Trang chủ Văn hóa Du lịch Tìm dấu chân Phật bên bờ Mê Kông

Tìm dấu chân Phật bên bờ Mê Kông

89

Chưa ai biết mỗi bậc ngọc ấy rộng dài bao nhiêu nữa, hay lại duềnh doàng, dài rộng, lúc lên lúc xuống như triều nước Mê Kông dưới xa kia …  

Hoàng hôn loang trên nhánh Sê Đôn. Trước mặt, bến Mê Kông toả vàng sắc nắng chiều. Hoang rợp như bến mê. Thủ phủ Paksé của tỉnh Champasak, Lào đôi quãng ngó như một góc Hà Nội cổ với những toà biệt thự thời Pháp thuộc tồn lưu lặng lẽ chìm trong ánh đạo hoàng tự đã bao chiều.

Rậm rịch ồn ào một chút có lẽ trên cây cầu Sê Đôn này thôi. Mỗi chuyến xe chạy ngang, từ chiếc VIP bus hai tầng hiếm hoi tới chiếc xe tải nhẹ, rồi chiếc xe kiểu xe lôi như miền Tây xứ Việt xả khói mịt mù cũng đủ để cây cầu bê tông dài quãng đôi ba trăm mét này rung lên.

Rung lên giai điệu thời gian, khi nghiêng ngó bên đầu cầu, thấy còn hai tấm bia đá đã mờ mịt phải đoán định lắm mới đọc được mấy dòng chữ Nga – Lào, đại loại “Cầu Sê Đôn, do Liên Xô – CCCP xây dựng cho nước bạn Lào từ năm 1987-1990”…      

Bên lối bê tông hẹp đã tróc lở dành cho người đi bộ trên cầu, lững thững vài người lớn tuổi dạo mát. Đôi thiếu nữ Lào mắt tròn gương mặt rám căng màu nắng thủng thỉnh dắt tay, rúc rích nói cười. Đông nhất là lũ trẻ.

Choai choai một lứa mươi mười hai tuổi, hôm nay Chủ nhật nghỉ học, kéo bầy ra sông nghịch đùa. Trên cầu nhìn hun hút xuống mặt sông lại một bầy trẻ nhỏ xíu đang hì hụp lội bơi rỡn cùng chiếc thuyến lá. Bất đồ, một cậu bé áo thun đỏ leo lên đứng thẳng trên thành cầu sắt mảnh như cái ban công cửa sổ, bắt đầu nhún nhảy.

Trời đất, từ thành cầu tới mặt nước khoảng cách phải tới đôi ba chục mét, ngang tầng năm tầng bảy của cái khách sạn Hoàng Cung sát mé sông bên kia chứ ít đâu, nhảy thế có mà vỡ phổi! Ngó bộ dạng hoảng hốt của khách lạ, cậu bé toét cười rồi búng người cái vèo vào khoảng không. Lại tiếp mấy cậu nhỏ bàn chân lắc lư trên thành cầu, từ từ dang tay thả người xuống như chim.

Tiếng nói cười lan rộng mặt sông. Những cậu bé hì hụi bơi thuyền về phía chùa Bàn chân Phật, rẽ đám cỏ cây cao ngút đầu để lên lại cầu. Để tiếp tục những cú nhảy ngoạn mục…     

Hồi chiều, mới ghé thăm chùa. Ngôi chùa rộng rãi mái uốn lượn thếp vàng rực rỡ tọa lạc sát mé sông, xung quanh là cơ man những tháp đủ kiểu dáng sắc màu, dựng đứng nghiêm mặc. Bảo tháp ở các ngôi chùa Việt thường chỉ dành làm nơi an nghỉ cho những bậc chư Tổ chư Tăng đã viên tịch.

Còn với người Lào, đất nước Phật giáo, sau khi hoả thiêu di thể người thân, tro cốt được để vào trong những tháp dựng quanh các ngôi chùa, gọi là wats.

Chăn Ny – cậu hướng dẫn viên người Lào của Vitours cùng hành trình với chúng tôi chuyến đi này cho biết, tên là chùa Bàn chân Phật, bởi tương truyền, nơi đây xưa kia xuất hiện dấu tích bàn chân khổng lồ trên đá, rất đẹp và tự nhiên.

Những năm sau, vị tiểu vương cuối cùng của vùng Champasak quyết định xây cung điện bên sông. Kỳ lạ, khi xây phát hiện bên dưới có động cá sấu. Vua bèn cho dời một ngôi chùa gần đó về dựng ngay tại nơi có dấu chân Phật. 

Phía trước tượng Phật đang nằm chống tay thơi thả là dấu chân Phật khổng lồ tươi tắn ánh vàng dường như đã được cách điệu trên nền đá xám. Những ngón chân đều nhau, lòng bàn chân có sáu đài sen xung quanh đài sen lớn chính giữa mang hình bánh xe pháp luân toả hào quang. Lúc đản sinh, Đức Phật đã bước bảy bước chân nở ra bảy đoá sen, là truyền thuyết lưu lại vậy. Một thoáng trầm hương xao xuyến bảng lảng…

Chăn Ny bảo, ai thành tâm trước dấu chân Phật luôn gặp điềm lành. Và rồi thêm một thông tin kỳ bí nữa, rằng đây là dấu bàn chân trái của Đức Phật. Còn dấu chân phải của Người hiện đang ở đâu đó trên đỉnh Phou Kao (Núi Voi), nơi tọa lạc ngôi đền cổ vạn năm Wat Phou- Di sản văn hóa của nhân loại.

Nói “đâu đó”, vì dường như chưa có ai được Đức Phật ban hạnh ngộ chiêm ngưỡng, hoặc ai đó với đức độ đã chứng ngộ một lần rồi chợt như tỉnh thức quên giấc chiêm bao?            

Đường đến Wat Phou phải qua sông Mê Kông. Con phà cũ kỹ như ở dòng Cửu Long miền Tây xứ mình từ gần hai thập niên trước, cót két mớm nước phù sa. Những đứa trẻ Lào rám nắng ôm từng bó đài sen xanh ngắt bán cho khách theo phà.

Rồi những người đàn bà Lào y hệt người đàn bà Việt nón lá lam lũ gồng gánh bán mấy món đồ ăn, vài khách địa phương bưng tô chan húp xì xụp. Con phà cũ trôi rồi cũng tới bờ. Mấy chiếc tuk tuk kiểu xe lam ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng hồng hộc xả khói đưa đoàn khách vượt tiếp gần hai chục cây số trên con đường đất đá lởm chởm.

Dòng Mê Kông vẫn lững lờ trôi bên cạnh, ẩn hiện sau lưng con đường và những ngôi nhà, rặng cây xanh ngắt hiền hoà.

Càng nhận ra một thánh địa Champa Mỹ Sơn quê nhà khi vào sâu Wat Phou. Cũng thế núi chủ tựa lưng như Hòn Đền, còn đây là Phou Kao. Cũng chỏm núi chót cùng vương vít mây trắng mà Chăn Ny bảo người Lào gọi đó là bối tóc tiên, thì ở Mỹ Sơn chót cùng đỉnh Hòn Đền mang hình chiếc mỏ của con diều hâu khổng lồ.

Trong Bàlamôn giáo, ngọn Linh Thứu gọi là Kền Kền, cũng có tên khác là Grarudakuta, là con vật để thần Visnu dùng cưỡi. Nhưng nếu khu di tích Mỹ Sơn chưa chất bí ẩn của gạch Chăm, thì với Wat Phou mọi sự kỳ bí đều dồn vào đá.

Tới nay, người ta vẫn không hiểu bằng cách nào từ hàng ngàn năm trước, những phiến đá khổng lồ kia lại có thể đưa lên tới lưng chừng núi sắp xếp thành đền đài kỳ vĩ đến vậy.

Từ thế kỷ VI, đế chế Khmer hùng mạnh và rộng lớn nhất Đông Nam Á thời ấy đã xây dựng Wat Phou, coi khu đền thiêng này là trung tâm Hindu giáo, vương quốc tâm linh của thần Shiva. Từ đầu thế kỷ XII, vương quốc Khmer dời đô về xây đền tháp Angkor Wat ở trên nền cảm hứng kiến trúc và tâm linh siêu việt của đền Wat Phou.

Những tháp Wats quanh chùa Bàn Chân Phật  Ảnh: Trần Tuấn

Nhưng một thời, những tín đồ Hindu ngày ấy từ kinh đô mới vẫn hành hương về ngôi đền tịch mịch bên dòng Mê Kông với niềm thành kính nguyên ủy, lẫn tiếc nuối về cố đô xưa. Đến giờ, con đường hành hương cổ xưa nối giữa hai ngôi đền này, như đường hành hương về Mỹ Sơn từ Trà Kiệu, Đồ Bàn của vương quốc Champa vẫn còn là một bí ẩn, thách đố các nhà khảo cổ học. 

Tượng Shiva ở Wat Phou đã được khoác áo cà sa vàng từ hàng ngàn năm rồi, trong hương khói nhang trầm lan tỏa. Tín đồ Phật giáo muôn phương hành hương lên ngôi đền chính lưng chừng núi phải qua 77 bậc đá rất hẹp có chỗ chưa đầy bàn chân người, những bậc đá đã xô lệch qua hàng ngàn năm mưa nắng. Muốn lên hoặc xuống, đều phải đặt ngang bàn chân, xoay nghiêng người thả từng bước.

“Đó là dụng ý của người xưa – Chăn Ny tiết lộ – để khi lên hoặc xuống tránh xoay lưng vào Phật”.

Chàng hướng dẫn viên du lịch người Lào từng tốt nghiệp Đại học Văn hoá tại Hà Nội quả lắm ngón nghề, khi mỗi chốc lại tiết lộ thêm những bí mật khiến bàn chân du khách dẫu mỏi vẫn không thể dừng. Như sau 77 bậc đá này, vẫn còn 7 bậc ngọc nữa.

Bảy bậc ngọc vô thường mà Chăn Ny bảo nơi tít cùng ấy có dấu chân phải của Đức Phật đặt bên bối tóc tiên mây phủ. Chưa ai biết mỗi bậc ngọc ấy rộng dài bao nhiêu nữa, hay lại duềnh doàng, dài rộng, lúc lên lúc xuống như triều nước Mê Kông dưới xa kia …   

Trong hang núi sau lưng khu đền chính, một máng nước thật dài cách điệu hình Linga nối xuống một Yony vuông vắn, hứng từng giọt nước trong vắt rỉ từ vách đá.

Ai đó chưa đưa tay hứng những giọt nước mát lạnh này vuốt lên tóc, thoa lên mặt, hoặc nhấp một hớp, coi như chưa đến Wat Phou.  Nước cam lồ chảy xuống từ dấu chân Phật sẽ giúp gột rửa hết muộn phiền, ưu lo nơi cõi bụi mà đời người lưu lạc bấy lâu.

Lại quay về nơi ban đầu trên con phà cũ, cót két mớm nước Mê Kông đậm đỏ phù sa. Hoàng cung của vị hoàng đế cuối cùng vương quốc Lào với động cá sấu bên dưới ấy nay đã trở thành khách sạn Champasak Palace, nơi tôi nghỉ lại tối nay. Nghe bảo vì cái động thiêng ấy, khách sạn không xây móng, mà chỉ dựng trên thật nhiều cột.

Khách sạn lớn nhất vùng Paksé, thành phố cửa sông này vẫn mang dáng dấp của Hoàng cung, với hơn 1.000 ô cửa sổ suốt lượt 7 tầng lầu (vẫn lại con số 7).

Một ngàn ô cửa hướng ra dòng Mê Kông đón bình minh và hoàng hôn mỗi ngày. Người ta tính một người chỉ làm riêng một công việc mở cửa sổ toà nhà này, mở liên tục cũng phải hết trọn một ngày trời!   

Đêm lạ, không ngủ được. Từ khuôn viên Hoàng cung bước ra phía bờ sông, khẽ chạm phải những bức tượng sa thạch cổ kính rêu mòn khắc họa 12 con giáp theo lối điêu khắc Champa. Những con vật đang ngồi, đứng im lìm lẫn vào cây cỏ. Trong bóng mờ sương, chợt thấy mình cũng tan biến đâu đó vào cỏ cây, vào dòng nước Mê Kông đang thao thiết chảy ngoài kia, rồi lạc vào bến mê nào nào khác …

Chợt ngộ, bàn chân Phật hay là ở chính bàn chân mình đó thôi, đang mải miết bước đi trong những cõi vô thường. Hay, có thể là bàn chân đặt trên thành cầu mỏng manh của những đứa trẻ đang chuẩn bị nhún nhảy xuống sông Sê Đôn một cách phóng khoáng và quả cảm …

Paksé, Hạ Lào 9-10/2009