Trang chủ Văn hóa Du lịch Thỉnh "kinh" Tây Trúc

Thỉnh "kinh" Tây Trúc

83

 

Câu chuyện Đường Tam Tạng thỉnh kinh Tây Trúc, qua tiểu thuyết hư cấu "Tây du ký" của Ngô Thừa Ân có lẽ quá quen với bao thế hệ người Việt. Tây Trúc là tên cũ của Ấn Độ hiện nay, trong vài năm qua còn được biết như một địa chỉ du học có chất lượng, đặc biệt với ngành công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Việt Nam cũng đã và đang có hàng ngàn du học sinh, nghiên cứu sinh học tập tại các đại học danh tiếng lâu đời tại đây.

Được học tập, ăn ở, đi lại, tiếp xúc với quan hệ xã hội, ứng xử văn hoá… ở một nước vốn là một trong bốn nền văn minh lớn của nhân loại là một cơ hội hiếm có, nhưng cũng không dễ đạt được kết quả mong muốn, nếu du học sinh tại đây không có một bản lĩnh và quyết tâm cao độ.

Thành phố những tháp giáo đường

Mặc dù đã có những quan hệ kinh tế, chính trị bền chặt từ lâu, nhưng không hiểu sao, từ Việt Nam đến các thành phố lớn của Ấn Độ như: New Delhi, Mumbai Kolkata, Hyderabad… đến nay vẫn chưa có đường bay trực tiếp, mà phải quá cảnh qua sân bay Savarnabhum-Bangkok (Thái Lan) hay Kuala Lumpur (Malaysia)… Đây là một cực hình với bất cứ ai, vì thời gian quá cảnh chờ đợi vật vờ tại các sân bay này đều từ 8-10 tiếng. 

20 ngàn đồng cho 10 phút Internet; một chai nước 15 ngàn đồng; một suất fast food cũng bay tong gần 80 ngàn đồng… tất nhiên nhờ khách quá cảnh hàng giờ chờ đợi này, chủ nhà thu được một khoản lợi không nhỏ.

Sau 3 giờ 30 phút băng ngang vịnh Bengal, chuyến bay mang số hiệu TG 329 cũng đã đưa tôi đến nơi cần vào lúc nửa đêm. Tổng cộng mất gần 16 tiếng đồng hồ cho một chuyến đi gần 4 ngàn kilômét, trong khi nếu bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh đến các thành phố lớn của Ấn Độ lẽ ra chỉ tốn khoảng 1/4 thời gian.

Thành phố miền nam, Hyderabad đón tôi trong không khí mát mẻ và thoáng đãng khác với những gì tôi chờ đợi. Ở phía bắc, lúc này thủ đô Delhi nhiệt độ vẫn nóng 42 độ C. Trước đó, qua Internet, những thông tin bất lợi về thời tiết tại đây, ít nhiều cũng làm tôi ngần ngại chút ít.

Từ sân bay vào thành phố gần 30km đường xấu, xóc ê ẩm, lại  cứ cách khoảng cây số lại có một gờ giảm tốc cưỡng bức nên không xe nào chạy được quá 40km/giờ. Mệt gà gật, nhưng phải ráng căng tai, tiếng được, tiếng mất nghe người lái xe "tranh thủ" giới thiệu về quê hương mình trên đường về Đại học Anh ngữ và các ngoại ngữ (English and Foreign Languages University- EFLU) Hyderabad.
 
Ít ngày sau, tôi mới biết rằng, đức tính của phần lớn người dân ở đây là vậy, thân thiện và nhiệt thành với mọi người chung quanh. EFLU nằm cạnh bên khu vực Đại học Osmania, thuộc vùng Tanaka- đệm giữa đô thị mới và cũ Hyderabad, Secunderabad. Người tài xế gọi đây là thành phố sinh đôi.
 
