Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Sơn môn Bổ Đà

Sơn môn Bổ Đà

148

Sơn môn Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo, nơi đây đã hình thành và phát triển môn phái Lâm tế. Thông qua các dấu tích và các cơ sở thờ Phật còn lại tới ngày nay, có cơ sở chứng minh về sự hình thành, tồn tại và phát triển trung tâm Phật giáo Bồ Đà.

Những dấu tích còn lại như vết chân trên đá (Ao Miếu), thần Độc Cước (Chùa Núi Lún), chùa Hang (trên núi Khám), chùa Cao (trên núi Phượng Hoàng), chùa Bổ Đà… là cả một hệ thống thờ Phật và tu hành của khu sơn môn Bổ Đà:

Bốn bể phong cảnh lạ thay

Bồng Lai kia cũng thé này mà thôi

Chùa Bổ Đà tên chữ là chùa Tứ Ân thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được xây dựng về phía Bắc núi Phượng Hoàng.

Chùa Bổ Đà là một quần thể kiến trúc hài hoà ngoạn mục và là một danh lam thắng tích có hạng. Phía bắc sông Nguyệt Đức có núi Bổ Đà, từ thủa khai sinh lập địa, núi này vẫn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn…

Trên núi có một chỗ đất bằng phẳng rộng chừng một chiếc chiếu to, là nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời. Truyền thuyết rằng: Đời xa xưa trong làng có một người nông dân làm nghề kiếm củi, nhưng tuổi già ngoài tứ tuần mà vẫn chưa có con.

Một hôm người tiều phu cắp dìu lên nơi đây kiếm củi, bỗng gặp một gốc cây thông già, mỗi nhát bổ ông lại niệm “Quan Thế Âm Phật” và sau đó ông được 32 đồng tiền vàng ở gốc cây.

Thật là lạ lùng, ông liền cầu nguyện khấn rằng “nếu được mụn con, thề xin làm chùa thờ phụng”.

Sau quả nhiên ông sinh được người con trai khôi ngô tuấn tú. Và giữ lời cầu nguyện, ông đã dựng một ngôi chùa lợp gianh và tạo một pho tượng Quan Âm Bồ Tát, để hàng ngày hương khói phụng thờ.

Từ đó tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người qua lại lễ bái và cầu khấn việc gì cũng đều hiển ứng.

Trải qua thời gian năm tháng, nơi đây đã trở thành danh lam thắng cảnh và tên chùa Bổ cũng có từ đây, từ cầu chuyện truyền thuyết về người bổ củi.

Đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729), có vị sư trụ trì tên là Phạm Kim Hưng cho xây Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường, cột gỗ, cột đá cộng vài gian.

Tiếp đến đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), có vị sư tổ họ Ngô, quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, tự là Tính Ánh thiền sư, sắc phong là Hảo Tiết Hoà thượng đi du ngoạn, đến nơi đây ngắm nhìn phong cảnh tịch tĩnh, thâm nghiêm… bèn cho xây dựng mở mang chùa Tứ Ân và am Tam Đức. Lại trùng tu một gian chùa Quan Âm Bồ Tát bằng gỗ lim, gạch ngói kiên cố và cử tăng già trụ trì.

Liên tục kế truyền tiếp theo là Hoà thượng Chiếu Không, rồi kế đến là Hoà thượng chí Tâm, Phả Thuần, Như Chiếu, Phả Tiến, Quảng Luân và nay là Đại đức Thanh Vinh đã nhiều lần tu bổ tôn tạo, mở mang xây dựng…, trở thành nơi tùng lâm quy mô rộng lớn như ngày nay.

Hiện nay, chùa Bổ tạm được phân thành 3 khu: Vườn chùa 31.000m2, khu nội tự 13.000m2, vườn tháp 7,784m2. Thật là:

Cảnh thiên nhiên đã sẵn bày

Mở mang lại có bàn tay con người

Sơn môn Bổ Đà là trung tâm kế truyền có các vị sư tổ khai trương thuyết pháp, hàng năm kết hạ an cư, có các vị tăng ni tín đồ tham thiền học đạo. Đồng thời các vị sư tổ lại cho khắc các bản Kinh – Luật như: Lăng nghiêm chính mạch; Yết ma hội bản, Nam hải ký quy… làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam thêm phong phú.

Trung tâm Phật giáo Bổ Đà, một công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân Tiên Lát, Việt Yên, Bắc Giang và có giá trị với cả nước nói chung.

Phật giáo nơi đây đã xuất hiện từ lâu đời và nó tồn tại, phát triển thành một trung tâm của phái Lâm Tế, đã khai trương, thuyết pháp đào tạo ra nhiều tăng ni phật tử cho các địa phương trong cả nước.

Từ ngôi chùa Cao thờ một tượng Quan Âm Bồ Tát đến chùa Bổ Đà ngày nay là cả một hệ thống phát triển liên hoàn của sơn môn. Những cái gốc, cái căn bản vẫn được bảo tồn, lưu giữ, tu bổ, tôn tạo, để trường tồn mãi mãi với thời gian. Đó là toà tam bảo, nhà tổ cùng hệ thống tượng Phật, đồ thờ, kho ván kinh…

Kiểu kiến trúc, điêu khắc, trang trí, hệ thống tượng Phật, các bức đại tự, hoành phi, câu đối, đồ thờ, tài liệu văn bia chữ Hán – Nôm, thư tịch cổ… là những cổ vật quý và tài liệu lịch sử quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về Phật giáo ở tỉnh Bắc Giang cũng như cả nước nói chung.

Ngay từ buổi đầu hình thành và tồn tại và phát triển cho tới nay, trung tâm Phật giáo Bổ Đà vẫn tổ chức lễ hội, giỗ tổ hàng năm vào ngày 17 tháng 2 âm lịch.

Với một tấm lòng thành kính bằng việc tế lễ, dâng hương, sinh hoạt văn nghệ, các trò chơi dân gian…, những sinh hoạt văn hoá tinh thần và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân là biểu hiện sinh động trong truyền thống sống với đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trung tâm Phật giáo chùa Bổ Đà, không những gắn bó máu thịt với tăng ni phật tử ở chùa mà nó còn gắn bó mật thiết về tình cảm tôn giáo, tín ngưỡng với nhân dân Tiên Lát – Việt Yên và du khách thập phương.

Sơn môn Bổ Đà còn là nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương đất nước. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), chùa Bổ Đà là địa điểm làm việc chế tạo vũ khí của xưởng quân giới…

Năm 1960, nhà chùa đã xung 50 mẫu ruộng và trâu bò, tài sản khác vào Hợp tác xã nông nghiệp.

Sơn môn cùng nhân dân Tiên Lát – Việt Yên và du khách thập phương luôn có ý thức và đã giữ gìn, bảo vệ thường xuyên tu bổ, tôn tạo khu chùa luôn đẹp đẽ, sạch sẽ khang trang với một cảnh quan môi trường trong sạch.

Qua đây, chúng ta càng thấy rõ giá trị lịch sử văn hoá của sơn môn này, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang.

Di tích được xếp hạng cấp quốc gia từ tháng 01 năm 1992. Và hiện nay ngôi chùa đang được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, nhằm giữ gìn lâu dài di tích để phục vụ cho sinh hoạt văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời từng bước xây dựng nơi đây trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương trong và ngoài nước.

Vườn tháp chùa Bổ Đà

Lễ hội chùa Bổ Đà