Trang chủ Văn học Truyện Sống đời Bát Nhã

Sống đời Bát Nhã

83

Ông bố chỉ cần nghe tín hiệu “ba la mật đa” là đã cảm thấy trí óc và toàn thân máy động như nhà vắng lâu ngày có người tới gõ cửa.  Từ cõi đời thường phàm phu đầy hệ lụy, qua một nếp đời tâm linh thánh thiện là cả một cuộc hành trình tinh thần xa tít tắp đối với một ông giáo thời hưu trí. 

Cái thông điệp trực tiếp đến từ bé Na, cô con gái út ngỡ như bản chất Việt Nam trong cô chỉ còn là tên gọi, càng làm cho ông ngạc nhiên hơn.  Mặc dầu bé Na đã khôn lớn, vừa ra trường bác sĩ, nhưng lớp trẻ thuộc thế hệ Mỹ-Việt đầu tiên hầu hết quan tâm đến những giá trị thực dụng hơn là nếp suy tư mang vẻ triết học trừu tượng hay tôn giáo siêu hình. 

Ông giáo sung sướng và ngạc nhiên không hiểu vì sao cô con gái út, còn nằm trong bụng mẹ ở Việt Nam, sinh ra ở trại cấm Hồng Kông và lớn lên ở Mỹ, thời chưa vào đại học y khoa, chẳng quan tâm gì đến vấn đề tôn giáo mà nay lại hỏi đến cả Bát Nhã Tâm Kinh.

Ông giáo gật đầu, nhưng trong lòng lại hoài nghi hơn là khẳng định:

– Ừ, thì ba la mật đa là một từ âm theo tiếng Tàu. Gốc tiếng Phạn Pàramità có nghĩa là “đáo bỉ ngạn” hay tới bờ bên kia đó mà.

Bé Na tỏ vẻ đồng ý nhưng vẫn còn thắc mắc và nhận xét:

– Con cũng biết vậy ba à. Nhưng cứ mỗi lần nghe ba đọc: “ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh…” thì  con cảm thấy nó có một vẻ gì nghiêm trọng, to tát, huyền bí khó hiểu quá.  Trong khi con nhỏ Sonya Sandhah thì làm xong việc gì nó cũng reo lên: “Paramita!” y như mấy bác mấy chú bạn ba gọi là “Tới bến!” vậy đó.

Đến lượt ông giáo thắc mắc:

– Sonya là ai vậy con?

– Dạ, nó là con nhỏ người Ấn Độ, bạn ở trọ cùng phòng và cùng thực tập ở bệnh viện với con, nó có ghé nhà mình chơi mấy lần mà ba đã gặp đó.

Im lặng suy nghĩ một lát, ông giáo hỏi lại:

– Paramita đúng là tiếng reo “Đạt rồi! Tới bến rồi!” khi làm xong một điều trọng đại trong ngôn ngữ cổ điển của Ấn Độ.  Nhưng ba không hiểu tại sao con bé ấy còn dùng; mà lại dùng thường xuyên cho mọi chuyện lớn nhỏ trong đời sống thường ngày nữa?

Cố nhớ và vẽ lại nhân dáng của Sonya, bé Na mở rộng câu chuyện theo trí nhớ và sự quan sát của mình:

– Cả gia đình Sonya theo đạo Sikh.  Đạo Sikh là một tôn giáo phát sinh từ Ấn Độ vào thế kỷ 15. Theo Sonya thì nó thấy lý thuyết của đạo Phật và đạo Sikh có những điểm giống nhau về luân hồi, duyên nghiệp.  Nhưng khác với đạo Phật là đạo Sikh thờ một Thượng Đế toàn năng, vô hình vô ảnh, ngự trị toàn vũ trụ. 

Trong nhà, chỉ một mình Sonya tìm hiểu và gần gũi với đạo Phật vì theo nó thì đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ hay bậc thầy đầu tiên kéo con người ra khỏi bàn tay của một đấng chúa tể ngự trị muôn loài mà không ai biết rõ là ai.  Người thì gọi là ông Trời, người gọi là Ngọc Hoàng, người gọi là Thượng Đế… 

Sonya đã nhiều lần nói lớn lên rằng: “Tự do tìm về với chính mình là giải phóng được cho mình ra khỏi sự ràng buộc của thần quyền.”  Nó thích đạo Phật là vì đạo Phật tôn trọng tự do tư tưởng của nó.

