Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Quả chuông “biết quay về”

Quả chuông “biết quay về”

98

Dấu ấn lịch sử


Bà Lê Thị Hoa – Cán bộ phụ trách Văn hoá huyện Nam Đàn cho biết: Chùa Đức Sơn được Bộ Văn hoá thông tin công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 2001.

quachuong 1.gif


 

Chùa được dân làng xây dựng để thờ Phật Thích Ca, với mong cầu của nhân dân là chùa sẽ mang lại phúc đức to như quả núi. Vì thế nhân dân nơi đây gọi là chùa Đức Sơn (hay Đức Sơn Tự). Cùng tên đó, quả chuông trong chùa được khắc tên Đức Sơn Tự để ghi lại dấu tích và tính cổ xưa của ngôi chùa.

 

Một sự kỳ diệu được nhiều người dân cho biết, quả chuông Đức Sơn Tự nặng 182kg, bị đánh cắp trước năm 1945. Qua nhiều “gia chủ” khác nhau và chuông bị thất lạc đến vùng đất cách chùa hơn 50km (thuộc huyện Nghi Lộc bây giờ).


Kẻ gian đã cố tình giấu quả chuông dưới đáy giếng mui, nhưng nhờ có ánh sáng mặt trời chiếu vào, quả chuông bắt ánh sáng, người dân phát hiện ra và chuông Đức Sơn Tự được đưa trở lại chùa cổ Đức Sơn.


Bôn ba rồi lại quay về!


Cách đây khoảng 20 năm, vào một ngày trời giông bão, “báu vật” chùa Đức Sơn lại bị kẻ gian đánh cắp lần thứ 2.


Bà Trần Thị Cháu, 83 tuổi, ở Thị trấn Nam Đàn hồi tưởng lại: Trước đây, mỗi lần nghe tiếng chuông chùa là bà con buôn bán tại chợ Sa Nam biết để chuẩn bị đi lễ. Từ khi mất chuông, bà con cứ phải hỏi han nhau ngày giờ lễ chùa để cầu buôn bán phát đạt.


Suốt thời gian bị đánh cắp, chuông Đức Sơn Tự được đưa đi khắp nơi, từ TP Vinh đến huyện Quỳnh Lưu, rồi phiêu bạt từ xã này đến xã khác trong huyện. Trong thời gian này, chuông Đức Sơn Tự bị mua đi bán lại từ những kẻ cơ hội muốn kiếm chác bất chính.


Một chi tiết thú vị được người dân cho biết, kẻ xấu đã có ý định nung chảy chuông, chia nhỏ ra để bán đồng nát vì dù đã tìm đủ mọi cách vận chuyển chuông đi bán nhưng luôn bị phát hiện. Tuy vậy, ý định đó đã không thành, bởi khi bắt đầu thực hiện dã tâm trên thì những kẻ này đều gặp phải những chuyện không may…


Đến mãi sau này, đã có lúc nhiều người không nhớ đến quả chuông thất lạc này nữa; nhà chùa cũng đã hết hy vọng tìm thấy chuông thì báu vật của chùa cổ lại được phát hiện.


Cũng vào một ngày mưa bão, người nhà chùa bất ngờ nhận được thông báo đã tìm thấy quả chuông. Kẻ đánh cắp chuông đã tự thú, và cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an Nghệ An, chuông Đức Sơn Tự lại được đưa trả lại cho nhà chùa.


Câu chuyện về quả chuông Đức Sơn Tự được nhiều tầng lớp người dân địa phương nhớ như in và truyền miệng nhau như một sự tích thần kỳ. Với bà con phật tử và bà con nhân dân xung quanh chùa Đức Sơn, đây là một điều rất may mắn. Cũng vì thế mà Đức Sơn Tự, ngày càng có nhiều người đến chùa lễ Phật.







Theo tư liệu lịch sử, Đức Sơn là ngôi chùa nằm trên vùng đất cổ thuộc thành Vạn An xưa. Chính nơi này trước đây, nghĩa quân Mai Thúc Loan đóng đô để chống quân xâm lược nhà Đường vào thế kỷ thứ VIII.


Chùa Đức Sơn, nguyên là một chùa cổ có từ sau thời nhà Trần, được làm bằng nhà tranh, đến thời nhà Nguyễn thì mới có ngói. Mãi đến năm Tự Đức thứ 25, chùa mới có hình dáng như hiện nay (chùa Thượng).


Hiện vẫn còn dấu tích mộ của 2 vị sư trụ trì chùa trước đây ở trong vườn của một gia đình cạnh chùa.


Các tư liệu quý của chùa gồm có 210 bản kinh khắc bằng chữ Hán trên gỗ, chùa còn lưu giữ một hệ thống tượng pháp có giá trị nghệ thuật cao nhưng đang bị xuống cấp vì không được trùng tu.