PTVN – Sau khi Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang viên tịch tại phương trượng chùa Từ Đàm, Hoà thượng Thích Hải Ấn đã tôn tạo nơi thiền thất cố Đại lão Hoà thượng tu tập và phiên dịch kinh sách lúc cuối đời thành không gian “Dư hương thất” để tưởng niệm.

Không gian bên trong “Dư hương thất”

Đại Lão Hòa thượng Thích Trí Quang, thế danh Phạm Quang, sinh vào giờ Thìn ngày 21/12/1923 (Quý Hợi) tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình. Ngài là người con thứ tư trong gia đình gồm 6 anh chị em. Thân phụ Ngài pháp danh Hồng Nhật, thân mẫu pháp danh Hồng Trí, về sau cụ ông xuất gia với Đại sư Đắc Quang, là vị Tăng Cang chùa Linh Mụ, Huế.

Xá lợi thượng thủ của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang được tôn thờ tại “Dư hương thất” thuộc chùa Từ Đàm (Huế)
Chư tôn đức đảnh lễ Xá lợi của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang
Hoà thượng Thích Hải Ấn – Pháp tử của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang giới thiệu về việc tôn thờ và bảo quản Xá lợi

Ngài xuất gia năm 1938 (Mậu Dần) với Đại sư Hồng Tuyên ở chùa Phổ Minh, tỉnh Quảng Bình, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Thiên Đồng Đạo Mân.

Cận cảnh Xá lợi thượng thủ của cố Đại lão Hoà thượng

Từ năm 1939 đến 1944, Ngài được Bổn Sư cho theo học tại Trường An Nam Phật Học do Hội An Nam Phật Học thành lập năm 1932 tại Cố đô Huế được Đại sư Giác Tiên làm giám đốc và Đại sư Trí Độ làm đốc giáo, giáo thọ còn có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Kỳ thi tốt nghiệp vào năm 1944, Ngài đạt số điểm cao nhất.

Sau 1975, Cố Đại lão Hoà thượng đã dành trọn thời gian tận tuỵ với việc tu tập và nghiên cứu, dịch thuật, trước tác kinh điển cùng các tác phẩm có giá trị đối với Phật giáo Việt Nam
Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang đã để lại hàng loạt bản dịch, chú giải kinh, luật, luận có giá trị to lớn đối với Phật giáo Việt Nam

Sau kỳ thi năm 1944 (Phật Lịch 2487), Phật Học Viện tổ chức lễ phát nguyện cho Sa-di giới do Đại sư Đắc Quang chứng minh, Đại sư Trí Độ cho mỗi vị một pháp hiệu với chữ Trí đứng đầu. Đạo hiệu Trí Quang của Ngài được dùng từ đó. Mùa hè năm ấy, Đại sư Hồng Tuyên ban cho Ngài pháp tự là Trí Hải. Năm 1946 (Bính Tuất, PL 2490), Ngài được thọ giới Tỳ kheo với pháp hiệu Thiền Minh do Đại sư Hồng Tuyên tổ chức truyền thọ. Cùng năm này, Ngài bắt tay soạn thảo đề án thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Một bức thư pháp của nhà thơ Trụ Vũ dâng đến Đại lão Hoà thượng

Năm 1950 (Canh Dần, PL 2494) Ngài vào Sài gòn góp sức vận động hợp nhất ba Phật Học Đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (về sau đổi thành Ấn Quang), thành lập Phật Học Viện Nam Việt, và chung sức vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Rồi về Huế, làm chủ bút tạp chí Viên Âm. Cuối năm 1950, Ngài được cử làm chủ tọa phiên họp sơ bộ để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, do Ngài Tố Liên đề xướng sau khi đi Tích Lan về. Ngài bắt đầu vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, có một phần do yếu tố tác động của “Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới” thành lập tại Tích Lan vào năm 1950.

Năm 1952, Hòa Thượng đến Tokyo, Nhật Bản tham dự Đại Hội kỳ 2 của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới.

Năm 1953 (Quí Tỵ, PL 2497), Tổng Hội được chính quyền thừa nhận và đúng 10 năm sau, chính Tổng Hội này đã lãnh đạo công cuộc chống kỳ thị Phật Giáo năm 1963.

Bên trong không gian lưu niệm “Dư hương thất”

Năm 1955 (Ất Mùi, PL 2499), Ngài nhận chức vụ Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học, vận động đổi tên Phật Học thành Phật Giáo, đưa Tổng Hội Phật Giáo VN vào đặt trụ sở ở Sài Gòn. Rồi nghỉ việc cho đến 1963 nhận lại chức vụ nói trên. Với chức vụ này, Phật Đản năm ấy Hòa thượng phát động, và chung sức lãnh đạo, việc đòi hỏi công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo vốn bị chế độ Ngô Đình Diệm luôn áp đặt để tàn phá Phật giáo.

