Trang chủ PGVN Cửa thiền Sư cô làm thợ

Sư cô làm thợ

72

 

Một góc bếp của nhà hàng cơm chay. Các sư cô vừa làm bếp vừa hướng dẫn các em học nghề -Ảnh: P.B.M.

Những nét khắc tinh xảo dần hiện lên sinh động trong khi những giọt mồ hôi của người thợ – sư cô ấy nhỏ giọt trên đôi má ửng hồng. Đưa tay vuốt nhẹ mồ hôi ngang trán, người thợ ấy lấy sức đẩy chiếc bào về phía trước tiếp tục làm mịn thớ gỗ… Một ngày làm việc của các thợ – sư cô ở chùa Đức Sơn (Cư Chánh, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) thật sự căng thẳng khi bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc hoàng hôn chập choạng buông.

Giọt mồ hôi mưu sinh vì trẻ thơ

Chúng tôi đến chùa Đức Sơn vào một chiều nắng ấm và tràn ngập tiếng cười đùa của các em nhỏ. Trên hành lang, những đứa trẻ khác vẫn đang chăm chú học bài. Tiếng bi bô của trẻ hòa vào những tiếng sườn sượt của búa bào, rìn rịt của những bước chân giậm may máy và tiếng cồng cộc của dao thớt vọng giữa núi đồi. Chùa vừa tiếp nhận thêm hai trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, trước đó 198 đứa trẻ trong chùa phần lớn có hoàn cảnh mồ côi, không nơi nương tựa, bệnh tật, mù lòa… đủ mọi lứa tuổi. Để các em có cơm ăn, áo mặc hằng ngày, giọt mồ hôi vất vả của các sư cô nơi đây nhỏ xuống mỗi giờ, mỗi phút… Có lúc lên rừng khai phá trồng củ sắn, rau xanh, hạt đỗ, củ lạc… Đất đai hiếm dần, các sư cô xoay ra học nghề đan lát, thêu thùa, đục đẽo…

Xưởng mộc nằm khuất sau chùa như mọi xưởng mộc khác với búa, bào, thước, cưa, mực… Những ngày đầu học việc từ những thợ mộc có tay nghề truyền thụ, bàn tay vốn quen gõ mõ, tụng kinh của các sư cô rã rời thật sự. Còn bây giờ nhiều người thợ – sư cô ấy đã có đôi bàn tay chai sạn sau những ngày đục đẽo, khắc vẽ trên những vật gia dụng. Hơn thế, các sư cô không chỉ đảm nhận những công việc, kỹ năng, thậm chí bí quyết trong nghề mà còn có khả năng truyền thụ lại cho những đứa trẻ sống trong chùa. “Nếu để các em rảnh rỗi quá sau giờ học có thể sẽ khiến các em sau này lười biếng nên nhà chùa mở xưởng mộc, nghề đan, may mặc… thật ra cũng vì các em; như một cách chia sẻ với nhà chùa” – một sư cô tâm sự chân thành.

Sư cô Minh Tú, trụ trì chùa Đức Sơn: “Các em nhỏ trong chùa như búp, như lá, như hoa trên một cành cây, cần phải chăm nom, săn sóc. Các sư cô trong chùa chỉ như những con ong chăm chỉ bảo ban thương yêu, dìu dắt, dạy dỗ các trẻ”.

Sư cô Minh Đức chăm sóc trẻ nhỏ trong chùa -Ảnh: P.B.M.

