Dân gian bày cách chống trùng
Từ quan niệm “trùng tang” có thật, dân gian đã nghĩ ra nhiều cách để hoá giải dù chưa thật rõ bản chất của hiện tượng này là gì. Theo kinh nghiệm, sau khi tính toán, phát hiện ra người chết phạm vào giờ trùng thì ngay lập tức phải áp dụng các phương pháp “điều trị”. Trong đó ưu tiên việc gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Những ngôi chùa được chọn phải là chùa có uy tín trong việc giữ vong.
Tuy nhiên theo đánh giá, cách này tuy hiệu quả nhưng lại rất nguy hiểm. Nếu “công lực” của người trấn yểm không cao, thì khi người đó chết đi, trùng sẽ thoát ngục ra ngoài, gây ảnh hưởng nặng cho bản thân người đến cậy nhờ và cả gia đình của người trấn yểm.
Do vậy, phương pháp tốt nhất là sử dụng các bài thuốc trấn trùng với các vị như thần sa, chu sa, sương luật, địa liền… cho vào túi rồi yểm trong quan tài. Hoặc có thể dùng các bộ linh phù để trấn bằng cách dùng linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, giữa rốn, hoặc lót dưới quan tài… Cũng có thể dùng bài thuốc kết hợp giữa Sớ, Phù Bắc Tông và Kỳ nam để xông vào mộ và người sống, để cầu siêu, giải thoát cho trùng, biến từ âm binh thành thiên binh…
Nhiều "thầy" đã lợi dụng "trùng tang" để kiếm chác bằng cách "vẽ" ra nhiều phương pháp để hóa giải (Ảnh minh họa)
Một số người còn cho rằng có thể áp dụng phương pháp làm huyệt giả, đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất hay dùng thần chú, Bát quái trận đồ trấn âm trạch để hoá giải…
Dù vậy, đây chỉ là những phương pháp hoá giải đầy huyền bí, không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục.
Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Cho đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về bản chất của hiện tượng “trùng tang”. Ngay đến một số nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng không muốn đưa ra bất kỳ phát biểu nào xung quanh hiện tượng này.
Chúng tôi tìm đến Đại tá, TS. Đỗ Kiên Cường – tác giả của nhiều cuốn sách, lý giải các hiện trường dị thường trong đời sống dưới góc nhìn khoa học để mong tìm được lời giải đáp thoả đáng.
Đứng trên quan điểm khoa học, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng “trùng tang” chỉ đơn giải là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản là: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.
TS. Đỗ Kiên Cường cho biết nhà toán học Littlewood từng chỉ ra, một hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức ngạc nhiên khi có xác suất 1/1.000.000. Chẳng hạn trúng xổ số giải độc đắc khi quay với 6 số chính là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên nếu xổ số được quay hàng ngày, với dân số trên 80 triệu người như nước ta hiện nay, hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên đó cũng xảy ra 80 lần/ngày, tức là gần 30.000 lần/năm trên toàn Việt Nam. Ngay cả khi nó chỉ xảy ra hàng tháng, kết quả cũng là 1.000 lần/năm. Còn với 7 tỷ người trên toàn hành tinh, cái sự kiện “hiếm gặp” đó sẽ xảy ra như cơm bữa.
Cũng tương tự như vậy, với dân số trên 80 triệu người, và khoảng thời gian dài tới 1.000 ngày (3 năm) thì theo luật số lớn, hiện tượng “trùng tang” xảy ra đủ nhiều để khiến không ít gia đình khiếp sợ.
Để hóa giải “trùng tang”, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng yếu tố tâm lý là nhân tố quyết định. Trên thực tế, sự cầu cúng, “nhốt vong”…mà nhiều gia đình thực hiện thực chất chỉ là hoạt động trấn an, khiến những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và khi đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh có thể gây tử vong cũng có chiều hướng tốt hơn (yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới khoảng 9- 40% người bệnh). Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần là vì vậy…
Đơn giản là sự cộng hưởng sóng
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng trùng tang tương tự như một loài vật sống ký sinh trên xác người chết phạm vào giờ trùng. Đó chính là một trường năng lượng xấu tồn tại cùng với trường năng lượng của người chết phạm trùng.
Cố GS Nguyễn Hoàng Phương (Hội Vật lý Việt Nam) cũng đã từng đưa khoa học vào nghiên cứu bước đầu vén bức màn bí mật về hiện tượng “trùng tang”. Theo kiến giải của cố GS Nguyễn Hoàng Phương: "Vì trong mối quan hệ này không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của trùng nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số đôi bên khác nhau nhiều, nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic (tần số này là bội số của tần số kia). Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống".
Điều này cũng giải thích được hiện tượng chỉ có những người cùng huyết thống với người chết phạm phải giờ trùng tang mới bị, còn những người khác và con dâu, con rể cùng sống trong gia đình không bị ảnh hưởng.
Vì lẽ đó, cần phải hiểu một cách đúng đắn dưới góc độ khoa học để những nỗi sợ hão huyền về “trùng tang” không còn tồn tại. Theo TS. Đỗ Kiên Cường, việc có kiêng, có lành là quan niệm từ lâu trong dân gian, và chúng ta nên nhìn nhận nó dưới góc độ là bộ môn tâm lý học hiện đại chứ không phải theo các quan điểm siêu hình. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều “thầy” lại vin vào đó để lập đàn cúng tế, đốt vàng mã… gây tốn kém, hoang mang trong nhân dân là điều khó chấp nhận.