Trang chủ PGVN Nhân vật Tìm hiểu một số tác phẩm, dịch phẩm của Sa môn Trí...

Tìm hiểu một số tác phẩm, dịch phẩm của Sa môn Trí Hải

308

Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam


Vào khoảng cuối năm 1964, Trưởng ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng Trần Xuân Bách khi xuống Hải Phòng đã đến thăm đồng hương của mình là Hòa thượng Trí Hải. Ông đã gợi ý và động viên Hòa thượng ghi lại những Phật sự mà ngài đã tham gia trước đây, mà theo ông, đó là một việc làm rất có ý nghĩa.


Sau gần 9 tháng nhớ lại và suy nghĩ trong điều kiện đi lại hạn chế, không có tài liệu tham khảo, tháng 5 năm Ất Tỵ (1965), bản đánh máy “Hồi ký thành lập Hội Việt Nam Phật giáo” hoàn thành (gọi tắt là Hồi ký). Đầu thập niên 1990, một vị Đại đức cùng quê với Hòa thượng đã mang bản gốc Hồi ký cùng với bản dịch Khóa hư lục của Hòa thượng Trí Hải vào TP.Hồ Chí Minh nhờ Hòa thượng Thích Thanh Kiểm lo việc in ấn. Nhưng lúc đó nhân duyên chưa thuận nên hai tác phẩm trên chưa thể xuất bản. Và, tới quí II năm 2004, tức gần 30 năm sau, cuốn sách mới đến tay bạn đọc nhờ nỗ lực của các Tăng sĩ chùa Vĩnh Nghiêm.


Theo Thượng tọa Thích Giác Toàn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Sa môn Trí Hải và Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Phân viện Nghiên cứu Phật học) và Viện khoa học Xã hội (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) tổ chức tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 2006, thì: Tập Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam là một tài liệu quý giá về lịch sử thành lập Giáo hội Phật giáo, về những suy tư chân thành đầy sáng tạo, mới mẻ của ngài… Những khó khăn gian khổ, những thành tựu trong việc thành lập Giáo hội, vạch ra chương trình hoạt động cho Giáo hội được đọc thấy xuyên qua tác phẩm. Chúng ta còn thấy ở ngài một niềm tin Phật sâu đậm, một tài năng sáng tạo, một nỗ lực bền bỉ và một đức tính kiên trì, nhẫn nại lớn lao. Ở ngài, bao quát tất cả là một nhân cách lớn, một tâm đức, một trí đức tư duy sáng tạo, chứa đựng trong kỹ năng tổ chức, thực hiện và thuyết phục mọi người”.


Đây là cuốn sử cần thiết đối với những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, bởi tác giả không chỉ là chứng nhân mà còn là tác nhân của lịch sử, tham gia hầu hết các Phật sự quan trọng như khởi xướng cuộc vận động thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ra bán nguyệt san Đuốc Tuệ, lập xưởng in Đuốc Tuệ, xây dựng chùa Quán Sứ, lập trường Tăng học, Ni học, trường Khuông Việt, Vạn Hạnh, tham gia cứu tế xã hội v.v… Hòa thượng Trí Hải là người có công đầu trong Phong trào chấn hưng Phật giáo xứ Bắc và là người có công lớn trong vận động thống nhất Phật giáo cả nước như thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951, ngài giữ chức Phó Hội chủ), Giáo hội Tăng già Việt Nam (1952, ngài được bầu làm Tổng Trị sự trưởng).


Ba cuốn sách dịch cho Viện Triết học


Năm 1971, các ông Chương Thâu, Nguyễn Tài Thư đã xuống Hải Phòng thăm Hòa thượng Trí Hải và nhờ ngài dịch cho Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam một số sách liên quan đến đạo Phật. Trong hai năm 1971-1972, Hòa thượng đã miệt mài làm việc và dịch xong cho Viện Triết 3 cuốn sách quý:


1. Khóa hư lục của Trần Thái Tông;


2. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm (1746 -1803);


