Trang chủ Diễn đàn Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 4: Bó...

Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 4: Bó đũa và từng chiếc đũa

71

1) Từng chiếc đũa

Khi một số ý kiến gặp nhau ở điểm, là phủ nhận giáo hội tập quyền, trở về với sơn môn pháp phái, thì rõ ràng sơn môn pháp phái cũng có một giá trị nào đó, một khả năng liên kết nào đó, một năng lực tạo quyền nào đó. Vì vậy, khoan vội phủ nhận giá trị, khả năng, quyền hạn của sơn môn pháp phái, mà hãy tìm hiểu kỹ hơn hệ thống đã có lịch sử hàng ngàn năm này của Phật giáo Việt Nam.

Dưới đây là một số ý kiến bàn luận của chúng tôi. Những ý kiến này chỉ là một trong những cố gắng lý giải vấn đề, trước tiên là để thảo luận, tất nhiên sẽ không tránh khỏi khoảng cách đối với kết luận có giá trị. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn.

Vấn đề được thảo luận trước hết ở khía cạnh liên kết. Những người theo đạo Phật ở Việt Nam cần có và phải có một cái gì đó để gắn lại với nhau, phân biệt với những tập họp nhân sự khác. Trong sự liên kết đó, thứ tự trên dưới, cao thấp sẽ được tạo ra, và từ đó đương nhiên sẽ hình thành quyền lực. Mà quyền lực trong Phật giáo là cái mà chúng ta đang bàn luận.

Sơn môn pháp phái là phương tiện liên kết lâu đời, truyền thống của Phật giáo Việt Nam, có thể có lịch sử tương đương với thời gian Phật giáo có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, liên kết sơn môn pháp phái trong Phật giáo là liên kết chủ yếu dựa trên quan hệ thầy trò nhiều thế hệ. Những quan hệ sơn môn pháp phái mới được hình thành trong thế kỷ XX tại Việt Nam cũng chủ yếu dựa vào quan hệ thầy trò nối tiếp nhau. Khi giữa vị tổ sư và truyền thống có sự gián đoạn, thì sẽ hình thành một hệ phái mới trên cơ sở tông môn pháp phái.

Với những tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, thì trong Phật giáo Việt Nam, sơn môn pháp phái tuy có ranh giới, nhưng trong nhiều trường hợp cũng rơi vào mập mờ khi phân định. Quan hệ thầy trò nhiều thế hệ quy định vị trí trên dưới đã tạo nên quyền trong tông môn pháp phái. Đó là sự thừa nhận vị trí, mà đương nhiên những vị trí cao là những vị trí có quyền lực nhất định, của một tập thể những người cùng tôn giáo liên kết với nhau trên cơ sở quan hệ thầy trò qua nhiều thế hệ. Chính quan hệ tông môn pháp phái xác định một người là tu sĩ Phật giáo và vị trí của người tu sĩ đó trong cộng đồng liên kết. Điều này hình thành ra một dạng quyền trong Phật giáo, mà hiện nay, có ý kiến cho rằng nên trở về.

Quyền trong tông môn pháp phái không được quy định rõ ràng và có kiểm soát như quyền trong các tổ chức hiệp hội, giáo hội Phật giáo về sau. Quyền trong tông môn pháp phái được hình thành trong quan hệ thầy trò truyền thống nhiều khi có tính chất gia trưởng, không qua bầu cử, không được quy định rõ ràng trong các văn bản như điều lệ, hiến chương…,  thường là quyền suốt đời, bên cạnh không có cơ chế giám sát, kiểm tra, giới hạn, điều tiết…

Trong tông môn pháp phái, đơn vị cơ sở có thể coi là trụ trì chùa. Vị trụ trì càng có đông đệ tử xuất gia cũng như tại gia, thì ảnh hưởng, theo đó là quyền hạn, sẽ càng lớn. Những chùa lớn, lâu năm, trở thành tổ đình, thì vai trò vị viện chủ tổ đình càng lớn hơn nữa.

Vì vậy quyền trong tông môn pháp phái có những nhược điểm lớn, mà nhược điểm rõ nhất là mập mờ, không giới hạn, dễ bị lạm quyền…

Nhưng điều đáng nói hơn hết quyền trong sơn môn pháp phái không thể là quyền tập trung vì bản chất quan hệ liên kết là quan hệ thầy trò không phải là quan hệ tập trung. Chỉ với những sơn môn pháp phái, Phật giáo Việt Nam không thể tập quyền, mà chỉ có thể có những cực quyền lực phân tán rải rác.

Bức tranh quyền lực này khác với diện mạo quyền lực thời đức Phật, khi dù vẫn trong quan hệ thầy trò, nhưng chỉ có một vị thầy tối cao.

Những chức vụ tăng thống, tăng cang đã có trong lịch sử Việt Nam, theo ý kiến riêng chúng tôi, chỉ có giá trị tôn xưng người đứng đầu tăng chúng, không tạo thành một bộ máy tổ chức khác, tạo sự tập trung quyền lực vào một cá nhân nào đó.

Không tập quyền được thì không hình thành được hình thái bó đũa. Những cực quyền lực phân tán chỉ có thể tạo nên những chiếc đũa. Không thể có bó đũa.

2)    Bó đũa

Trong bài viết gửi cho tôi, vị thượng tọa có nói đến những nhược điểm của giáo quyền tập trung trong tổ chức giáo hội của đạo Ca tô La Mã. Do đó, tưởng cũng cần nói rõ ở đây, cần phân biệt tập quyền trong hình thức triều đình, dưới tên gọi giáo hội, phân biệt với cùng từ giáo hội, chỉ tổ chức tôn giáo nói chung, theo mô hình tổ chức theo kiểu phương Tây hiện đại. Cho dù có nhu cầu tập quyền, Phật giáo Việt Nam cũng không thể lựa chọn, cũng như không có khả năng lựa chọn phương thức triều đình như tôn giáo khác.

