Trang chủ Quốc tế Thế giới long trọng kỷ niệm đại lễ Phật đản

Thế giới long trọng kỷ niệm đại lễ Phật đản

68

Để đánh dấu kỷ niệm 2.600 năm ngày sinh của Đức Phật thích ca mâu ni, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 16/5, đã có bài phát biểu tại Mỹ, kêu gọi người dân trên khắp thế giới hãy sống khoan dung, độ lượng và tôn trọng tất cả các tôn giáo. Theo ông Ban Ki-moon, Phật giáo và Liên Hợp Quốc sẽ chia sẻ các mục tiêu hòa bình, nhân phẩm và nhân quyền của tất cả mọi người.

“Năm nay là năm 2.600 năm Đức Phật ra đời. Chúng ta kỷ niệm ngày giác ngộ của Đức Phật, và hãy nhớ rằng, thông điệp mà Người gửi tới nhân loại, đó chính là sự khoan dung. Hãy tôn trọng tất cả các tôn giáo trên thế giới này. Hãy cùng nhau nỗ lực vì hạnh phúc của tất cả mọi người”.

Tại Ấn Độ, quê hương của Phật giáo, ngày Phật đản còn được gọi là ngày Phật Punimaại Ấn Độ, Vesak Day được gọi là Phật Purnima. Vào ngày này, Phật tử không ăn thịt. Đây được xem là cách để các Phật tử thể hiện lòng từ bi đối với động vật trên trái đất. Ngày 17/5, người dân Ấn Độ cũng chia sẻ, phân phát thức ăn cho người nghèo. Nhiều người còn thiết lập các gian hàng cung cấp miễn phí nước uống sạch.

Các Phật tử trong những trang phục màu trắng tinh khiết, đến chùa làm lễ. Các ngôi chùa ở Ấn Độ ngày hôm nay đều phục vụ các phật tử món cháo sữa có tên Kheer, để nhớ lại một người con gái đã dâng cho Đức Phật một bát cháo sữa trước khi ngài thành Phật.

Cùng ngày, các phật tử tại Bangladesh cũng long trọng tổ chức lễ hội lớn nhất trong lịch sử Phật giáo. Ngay từ sáng sớm, người dân đã treo cờ quốc gia và cờ của Phật giáo trước cửa nhà và trên các nẻo đường. Các tín đồ Phật giáo cầu nguyện và dâng hoa quả, thắp nến tại các ngôi chùa suốt cả ngày.

Không khí ngày Phật đản cũng diễn ra long trọng tại Indonesia. Theo truyền thống, hôm nay người dân theo đạo Phật tại Indonesia tập trung tại chùa Borobudur, chùa tháp lớn nhất ở miền Trung tỉnh Java của nước này.

Tại đây, người ta sẽ thực hiện các nghi thức kỷ niệm ngày đại lễ của Phật giáo như lấy nước may mắn, hay đốt đuốc được lấy từ những ngọn lửa vĩnh cửu tại Desa Mrapen, tỉnh Trung Java, và nghi thức dâng đồ ăn chay cho các nhà sư, như để nhắc nhở rằng, các nhà sư đã cống hiến cả cuộc đời cho phật giáo, cầu nguyện cho sự bình an của nhân loại.

Còn tại Sri Lanka, các tin đồ Phật giáo đã tụ họp đông đủ về thủ đô Colombo để mừng đại lễ Phật đản trong 2 ngày (ngày 17 và 18/5). Trong suốt 2 ngày nay, việc bán rượu và thịt đều bị cấm theo qui định của chính phủ. Đây là một hành động thể hiện sự giải thoát và cứu rỗi các chúng sinh, động vật. Lồng đèn nhiều màu sắc có tên gọi là Vesak Koodu được treo dọc đường phố và trước cửa nhà. Người ta tin rằng, những chiếc lồng đèn này tượng trưng cho ánh sáng của Đức Phật.

Các phật tử cũng tổ chức nhiều quầy hàng thực phẩm để cung cấp đồ ăn uống miễn phí cho khách qua đường. Đặc biệt năm nay, Chính phủ Sri Lanka đã trả tự do cho 850 tù nhân nhân dịp ngày lễ Phật đản, để thể hiện sự giác ngộ của con người trước cái thiện và cái ác.

Ngày Phật đản là dịp để mọi người hướng về Đức phật, hướng lòng mình thanh tịnh, khoan dung, độ lượng, và làm nhiều việc có ích. Với những cống hiến to lớn của đạo Phật cho hòa bình và gia tài văn hóa – tinh thần của nhân loại, Đại lễ Phật Đản – lễ mừng Đức Phật ra đời vừa được UNESCO chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới.

** Phật giáo đóng góp tích cực cho sự phát triển Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ cho biết kể từ khi du nhập vào Việt Nam cách đây trên 2.000 năm, Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hoá và truyền thống của Việt Nam.

Những giá trị và nguyên tắc về tình yêu, lòng thương, sự vị tha, phi bạo lực… của đạo Phật đã được tiếp thu và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam và có những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ cũng cho biết với chính sách tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam, trong thời gian qua, Phật giáo đã có những bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam có trên 12 triệu người theo đạo Phật, hơn 40.000 tăng ni với khoảng 15.000 nơi thờ tự và 40 cơ sở đào tạo về Phật giáo. Các hoạt động tôn giáo chính đáng được bảo vệ. Ngày Phật Đản đã được tổ chức hàng năm tại Việt Nam.

Phiên họp ngày 16/5 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được tổ chức đặc biệt kỷ niệm 2.600 năm Đức Phật Thích Ca đắc đạo (Lễ Vesak, hay còn gọi là Lễ Phật đản).

Trong phiên thảo luận giữa đại diện Phật giáo các nước, Thượng tọa Thích Tâm Đức, Phó hiệu trưởng Viện nghiên cứu Phật giáo và Đại học Phật giáo Việt Nam, cũng có tham luận với chủ đề "Xung đột và Ảo tưởng"./