Hyderabad là thủ phủ của bang Andhra Pradesh, với dân số hơn 3 triệu người, lớn thứ năm Ấn Độ. Nó thường được miêu tả là thành phố của những ngọn tháp giáo đường, vì lịch sử nơi đây đạo Phật, Hồi giáo và Hindu… có những thời điểm phát triển cực thịnh.

Trên bản đồ du lịch, Hyderabad có khoảng 130 di tích, bảo tàng, đền thờ tôn giáo, thắng cảnh… trong đó đáng kể có kiệt tác kiến trúc Charminar, được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, pháo đài Golconda, xây dựng vào năm 1143, tượng phật lớn nhất Ấn Độ trên hồ Husain Sagar…

Quả thật cả đến trong giấc mơ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến một ngày ở tuổi 40 lại xách cặp thỉnh "kinh" ở xứ Tây Trúc – nơi mà Pháp sư Huyền Trang (sau  được Ngô Thừa Ân mượn hình ảnh ông để viết truyện Tây du ký) cách đây 14 thế kỷ, đã vượt hơn 50 ngàn dặm, qua 128 nước, đến Na Lan Đà – một thành phố Trung Ấn để thỉnh kinh, hoằng dương Phật pháp về phía đông.

Bảng hiệu đều dùng tiếng Anh

Ấn Độ không chỉ lôi cuốn, kích thích vì là nơi phát tích của Phật giáo, mà đất nước này, trong quá khứ còn là một trong bốn nền văn hoá lớn của nhân loại. Đặc biệt, thành phố Hyderabad – nơi tôi theo học một khoá ngắn hạn lại từng có ảnh hưởng lớn đến văn hoá, tín ngưỡng của vương triều Chăm Pa, trước thế kỷ 16, nay là khu vực miền Trung Việt Nam – nơi tôi đang sống.

Nghị lực và lòng quyết tâm

Chương trình đào tạo quốc tế (ITP) tại EFLU, tôi tham gia có gần 60 học viên đến từ hơn 20 nước trên khắp thế giới như: Kazakhstan, Tajikistan, Cuba, Mongolia, Afghanistan, Iran… và nhiều nước Châu Phi khác. Việt Nam chỉ có mỗi mình tôi.

Mỗi năm, Chính phủ Ấn Độ dành tặng hàng nghìn suất học bổng ngắn, dài hạn cho sinh viên, nghiên cứu sinh các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với hơn 100 phần cho các ngành học ở các đại học, học viện trong cả nước. Du học sinh ta đông, đông nhất là New Delhi, Kolkata… Ở Hyderabad có hơn 10 người đang theo học hai ngành công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Việc học chung với sinh viên quốc tế có thể khó khăn trong thời gian đầu, nhưng quả thực là cơ hội lớn để cải thiện, giao tiếp tiếng Anh với nhiều giọng trên thế giới. Dr.Venkat Reddy cho rằng, có thể có tiếng Anh giọng Ấn Độ, giọng Singapore, giọng Việt Nam…, nhưng vẫn phải căn cứ trên một chuẩn phát âm chung để hiểu nhau. Và những khoá đào tạo ngắn hạn như vậy cũng nằm một phần trong mục đích tăng cường mối giao lưu giữa các quốc gia.

Lê Cương Nghị – quê Hà Nội đang theo học MBA tại Osmania Unversity – tâm sự: "Thời gian đầu vào học không hiểu nổi nội dung bài giảng. Phần do chuẩn bị tiếng Anh chưa tốt lắm, nhưng hơn hết nhiều giáo viên có giọng khá nặng, nên "chữ tác nghe ra chữ tộ" là thường. Sau này trao đổi nhiều với các du học sinh quốc tế, sinh viên Ấn Độ, mới dần quen giọng và nay thì mọi việc đều ổn". Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần phải chuẩn bị để du học ở Ấn Độ.

Phần lớn trong số hơn 200 giáo sư giảng dạy tại EFLU là giáo sư hoặc tiến sĩ ngôn ngữ tu nghiệp từ Anh hay Hoa Kỳ về. Vì vậy, phương pháp giảng dạy cũng như giáo trình được cập nhập rất tốt.
 
