Trang chủ Diễn đàn Sốc vì giá dịch vụ “ăn theo” lễ hội Chùa Hương

Sốc vì giá dịch vụ “ăn theo” lễ hội Chùa Hương

61

Vé trông xe “đè” du khách


 


Ngay khi đặt chân vào khu danh lam thắng cảnh Chùa Hương, các du khách đã phải dừng chân ở trạm bán vé để mua vé vào cửa giá 30.000 đồng và vé đò khứ hồi giá 25.000 đồng cho mỗi người.


 


Nhìn những tấm biển đề giá cả công khai được Ban tổ chức dựng lên ở khắp nơi, khách hành hương về “Nam thiên đệ nhất động” năm nay cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn nhiều về nỗi lo giá cả đột biến từ kinh nghiệm những mùa lễ hội năm trước.


 








Hàng vạn lượt khách hành hương đổ về Chùa Hương trong ngày khai hội

 


Thế nhưng, ngay khi đưa xe vào gửi trong Nhà nghỉ Hải Hà, chúng tôi không khỏi giật thót mình khi nhìn tờ hóa đơn trông xe với tổng giá dịch vụ cao gấp 7 lần so với quy định của Ban tổ chức. Với quy định của Ban tổ chức thì giá vé xe máy trông ngày là 2.000 đồng một lượt, trông đêm là 3.000 đồng một lượt. Còn giá vé theo “quy định” của dân là 15.000 đồng một lượt (tính cả 2 chiếc mũ bảo hiểm treo ở cốp xe).


 


Một chị du khách đi cùng đò với chúng tôi cho biết, chị gửi xe ở phía đền Trình còn phải trả 20.000 đồng cho 1 xe và 1 mũ bảo hiểm đi kèm. Trong khi chị lái đò thì khăng khăng khẳng định: “Nếu các anh chị mà vào nhà em thì chỉ có 6.000 đồng một xe máy và 2.000 đồng một mũ bảo hiểm mà thôi”. Có nghĩa là chỉ riêng phí trông xe của nhà chị đã cao gấp 3 so với quy định của Ban tổ chức.


 


“Tiền bồi dưỡng bắt buộc” gấp đôi tiền vé đò


 


Sau vụ “thót tim” về giá vé trông xe, chúng tôi lại thêm một lần “thót tim” về phí bồi dưỡng lái đò. Cầm chiếc vé màu vàng trên tay, chúng tôi cứ đinh ninh rằng chỉ cần giơ vé ra là có thể ung dung an tọa trên những con đò để ngắm dòng suối Yến yên bình, dù suối vẫn đang ở độ ô nhiễm cao.


 


Thế nhưng, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, tất cả các chủ đò đều nói chắc “như đinh đóng cột” rằng, nếu không có tiền bồi dưỡng thì mời các bác cứ đứng đó cho mỏi chân, khản cổ, mất thời gian mà gọi đò. Điều đó đồng nghĩa với việc những tấm vé đò của Ban tổ chức chẳng có chút giá trị nào đối với du khách theo kiểu “Phép vua thua lệ làng”.


 








Những tấm biển thông báo được dựng ở những nơi đông người để khách hành hương dễ nhìn thấy nhất.

 


Thỏa thuận chán chê, cuối cùng chúng tôi và một nhóm du khách khác mới được chủ đò mời lên với mức bồi dưỡng 20.000 đồng một người cho cả 2 lượt đi về. Theo lời chị chủ đò thì: “Như vậy là quá rẻ rồi chứ cách đây một tiếng, khách vào đông, 30.000 chưa chắc chúng em đã chở”. (???)


 


Khi được hỏi về “mức bồi dưỡng bắt buộc” này, chị chủ đò hồn nhiên cho biết: “Mỗi vé đò của Ban tổ chức bán ra, chúng em trừ đầu trừ đuôi chỉ được nhận có khoảng 10.000 đồng. Mà phải sau 3 tháng lễ hội thì mới được nhận tiền. Như vậy thì chúng em hít suông không khí để chèo đò à! Chèo một lượt đò như này vất vả lắm, mỗi ngày kiếm được hai, ba trăm thì phần nhiều cũng đổ vào ăn uống lấy sức khỏe cả. Chẳng để ra được bao nhiêu!”


 








Nhưng vẫn phổ biến cảnh “người trên bến, kẻ dưới thuyền” cò kè mặc cả về tiền bồi dưỡng bắt buộc cho lái đò.

 


Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết các con đò trên dòng suối Yến đều ken đặc người, tức là vượt qua khá xa tải trọng đã đăng ký với Ban quản lý đò.


