Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Sức mạnh của quần chúng Phật tử trong hoằng pháp

Sức mạnh của quần chúng Phật tử trong hoằng pháp

95

Kế theo đó là nhiều vị xuất gia trẻ tuổi nhưng tài năng sớm bộc lộ và đã bắt đầu hoạt động đây đó ở các đạo tràng gần xa.

Nhưng thật ra còn một lực lượng thứ 3 đã từ lâu góp phần truyền tải Phật Pháp sâu rộng, đó là quần chúng tín đồ cư sĩ Phật tử. Chính lực lượng này sẽ làm cho Phật Pháp lan truyền vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, những nơi mà các vị giảng sư không thể nào đặt chân đến được.

Người cư sĩ tại gia sống lẫn trong cuộc đời, tiếp xúc với đủ thứ hạng người, đối diện với biết bao tình huống, nên cơ hội truyền bá chính pháp cũng là rất lớn, một khi người này đã thâm tín Phật Pháp, đã thực hành tu tập, đã có cảm xúc trong đạo lý, và bắt đầu có khuynh hướng chia sẻ đạo lý với những người chung quanh mình.

Có những cư sĩ vô tình chia sẽ đạo lý với người chung quanh, nhưng cũng có những cư sĩ ý thức rất rõ việc truyền bá giáo lý đến với người chung quanh mình.

Cư sĩ vô tình chia sẻ đạo lý là như thế nào?

Có những cư sĩ chưa có ý thức về việc phải phụ tiếp với Giáo hội trong việc truyền bá chánh pháp, nhưng nhờ sống theo đạo lý, đời sống trở nên đẹp dần trong mắt mọi người, hoặc thỉnh thoảng nói những câu ý vị sâu sắc làm ai cũng thích thú.

Những người này tạo nên sự cảm mến trong mắt mọi người, mà ai cũng biết rằng người cư sĩ này theo đạo Phật, và như vậy, họ cảm mến luôn đạo Phật.

Chính nhờ đời sống hợp với chính pháp, ít phiền não, hay giúp người thương đời, đã thực sự giới thiệu Phật Pháp đến với mọi người chung quanh.

Công đức của những cư sĩ như thế rất lớn, vừa tạo phúc vì sống tử tế với mọi người, vừa được công đức lành là làm cho nhiều người yêu quý Phật Pháp theo.

Cư sĩ có ý thức truyền bá đạo lý là như thế nào?

Có những cư sĩ ý thức rất rõ rằng mỗi người phải nỗ lực đem Phật Pháp đến cho mọi người. Ngoài việc tinh tấn tu hành cho bản thân, họ luôn tìm cách giới thiệu Phật Pháp bằng cách này hay cách kia.

Nếu là người có chút lợi khẩu, họ sẽ nói chuyện trực tiếp, giải bày trực tiếp, trình bày trực tiếp với người khác về đạo lý của Phật. Cách truyền bá này hơi khó vì đòi hỏi cư sĩ như thế không được “nói một đằng làm một nẻo”.

Họ phải sống rất nghiêm túc theo giáo pháp vì mọi người sẽ canh chừng họ rất kỹ, do họ đã công khai bày tỏ lòng yêu quý Phật Pháp, công khai giảng giải đạo lý.

Trường hợp những người cẩn thận hơn thì họ không dám giảng giải trực tiếp đạo lý với mọi người, mà sẽ giới thiệu những ấn phẩm, xuất phẩm giáo lý của các tác giả có uy tín khác. Họ chỉ làm công việc trung gian giới thiệu, khen ngợi các bài viết, bài nói của các tác giả khác mà thôi.

Thông thường thì sau khi giới thiệu các tác phẩm xong, họ phải móc tiền túi ra mua tặng vài cuốn sách, vài đĩa cd để “khuyến mãi” trước. Cách này tốn tiền lắm. Đến khi nào người kia xem nghe thích rồi thì mới tự mình bỏ tiền ra tìm mua.