Nắng sớm rọi vào thiền thất và những vật dụng Đại lão Hoà thượng sử dụng hằng ngày vào những năm tháng cuối đời được lưu niệm tại “Dư hương thất” chùa Từ Đàm.
Chiếc đồng hồ dừng lúc 21 giờ 45 phút ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), thời điểm Đại lão Hoà thượng an nhiên xả thân tứ đại thuận tịch tại chùa Từ Đàm.

Năm 1963, Ngài là một trong những vị Tăng sĩ nòng cốt lãnh đạo phong trào đấu tranh bất bạo động chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Vì muốn Thiên Chúa Giáo độc tôn và muốn anh ruột Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục làm Hồng Y sớm , nên ông Diệm xuống tay đàn áp Phật Giáo.  Dụ số 10 được thêm Dụ bổ túc, tăng cường sự hạ giá và kỳ thị Phật Giáo. Chính quyền cho sửa điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế, có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để cắm Thánh Giá. Mọi việc suôn sẻ thì tòa Hồng Y sẽ đặt ở đó. Cao trào nhất là mùa Phật Đản 2507 (tháng 5 năm 1963), ông Diệm chính thức ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo để Vatican thấy hầu hết dân Huế theo đạo Chúa, và tang thương nhất là chính Ngài và Hòa thượng Mật Nguyện chứng kiến cảnh giết sát hại 8 Phật tử tại Đài Phát thanh Huế vào đêm mùng 8 tháng 5 năm 1963. Vì thế, Hòa thượng đã công bố Tuyên Ngôn 5 điều sau đây:

1/ Phật Giáo tự giới hạn, chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật Giáo của chính phủ. Phật Giáo không bước qua những địa hạt khác, nhất là địa hạt quyền chức chính quyền.
2/ Phật Giáo tuyệt đối sử dụng phương cách “bất bạo động”.
3/ Phật Giáo không mưu độc tôn, không cầu độc tôn, nên không thấy ai, kể cả Thiên Chúa Giáo là đối nghịch.
4/ Phật Giáo không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Phật Giáo coi là sự thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực.
5/ Sau hết, nhưng quan trọng nhất, là Phật Giáo thỉnh cầu các bậc lãnh đạo thực thể đối trận, đừng khai thác gì về cuộc vận động của Phật Giáo. Vì làm như vậy thì đối phương quí vị lấy cớ để hại Phật Giáo mà thôi.

Năm 1964, Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo tại Sài Gòn, Ngài được bầu làm Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 1966, Hòa thượng bị bắt giam và quản thúc tại Sài Gòn, ngài đã phản đối và phát tâm tuyệt thực 100 ngày, ngài tuyên bố: “chúng tôi nguyện đem xương máu để trang trải cho Phật Pháp và nếu chết là chết như cái chết của Chân Lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác”.

Sau vụ Sắc Luật 23/67, Hòa thượng trở về ẩn tu, nỗ lực phiên dịch kinh sách và hướng dẫn Tăng ni tu học.

Từ năm 1975 đến năm 2012, Đại lão Hòa thượng tịnh tu, trước tác, biên dịch kinh điển tại chùa Ấn Quang (quận 10) và Tu viện Quảng Hương Già Lam (quận Gò Vấp).

Sân trước chùa Từ Đàm với tháp Ấn Tôn 7 tầng, cao 27 mét trong một buổi sáng

Năm 2013, ở tuổi 91, sau hơn 50 năm lưu trú ở Sài Gòn, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi được Bổn sư thế độ xuất gia, thăm lại mộ phần của song thân, và sau đó, Ngài quyết định lưu lại chốn cũ là Tổ đình Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Sau vài ngày pháp thể khiếm an Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại phương trượng Tổ Đình Từ Đàm, Cố đô Huế lúc 21 giờ 45 phút ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp.

Bảo tháp tôn trí xá lợi cố Đại lão HT.Thích Trí Quang trong khuôn viên chùa Từ Đàm

Theo thông báo của HT. Thích Hải Ấn, Trụ trì Tổ đình Từ Đàm, gởi đi ngày 8 tháng 11 năm 2019, di huấn của Cố Hòa thượng Trưởng lão là:

1/Sau giờ chết rồi độ 6 giờ là liệm.
2/Liệm rồi các Pháp tử lạy 3 lạy rồi là đưa ra xe tang.
3/ Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu.
4/ Chuyển đến lò thiêu; thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tường và đại tường.
5/Mỗi lễ chỉ tụng một trong các kinh: Địa tạng, Kim cương, Bồ tát giới, Pháp hoa và Thủy Sám.
6/Mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả.

Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, điều quan trọng nhất đối với Ngài là dành nhiều thời giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn Kinh điển để giúp Tăng, Ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu, tu tập mà chính Ngài đã bày tỏ trong Tiểu Truyện Tự Ghi rằng “Sự biên dịch Kinh Sách của tôi mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi và là mong ước của Mẹ tôi”. Dưới đây là một số tác phẩm và dịch phẩm của Hòa thượng: Về Kinh Tạng:  Kinh Duy-ma, Kinh Vu Lan. Kinh Kim Cương, Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Kinh Viên Giác, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, Kinh Thắng Man, Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Dược Sư Kinh Sám, Kinh Địa Tạng, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Ba Ngàn Danh Hiệu Phật.. Về Luật Tạng: Bồ-tát giới Phạn võng, Tỳ-kheo giới, Tỳ-kheo-ni giới, Thức-xoa-ma-na-ni giới, Sa-di và Sa-di-ni giới, Quy Sơn Cảnh Sách… Về Luận Tạng: Luận Khởi Tín, Luận Đại Trượng Phu, Dị bộ tông luận, Luận Chỉ Quán, Nhiếp đại thừa luận. Và những tác phẩm khác: Cao Tăng Pháp Hiển, Ngọn lửa Quảng Đức, Người Xuất Gia, Vua Lương Võ Đế, Người Phật tử tại gia, Tâm Ảnh Lục….

Các tác phẩm dịch thuật kinh điển và trước tác của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang đều được lưu giữ tại “Dư hương thất”.

Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiễn dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng ni Phật tử Việt Nam ở mai sau.

Một số tác phẩm dịch thuật kinh điển – Pháp Ảnh Lục của Đại lão Hoà thượng
Bản thảo thủ bút của Ngài
Quy kính trước nơi lưu dấu cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang
Bàn làm việc của cố Đại lão Hoà thượng
“…đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậỵ.” (Thủ bút của cố Đại lão Hoà thượng).

Những vật dụng giản dị Ngài dùng hằng ngày lúc còn tại thế
Chiếc giường và những vật dụng đơn sơ của bậc Thượng nhân
Đôi dép Ngài sử dụng hằng ngày
Các vật dụng giản dị trên bàn làm việc của Ngài
Chiếc kính lúp Ngài vẫn dùng để đọc sách, tra cứu và dịch thuật
Hình ảnh Đại lão Hoà thượng được lưu lại tại “Dư hương thất”
Chư tôn đức được giới thiệu về thủ bút và các tác phẩm của cố Đại lão Hoà thượng
Thủ bút của Ngài lúc phiên dịch, trước tác.

“Thời gian” tại “Dư hương thất” dừng lại lúc 21 giờ 45 phút ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi) để tưởng niệm bâc Thượng nhân.
Y hậu của cố Đại lão Hoà thượng lúc sinh tiền thường dùng khi lễ Phật, tụng kinh.
Linh vị tưởng niệm “liệt vị Tăng ni, Phật tử trước Pháp nạn 2507 – 1963 đã bị tù đày, mất mạng; liệt vị Thánh tử đạo đầu tiên trong Pháp nạn 2507 – 1963; liệt vị vị Pháp thiêu thân trong suốt cuộc Pháp nạn 2507 – 1963” và Bài vị tiên linh Thân phụ, Thân mẫu của cố Đại lão Hoà thượng
3 chữ Hán “Thanh tịnh đạo” là thủ bút của cố Đại lão Hoà thượng
Các bộ kinh Ngài dùng nghiên cứu, tham khảo
Di sản tinh thần của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang
Khoá cửa “Dư hương thất”
Một góc phía sau chánh điện chùa và sân Lê Đình Thám
Khách đường chùa Từ Đàm là nơi tôn thờ chân dung của chư vị cao tăng Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.

Đảnh lễ Bảo tháp lưu giữ một phần xá lợi của Ngài nằm trong khuôn viên chùa Từ Đàm
“Phụng vị Trí Quang – Nhật Quang – Thiền Minh Tỳ khưu chi tháp”

Theo di huấn để lại của cố Đại lão Hoà thượng, chùa Từ Đàm là nơi lưu giữ xá-lợi của ngài, trong đó có xá-lợi thượng thủ ( xá-lợi xương sọ). Ngoài ra, có hai nơi khác được thờ một phần xá-lợi của ngài là Quảng Hương Già Lam (chùa Già Lam, quận Gò Vấp, TP.HCM) và chùa Đại Giác (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) – quê hương của Đại lão Hoà thượng.


(Nội dung Biên tập theo Sơ lược tiểu sử Đại Lão Hòa thượng Thích Trí Quang (1923-2019) – Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng và tiểu sử tự thuật của Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang)