Trang chủ Văn hóa Du lịch Yangon – nơi thời gian lùi lại

Yangon – nơi thời gian lùi lại

79

Sớm mai thức dậy, một mình đi dạo trên những vỉa hè yên tĩnh lành lạnh, co ro trong chiếc áo khoác mà ngắm nhìn những tháp chuông nhà thờ Thiên chúa giáo, đền thờ Hindu và hàng trăm ngôi chùa lấp lánh quay mặt về chùa vàng Swedagon, trái tim của Yangon, cảm thấy vô cùng an lành ở nơi đời sống vất vả mà không bon chen này, nơi đã trở thành cảm hứng cho đại văn hào Somerset Maugham viết cuốn du ký “The gentlemen in the parlour” (“Những quý ông trong phòng khách”) trong chuyến đi khởi hành từ Burma sang Thái Lan, Cambodia rồi cập bến Hải Phòng hồi trước Thế chiến thứ Hai.

Đến Yangon, từ sáng chí tối bạn được người ta dẫn đi chùa. Số lượng chùa chiền ở mỗi thành phố lên tới vài ngàn. Ngôi chùa đáng khâm phục nhất là Swedagon, một quần thể với 1000 chùa nhỏ bao quanh toà tháp trung tâm.

Tháp Swedagon 2500 tuổi, toạ lạc trên đồi Singuttara, toàn thân lại được dát 500kg vàng nên bất kể ngày hay đêm, từ vị trí nào trong thành phố cũng có thể nhìn thấy ngọn tháp vàng toả ánh hào quang rực rỡ. Quả xứng đáng niềm tự hào là trái tim của Yangon.

Muốn lên quần thể chùa phải đi bằng cầu thang máy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi cầu thang máy trong chùa. Tôi đã bày tỏ lòng thán phục trước That Luang ở Vientian, chùa Phật Ngọc ở Bangkok, nhưng khi đối diện với toà tháp vàng vòi vọi được tô điểm bằng 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, sự ngưỡng mộ đã trở nên sâu sắc.

Như nhiều nước Đông Nam Á khác, các Phật tử Myanmar theo dòng tiểu thừa, khi cúng Phật thường dâng những dây hoa lan kết sẵn để choàng lên cổ Phật. Không chỉ hoa lan, các Phật tử còn dâng những tấm vàng lá để dát vào tháp.

Vì vậy, dân nghèo thì cứ việc nghèo nhưng Yangon vẫn là một thành phố tôn giáo xa hoa với những đỉnh tháp vàng lộng lẫy. Phật giáo Tiểu thừa thường hay tạc tượng Phật ở tư thế nằm với nét mặt luôn mỉm cười. Các nhà sư mặc áo hồng, tía, đỏ, cam, vàng, đi chân đất, hở một bên vai.

Chùa chiền lộng lẫy và sặc sỡ sắc màu như cung điện.

Quần thể Swedagon có hình tròn, và khi tham quan chùa người ta thường đi theo chiều kim đồng hồ. Cứ thế bước chân trần trên mặt đất nóng bỏng, nhẩn nha cũng phải nửa tiếng mới hết một vòng.

Trên vòng tròn ấy có 7 pho Phật đá cẩm thạch, dưới chân tượng đều có những bồn nước với cốc bằng bạc để khách thập phương múc nước tắm cho Phật. 7 bồn nước này ứng với 7 hành tinh và 7 ngày trong tuần. Người có sinh nhật vào ngày nào thì tìm đến bồn nước tương ứng để tắm cho tượng Phật.

Vì thế quanh các bồn nước không khi nào ngớt Phật tử. Họ xúm đông xúm đỏ tranh nhau múc nước tưới lên đầu Phật.

“Mùa đông” nơi này rất giống thời tiết Châu Âu khi vào hạ, đứng giữa mặt trời thì nóng gắt nhưng khi vào bóng râm lại thấy mát lạnh trong cảm giác dễ chịu và thanh thản lạ kỳ.

Tôi ngồi dưới gốc bồ đề, ngắm những chiếc lá tròn có ngọn cong vút rơi rụng trên sân gạch và lắng nghe nam thanh nữ tú đọc kinh trong một gian thờ ở chùa Swemawdaw thuộc tiểu vùng Bago.

Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Bago cũng là một vùng như vậy, cách Yangon 80km. Từng là một kinh đô cổ, Bago có truyền thuyết kể rằng trước đây nơi này chỉ toàn là nước.

Ngày ấy Đức Phật cùng các môn đệ của mình bay quanh vùng Đông Nam Á. Trên hành trình lúc trở về ngang qua vịnh Martaban, đột nhiên Ngài thấy hiện ra đôi chim công vàng (Hamsh) hiện lên trên mặt nước khi thuỷ triều rút xuống.

Khi ấy có một mỏm đá nhô lên chỉ đủ chỗ cho đôi chân chim, vì thế con trống phải cõng con mái trên lưng. Trước hiện tượng dị thường này, Đức Phật tiên đoán vùng nước ấy sau sẽ trở thành một vương quốc.

