Trang chủ PGVN GHPGVN Thống nhất Phật giáo Việt Nam là tất yếu khách quan, phù...

Thống nhất Phật giáo Việt Nam là tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển xã hội

80

Thay mặt Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo Thành phố Đà Nẵng, tôi xin trân trọng gởi đến quý vị đại biểu dự Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam lời chào trân trọng. Kính chúc Quý vị sức khoẻ an lành, chúc cuộc hội thảo đạt kết quả mỹ mãn.

Tôi đại diện cho Tăng tín đồ Phật giáo Đà Nẵng trình bày một số cảm nhận từ sự kiện thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành một Đại gia đình của những người đồng đạo đã tạo nên nhiều cơ duyên thuận lợi cho hoạt động Phật sự đạt được thành tựu trong 25 năm qua.

Thưa Quý vị!

Thực tế lịch sử đã chứng minh sự hiện diện của đạo Phật ở Việt Nam, nơi con người vốn giàu lòng nhân ái và bao dung đã nhanh chóng thẩm thấu vào đời sống tâm linh của đại đa số người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tiếp nhận giáo lý của Đức Phật với lòng tôn kính, tuy mỗi dân tộc đều có cách truyền đạo và hành đạo theo bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, nhưng vẫn đảm bảo tôn chỉ mục đích của Đức Phật đề ra là “Từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn” để người người đều có một cuộc sống an bình hạnh phúc nơi trần thế và siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.

Trải qua hai ngàn năm đồng hành cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã lớn mạnh, trở thành một tôn giáo có số lượng Tăng tín đồ đông nhất, nhưng đồng thời cũng là tôn giáo có nhiều hệ phái nhất. Đó là sự phát triển tất yếu khách quan trong bình diện một xã hội nhiều sắc tộc, đa dạng về văn hoá. Và điều tất nhiên bên trong của sự phát triển đó không tránh khỏi những ngã rẽ theo quan điểm cục bộ của từng hệ phái, làm phát sinh thêm mâu thuẫn bên trong của những người đồng đạo.

Thực trạng đó đã xuất hiện trong giới Phật giáo Việt Nam từ những thế kỷ cuối của thiên niên kỷ thứ hai sau Công nguyên. Trước tình hình đó, chư vị Tôn Đức tiền bối đã sớm nhận thức được vấn đề cần phải có một tổ chức Phật giáo thống nhất ở Việt Nam để làm sáng tỏ chân lý “vô ngã vị tha” của Đức Phật và đáp ứng nguyện vọng “đồng đạo đồng hành” của đại đa số Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam. Nhưng vì phải gánh chịu bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc và những mưu đồ phân hoá Giáo hội do các thế lực thù địch với dân tộc, với Giáo hội gây ra, nên nguyện vọng thiêng liêng ấy chưa thực hiện được.

Mãi cho đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, sau khi tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, thì những người con Phật lúc bấy giờ đã đón bắt được thiện duyên quý báu đó để làm nên sự kiện lịch sử trọng đại cho Phật giáo Việt Nam. 165 đại biểu các hàng giáo phẩm đại diện cho 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái của cả nước hội tụ tại chùa Quán Sứ thủ đô Hà Nội để hội nghị đại biểu thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, biến ước vọng thiêng liêng của nhiều thế hệ Tăng tín đồ thành hiện thực. Kết quả đó chứng tỏ ý thức sâu sắc trách nhiệm lớn lao đối với lịch sử truyền bá giáo lý Phật tổ và vận mệnh tín đồ của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm qua, cũng như đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu bất luận là thuộc tổ chức Giáo hội hoặc Hệ phái nào cũng đều toàn tâm toàn lực với thái độ chân thành cởi mở và cảm thông nhằm đóng góp cho hội nghị thống nhất Phật giáo trên quy mô cả nước và hầu hết các hệ phái đạt được sự đồng thuận nhất trí cao. Sự kiện đó đã đem lại cho Phật giáo Việt Nam một luồng sinh khí mạnh mẽ và bền vững. Từ đó Phật giáo Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn đoàn kết thống nhất và phát triển toàn diện các hoạt động Phật sự với tôn chỉ mục đích “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Định hướng đó đã được đại hội cụ thể bằng sáu điểm đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội.