Mắt ông giáo long lanh khi nhìn vào khuôn mặt thông minh tươi trẻ của cô con gái út. Ông không ngờ thế hệ trẻ của con cháu mình lại có đủ bản lĩnh tri thức để nhìn về nếp sinh hoạt tâm linh một cách độc lập và thẳng thắng đến như vậy. Ông giáo cảm thấy tò mò và thú vị muốn nói chuyện với con gái mình một cách thông thoáng như chuyện trò với một người bạn:

– Na à, vậy con đã được học Phật lúc nào và có chia sẻ hay trao đổi gì với Sonya về vấn đề này không?

Bé Na bụm miệng cười bí mật với bố già:

– Dạ, có chút chút thôi ba ạ. Lúc đầu con chỉ lấy mấy lớp căn bản Phật học ở khoa triết y của trường để kiếm một số tín chỉ cần thiết cho năm học. Nhưng về sau, học thêm mấy lớp Yoga và phương pháp hành Thiền chung với Sonya con đâm ra “ghiền” ngồi thiền!

Ba năm sau đó, con đã theo Sonya về Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng học phương pháp trị liệu Đông y qua chương trình trao đổi sinh viên Âu-Á trong suốt ba mùa Hè, nhưng thật sự là chỉ học Phật và phương pháp tâm lý trị liệu theo thiền học. Năm nào Ba cũng đưa đón hai đứa con ở phi trường San Francisco đó, ba còn nhớ không?

Ông giáo xòe cả hai tay ra như để bắt lấy một ý lạ vừa ở đâu rơi xuống:

–  Hử?!  Sao con chẳng nói gì về chuyện học Phật, ngồi thiền của con với ba hết?

Cười thành tiếng, bé Na nói tiếp:

– Bộ ba tưởng là con chỉ biết ngồi “ghiền” hay ngồi “phiền” thôi à. Con chẳng biết tu hành cao siêu gì cả nhưng ưa ngồi thiền như một cách tập thể dục tinh thần ấy mà.

Với một chút đăm chiêu, ông giáo hỏi:

– Thiền định là việc trọng đại, lẽ nào tụi con lại xem nhẹ, lấy làm chơi như một trò thể dục vậy kìa?

Bé Na nhìn bố tròn xoe đôi mắt:

– Ơ! Vậy là con nhỏ Sonya nói đúng rồi. Bố nó cũng giống ba, cứ coi phương tiện là quan trọng làm thước đo hềt thảy mà chẳng để ý đến kết quả hay tác dụng của phương tiện đó. Tụi con thường gọi ngồi thiền là “tập thể dục tinh thần” vì muốn đạt kết quả là tập cho trí óc mình tươi mát thoải mái, luyện cho lòng mình không bị buồn phiền vướng víu với cả đống công chuyện hàng ngày. Thế còn mấy thầy dạy học trò ngồi thiền là để làm gì hở ba?

Hơi lúng túng trước một ý thắc mắc rất thực tế của con gái, ông giáo chỉ còn biết trả lời theo bài bản:

– Thì để tu trì cho được giải thoát.

– Giải thoát là như thế nào ba hè?

– Là để được chứng ngộ biết mình là ai, cắt đứt được mọi ràng buộc phiền não, chuyển hóa lòng tham sân si thành tâm thánh thiện.

– Dạ, ba.  Ngồi thiền chừng bao lâu mới đạt tới trạng thái giải thoát như thế; mà ba đã có được những lúc nào giải thoát vậy chưa ba?

Ông giáo trả lời con gái như một sự thú nhận con đường dài hun hút trước mắt mà ông đã trải qua bao nhiêu ngày tháng kiếm tìm chưa gặp:

– Giải thoát nhanh hay chậm là tùy duyên và tùy căn cơ huân tập của mỗi người.  Riêng ba thì đã giải thoát đâu mà biết là trạng thái giải thoát nó như thế nào.

