Trang chủ Văn hóa Thiền rải tâm từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc

Thiền rải tâm từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc

Tháng Tư lại trở về, phố phường Hà Nội rợp sắc quốc kỳ đỏ thắm khắp các ngả đường mừng ngày đất nước lập lại hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

419

Khẽ đặt bàn tay lên ngực áo, lòng tự hào biết bao khi là người con Việt. Hòa vào không khí rộn ràng nao nức ấy, người người rủ nhau xuống phố, trẩy hội, hay những chuyến đi xa để tận hưởng kỳ nghỉ đầy ý nghĩa này. Trong khi đó, vài người bạn chúng tôi cũng tìm cho mình một không gian đầm ấm bên tách trà với hương trầm ngan ngát, bên cạnh đặt vài cuốn sách được các bạn tuyển chọn đem đến cùng chia sẻ. Đa phần trong số sách đó đều có một tựa đề na ná nhau như: Làm giàu từ chứng khoán, Cha giàu cha nghèo, Giao dịch lớn, Nhà đầu tư thông minh, v.v. Tiện tay lật qua các trang sách tôi phát hiện, nội dung các cuốn sách đa phần đều nói về cách kiếm tiền nhanh nhất. Đúng là, giữa guồng máy phát triền của xã hội, dường như đồng tiền được xem là yếu tố đặc biệt khẳng định vị thế của một cá nhân, thì đương nhiên ai ai cũng tìm cách kiếm tiền hiệu quả và nhanh nhất có thể. Để rồi, người ta lao vào cuộc chơi mà quên đi những giá trị tinh thần cao đẹp. Cũng may, trong số những quyển sách ấy, tôi chợt bắt gặp một cuốn sách với cái tên rất thiền vị, mang đậm chất nhà Phật: Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc của tác giả Thiền sư Bhante Sujiva do Đại đức Thích Nguyên Tú biên dịch. Tâm tư như vỡ òa, phải chăng đây chính là cuốn sách mà tôi muốn tìm giữa khoảng không gian lắng đọng này.

 Mở đầu trang sách là Lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Quảng Lâm: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy học trò của mình: “Bài học quan trọng nhất trên cuộc đời là bài học yêu thương”. Và bài học thương yêu ở đây chính là “tâm từ” mà Đức Thế Tôn thường giảng cho đại chúng khi Ngài còn tại thế. Tâm từ (metta citta) không phải là tình yêu thương nam nữ hay là tình thân gia đình, mà tâm từ là lòng từ mẫn dành cho tất cả chúng sinh, là tình thương vô điều kiện, chan hòa bình đẳng cùng khắp không dính mắc, không ích kỷ, không phân biệt, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì.[1] Chỉ vài dòng giới thiệu ngắn ngủi, nhưng ngay lập tức khơi dậy trí tò mò của chúng tôi về tác phẩm này. Và chính ngày hôm ấy, những người bạn trong hội chúng tôi được cơ duyên tiếp xúc với một cuốn sách về Thiền vô cùng thiết thực khi mà thế giới ngoài kia đầy những bộn bề hơn thua.

Có lẽ, “Thiền Rải Tâm Từ” là một thuật ngữ mới lạ đối với những người mới bước vào cửa Phật, tìm hiểu giáo lý nhà Phật. Nhưng hẳn nhiên, nó đã tồn tại và sống cùng với những hành giả tu Thiền hàng nghìn năm từ khi Đức Thế Tôn mới thành đạo cho đến nay. Đi sâu tìm hiểu, cuốn Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc quả thật mang đến nhiều giá trị lợi ích thiết thực, khi đem vào ứng dụng trong đời sống hàng ngày cho những ai thật sự muốn hướng đến những giá trị sống đích thực.