3. Phật giáo triết học của tác giả Nhật Bản Tiểu Dã Thanh Tú.


Về bản dịch Khóa hư lục của Hòa thượng Trí Hải, chúng tôi đã bàn trên nguyệt san Giác Ngộ số 118, ra tháng 1 năm 2006, nay giới thiệu với quí vị độc giả ý kiến của GS. Chương Thâu tại Hội thảo về bản dịch này: “Cụ đã căn cứ theo bản văn do Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội in(1) đã dịch ra tiếng Việt tương đối hiện đại toàn văn Khóa hư lục, đối với chúng tôi – những người nghiên cứu triết học, cũng như đối với đông đảo độc giả là một cống hiến quan trọng. Đây là một bản dịch Khóa hư lục đạt chất lượng cao, chứng tỏ dịch giả hiểu sâu sắc nguyên tác, lại có một lối diễn đạt bình dị, dễ hiểu. Gặp phải những khái niệm, thuật ngữ chuyên môn triết học Phật giáo, cũng như những điển cố khó hiểu đều được Người dịch chú giải đầy đủ. Đặc biệt, đối với những bài kệ, câu niệm, lời tụng đều được chép lại nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa tiếng Việt và dịch thơ rất trôi chảy, dễ nhớ, dễ thuộc. Cuối mỗi bài thơ, đoạn văn, nhất là ở các bài luận, lời tựa, người dịch lại có thêm mục “ý nói” trình bày ý nghĩ, kiến giải về tư tưởng rất có giá trị học thuật, chí ít là một sự gợi mở, một sự chỉ dẫn cho người đọc hiểu được nội dung uyên áo của nguyên văn và tư tưởng của tác giả Trần Thái Tông. Những ghi chú gọi là “ý nói” của dịch giả chiếm khối lượng trang viết khá quan trọng trong bản thảo do Sa môn Trí Hải thực hiện, thực sự là một đóng góp rất đáng ghi nhận”.


 Về bản dịch tiếp theo, theo giáo sư Chương Thâu: “Cụ đã hoàn thành bản dịch Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh cho Viện Triết học làm “tài liệu tham khảo”. Liền sau đó, bản dịch này được chuyển đến nhờ giáo sư Cao Xuân Huy thẩm định và hiệu đính lại thật chu đáo; lại được bạn Hà Thúc Minh (lúc này chuyển sang công tác tại Ban Hán Nôm) gia công khảo cứu văn bản, bổ sung ít nhiều ở phần chú thích, bạn Mai Hồng chép phần nguyên văn chữ Hán và bạn Lâm Giang viết tiểu sử Ngô Thì Nhậm. Đến năm 1978, bản dịch đã được Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành, phổ biến. Từ đó, chúng ta có bản in tiếng Việt Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh lưu hành hiện nay. Nhân đây, chúng tôi xin nói rõ “nguyên ủy” của bản dịch này như trên để bạn đọc biết được công lao của cụ Trí Hải và để đính chính lại những dòng ghi sai ở trang 4 của cuốn sách thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập I: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978 (dòng thứ nhất: Người dịch là Trí Hải và người hiệu đính là Cao Xuân Huy mới đúng. Dòng thứ 6-8: Cán bộ Ban Hán Nôm phụ trách biên dịch? Phải ghi đúng là biên dịch trên cơ sở bản dịch của cụ Trí Hải do Viện Triết học quản lý bản thảo đầu tiên)”.


Về bản dịch Phật giáo triết học, đây là tác phẩm của tác giả Tiểu Dã Thanh Tú người Nhật Bản, nguyên văn chữ Hán do Thương vụ ấn thư vụ Thượng Hải xuất bản tháng 12 năm 1925 và tái bản tháng 7 năm 1928. Tác phẩm này, Hòa thượng Trí Hải dịch xong trong năm 1971 (dày 180 trang đánh máy chữ nhỏ) nhân bản lưu ở Viện Triết học. Ở Lời dịch giả, Hòa thượng viết:


“Nhận thấy, sách này tuy nhỏ nhưng có sức giúp ích rất lớn cho các học giả, nhất là đối với nước Việt Nam nhà, tuy Phật giáo truyền vào đã ngót 2.000 năm lịch sử, đã góp phần xây dựng bồi bổ cho nền văn hóa nước nhà trở nên hùng mạnh vững chắc, song còn một điều đáng tiếc là kinh điển của Phật giáo hiện còn quá ít, mà phần lớn vẫn hãy còn nguyên Hán văn, phần tiếng Việt lại càng hiếm hơn!