Quả nhiên 1500 năm sau đó, bùn lầy đã đùn lên tạo thành đất liền. Tộc Môn là những người đầu tiên đến khai phá vùng đất và đặt tên cho nó là Hanthawaddy, mà sau này là Pegu rồi Bago.

Đôi chim Hamsh sau được tạc trong nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa Hinthakone toạ lạc trên đỉnh đồi, chỗ được coi là mỏm đá nhô ra trên mặt biển làm nơi neo đậu của đôi chim Hamsh.

Từ đó hình tượng chim Hamsh mái đậu trên lưng con trống cũng trở thành biểu tượng của Miến Điện. Trong suốt thời thuộc địa, rồi Liên bang Miến Điện (1943-1945), đôi chim Hamsh được in trên lá quốc kỳ.

Du khách đến Yangon cũng có thể chụp hình lưu niệm với Karaweik, con thuyền nổi hình chim Hamsh trên hồ hoàng gia Kandawgyi, là biểu tượng cho tình yêu, lòng trung thành và hoà bình. Trên bầu trời, tất nhiên tôi không được nhìn thấy chim thần Hamsh.

Chỉ có loài bồ câu béo tốt bay rợp trời rồi đậu thản nhiên trên vỉa hè. Thấy người đến chúng vẫn nhẩn nha đi lại tìm vài thứ hạt rơi.

Ở đâu bồ câu còn thản nhiên được như thế, nghĩa là ở đó ta có được cảm giác yên tâm và an toàn.

Myanmar còn có một phong tục thú vị, ấy là tại các khu công cộng, đặc biệt trong các chùa chiền, thiền viện, luôn xuất hiện những phụ nữ ngồi trước lồng chim trong nhốt hàng trăm con nhỏ xíu. Họ bán cho khách với giá 500 kyat/con (10.000 đồng) để khách phóng sinh.

Người Myanmar hay như vậy, nghèo thế chứ nghèo nữa vẫn bỏ tiền ra chuộc chim phóng sinh và cúng vàng lên chùa.

Ở Bago, ngoài cung điện Kanbawza Thardi đã được phục chế, tượng bốn mặt Kyaik Pun… thì tôi rất ấn tượng với thiền viện Kyar Khat Wine. Các đoàn khách ngoại quốc ngày ngày kéo nhau đến đây để xem các nhà sư… ăn cơm.

Các sư theo dòng Tiểu thừa vẫn có thể ăn thịt cá như người thường, chỉ tránh sát sinh và không ăn bữa tối.

Ngày hai bữa sáng, trưa. Từ chính ngọ trở đi họ sẽ nhịn cho đến sáng hôm sau.

Bữa ấy tôi cũng có mặt ở thiền viện Kyar Khat Wine. Khoảng 11h30, vài trăm nhà sư mặc áo tía đứng im lặng ở điểm xuất phát từ những trai phòng rồi sắp hàng một bước chầm chậm đến nhà ăn. Trước cửa có sẵn vài soong cơm sâu lòng, đường kính to cả mét. Các thí chủ lấy đĩa xúc cơm lần lượt vào bát cho các sư.

Cơm đây vón cục, nguội ngắt, nhìn đã thấy không ngon. Các sư lặng lẽ đi vào trong phòng, nơi thức ăn đã được bày sẵn. Họ ăn rất nhanh, chỉ chừng 10 phút là xong để còn kịp trở về trước ngọ.

Các sư cao tuổi hơn thì không phải cầm bát đi lĩnh cơm mà được ngồi ở mâm trên, với khẩu phần cũng thịnh soạn hơn. Khi chúng tôi mang công đức đến trước một vị sư già, ông và những nhà sư khác ngừng bát rồi bắt đầu đều đều đọc những điều cầu phúc cho các thí chủ đang quỳ trước mặt.

Trên đường ra sân bay để về Hà Nội, tôi nhìn thấy thương hiệu của ngân hàng BIDV trên một còn phố. Myanmar là mảnh đất màu mỡ mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đều đang muốn khai phá. Nhiều công ty Mỹ-Âu lách luật nhờ các kẽ hở của lệnh cấm vận đã ở lại để tìm vận may. Chúng ta mở đường bay tuần 4 chuyến đến Yangon cũng là mở đường cho nhiều doanh nhân Việt sang khảo sát thị trường.

Lúc chiếc xe du lịch chạy qua đường Wisara, tôi ngoái nhìn Swedagon lần nữa. Ngôi chùa Vàng với đôi chinthe* trắng khổng lồ oai phong ngồi trước cửa, khi về đêm sáng rực ánh đèn từ hành lang lên tận đỉnh tháp, ban ngày ngạo nghễ trông sang Quảng trường Nhân dân, sang trọng và kiêu hãnh tựa cung điện của một đế chế thịnh vượng bậc nhất.

Tôi yêu thích con đường này, con đường đẹp nhất Yangon, mà khi đứng ở đó, người ta sẽ không thể nhìn thấy những cỗ xe cũ kỹ chất đầy những người dân lao động đang cố đeo bám lấy thành xe, và tạm quên đi nỗi bực mình vì suốt tuần lễ không gửi được email do lệnh kiểm soát thư tín của chính quyền quân sự nước này.