Và ở đó, tôi bắt gặp nguồn cảm hứng bất tận về nghệ thuật sống đầy trác tuyệt: “Tâm từ băng qua rào cản của ranh giới thương – ghét, yêu – hận, bạn – thù, tốt – xấu, tỏa ra năng lượng tươi mát giúp xoa dịu những cơn đau của thân, làm lụi tàn những cơn thịnh nộ của tâm, gieo xuống những hạt giống thiện lành để chúng thỏa sức đâm chồi và đơm hoa kết trái. Tâm Từ cũng có thể thổi bay những hạt giống thiện lành đi muôn phương, để chúng đâm chồi nảy lộc, đơm hoa, và kết trái. Tâm từ cũng có thể thổi bay hết những bụi mờ của vô minh, lan tỏa sự thấu hiểu và lòng thương yêu tới mọi người, mọi loài, để ánh sáng từ bi len lỏi vào những trái tim đang bị giày vò, đau khổ; để sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh”[2]. Kinh qua những năm tháng vội vã trong một thế giới phát triển nhanh chóng, người trẻ chúng tôi đôi khi đã quên đi việc nạp năng lượng cho tâm hồn của chính mình. Chúng tôi rong ruổi khắp nơi để tìm cách làm giàu, cũng như luôn so sánh với người khác về mức độ thành công của mình trong xã hội, xem ai làm chức gì, nhà cửa rộng lớn ra sao? Đi xe hãng nổi tiếng nào? Cũng có đôi khi vì tranh nhau món lợi mà bỏ quên đi những mối thâm tình vốn quý. Giờ này, khi cầm trên tay cuốn Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, lòng cảm khái như vừa nghe một bài kinh thiêng, đánh thức trái tim ngủ quên giữa muôn vàn những phiền lụy bấy lâu.

Tuy là một cuốn sách chuyển ngữ, nhưng lời văn lại đậm chất thơ, bằng ngòi bút điêu luyện của một dịch giả chuyên nghiệp. Dịch giả đã đưa người đọc tắm mát trong dòng sông văn tự ngọt ngào, say đắm. Ngoài việc chuyển tải những giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, cuốn Thiền Rải Tâm Từ còn hướng dẫn độc giả hữu duyên về phương pháp Thiền tập Vipassana, thời gian và không gian thích hợp để thiền tập. Đối với những người mới bước vào thiền, có lẽ đây là một bài học thiết thực nhất. Đồng thời cuốn sách giải thích và truyền đạt nội dung về thiền tha thứ, thiền tùy hỷ, thiền đón nhận. Nhưng điểm đặc biệt của Thiền Rải Tâm Từ, đó chính là phương pháp phát triển tâm từ và cách lan tỏa phương pháp thiền này đến với từng đối tượng, và khi ở trong tập thể, việc mô tả bằng hình ảnh cách thức Rải tâm từ đến một tập thể đã làm cho cuốn sách trở nên sinh động: “Được về nhà đoàn tụ cùng gia đình là một điều hạnh phúc và cực kỳ ý nghĩa, bởi vì nơi đó có sự hiện hữu của những người thân yêu của chúng ta. Ấy thế, sống chung lâu ngày dài tháng với nhau, vì những va chạm ít nhiều trong cuộc sống, đôi khi cũng là một chuyện làm ta mệt mỏi… Có một số cặp vợ chồng chỉ vì cái tôi cá nhân, mà đôi bên bắt đầu trách cứ đối phương rồi dẫn đến kết quả là đường ai nấy đi. Lúc này tâm từ sẽ rất có ích dành cho hai người họ, nếu biết cách khởi tâm từ và duy trì trạng thái ấy lâu dài”.[3]

Trong các mối quan hệ, chúng ta thường truyền tai nhau, ai cũng có quyền bình đẳng nhưng tôi nhớ nhất câu nói trong sách như sau: “Mỗi người đều bình đẳng như nhau, nhưng có một số người sẽ được bình đẳng hơn”. Theo Thiền sư Bhante Sujiva, câu nói này không trái với lý nhân quyền chút nào, mà nó giúp ta rõ biết sự thật về nhân quyền vốn dĩ là như thế. Nhờ đó, chúng ta mới có thể thay đổi tích cực để đời sống này trở nên tốt hơn. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần có thời gian để vun bồi, hơn nữa, kết nối là một việc không hề dễ dàng gì, niềm tin và sự tín nhiệm cũng cần được kiến lập từ từ theo thời gian. Và muốn rải tâm từ cho người, trước tiên ta cần phải có thời gian kết nối cùng họ. Ở trang 277 của sách Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, tác giả giới thiệu có 15 loại đức hạnh được nhắc đến trong kinh và mối tương quan giữa chúng với Thiền Rải Tâm Từ, gồm: năng lực, sự thẳng thắn, hết sức thẳng thắn, uyển chuyển, nhu nhuyến, khiêm cung, tri túc, dễ nuôi dưỡng, chuyên chú vào một việc, sống tối giản, thanh tịnh sáu căn, thành thục, không lỗ mãng, không tham luyến đời sống thế tục, và không dễ dàng phạm phải bất kỳ lỗi lầm nhỏ nhặt nào mà bậc trí đã khiển trách.