Vì các lẽ trên, nên dịch giả mạo hiểm cố gắng dịch thành tiếng Việt để cống hiến cùng độc giả. Với trình độ hiểu biết có hạn, với khả năng yếu kém vụng về, chỉ biết có nhiệt tâm làm việc quá sức, gánh nặng đường trường, thiếu người giúp đỡ, tất không thể tránh khỏi thiếu sót sai lầm.


Ước mong sẽ được chư quý độc giả, thấy rõ chỗ nào chưa ổn, cũng hoan hỷ chỉ dẫn, đính chính, bổ sung cho được hoàn mỹ, thì công đức thực là vô lượng vô biên”(2).


Giáo dục gia đình – tập thơ song thất lục bát của Hòa thượng Trí Hải


Tập thơ gồm 8 chương:


Chương 1: Khuyên răn, gồm các bài: Cảnh gia đình, Cha khuyên con, Chị ru em, Khuyến hiếu;


Chương 2: Bỏ những tật xấu, gồm các bài: Chớ uống rượu, Chớ hút thuốc phiện, Chớ ham sắc dục, Chớ nên cờ bạc.


Chương 3: Làm các điều hay, gồm các bài: Giữ lễ, Nhân nghĩa, Thanh liêm, Xấu hổ.


Chương 4: Cách sinh sống, gồm các bài: Ăn, mặc, ở, đi v.v…


Chương 5: Luân lý Phật Thích Ca dạy, gồm các bài: Đức Thích Ca, Kinh Thiện Sinh, Cha con, Thầy trò, Vợ chồng, Anh em, Chủ với người làm, Tín đồ với thầy tu, Truyện Phật độ ông già.


Chương 6: Sửa đổi tính xấu, gồm các bài: Đuổi lười, Đuổi dốt của mình, Bạn gái than phiền, Tự hỏi mình, Tự nghĩ.


Chương 7: Cư thân, xử thế, gồm các bài: Sáng dậy, Học tập, Học hành, Đọc sách, Giữ thì giờ, Chớ nghĩ sai, Giữ mình, Ngu si, Sửa lòng, Chớ tham, Cầu lợi chi dùng. Lúc ăn, nói, Cố gắng chăm chỉ, Chớ mơ tưởng, Xử thế, Công dân, Giữ lòng tin, Nghe người nói, Chớ tin bề ngoài, Chớ kiện cáo, Bước chân ra, Gặp bạn, Chọn bạn, Ra đời, Chớ lập dị, Nhớ ơn, Chớ gần người bậy, Chớ mê tín, Chớ dùng vàng mã, Vợ khuyên chồng, Thuận hòa, Danh thơm, Tối đến.


Chương 8: Ngụ ngôn, gồm các bài: Hại về mặt mê tín, Ma tranh của, Lão mưu đa kế, Tham nhỏ bỏ lớn, Lửa với cỏ khô, Chó giả mạo làm sư tử, Giun cá gặp nhau, Nhân nào quả nấy, Chuối ngự với chuối hột, Đê với nước.


 Nội dung tác phẩm không phải là những bài phân tích, giải thích giáo lý Phật giáo một cách chi li mà là ngót 70 bài thơ với những vần thơ nhẹ nhàng, gần gũi, rất đời thường, thích hợp với mọi lứa tuổi. Đó là những bài học ngắn nhưng rất cơ bản nhằm giúp người đọc tu thân, đối nhân xử thế, giữ đúng đạo đức truyền thống của Phật giáo và của dân tộc(3), thể hiện rõ nét tư tưởng Phật giáo nhân gian, gắn đạo với đời của Hòa thượng.


 Giáo dục gia đình là một cuốn sách hay về luân lý đạo đức lại dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người nên được rất nhiều người tìm đọc, đã được tái bản tới 8 lần với ngót 30.000 bản.


Quyển sách Phật giáo Việt Nam


Do nhân duyên và một chút may mắn, tôi có trong tay bản đánh máy Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Trí Hải mà Thượng tọa Thích Thanh Giác cũng như GS. Chương Thâu đều cho rằng “cuốn sách đã bị thất lạc lâu rồi”.


 Tôi vốn không hiểu sâu về giáo lý đạo Phật nên chỉ giới thiệu bố cục, nội dung sơ lược tác phẩm này của Hòa thượng để quý vị độc giả gần xa nắm được tư tưởng và tình cảm cũng như ước nguyện của Hòa thượng đối với Phật giáo nước nhà khi non sông thu về một dải.


