Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Quốc tự Diệu Đế

Quốc tự Diệu Đế

591

Năm 1889, Hòa thượng Tâm Truyền được Vua Thành Thái ban tiền (48.000 quan tiền cũ) để trùng tu. Phật Giáo đồ hai bên bờ sông Bao Vinh, trước mặt Diệu Đế đóng góp thêm tịnh tài của mình. Ngày 12 tháng Giêng năm 1890, Diệu Đế được Sắc Tứ Quốc Tự. Diệu Đế ở xóm Ngự Viện (Gia Hội), sát chùa Ông (của người Hoa) trở thành ngôi chùa ở trung tâm Huế. Nhiều phủ đệ hoàng tộc đã một thời xây dựng cơ ngơi của mình ở vùng chung quanh Diệu Đế. Nhiều sách còn gọi: Diệu Đế là chùa Hoàng thân, do lẽ đó. (trích theo GS Bửu Kế)


Ngôi chùa được kiến tạo trên một cảnh trí tuyệt vời. Năm 1853, đời vua Tự Đức đã phái ông Nguyễn Khoa Phan,  tổng tu trì bộ Công đến xây lại hệ thống thích hợp. Ngôi chùa nầy tiêu biểu cho quy luật “Ngũ bất khả” (Năm điều không thể làm” trong Phong thủy: “Nhất bất khả tiền Thần, hậu Phật; Nhị bất khả tiền tỉnh, hậu hồ;  Tam bất khả địa hạt, khan khô; Tứ bật khả sơn vô thảo mộc; Ngũ bất khả sơn cùng, thủy kiệt” (Ôn Bá Lăng Sách). Đặc biệt trong thời kỳ nầy đã xây lên “bốn lầu hai chuông” như trong phong dao xứ Huế “Đông Ba, Gia Hội hai cầu; Ngó qua Diệu Đế bốn lầu, hai chuông”. Chuông chuà Diệu Đế gióng lên vào ban mai tinh sương, như tiếng giục người dân Cố đô thức tĩnh, một hành an lành, thảnh thơi” (theo GS Bửu Cầm).


Chùa lại bị hỏng do cơn bão năm 1904 nhưng ngay sau đó thì chư tăng ở những  ngôi chùa trong vùng như tại Chùa Ông, chùa Thiên Hậu, chùa Bao Vinh, chùa Tiên Nộn, chùa Mang Cá  đã góp sứ trùng tư trong giai đoạn sơ khởi để lễ bái trong những ngày sóc vọng (ngày 15 và ngày 1 âm lịch), trước khi triều đình cử người đến chấn chỉnh lại. Cũng như những ngôi chùa khác dày đặc trên đất Thần Kinh, cứ qua một mùa mưa, ít nhiều thiền cản chùa cũng hư lại, cho nên do vị thế trung tâm của Diệu Đế được đặt vào hàng ưu tiên.


Bài thơ tứ tự sau đây của thi sĩ Quách Thoại nói  lên cảnh quanh đó: “Em từ Mậu Tài, em lên Diệu Đế. Dân hương, trà lễ, Em thấy nhiệm mầu. Một sáng mưa ngâu, Trút bao phiền muộn…”  (Giải thoát ca). Hay của nhà thơ PG Thanh Thuyền – Nguyễn Định: “Diệu Đế trong lòng tôi, Dù đi xa ngàn dặm. Một mai về cố quận, Thăm lại mái chùa xưa. Chùa ngày nắng đêm mưa, Mà sao tôi nhớ thế!”  (Trích Gia Thiện Tập San – 1951).


Kiến trúc chùa hiện nay được xây dựng vào năm 1953, ở trần chánh điện có bức tranh vẽ “Long Vân khế hội”, nét vẽ điêu luyện. Mỗi vì kèo xuyên trến trong chùa đều được điêu khắc long phụng, thể dáng “con rồng nằng trong hạt lệ”,  “long quá hải”, “long hí cầu”… Có thể xem đây là nét đặc trưng trong hệ thống chùa chiền ở Huế.


Hệ thống tượng Phật thờ cúng trong chùa  Diệu Đế như sau:


Tam thân:   Ở trong chánh điện thờ Phật, chỉ có cái ý thờ Phật mà thôi, nhưng Phật có tam thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Cách bài trí các tượng Phật ở chánh điện theo đúng ý nghĩa ấy cho nên ở lớp trên cùng là thờ Pháp thân Phật, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ; Ở lớp thứ hai thờ Báo thân Phật, tức là thờ Thụ-dụng trí-tuệ Phật ở cõi cực lạc; ở lớp thứ ba là thờ Ứng thân Phật, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra sác thân ở trần thế. Từ lớp thứ tư trở xuống bày những cảnh quan hệ đến lúc sơ sinh của đức Thích Ca Mầu Ni Phật và những tượng các vị thần khác.


Cách bài trí các tượng ở chánh điện từ trên xuống  theo thứ tự:   Tượng Tam Thế Phật –


 Lớp trên cùng tột ở chỗ giáp vách phía trong, có ba pho tượng để ngang một dẫy, hình dáng giống nhau, tức là tượng “Thường trụ tam thế diệu pháp thân”, người ta thường gọi tắt là tượng Tam thế Phật, nghĩa là Phật thường trụ, trong thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.


– Lớp thứ hai có ba pho tượng lớn, pho tượng ngồi giữa là pho tượng đức A-Di-Đà Phật, tức là Thụ-dụng Trí-tuệ thân, Pho tượng đứng bên tả là tượng đức Quan-Thế-Âm Bồ Tát, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại Thế-Chí Bồ-Tát. Đức Phật và hai Bồ Tát ấy ở Tây-phương Cực-lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh ở cõi Sa-bà qua cõi Cực lạc.


Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh


– Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn, pho tượng lớn ngồi giữa là tượng Thích Ca Mầu Ni Phật, tức là Ứng- thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng, pho tượng ở bên phải, hoặc đứng trên toà sen , hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Đức Văn-Thù Bồ-Tát; pho tượng ở bên hữu, hoặc đứng trên toà sen, hoặc ngồi trên con voi tráng là tượng Đức Phổ-Hiền Bồ-Tát, theo thuyết nói trong Hoa Nghiêm kinh.


Ở lớp thứ ba ấy có nhiều chùa làm tượng đức Thích Ca Mầu-Ni ngồi cầm hoa-sen, như khi ngài thuyết pháp ở Linh-Thứu-Sơn; bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn-Giả, vẻ mặt già, bên hữu là tượng A-Nan-Đà tôn giả, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-Ca khi ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị tôn giả ấy đều tạc đứng, hình dáng hai người tỳ khưu.


Tượng Cửu Long.- Lớp thứ tư có pho tượng Cửu Long để giữa. Tượng này theo điển nói khi đức Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài đi bẩy bước tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn. Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí hơn cả” Bởi vậy tượng Cửu-long làm chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những đám mây có chư Phật chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ Kim Cương, ở giưã có pho tượng nhỏ, đứng một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, đó là tượng Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật lúc sơ sanh. (Ý nghĩa ngày Đản Sinh, tôi đã viết và phổ biến trong cuốn sách “Tôn Giáo và Dân Tộc”, cũng có trên Internet và một số báo).


Bên tả tượng Cửu Long có tượng Đế Thích ngôi ngai, mặc áo đội mũ Hoàng Đế, bên hữu có tượng Đại Phạm Thiên cùng một kiểu như pho tượng Đế Thích, đó là theo điển nói hai vị Đại Thiên Vương này chủ-tế ở cõi sa-bà thế-giới và lúc nào cũng hộ trì Đưc Thiùch – Ca khi ngài chưa thành Phật.


Những chùa thường, ở trong điện thờ Phật, chỉ bầy có thế mà thôi. còn những chùa rộng lớn thì bầy thêm hai lớp tượng nữa là:


Tượng Tứ Thiên-Vương.- Ở ngoài tượng Cửu Long để bốn pho tượng Tứ-Thiên-Vương mạc áo Vương-phục, bày làm hai dẫy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế.
Tượng tứ Bồ Tát.- Có chùa bỏ tượng Tư Thiên Vương mà bày tượng bốn vị Bồ-Tát, tạc hình Thiên-thần gọi là Ái-Bồ-Tát, tay cầm cái tên; Sách Bồ-Tát, tay cầm cái cây; Ngũ Bồ-Tát, tay cầm cái lưỡi; Quyền Bồ-Tát tay nắm lại và để vào ngực.


Tượng Bát Bộ Kim  Cương- Có nhiều chùa tạc 8 vị Kim-Cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là Bát  bộ Kim Cương gồm có : Thanh Trừ Tài Kim Cương – Tích Độc Thần Kim  Cương  – Hoàng Tuỳ   Cầu Kim Cương – Bạch  Tĩnh  Thủy Kim  Cương – Xích Thanh  Hoả Kim  Cương – Định  Trừ  Tai Kim  Cương  –  Tử  Hiền Kim  Cương – Đại  Thần  Lực Kim  Cương.


Bốn vị Bồ Tát và Tám vị Kim Cương này, theo điển tích ở trong các kinh thi có nhiều thuyết khác nhau, xong đại ý là nói những bậc thần đã phát Bồ Đề Tâm, đem thần lực mà hộ trì Phật Pháp.


Một công trình khai quật và điền dã những di tích quanh chùa Diệu Đế cho thấy 19 tượng Chăm Pa lớn nhỏ, được định dạng bằng C.14 cho biết: Tượng Vichnou và Shiva ở đây  là công trình kiến tạo vào thế kỷ IX-TL, cùng thời phát triển của Phật Viện Đồng Dương. Theo cố Hoà Thượng  Minh Tâm, một thời trụ trì Diệu Đế, chủ nhiệm Tạp chí Liên Hoa (1951) cho chúng tôi hay: Ngoài những vật cổ được bảo lưu, còn có 8 lá kinh chữ Phạn, được thờ ở nội điện cùa Diệu Đế.


Ở chùa có tấm bia đá cao 1,90m rộng 1m, đặt trên bệ cao 0,65m dựng trong một nhà bia khắc những bài thơ chữ Hán lẫn chữ nôm  của Vua Thiệu Trị (1841-1847) vịnh về chùa Diệu Đế.  Một trong tác phẩm được truyền tụng (viết năm 1845) có tên “Diệu Đế quốc tự” như sau:


Một tiếng chày kình văng vẵng đưa,
Phải chăng Diệu Đế thoảng  hương xư.
Mấy cõi siêu linh hồn định dật,
Vài phương phổ độ Ngự viên xưa… (Bản dịch của Sảng Đình)


Diệu Đế là ngôi Quốc tự thứ ba ở Huế, được Vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh. Theo sự bình chọn, sắp xếp của vua Thiệu Trị, 20 thắng cảnh của đất Thần kinh gồm những cảnh được sắp xếp theo thứ tự sau: 1- Trùng Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành)    2-Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương- trong Tử Cấm Thành)   3-Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm-Trong Kinh Thành)   4-Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang- Trong Kinh Thành)   5-Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự -trong Tử Cấm Thành)   6-Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim thủy -trong Hoàng thành)   7-Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh-trong Hoàng thành)   8-Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu-trong Kinh thành) 9-Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân)  10. Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An)   11. Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương)  12. Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình)  13. Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu-trong Kinh thành) 14. Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ) 15. Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương) 16. Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung)  17. Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Gíac Hoàng-trong Kinh thành)  18. Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Gíam)  19. Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm-huyện Hương Thủy) 20. Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng – huyện Hương Trà-


Chùa Diệu Đế bên cạnh Chùa Ông vốn là nơi sinh hoạt của một trong hai Gia Đình Phật Tử đầu tiên ở Việt Nam: GĐPT Gia Thiện (GĐPT kia là Hướng Thiện). GĐPT Gia Thiện huân tập nhiều Huynh trưởng nổi tiếng: Các anh: Văn Đình Hy, Phan Xuân Sanh, Nguyễn Mậu, Nguyễn Đắc An, Nguyễn Khoa Dzánh, Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, nhạc sĩ Thông Đạt, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, nhà nghiên cứu Trần Kiêm Đạt. Các chị: Đặng Tống Tịnh Nhơn, Nguyễn Thị Đào, Vương Thúy Nga … mà sau nầy trở thành những nhân vật điều hành tổ chức nổi tiếng trong giai đoạn khai sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam vùng Cố đô  và ngay ở hải ngoại.