Ở khu vực may, chúng tôi lại thấy những đôi tay thoăn thoắt giơ lên, níu xuống, vạch thẳng những đường cong ở chiếc khăn tay bằng nhung. Tại đây, một sư cô tận tình chỉnh sửa từng đường chỉ cho trẻ học nghề ở lớp may thêu. “Các trẻ ở đây nhiều em bị khuyết tật ở chân, tay, mắt nên để dạy nghề được cho các em không chỉ cần sự nhiệt tình, tấm lòng nhân hậu mà chúng tôi còn phải thạo nghề…” – sư cô Minh Tú nhẹ nhàng bảo. Chúng tôi xúc động cầm lên những sản phẩm không chỉ kết tinh từ lao động mà còn cả tấm lòng ấy: khăn áo, bàn ghế, đồ gia dụng… Ngoài đáp ứng nhu cầu các trẻ trong chùa, những món hàng còn được đem bán…

Nhận ra mỗi em có một sở trường khác nhau, em giỏi thêu thùa, mê đan lát, nấu nướng, em lại thích đục đẽo nên các sư cô ngoài việc hành nghề còn mở thêm quán ăn, quán thêu để truyền dạy lại cho các trẻ. Các sản phẩm của sư cô làm ra được rao bán, tích cóp mang về nuôi trẻ.

Cơm chay 24/24 giờ

Số trẻ trong chùa mỗi ngày một nhiều, hiện đã hàng trăm em. Nhiều em bước vào tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi đến trường và cả những em đã theo học các trường đại học – cao đẳng. Có trẻ lại bị bệnh hiểm nghèo bại não, mù lòa, thiểu năng trí tuệ… Gánh nặng mưu sinh, ăn học càng đè nặng lên các sư cô; chỉ riêng tiền ăn uống mỗi ngày cũng đã lên tới dăm bảy triệu đồng. Gần đây kinh tế khó khăn, các sản phẩm điêu khắc, chạm trổ, bàn đá, ximăng ít khách… Sư cô Minh Tú không ngủ nhiều đêm. Vì tương lai các em, các sư cô quyết định thực hiện một kế hoạch ấp ủ bấy lâu nay: mở nhà hàng cơm chay phục vụ tất cả mọi người để có thêm thu nhập.

Dự án nhà hàng cơm chay được bắt tay vào khởi công xây dựng cách đây một năm trong khuôn viên chùa. Để xây dựng nhà hàng, ngoài chi phí nguyên vật liệu, để tiết kiệm chi phí công thợ, các sư cô lại trở thành thợ xây, thợ nề, phụ hồ… Các em trong chùa cũng góp sức chia sẻ cùng nhà chùa: bưng gạch, chuyển gỗ… Và bây giờ, nhà hàng cơm chay đã đi vào hoạt động được vài tháng nay với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Với đủ các món ăn cơm, bún, phở chay; bánh lọc, bánh bèo, đậu khuôn… nhà hàng còn nhận đặt tiệc, cung cấp số lượng lớn đồ ăn chay. Nhà hàng cơm chay tuy lượng khách không đông, thu nhập chưa ổn định nhưng theo các sư cô, cái được thấy ngay là “các trẻ trong chùa có công ăn việc làm, biết nấu nướng và biết quý trọng thời gian, công sức” – sư cô Minh Tú bảo. Mỗi ngày các sư cô dậy từ 3-4 giờ sáng để làm việc trong khi các em dành 15-30 phút phụ giúp rửa rau, chén bát, nấu cơm, dọn dẹp nhà hàng, sắp xếp bàn ghế ngoài giờ học.

Đào Quang Long, SV năm 3 Trường đại học Kinh tế Huế, vốn lớn lên trong chùa, lặng lẽ bày tỏ xúc cảm của mình trong tiếng đục đẽo, máy may: “Chúng em đã được các sư cô chỉ dạy rất nhiều, học được rất nhiều điều từ những công việc đơn giản hằng ngày như thế”.

Mùa Vu lan này các sư cô chùa Đức Sơn mở thêm một nhà hàng “cơm chay nóng” đáp ứng 24/24 giờ nhu cầu của khách thập phương đi ngoài quốc lộ với các món chay ăn nhanh theo nhu cầu của khách chỉ với mong muốn: trang trải cuộc sống, đảm bảo tốt nhất cho các trẻ mồ côi, khuyết tật trong chùa..