Cuốn sách tuy nhấn mạnh việc nuôi dưỡng thức ăn cho tâm hồn bằng việc Thiền Rải Tâm Từ, bằng thực tập Thiền Quán, nhưng đồng thời Thiền sư Bhante Sujiva cũng cho rằng chúng ta không nên xem nhẹ vật chất. Điều quan trọng nhất là làm sao để sinh tồn giữa một xã hội sống vì vật chất như hiện nay. Và “cho dù chứng được Niết bàn, hành giả vẫn cần thức ăn và vật dụng”.[4] Đọc đến đây, chúng tôi nhớ đến những câu kinh trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân như sau:

“Này các đệ tử! Có hai cực đoan mà người xuất gia cần nên từ bỏ: đó là hưởng thụ khoái lạc giác quan phàm tục, thấp kém, không xứng hạnh thánh, và tu khổ hạnh, hành hạ thân thể vốn là khổ đau, hoàn toàn vô ích, không xứng hạnh thánh. Nhờ từ bỏ được hai cực đoan này, Như Lai khám phá con đường Trung đạo, có thể mang lại tầm nhìn, tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ tuyệt đối, Niết bàn an vui. Trung đạo đó là con đường Bát chính đạo: Tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, chính niệm, chính định”.[5]

Tương tự như vậy, cơ thể chúng ta cần nạp vitamin, thì tâm hồn cũng cần nạp năng lượng, cũng như việc chọn lối đi thích hợp cho cuộc đời. Thế nên, những cuốn sách mang tầm nhìn Trung đạo sẽ mang đến những giá trị sống đích thực và trọn vẹn ý nghĩa. Như trong phần cảm ơn, dịch giả có viết như sau: “Thiền Rải Tâm Từ có mặt như là một nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc cho chính mình và tha nhân một cách mầu nhiệm nhất. Thiền Rải Tâm Từ được ví như những giọt mưa cam lộ giúp cho mảnh đất khô cằn đến đâu cũng có thể nảy mầm hồi sinh sự sống, là ánh bình minh xua tan màn đêm u tối, là liều thuốc chữa lành mọi sân hận bất an, v.v. Có lẽ bởi vậy mà, khi cầm tác phẩm trên tay lòng tôi đã tràn đầy năng lượng bình an và hạnh phúc. Hẳn đúng như tựa đề của cuốn sách, Thiền Rải Tâm Từ đã truyền cho chúng tôi chất dinh dưỡng mới mẻ so với các đầu sách ứng dụng khác cùng nằm trên giá sách.

Với những ai muốn cải thiện và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, có lẽ cuốn sách này sẽ là món quà tuyệt diệu mà Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế Vĩnh Nghiêm nói chung, và Đại đức Thích Nguyên Tú nói riêng, muốn gửi tặng cho những người con Phật nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2566. Thật sự biết ơn những nhân duyên tốt đẹp đã giúp người trẻ tiếp cận với những tác phẩm Phật giáo chứa đựng tính ứng dụng cao như thế này. Và thật sự, tôi rất muốn lan tỏa nội dung cuốn Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc đến với tất cả mọi người.

Ngoài những chuyên đề được lượt qua phía trên, trang sách còn chứa đựng nhiều điều tốt đẹp, là món ăn tâm hồn cần được bổ sung, được biết sách được ấn tống miễn phí tại Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế Vĩnh Nghiêm Tùng Thư có trụ sở tại Chùa Long Hưng (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội), hoặc các bạn cũng có thể liên lạc với dịch giả qua email: [email protected] để được thỉnh sách.

Khải An

[1] Bhante Sujiva, Thích Nguyên Tú biên dịch, Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, NXB Dân Trí, 2022.

[2] Bhante Sujiva, Thích Nguyên Tú biên dịch, Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, NXB Dân Trí, 2022, trang

[3] Bhante Sujiva, Thích Nguyên Tú biên dịch, Thiền Rải Tâm Từ: Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, NXB Dân Trí, 2022. trang 242.

[4] Bhante Sujiva, Thích Nguyên Tú biên dịch,  Thiền Rải Tâm Từ – Nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc, NXB Dân Trí, 2022, trang 278.

[5] Thích Nhật Từ biên dịch, Kinh Chuyển Pháp Luân.