 Hòa thượng Trí Hải viết xong Phật giáo Việt Nam vào ngày 8 tháng 12 năm Ất Mão (tức ngày 8-1-1976) sau gần 1 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Nội dung cuốn sách gồm:


Thư ngỏ thay Lời nói đầu;


Phần Tựa: 12 trang (1-12);


Phần Chỉnh lý: 63 trang (13-75);


Kết luận: 5 trang (75-79)


Phụ lục Tiểu sử Hòa thượng Tuệ Tĩnh (79-113)


Giới thứ 5: Không nên uống rượu (114- 21)


Đề án “Tổ chức nghiên cứu Phật giáo của Hội Phật giáo Việt Nam” (121 -129);


Truyện con bỏ cha, sau gặp lại (130-132)


Trước tiên, xin giới thiệu với quý vị độc giả nguyên văn thư ngỏ:


Việt Nam Dân chủ Cộng hòa


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Thư ngỏ


Thay Lời nói đầu


THƯ TRÌNH BÀY Ý KIẾN


Kính gởi:  – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Hà Nội)


– Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (Hà Nội)


– Ban Tổng Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam


Kính thưa liệt quý vị!


 Tôi, Thích Trí Hải 70 tuổi. Trước ở chùa Quán Sứ (Hà Nội). Hiện nay ở chùa Phật giáo, số 193 phố Hai Bà Trưng, Hải Phòng.


 Trân trọng kính gửi Thư lên xin phép chư quý vị cho tôi được trình bày chút ý kiến nhỏ mọn như sau:


 Vì mừng thấy nước nhà đã hoàn toàn giải phóng. Cả hai miền Nam, Bắc.


 Vì được tin cả hai miền đều đã cử phái đoàn họp hội nghị bàn việc hoàn thành thống nhất đất nước.


 Vì nhớ Chỉ thị số 88 của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 20 tháng 4 năm 1973.


 Chúng tôi cũng như tất cả toàn dân không ai là không vui mừng. Không thể tả xiết nỗi vui mừng này. Nhận thấy toàn dân ai cũng đều có bổn phận và mong được đem hết sức mình góp phần vào kiến thiết bảo vệ đất nước, làm cho đất nước trở nên tươi đẹp giàu mạnh. Nhân dân đều được sung sướng đời đời…


 Nhớ lại kinh điển sử sách, nói về Phật giáo thấy có rất nhiều điểm phù hợp với tinh thần dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mong muốn các Phật tử trong giới Phật giáo nước nhà cũng được góp phần vào việc quang vinh này. Tôi xin trình bày chút ý kiến thô thiển, có viết thành cuốn sách nhỏ, nhan đề Phật giáo Việt Nam. Xin kính gửi lên, ước mong được quý vị xét và thứ lỗi cho những điều lẩm cẩm, lỗ mãng và chỉ bảo cho những sự thiếu sót sai nhầm, thì tôi được cám ơn.


                                                                                      Nay kính gởi


Hải Phòng, ngày kỷ niệm Phật thành đạo (8.12 Ất Mão) 1975


Sa môn: Thích Trí Hải – Chùa Phật giáo Hải Phòng


 (1) Đúng ra là bản Khóa hư lục (bản của chùa Quất Du, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang in năm 1850) trong Việt Nam Phật điển tùng san do Hội Phật giáo Bắc Kỳ (được Viện Viễn Đông Bác Cổ tài trợ) năm 1940 giao cho Thúc Ngọc Trần Văn Giáp và Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha lo việc sưu tập và khắc ván. Tháng 6 năm 1943, Đuốc Tuệ in 3.000 bộ, Viện Viễn Đông Bác Cổ biếu lại Hội 200 bộ.


(2) Giáo sư Chương Thâu: Tham luận tại Hội thảo “Sa môn Trí Hải và Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”, ngày 27 tháng 6 năm 2006 tại Hà Nội.


(3) Trích tham luận “Nhân gian Phật giáo” của Thượng tọa Thích Giác Toàn tại Hội thảo “Sa môn Trí Hải và Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, ngày 27 tháng 6 năm 2006.


Phần Tựa sách Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Trí Hải dài trên 11 trang.  Mở đầu, tác giả kể lại câu chuyện 40 năm trước (1937) ông cùng Thượng tọa Thích Mật Thể sang Trung Quốc tham học Phật pháp, gặp các sư Trung Quốc hỏi hai vị người ở đâu, ông đáp là ở Việt Nam, bị hỏi lại: Việt Nam ở đâu nhỉ, là Pháp quốc có phải không?