Cô con gái lại được dịp trêu ông bố thân thương:

– Vậy thì con hơn ba là nhà mình có phúc rồi! Nhỏ Sonya và con đều đồng ý và chia sẻ với nhau rằng, giải thoát là bứt phá ra khỏi ràng buộc, dính mắc. Mỗi phút nào tụi con lắng sâu vào việc ngồi tĩnh tâm là thoáng được phút đó. Con tự cho mình được “giải thoát” ra khỏi tù ngục của lo lắng. Lúc đó con cảm thấy lòng mình an vui dễ thương, trí óc tự do chạy nhảy tha hồ. Con không lo, không buồn, không giận, không ghét ai cả.  Con vui quá vì biết mình đang sống và đang được ngâm mình trong một biển hồ mênh mông trời đất không sóng gió, không bon chen.

Sau những phút tĩnh tâm như thế, tụi con thường nhìn nhau mỉm cười và reo lên nho nhỏ “paramita!” rồi đứa nào có việc riêng đứa nấy, tiếp tục làm mọi chuyện thường ngày của mình nhẹ nhàng và hăng hái hơn.

Ông giáo đặt tay lên vai cô con gái và cảm động nói bằng tất cả thương yêu:

– Con giỏi lắm!  Có vẻ  như con đã có những phút “sống đời bát nhã” rồi đó.

Cô con gái nhìn bố, dò hỏi:

– Ba ơi! Con đâu dám nhận những điều “trọng đại” như thế.

Ông bố cười nhẹ, nửa như buồn cho mình mà nửa như vui cho con:

– Hì, hì! Nắm xôi có trọng đại với thằng Bờm hay không thì phải làm thằng Bờm mới biết được. Nhưng con nói đúng, thắng Bờm xử sự đúng thì ba phải nhận đúng mới công bằng chớ. Ba và thế hệ lớn tuổi của ba thường bị dính mắc vào hình tướng quá nhiều. Luôn miệng nói “không chấp tướng” mà lại tôn sùng những hình thức vật chất lễ nghi rình rang rồi quên đi nội dung cần phải đạt. 

Nói “không chấp ngã” mà lại cứ đặt bày, tạo dựng những danh xưng, tước vị hình thức rôm rả; rồi đua nhau xưng tụng, thổi phồng những cái tôi của con ếch dưới đáy giếng lớn cho bằng con voi trên rừng.

Cô con gái bỗng dưng thấy mình gần gũi với bố già quá.  Bé Na rì rầm kể chuyện cho ba nghe…

Sự kiêu hãnh về nề nếp phụ quyền trong gia đình và truyền thống gia trưởng quá mạnh của thế hệ cha anh đối với thế hệ trẻ Việt Nam đã khiến hai thế hệ nhìn nhau sai lạc và xa cách. Thế hệ già quen thấy cái tầm thường vĩ đại mà không thấy được cái vĩ đại tầm thường như tuổi trẻ. Sonya thấy được cái vĩ đại tầm thường. Nghĩa là cảm nhận được cái bát nhã ba la trong từng hạt bụi; và có khi thấy những biểu hiện mang vẻ hoành tráng bên ngoài mà nội dung trống rỗng không bằng một hạt bụi. Bé Na ngạc nhiên vì có những lúc Sonya mỉm cười lặng lẽ một mình mà vẫn nói bằng giọng hớn hở: “Paramita!”. Được hỏi, Sonya trả lời rằng:

– Cứ mỗi phút trôi qua là đã có trên cả trăm người vừa mới chết, nghĩa là mỗi ngày có hơn 15 nghìn người chết trên toàn thế giới này vì vòng quay tự nhiên sinh, lão, bệnh, tử.  Lúc nào thì tới phiên bạn hay phiên mình hết thở, làm sao biết được phải không?  Nhưng chắc chắn là trong mỗi nháy mắt, có biết bao nhiêu người chỉ thở vào mà không thở ra được; hoặc có người thở ra mà không thở vào được. Nay ta chỉ cần thở được một hơi thở trọn vòng có vào, có ra là “tới bến”, là paramita, là đáng reo vui rồi bạn nha.

Bé Na đã có lần hỏi Sonya:

– Này, sao trong ca mổ thực hành tháng trước bạn bị đánh hỏng vì đã đọc nhầm hồ sơ bệnh lý hai của bệnh nhân Việt Nam. Ca mổ của ông Nguyễn Văn Thanh lại đưa qua trường hợp của ông Nguyễn Văn Thành vì không đọc kỹ số hồ sơ bệnh lý. Vậy mà khi cầm giấy báo đánh hỏng của trường, bạn cũng có thể phớt lờ mỉm cười và réo “paramita” được là thế nào vậy hả?