Trong số các môn học thì kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nghiên cứu chiếm thời lượng lớn. Sinh viên phải luôn luôn vận động và độc lập suy nghĩ; phải tự tin phát biểu trước đám đông…

Qua sự thiết kế này mới nhận thấy rằng, phương pháp dạy tiếng Anh thụ động ở nước ta, hiện nay đến sinh viên đại học ngoại ngữ vẫn còn "ngọng" khi nói chuyện với người nước ngoài là điều tất nhiên. Ngoài ra, mỗi tuần đều có ngoại khoá tìm hiểu các khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể truyền thống Ấn Độ.

 Ở Ấn Độ có hơn 400 ngôn ngữ khác nhau của các dân tộc, vì vậy tuy không chính thức, nhưng tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ chung, được giảng dạy rộng rãi từ cấp tiểu học đến đại học. Rất nhiều gia đình ở các đô thị trao đổi, nói chuyện với nhau bằng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ.
 
Và không chỉ có EFLU, Đại học lâu đời và danh tiếng Osmania ở Hyderabad hay khắp các đại học ở Ấn Độ đã tiêu chuẩn hoá đội ngũ giảng viên từ rất lâu, khi Việt Nam ta gần đây mới bắt đầu đặt ra. Rất nhiều trong số họ đều tu nghiệp ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhờ khả năng nói, đọc, hiểu tiếng Anh lưu loát. Trước đây, nhiều công trình khoa học của nhiều giáo sư dạy ở các đại học Ấn Độ đã đoạt giải Nobel danh giá.

Vài năm gần đây, các trường đại học Ấn Độ đã trở thành địa chỉ thu hút học sinh Việt Nam du học. Ở Coimbatore có hai anh em Phan Minh Tuấn – quê TP.Hồ Chí Minh, anh qua trước, dẫn em qua sau. Hiện nay, Tuấn đã tốt nghiệp và chuẩn bị học, lấy thêm một lúc hai bằng thạc sĩ tại đây.

Tuấn cho biết: "Học ở Ấn Độ đúng là buồn, vì thành phố gần như không có điểm giải trí và cũng không có việc làm thêm như sinh viên du học các nước khác. Thế nhưng bù lại, lợi ích rất lớn là dành hết thời gian cho việc học. Tuy rằng điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường chưa tốt lắm, nhưng giáo trình và phương pháp truyền đạt của giáo viên rất hiện đại và cập nhật với chương trình chung của thế giới". 

Hyderabad có chị em Nguyễn Thị Tuý Liên cũng vậy. Liên bảo: "Học tập ở đây chất lượng khá tốt, nhưng điều cháu thích nhất là môi trường xã hội rất an toàn. Điều đó bảo đảm cho bất kỳ ai muốn thu hái kiến thức tốt, mà không sợ bị tệ nạn xã hội tác động như ở nhiều nơi. Vì vậy, em trai cháu học xong cấp 3 là sang đây luôn".

Chi phí học tập rẻ, cao nhất như ngành y, dược cũng chỉ xấp xỉ 10.000USD; giá sinh hoạt mềm, trong khi chất lượng đào tạo một số ngành như công nghệ thông tin, thương mại điện tử thì khỏi phải bàn, là ưu điểm khi chọn Ấn Độ là nơi du học.

Tuy vậy, nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở nhiều nơi có lúc lên đến 43 độ C; mùa đông thì lại lạnh cắt da… điều kiện sống không cao; ăn uống không hợp khẩu vị là những cản ngại mà đòi hỏi du học sinh phải có nghị lực, quyết tâm cao để vượt qua. Từ năm – bảy năm dùi mài kinh sử ở xứ người là một cái giá trả không phải nhỏ. Vì vậy, nếu không có một kế hoạch tìm kiếm, tiếp nhận, đãi ngộ hợp lý từ cấp vĩ mô thì nguồn lực này sẽ uổng phí khi địa chỉ họ tìm đến phục vụ không phải là quê hương.