Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Tặng sách Phật giáo cho thư viện công cộng: cơ hội hoàng...

Tặng sách Phật giáo cho thư viện công cộng: cơ hội hoàng pháp

224

 

Chia sẻ với quan điểm “hoằng pháp toàn diện” do Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN nêu ra tại Hội thảo Hoằng pháp năm 2011, với tinh thần hoằng pháp mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ mọi khả năng, khai thác mọi tình huống, tìm kiếm thêm cơ hội hoằng pháp, chúng tôi, từ Hội thảo, đã luôn hướng đến việc tìm kiếm thêm các cơ hội hoằng pháp có thể, để chia sẻ với bạn đọc, sách tấn để cùng nhau tu phước hoằng pháp.
 
Dưới đây là một khả năng cho tất cả mọi người theo đạo Phật, thiết tha với sự nghiệp hoằng pháp, đều có thể thực hiện.
 
Do nhu cầu công việc cơ quan, tôi thường xuyên phải đến làm việc tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM. Phòng tôi làm việc là Phòng đọc tư liệu hạn chế, nằm ở một khu vực biệt lập, nên đến thư viện này khá lâu, tôi vẫn chưa biết nhiều đến việc đọc sách của tuyệt đại đa số bạn đọc, chủ yếu tập trung ở phòng đọc lớn.
 
Một hôm, trước giờ nghỉ của thư viện, tôi thấy một bạn đọc trẻ nữ, có lẽ là sinh viên luyến tiếc mang một quyển sách Phật học đọc dở dang trả lại kệ.
 
Phòng đọc lớn có nhiều kệ đầy ắp sách, vì trong những năm gần đây, Thư viện Khoa học Tổng hợp hoạt động theo phương cách thư viện mở, tự phục vụ sách.
 
Sách xuất bản từ năm 2007 đến nay được đặt trong kho mở, ngay tại phòng đọc lớn, bên cạnh bạn đọc, mà không cất vào kho đóng theo thiết kế cũ của thư viện (từ đầu thập niên 1970).
 
Các kệ sách tôn giáo được xếp cạnh thể loại triết học, nằm ở đầu dãy kệ chính.
 
Tìm hiểu sách tôn giáo ở kho mở, thì điều tôi ngạc nhiên là sách Phật giáo ở đây dường như ít hơn so với sách Phật giáo bày bán trong các nhà sách. Tỷ lệ sách Phật giáo so với sách các tôn giáo khác ở đây cũng ít hơn thấy rõ.
 
Điều đặc biệt rất đáng lưu ý, là khi trong hầu như tất cả các nhà sách lớn ở TPHCM không bán sách Đạo Cao Đài (mà phần lớn ấn tống), thì ở đây số đầu sách đạo Cao Đài, do Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo tại TPHCM tổ chức biên soạn, Nhà Xuất bản Tôn giáo xuất bản, khá nhiều. Nhiều tựa sách có nhiều bản sách.
 
Chúng tôi ước chừng tỷ lệ sách Phật học so với sách các tôn giáo khác tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM và đem so sánh tỷ lệ đó với tỷ lệ sách giữa các tôn giáo được bán ở một nhà sách khá nổi tiếng ở quận 1, TPHCM, thì có ước tính như sau:
 
Tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM: Tỷ lệ sách Phật học khoảng 60%, sách Đạo Thiên Chúa La Mã khoảng 30%, sách đạo Cao Đài khoảng 5%, sách đạo Tin Lành và các đạo khác khoảng 5%.
 
Tại nhà sách được chọn so sánh, sách Phật học 80%, sách Đạo Thiên Chúa La Mã khoảng 15 – 17%, sách đạo Tin Lành khoảng 3 – 5%, hầu như không có sách các tôn giáo khác.
 
Tại sao có tỷ lệ khác nhau như thế? Sách Phật học Thư viện so với sách các tôn giáo khác có một tỷ lệ khác biệt khá lớn tỷ lệ tương ứng sách Phật học so với sách tôn giáo khác trên thị trường.
 
Việc có mặt nhiều quyển sách ấn tống chỉ biếu tặng, không bán, đưa đến cho chúng ta ngay câu trả lời: sự sai khác tỷ lệ đã ghi nhận ở trên là do có nhiều tựa sách tôn giáo được mang biếu tặng thư viện, trong đó sách biếu tặng từ nguồn Phật giáo ít hơn, dẫn đến tỷ lệ chênh lệch ghi nhận ở trên.
 
Sách Phật học cũng có một số sách ấn tống, trong đó, chúng tôi nhận thấy có nhiều tựa sách của "Hòa thượng" Thích Thông Lạc (vốn gây quá nhiều tranh cãi và chia rẽ đạo Phật.)
 
Đi đến kết luận như vậy chúng tôi lập tức viết ngay bài viết này, đề xuất các ban ngành Phật giáo, các tự viện, các đạo tràng, các cá nhân quý tăng ni Phật tử, đặc biệt là các đơn vị tổ chức biên soạn, liên kết xuất bản các ấn phẩm Phật giáo, hãy đưa sách Phật học đến tặng cho Thư viện Khoa học Tổng hợp, cũng như các thư viện công cộng khác, như các thư viện tỉnh, thành, thư viện các trường đại học…
 
Riêng tại Thư viện Khoa học Tổng hợp, đáp lại câu hỏi về việc mang sách đến tặng, nhân viên Thư viện đã trả lời, rằng Thư viện hoan nghênh việc tặng sách cho thư viện, mọi chi tiết liên hệ Phòng Hành chính, từ thứ 3 đến thứ 6, trong giờ hành chính.
 
Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM là thư viện lớn, phục vụ hàng nghìn bạn đọc mỗi ngày, với phòng đọc lớn hàng mấy trăm chỗ ngồi. Trong đó, có nhiều bạn đọc trẻ, là sinh viên, nghiên cứu sinh…
 
Như đã nói, kho sách xuất bản gần đây là kho mở, sách đặt ngay cạnh bàn đọc. Vì vậy, biếu tặng để tăng số lượng sách Phật giáo có mặt trên kệ sách kho mở đã là một cách hoằng pháp.
 
Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM có cho mượn sách về nhà, nếu quyển sách bạn đọc cần mượn thư viện có từ 2 bản trở lên. Do vậy, việc biếu tặng nhiều sách cùng một tựa cũng không phải là thừa.
 
Một quyển sách Phật giáo tại một thư viện công cộng lớn như Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM sẽ có khả năng phục vụ hàng vài chục cho đến hàng vài trăm lượt bạn đọc.
 
Tôi chưa có dịp khảo sát tình trạng tương tự ở Thư viện quốc gia tại Hà Nội, cũng như thư viện các tỉnh thành, nhưng điều chắc chắn là biếu tặng sách Phật học cho các thư viện công cộng là việc bố thí pháp có hiệu quả và nhiều ý nghĩa.
 
Sách Phật học ở các thư viện công cộng càng nhiều, thì cơ hội để mọi người tìm đến với Phật giáo cũng sẽ tăng theo.
MT