những biểu hiện đáng chê trách như vậy là có động cơ không trong sáng, làm giảm uy tín của đạo Phật.


Phật tử chúng ta phải lên tiếng trước hành động này. Đề nghị tờ báo nào đó đăng bài viết này hãy tháo nó xuống! Đó là công bằng trong thông tin. Vì những thông tin gây nhiễu loạn cuộc sống bình an như vậy chính là không có “Phật ở tại Tâm” vậy.


Tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo nên chính thức có văn bản gửi đến tờ báo vietimes.vietnamnet.vn này.


Quốc Khánh (khanhqt_hcm…@gmail.com) Ông Đỗ Hòa viết “Nhìn sang đất nước láng giềng Thái Lan mới thấy mình khác xa họ về cách ứng xử với chính tâm linh của mình quá, mình kém họ nhiều quá về sự tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần ấy quá. Không chi chít quầy hàng ăn uống, không từng đoàn người ăn xin lăn lê bò toài ra đất cất giọng thều thào, không có cảnh chèo kéo, mời mọc mua hàng cũng chẳng có những biển cấm với những điều cấm có một không hai… “. Không hiểu ông Đỗ Hòa đi Thái Lan được mấy lần mà viết như vậy. Ở những chùa lớn đông khách du lịch điều có cảnh sát nhắc nhở về chuyện ăn mặc, đều có những biển cẩm tương tự như ở chùa Việt Nam về chuyện bỏ rép ra ngoài, mặc quần áo đúng mực. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận là các quy định đó chỉ cần thiết đối với khách du lịch, còn người Thái thì là những Phật tử rất thuần thành.


Phân tích kỹ hơn thì ông Đỗ Hòa chỉ nhìn hiện tượng mà không nhìn bản chất, nên viết thiếu cái “Tâm”, cái mà ông đã đề cập. Chẳng nhẽ ông Đỗ Hòa không biết là bao nhiêu năm Tôn giáo bị hạn chế và coi nhẹ, bao nhiêu năm người dân khai báo “Tôn giáo không” vào chứng minh nhân dân. Bao nhiêu người dân Việt cần bắt buộc vào chùa tu vài năm khi còn nhỏ? Những thói xấu, hiện tượng xấu mà ông đề cập là thói xấu chung của người Việt, nó không chỉ gắn với chùa, mà gắn với tất cả cọi hoạt động trong đời sống xã hội. Ông Hòa có dám lấy mất cần câu cơm của người dân Hà Tây tại chùa Hương không? Ông có thể đuổi những hàng quán xung quanh chùa đi không?


Cho nên, ông Đỗ Hòa nên đề nghị nhà nước đưa giáo dục triết lý Phật giáo vào trường học, nên đề nghị chấn hưng đạo đức xã hội thông qua những việc làm cụ thể, thay đổi cách thức giáo dục trong Nhà trường. Như vậy mới hy vọng có thay đổi. Chứ chỉ với 14.000 ngôi chùa, 40.000 Tăng Ni thì chưa thể hi vọng làm gì to tát được.


Dẫu sao, quý Thầy, bằng thân giáo, bằng sự nghiêm trì giới luật, bằng nếp sống xả phú cầu bần, bằng sự hoằng pháp tích cực, nên có cách chuyển hóa Phật tử đi lễ chùa hoặc người dân xung quanh khu vực chùa để giảm thiểu những hiện tượng không đẹp.