Sonya thản nhiên kể:

– Thì đúng rồi! Hỏng cũng phải tới “bến hỏng” chứ bộ. Ông vua khi ngồi trên ngai vàng là “tới bến” quyền lực. Nhưng khi bị lật đổ, phải đưa đầu vào máy chém thì cũng “tới bến” trừng phạt. Đúng và sai, đậu và hỏng, hơn và thua… đều phải tới bến sau cùng. 

Mình làm sai, bị đánh hỏng cũng phải tới cái bờ kết quả là hỏng chứ chạy đi đâu cho thoát. Làm trật mà được kết quả “đúng” là đi ngược.  Mà đã đi ngược thì làm sao tới bờ bên kia được hả bạn! Paramita là thản nhiên, lặng lẽ về tới bến của mình và biết mình đã tới đúng cái bến mà thuyền của mình chèo tới.  Phải reo lên “tới bến rồi” để biết mình tới bến bạn à.

– Này Sonya, vậy thì mỗi số phận con người chỉ có một bến đợi để tới thôi sao?

– Có muôn vạn bến bạn ơi! Số phận chỉ là một cách nói buông xuôi chứ chẳng có ai đặt định trước cho mình phải tới bến nào cả.  Như bạn thấy đó, cái bến của mình khi bước vào bệnh viện là làm cho xong ca mổ của ông Nguyễn Văn Thanh chứ không phải ông Nguyễn Văn Thành. Mình cứ yên chí là có đủ bài bản, dụng cụ y khoa tốt như bệnh viện New York thì mọi việc đều tốt nhưng lại không dè chừng rằng, tiếng Việt của bạn còn có dấu thanh lên xuống nên đã kiếm sai người. Nhưng rồi cũng giống như thuyền đi gặp giông bão, mình nhầm tên mà cứ yên chí mình là đúng nên thuyền đã đi sai hướng. Kết quả là thuyền chìm và mình hỏng. Thuyền chìm không biết thuyền trưởng có vực dậy được để đi tiếp hay không. 

Nhưng khi mình làm sai và biết rằng mình hỏng nên đã “paramita” cho cái hỏng của mình trong phút đó và hớn hở tìm hướng đúng để đi tiếp cho đến khi “paramita” nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ một lần với bạn như hôm nay.

– Sonya ơi, theo bạn thì “paramita” không phải là đã đến bến bờ an vui tốt đẹp sau cùng sao?

– Chỉ có Phật.  Mà có đến hằng ha sa số chư phật – đó là những sinh thể mang tính phật như bồ tát Quán Tự Tại, chứ không phải chỉ riêng Phật Thích Ca Gautama đâu nhé – là biết rõ mình đến bến an lạc vĩnh hằng hay chưa. Phải có trí tuệ sáng ngời của giác ngộ mới nhận ra được bến bờ vi diệu ấy.

Bé Na làm sao quên được câu nói sau cùng của Sonya trước khi chia tay về Ấn Độ:

– Hàng ngày, một khắc sống tỉnh thức – nhìn biết được tự tại để mở lòng an vui đón nhận – là đang sống đời Bát Nhã.  “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha –  Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhisvaha – Tới bến, tới bến, tới bến rồi, hoàn toàn tới bến, an lạc tuyệt vời!”

Ông giáo nhẹ nhàng dắt tay cô con gái út:

– Thôi, chiều rồi. Về nhà ăn Tết với mẹ và gia đình con hỉ!

– Ba, đã tới Tết đâu?!

– Ừ. Thì mùa Xuân thiên nhiên mang Tết lại cho đời; còn mùa Xuân trong ta mang Tết đến cho ai mong cầu được sống đời bát nhã.

Sống đời bát nhã… Mùa Đông sắp qua rồi mà cành phượng vỹ trơ xương rủ bóng nơi phía chân cầu Trường Tiền vẫn còn nở dáng một cành hoa của mùa Hè năm ngoái.

Natomas, Cali mùa Thanksgiving 2008 (Trích chương 9 trong truyện dài Sống Đời Bát Nhã)