Công đức của những cư sĩ, mà cũng là chiến sĩ vô danh như thế, rất là lớn lao. Nhờ họ mà rất nhiều người được biết đến Phật Pháp, nhờ họ mà nhiều người thay đổi cách sống của mình tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Dĩ nhiên công đức ban đầu vẫn thuộc về những vị tôn túc sáng ngời uy đức và trí tuệ đã gây cho chúng sinh niềm cảm xúc sâu xa với Phật Pháp. Chính vì có những vị tôn túc cao vời như thế mà mạng mạch Phật Pháp cứ tồn tại tương tục phát triển mãi. Tất cả chúng sinh về sau nương theo trí tuệ và uy đức của các vị tôn túc trên để tu hành và hoằng hóa.

Một khi giới thiệu Phật Pháp với mọi người, ai cũng phải ca ngợi Đức Phật với vô số đức tính tuyệt vời cao cả (tán thán Phật). Sau đó là phải ca ngợi giáo lý của Phật như thế này như thế kia (tán thán Pháp). Kế tiếp là sẽ phải dẫn chứng ca ngợi vài vị tôn túc đang hiện hữu giữa đời (tán thán Tăng).

Khi giới thiệu Phật Pháp với người chưa biết, ta phải có đạo lý để giải thích, và có vị cao tăng nào đó để ca ngợi. Đó là công thức, là nguyên tắc.

Khi nào còn những vị Tăng chân chính để cho chúng sinh ca ngợi thì Phật Pháp còn tiếp tục tồn tại phát triển. Khi nào hết những vị Tăng chân chính để cho chúng sinh ca ngợi thì Phật Pháp suy vong. Hoặc khi nào có một thế lực hiểm ác tìm cách bôi nhọ uy tín của Tăng khiến cho chúng sinh mất niềm tin thì Phật Pháp cũng sẽ suy vong. Việc bảo vệ uy tín của chư tôn túc, ngăn chận các âm mưu phá hoại uy tín chư tôn túc là vô cùng quan trọng, vì đó chính là bảo vệ sự tồn vong của Phật Pháp.

Đã đến lúc Giáo hội xem nặng vai trò hoằng pháp của lực lượng cư sĩ tại gia này. Việc tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo, khen thưởng những cư sĩ có công trong việc hoằng pháp phải là kế hoạch chính thức trong chương trình hoạt động của Giáo hội.

Theo tinh thần của giáo lý Bát Nhã thì chẳng ai làm công đức mà tính công lao, chấp công lao với Giáo hội, nhưng Giáo hội phải có trách nhiệm phát hiện, đào tạo, khen thưởng những cư sĩ nhiệt thành hộ đạo như thế. Muốn phát hiện các cư sĩ nhiệt thành hộ đạo như thế, Giáo hội phải thông qua các chùa, nhất là các chùa có uy tín. Chùa sẽ biết rõ cư sĩ nào giỏi đem Phật Pháp đến với nhiều người, vì cũng chính họ sẽ đưa nhiều người về chùa quy y Tam Bảo.

Đưa được người về quy y Tam Bảo là bước đầu thành công của việc hoằng dương chánh pháp. Ta phải làm sao cho những người khác hiểu về đạo Phật, đủ để họ quyết định trở thành đệ tử Phật, xin quy y Tam Bảo. Đó là cả một quá trình dày công lao. Cũng có những người sau khi biết về Phật Pháp rồi thì nhanh chóng xin quy y, nhưng cũng có những người dò xét, cân nhắc đủ điều rồi mới xin quy y.

Chùa phải có chương trình tán dương công đức những cư sĩ nào đưa được nhiều người về quy y Tam Bảo. Danh sách Phật tử quy y Tam Bảo phải được gửi về báo cáo Giáo hội. Giáo hội căn cứ danh sách đó để khen thưởng Chùa, và khen thưởng các cư sĩ giỏi hoằng pháp luôn.

Dù chùa viện, hay giảng sư, thì kết quả của công tác hoằng pháp được biểu thị trên số người quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là bước đầu của một người đủ niềm tin với Phật Pháp. Còn việc tu học sau khi quy y là một giai đoạn khác nữa. Việc tiếp tục hướng dẫn một Phật tử sau khi quy y là việc của minh sư thiện hữu (thiện tri thức).

Tuy nhiên, ta hiểu Hoằng pháp theo nghĩa rộng là bao trùm cả hai giai đoạn, trước khi quy y và cả sau khi quy y. Hoằng pháp giúp cho một người đủ niềm tin để quy y, và tiếp tục hoằng pháp để người đó, sau khi đã quy y, đi sâu vào nội dung tu học trong Phật Pháp. Một Phật tử nhiệt thành cũng có thể thực hiện hoằng pháp cả hai giai đoạn này, đưa người về quy y và dìu dắt người đó đi sâu vào nội dung tu học.

Một giảng sư có thể xuất hiện giảng dạy gây nên niềm cảm xúc cao độ của rất đông người với Phật Pháp, rồi sau đó biến mất, để lại quần chúng còn dạt dào cảm xúc mà không biết làm gì. Vì vậy, phải có các vị xuất gia trụ trì tại địa phương, kết hợp với Phật tử địa phương, giữ gìn niềm cảm xúc cao quý đó cho quần chúng địa phương, bằng cách tập hợp họ lại cùng tu học theo một nề nếp kỷ cương nào đó. Phật tử đi trước phải có bổn phận dìu dắt hướng dẫn Phật tử đến sau. Giá trị của một Phật tử được đánh giá bằng đạo hạnh, và công lao dìu dắt huynh đệ đến sau. Trụ trì phải khuyến khích Phật tử biết dìu dắt hướng dẫn nhau cùng tu học như thế.

Sau thời gian đi chùa về, người Phật tử phải đối diện với cuộc đời mưu sinh vất vả, phải tiếp xúc với rất nhiều người, và hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của bổn sư trụ trì. Chính những lúc đó, các huynh đệ Phật tử lại có cơ hội để trò chuyện gặp gỡ với nhau nhiều hơn, và có bổn phận giữ gìn đạo tâm cho nhau thiết thực hơn. Một lời nhắc nhở mạnh mẽ cứng rắn của huynh đệ có thể giúp Phật tử vượt qua một sai lầm đáng tiếc. Đó đều là công đức hoằng pháp giúp cho Giáo hội rất nhiều.

Thông thường, khi ta đề ra mục tiêu 10 thì Phật tử chỉ làm được 3 hoặc 4. Ta kêu gọi giữ 5 giới thì vài người giữ đủ, còn lại giữ giới này mất giới kia.

Nếu ta kêu gọi Phật tử phải biết làm các công đức phụ giúp Giáo hội hoằng pháp lợi sinh thì sẽ không có tất cả cùng biết làm, nhưng chắc chắn là sẽ có khoảng ba bốn chục phần trăm chịu ra tay làm cái gì đó. Và như vậy là đã góp phần công đức đối với Phật Pháp nhiều hơn là chỉ biết giữ 5 giới cấm mà còn rớt lên rớt xuống.

Giáo hội sẽ có kế hoạch đưa ra yêu cầu Phật tử nỗ lực tu học nhiều hơn, góp phần nhiều hơn vào việc hoằng pháp, thay vì chỉ xem Phật tử chỉ là đối tượng đến chùa nghe giảng một cách thụ động. Ta cũng mở diễn đàn cho Phật tử thuật lại những trường hợp hoằng pháp thú vị, những kinh nghiệm giới thiệu Phật Pháp trong cộng đồng của mình. Diễn đàn đó có thể là một trang web, có thể là một buổi hội đàm, hội thảo, có thể là một cuốn sách đã chắt lọc kỹ lưỡng.

Khi Phật tử đã có ý thức phải làm công việc hoằng pháp, phải biết giới thiệu Phật Pháp đến với mọi người, thì quý Thầy cũng phải thường xuyên nhắc nhở Phật tử tinh tấn tu hành nhiều hơn để có đạo hạnh làm bảo chứng cho lời nói của mình. Lợi người Lợi mình là hai việc mà người đệ tử Phật phải theo đuổi trong vô lượng kiếp không biết mệt mõi, cho đến khi viên thành Phật đạo.