Với nội dung dưới đây, chúng ta sẽ đi đến khẳng định Phật giáo Việt Nam tìm một hình thức tập quyền, vượt lên trên liên kết sơn môn pháp phái, là một bước đi tất yếu và không có lựa chọn nào khác.

Ngoài những nhược điểm như phân quyền, quyền không rõ ràng, không xác định, không giới hạn, không được kiểm soát, giám sát, cơ chế sơn môn pháp phái bộc lộ rõ giới hạn của nó khi Phật giáo đứng trước những vấn đề nghiêm trọng phải giải quyết. Đối với những chiếc đũa, vấn đề được coi là nghiêm trọng khi bị bẻ. Đó là khi Phật giáo rơi xuống vực thẳm suy thoái đầu thế kỷ XX. Một bó đũa thì khó bẻ gãy nhưng sẽ rất dễ dàng nếu đối với từng chiếc đũa lẻ.

Sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đến đầu thế kỷ XX, theo chúng tôi nguyên nhân một phần là do chính ở cơ chế sơn môn pháp phái.

Tồn tại dưới dạng những chiếc đũa, Phật giáo Việt Nam trước chấn hưng Phật giáo chỉ là một tập họp rời rạc những chiếc đũa. Chùa là một dạng đình đền miếu phủ rã rời, vụn vặt, tản mác. Nói bẻ từng chiếc đũa chính là hoạt động cải đạo, tăng ni trở thành những người chỉ biết cúng bái. Ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo đối với xã hội xuống thấp. Các tôn giáo mới ra đời và phát triển mạnh. Giáo lý thâm sâu của đạo Phật bị quên lãng trong bối cảnh Phật giáo không thể có những hoạt động đáng kể về hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, xã hội…

Làm sao những hoạt động quy mô đòi hỏi thực lực lại có thể do những đơn vị lẻ tẻ, rời rạc, không thể liên kết tiến hành, tổ chức được?

Cái yếu của việc thiếu đoàn kết, thiếu tổ chức là hệ quả đương nhiên của cơ chế sơn môn pháp phái. Mà suy thoái lại là hệ quả tiếp theo của thiếu đoàn kết, thiếu tổ chức. Vì vậy, đi đến kết luận chỉ mỗi cơ chế sơn môn pháp phái không thôi là không thích hợp cho việc phát triển Phật giáo Việt Nam hiện đại là kết luận tất yếu của những nhà hoạt động chấn hưng Phật giáo, cả xuất gia lẫn tại gia đầu thế kỷ XX.

Phương thức vừa xây dựng cơ chế hoạt động mới theo hình thức hiệp hội, rồi giáo hội tăng già, trong khi vẫn duy trì cơ chế sơn môn pháp phái, là một lựa chọn đương nhiên của Phật giáo Việt Nam, vì không thể phủ nhận cơ chế liên kết Phật giáo Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử. Ngoài lựa chọn nói trên, không có lựa chọn nào khác.

Chỉ trở về với cơ chế sơn môn pháp phái, trong khi giải tập quyền, phi thực quyền hóa những cơ chế khác có thể là giải pháp tồn tại của Phật giáo Việt Nam trong số cộng đồng người Việt Nam di cư hải ngoại. Ở đó, cộng đồng Phật giáo Việt Nam chỉ là tôn giáo thiểu số, chỉ có một số ít cơ sở riêng lẻ, không cần liên kết, không thể liên kết và cũng không tạo ra giá trị mới khi liên kết. Đó không phải là một sự lựa chọn, mà là một giải pháp bắt buộc, một sự tồn tại trong thế yếu.

Như vậy, cũng cùng là một diễn tiến đương nhiên, tất yếu, nhưng ở Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, đó là một diễn tiến của sự phát triển, là một sự khẳng định ắt phải. Việc thành lập các hiệp hội rồi giáo hội tăng già theo hướng tập quyền là đòi hỏi bắt buộc của sự phát triển, không có không được. Những hoạt động mới, ở quy mô mới, thì đòi hỏi cơ chế mới. Chỉ có sơn môn pháp phái thì lấy đâu ra cơ chế đại diện chung cho Phật giáo Việt Nam mà tất cả sơn môn pháp phái đều chấp nhận, đều thấy có mình trong đó. Đây là diễn tiến tất yếu, năng động, tích cực.

Còn tình huống bị buộc trở về cơ chế chỉ sơn môn pháp phái, thực chất là không thể liên kết theo các hình thức khác sơn môn pháp phái, là không có gì đáng kể để liên kết, thì đó cũng là diễn tiến tất yếu nhưng thụ động, tiêu cực, bất lực. Nếu điều này diễn ra trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở một số nước trên thế giới thì đó là bước lùi bắt buộc và bất đắc dĩ, không thể là hình mẫu cho Phật giáo trong nước và ở những nơi tránh được bước suy thoái này.

Trên đây là 2 hướng diễn tiến ngược chiều nhau, bó đũa và từng chiếc đũa đều hợp lý, thuận lý. Tuy nhiên, ngoài ra, cũng có những diễn tiến bất thường, bệnh lý.

Trong đó, có thể kể đến trường hợp 2 cơ chế sơn môn pháp phái và cơ chế giáo hội, hiệp hội xung đột, va chạm lẫn nhau. Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề trong một bài sau.

(còn tiếp)

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh