Trang chủ Bài nổi bật Quy kết “mê tín” khi chiêm bái xá lợi Đức Phật là...

Quy kết “mê tín” khi chiêm bái xá lợi Đức Phật là hết sức tuỳ tiện

Nhân chuyện chiêm bái Xá lợi Phật đang diễn ra ở Việt Nam, lại nhớ đến chuyến đi chiêm bái Thánh tích ở Ấn Độ.

Hôm ấy, khi chiêm bái đảnh lễ tháp Bồ Đề Đạo Tràng và Cội Bồ đề xong, đoàn chúng tôi chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp để ngồi thiền. Ngày nào cũng vậy, ngồi thiền xong thì đi kinh hành 7 vòng quanh tháp.

Chúng tôi chẳng cầu xin gì ngoài nhớ ơn Phật tổ và phát nguyện tu tập, hồi hướng công đức cho quê hương Việt Nam và cửu huyền thất tổ cha mẹ nhiều đời.

Đến ngày sắp sửa rời Bồ Đề Đạo Tràng, anh Giang nói với huynh đệ tôi: “Hai thầy có muốn thay y Phật và đội bình bát của Phật không?”. Thay y có nghĩa là mua một tấm y mới và vào tháp thay lấy tấm y cũ mà Phật đang đắp rồi mang về. Còn đội bát là đội cái bình bát đang được đặt trên tay tượng Phật trong bảo tháp.

Tôi và sư đệ nói với anh Giang, hai thầy đến Bồ Đề Đạo Tràng chỉ để chiêm bái và ngồi thiền thôi, không có nhu cầu tín ngưỡng kiểu ấy.

Sau khi về chỗ cửa hàng của một cô cư sĩ người Việt, mới biết muốn mang máy hình vào hay muốn thay y, đội bát là phải “có tiền…”, mệnh giá cũng khoảng vài ba trăm đô mới được chứ không phải ai muốn thay y đội bát cũng được đâu. Rồi lại nghe thêm một số người nói, ông sư quản lý ở đây là bà la môn đổi sang, rốt Phật học và chỉ lo kiếm tiền từ du khách thôi…

Nghe xong, tôi cũng chỉ cười, Tháp là tháp mà sư là sư, có cầu ắt có cung…

Từ đó tôi rút ra suy nghĩ, người ta đi chiêm bái Thánh tích bằng tâm thức gì thì sẽ chiêu cảm ra cảnh giới đó.

Được đi chiêm bái Thánh tích, Xá lợi Phật ở Ấn Độ là một duyên lành. Vì thực tế, xét về chi phí đi lại, ăn ở cũng không hề nhỏ.

Cho nên tôi hiểu vì sao khi Xá lợi Phật được Chính phủ Ấn Độ cho phép rước sang Việt Nam bằng nghi thức nguyên thủ quốc gia, lại được đông đảo người dân có đạo hay không có đạo tìm đến chiêm bái đông như vậy.

Tôi cho rằng những năm gần đây Chính phủ Ấn Độ cho phép rước quốc bảo Xá lợi Phật ra nước ngoài là họ ý thức rất rõ về ngoại giao văn hoá, thúc đẩy giao lưu tư tưởng và phát triển du lịch tâm linh.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi một số người cố tình dẫn dắt chuyện xá lợi Phật lần này vào những chuyện mê tín, trộn lẫn chuyện chiêm bái xá lợi thật giả vào với nhau nhằm đánh tráo khái niệm, xem Xá lợi Phật chỉ là tro cốt người chết thông thường, không đáng phải kéo đi xem đông như vậy…

Những quy kết “mê tín” là hết sức tuỳ tiện vì từ khắp các thông tin của Giáo hội và tăng ni tu hành chúng tôi, không có một lời nào vận động người chiêm bái tới để cầu xin van vái tài lộc…

Đúng là tro cốt của Phật xét về vật chất không khác gì với tro cốt của bao người, nhưng về nội hàm tâm linh, tinh thần thì là nguồn năng lượng từ bi, hoà bình vô giá mà báo thân Phật còn lưu lại, người thường không thể sánh được.

Bạn thử ấn ngón tay nhẹ xuống đất, mặt đất đã lõm xuống bởi năng lượng tác động của bạn rồi. Mà vũ trụ này có vô số cách tác động hữu hình và vô hình khác nhau.

Xá lợi Phật không chỉ là tro cốt mà được kết thành một niềm tin kiên cố với biết bao đời chúng sinh học và hành theo Phật. Nguồn năng lượng tu tập từ niềm tin kiên cố ấy lớn tới mức nào.

Cây có cội nước có nguồn, chắc chắn trong mỗi gia đình chúng ta, ai cũng có tro cốt, xương cốt của ông bà tổ tiên mình để lại. Và chúng ta cũng tin đó là một điểm của tựa văn hoá tinh thần quan trọng để duy trì trật tự gia phong.

Người phàm trần khi chết còn có mộ phần, có bàn thờ, có giao cảm, ước vọng, khấn nguyện, cúng bái như thế, đủ biết tính thiêng và chốn thiêng tự nó đã trở thành biểu tượng, vượt ra ngoài những suy nghĩ thông tục.

Chỉ xét theo lẽ thường, chúng ta ứng xử với tro cốt ông và tổ tiên mình ra sao? Nhìn vào đó và tự đặt câu hỏi thì sẽ rõ được chỗ tôn kính của người khác đối với Xá lợi Đức Phật.
Tôi cũng được biết, bên đạo Công giáo có quan niệm rất khác về hoả thiêu. Cho nên để tiến đến việc cho tín đồ được phép hoả thiêu, thắp nhang thờ cúng ông bà, đã là một “cải cách” không nhỏ trong suy nghĩ.

Tuy nhiên, vì bên Công giáo quan niệm con người sẽ sống lại đời đời từ thân xác này, nên tuyệt nhiên dù là tro cốt cũng không được phép rải xuống sông hay rừng núi… Phải gìn giữ thân xác, tro cốt ấy để họ có thể sống lại… Đây là giá trị tâm linh mang tính biểu tượng.

Cái gì đã là biểu tượng của tinh thần thì nó có thiêng tính, bất khả xâm phạm…

Nói rộng thêm ra như vậy để thấy, loài người dù có đạo hay không, dù theo đạo này hay đạo kia đều cần duy trì các giá trị biểu tượng để sống và ứng xử…

Chỉ người thiếu hiểu biết mới nói chiêm bái xá lợi Phật là mê tín

Bất kính, tiêu cực với việc cung rước và chiêm bái xá lợi Đức Phật