Sau sự kiện lịch sử đó, Tăng tín đồ của các Giáo hội, hệ phái Giáo hội trong cả nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ đến già, không phân biệt màu da hay sắc tộc, tất cả trở thành một cộng đồng đạo hữu thống nhất trong đại gia đình Phật giáo Việt Nam, dưới sự dìu dắt của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mọi hoạt động Phật sự từ hình thức đến nội dung đều được thống nhất, từ Trung ương Giáo hội đến tận cơ sở đều có sự lãnh đạo chỉ đạo trong guồng máy, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa tính biệt truyền thống của các hệ phái, tạo cho mọi người con Phật được an tâm tu thân tích đức, cưu mang giúp đỡ những đồng bào hoạn nạn khó khăn với tinh thần tự nguyện phụng đạo giúp đời. Đó là hệ quả to lớn mà sự thống nhất Giáo hội đem lại suốt 25 năm qua. Đồng thời, việc thống nhất Giáo hội không chỉ đáp ứng nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo mà còn khẳng định truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại chặng thời gian 25 năm đã đi qua, so với 2000 năm đồng hành cùng dân tộc để dựng nước và giữ nước, khoảng thời gian đó như một khoảnh khắc trong một ngày, nhưng là khoảnh khắc bình minh của ngày xuân có trăm hoa đua nở, rực rỡ sắc màu. Điều đó chứng tỏ việc thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt tổ chức và hoạt động là tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển xã hội trên nền tảng một quốc gia thống nhất và hòa bình, đồng thời khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thịnh suy của đất nước. Bản lĩnh và ý chí kiên định ấy của các nhà lãnh đạo Phật giáo góp phần điểm tô bồi đắp cho bản sắc văn hóa dân tộc việt Nam càng thêm phong phú.

Với gần 20 triệu dân số là tín đồ và hàng triệu người ngưỡng mộ đức Phật, những người con Phật ở Việt Nam tự hào là thành viên cơ bản trong cộng đồng dân tộc “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” được bạn bè bốn biển năm châu ngợi ca là một dân tộc tiêu biểu cho lương tri của thời đại.

Từ khi Giáo hội được thống nhất cho đến nay, các hoạt động Phật sự có thêm nhiều cơ duyên tốt đẹp để hoằng dương chánh pháp, chấn hưng tư tưởng tích cực của đạo lý Đức Phật, làm cho tư tưởng đó ngày càng ngời sáng trong lòng nhân loại. Cũng từ đó chính quyền từ Trung ương đến địa phương tạo nhiều thuận lợi để Phật giáo phát triển. Nhiều cơ sở Phật giáo được xây dựng mới hoặc nâng cấp sữa chữa nhằm bảo đảm điều kiện vật chất cho các hoạt động Phật giáo phát triển.

Các lĩnh vực như đào tạo Tăng Ni, phát triển tín đồ, hoạt động nhân đạo từ thiện và giao lưu với các tổ chức Phật giáo các nước và quốc tế cũng được nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới, đem lại sự an lạc cho nhân loại càng ngày càng rõ nét và được phong trào phát triển Phật giáo quốc tế tôn trọng.

Những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 25 năm qua là kết quả của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên định và hành động kiên quyết của toàn thể Tăng tín đồ trong cả nước, chứng thực và khẳng định ưu thế của sự đoàn kết thống nhất trong mối quan hệ đồng đạo, đồng hành.

Đối với thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chánh trực thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia tách để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 1997. Ngay sau đó Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo Thành phố Đà Nẵng được thành lập do cố Hoà thượng Thích Quang Thể làm Trưởng ban.