 


Đò nhỏ 5 người thì ít nhất cũng có 10 người ngồi. Còn những con đò thuộc diện to nhất ước chừng chỉ ngồi được khoảng 20 người thì chủ đò cũng phải xếp được gấp đôi con số đó trở lên.


 


Trấn an sự quan ngại của chúng tôi, chị lái đò khoe: “Không lật đò được đâu anh! Chúng em đều có… bằng lái cả! Để được chở đò ở đây thì chúng em đều phải qua đợt kiểm tra… tay chèo và được cấp bằng đàng hoàng”.


 








Không chỉ có “bằng lái đò”, chị chủ đò này còn đội… mũ bảo hiểm khi hành nghề

 


Lại vẫn chuyện đò. Cứ tưởng thót tim lúc vào thế là quá đủ, không ngờ khi từ Hương Tích trở ra, chúng tôi còn thót tim hơn khi người chủ đò đã cầm cả vé khứ hồi của chúng tôi… bỗng dưng biến mất. Tìm mỏi mắt vẫn không thấy “người quen đâu”, chúng tôi ngồi chờ cả tiếng bên bến cũng vẫn “bặt vô âm tín”. Trạm phát thanh thì quá đông người có nhu cầu tìm người nhà, tìm trẻ lạc, thông báo rơi giấy tờ đang chờ đến lượt, nhu cầu tìm đò của chúng tôi sao quan trọng bằng mà có thể xin lên trước.


 


Quanh quẩn một hồi, chúng tôi cũng thỏa thuận được với một chủ đò khác để được trở ra với mức bồi dưỡng 30.000 đồng mỗi người.


 


Người lái đò mới này cho biết: “Nếu không phải khách quen, hoặc trả tiền sau, hoặc tiền bồi dưỡng ít thì lúc đông khách, lái đò rất hay “xù” luôn khách “ruột” của mình để đánh lẻ chở những du khách khác không có vé hoặc cũng bị bỏ rơi với giá cao hơn. Khách có kinh nghiệm thì phải ghi lại họ tên, số điện thoại, số đăng ký của đò để gặp trường hợp tương tự thì khiếu nại lên Ban quản lý đò giải quyết”.


 


Nghe lời khuyên muộn mằn này chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi cám cảnh. Giá như Ban tổ chức thêm dòng nhắc nhở về nạn “xù” đò trên bảng thông báo thì tốt biết bao nhiêu. Thế là phí bồi dưỡng cho chủ đò trong cả hai lượt ra vào vừa vặn gấp đôi giá vé của Ban tổ chức.


 








Nhiều du khách chưng hửng vì khi quay lại bến, tìm chủ đò mỏi mắt không thấy…

 


Muốn rửa tay… xòe ngay 5 ngàn


 


Năm nay, chùa Hương vừa về với Hà Nội nên người hành hương khá yên tâm vì nạn cờ bạc tịnh không còn bóng dáng suốt chặng đường lên Hương Tích, nạn móc túi cũng giảm tối thiểu vì lực lượng an ninh có mặt ở khắp nơi. Tuy nhiên, nhiều khách hành hương vẫn kêu trời vì bị các dịch vụ dọc đường… móc túi.


 


Cụ thể, giá đi vệ sinh 2.000 đồng một lượt thì cũng không có gì đáng nói nhưng giá một chậu nước sạch bé tẹo (khoảng lít nước) để khách rửa mặt, rửa tay là 3.000 – 5.000 đồng thì khá…chát. Đồ ăn thức uống cái gì cũng đắt gấp đôi nhưng nhiều du khách quen thuộc của lễ hội chùa Hương cho rằng như thế đã là hạ giá hơn so với năm trước.


 








Các thầy nho năm nay viết sớ cẩn thận hơn nhưng các dịch vụ cúng lễ thì vẫn “cắt cổ” du khách

 


Công nghệ viết sớ ở đền Trình cũng “tử tế” hơn vì không còn cảnh viết sớ bằng giấy than với giá 5.000 đồng một chiếc mà viết bằng bút mực tàu chữ nho với giá 10.000 đồng một sớ. Dẫu vậy, những dịch vụ cúng lễ khác thì vẫn “đắt cắt cổ” vì lòng thành kính của du khách vẫn không giảm đi.


 


Theo dự đoán của Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương trước ngày khai hội thì sẽ có khoảng 1,4 triệu lượt khách đổ về Hương Tích. Với những vấn nạn về dịch vụ và giá cả như trên, các du khách cần hết sức chú ý và lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để có được một chuyến hành hương tốt đẹp và may mắn.