Hoạt động Phật sự của Thành phố Đà Nẵng trong 10 năm qua đã nhận được sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực của Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Nẵng. Nhờ vậy tính đến nay đã có hơn 85% cơ sở chùa, tự viện, tịnh thất trong thành phố được đại trùng tu nâng cấp, sữa chữa với sự đầu tư hàng trăm tỷ đồng do Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước phát tâm cúng dường. Đặc biệt Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao hàng chục héc ta đất để xây mới cơ sở Phật giáo quy mô rộng lớn hoành tráng trang nghiêm tại hai khu du lịch Bà Nà và Bãi Cục – Sơn Trà.

Cố Hoà thượng Trưởng Ban Trị Sự lúc sanh thời Ngài rất quan tâm đến công tác tổ chức và vấn đề đoàn kết trong nội bộ Tăng tín đồ cũng như chú trọng vai trò trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành Phật sự. Sau khi chia tách tỉnh, Hòa thượng đã kịp thời chỉ đạo việc tuyển chọn bổ nhiệm nhân sự phụ trách các ban ngành chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự Thành hội và Ban Đại Diện Phật giáo các quận huyện, giao cho Tăng Ni tín đồ các hệ phái, các đơn vị cơ sở đề cử giới thiệu để Ban Trị sự xem xét bổ nhiệm.

Do đó việc triển khai thực hiện chương trình hoạt động theo 6 điểm của Giáo hội đề ra đã được quán triệt cho tất cả Tăng Ni, tín đồ Phật tử trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, được mọi người nhất tâm thực hiện, không phân biệt Tăng tín đồ của hệ phái này hay hệ phái khác.

Được thống nhất về mặt tổ chức, nên công tác hoằng dương chánh pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của đạo lý Đức Phật tại Thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đều được thống nhất về phương pháp và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh nên rất thuận tiện và đạt nhiều kết quả mỹ mãn. Cụ thể ngày 30/3/2001, Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Ban Trị sự Thành hội tổ chức khóa bồi dưỡng Hoằng pháp – Hành chính ngắn ngày cho giảng sư, giảng sinh của 8 tỉnh miền Trung- Tây nguyên với 185 vị chức sắc của Ban Trị sự các tỉnh tham dự, ngoài ra còn có rất nhiều khóa học để đào tạo Tăng Ni kế thừa sự nghiệp hoằng dương chánh pháp cho tương lai.

Kính thưa Quý vị đại biểu !

Việc thống nhất Giáo hội đem lại nhiều cơ duyên thuận lợi cho hoạt động Phật sự đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 25 năm qua không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy Giáo hội vẫn còn bỏ lỡ nhiều dịp may, không đón bắt kịp thời để phát triển mạnh mẽ hơn. Giáo hội chưa vận dụng đúng mức những thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào các hoạt động Phật sự để truyền bá giáo lý Đức Phật cũng như công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chánh – tài sản của Giáo hội. Trên lĩnh vực hành chính vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Các văn bản mang tính quy phạm của Giáo hội như Hiến chương, Nội quy – Quy chế hoạt động của các Ban ngành Trung ương cũng như các Ban Trị sự tỉnh thành có nhiều điểm còn chồng chéo, khiến cho quá trình áp dụng vào thực tiễn còn nhiều trở ngại. Giáo hội cũng chưa có giải pháp hữu hiệu yêu cầu chính quyền tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một thời lượng định kỳ trên các phương tiện phát thanh, truyền hình của Trung ương và các địa phương.

Những vấn đề tồn tại nêu trên là cảm nhận của chúng tôi, nếu được hội thảo đồng tình thì chắc chắn sẽ được khắc phục để hoạt động Phật sự trong tương lai đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn.

Nhân dịp này tôi xin đại diện Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Đà Nẵng chân thành cảm ơn quý vị Tôn đức của Trung ương Giáo hội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giúp đỡ phong trào Phật giáo Đà Nẵng trong những năm qua.
Chân thành cảm ơn và mong Quý vị thông cảm những điểm sai sót trong tham luận của chúng tôi.

Kính chúc vô lượng an lạc.