– Không, không, Việt Nam là Việt Nam, Pháp quốc là nước Pháp!


– À, à! Việt Nam là Trung Quốc ngày xưa, có phải không?


– Không đúng, đều không đúng. Nếu Việt Nam là Pháp quốc hay Trung Quốc sao không gọi là Pháp quốc hay Trung Quốc, mà lại gọi là Việt Nam! Có chăng Việt Nam ngày xưa bị Trung Quốc đô hộ, ngày nay bị Pháp quốc xâm lấn mà thôi.


Và, ngài tâm sự: thật không còn gì nhục bằng nhục mất nước. Mất nước không những mất hết tất cả tự do hạnh phúc và mọi người đều mất hết tất cả tự do hạnh phúc, mà mọi người đều mất hết quyền lợi hạnh phúc mà cả đến cái tên nước cũng bị mất hết, không còn ai biết đến. 


Hòa thượng hết sức phấn khởi “ngày nay cũng với đất nước non sông này, có thể nói khắp thế giới loài người nói đến hai chữ Việt Nam không ai là người không biết tới. Không ai là người không ca ngợi là anh hùng. Công ơn vinh dự lớn lao này, chính do nhờ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo tài tình, hướng dẫn toàn dân kháng chiến chống ngoại xâm, nên mới đưa được dân tộc Việt Nam lên tới đài vinh quang hạnh phúc như ngày nay… nói đến dân tộc tất nhiên trong đó có Phật tử chiếm một phần đông dân số cũng được hưởng chung phần hạnh phúc vinh quang cao quý đó, cùng được vinh dự đứng trong dân tộc được thống nhất hoàn toàn sẽ tiến lên XHCN làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, nhân dân sung sướng no ấm… chính cũng là nghĩa vụ của toàn dân, ai ai cũng đều có trách nhiệm, có bổn phận đem hết sức mình ra góp phần vào sự nghiệp vinh quang vĩ đại này nói chung”. Sau khi điểm qua tình hình Phật giáo của các nước Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan… Hòa thượng ôn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam lúc cực thịnh dưới thời Lý-Trần đến thời Nguyễn mạt pháp(1). Tuy không trị nước, nhưng Phật giáo Việt Nam lúc nào cũng phát huy được tinh thần giữ nước, bất cứ thời đại nào bị giặc ngoài xâm lấn, thì trong hàng Phật tử đều có nhiều người đoàn kết sát cánh cùng toàn dân đóng góp vào công cuộc chống xâm lăng, làm cho quân thù phải khiếp sợ. Truyền thống yêu nước ấy được giữ vững cho tới thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ ngày nay.


Bây giờ, đất nước đã thống nhất, chắc chắn Phật giáo hai miền cũng phải thống nhất, Phật giáo cần có những chỉnh lý sao cho phù hợp với tình hình mới.


Phần II cuốn sách tiêu đề Chỉnh Lý, Hòa thượng đề ra việc chỉnh lý Tăng Ni và chỉnh lý chùa cảnh.


Chỉnh lý Tăng già


Tác phẩm vừa nêu của Hòa thượng đã chỉ rõ, do hoàn cảnh chiến tranh nên Phật giáo miền Bắc bị hẫng hụt về đội ngũ Tăng sĩ, nên mỗi tỉnh có từ 4-500 chùa mà chỉ còn vài trăm vị Tăng Ni, không thể đảm đương gánh vác. Vị nào quy Tây là hết, chùa trở thành chùa bỏ không, không có người trụ trì nữa và nếu mãi như thế này thì tình hình Phật giáo sẽ đi đến chỗ diệt vong. Nhiều Tăng Ni do không được đào tạo, sự tu (giữ giới luật, nắm vững kinh luật luận) kém, lại không tự học nên không truyền bá được đạo pháp mà dẫn đến mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng uy tín của đạo Phật. Như vậy làm sao mà thu hút được tín đồ.


Hòa thượng cho rằng vấn đề chỉnh lý Tăng già tại các chùa trong lúc này là: “đã định nuôi ai cho xuất gia cần phải theo như Phật tổ đã dạy trong các kinh luật. Định làm thầy độ cho người thì mình phải có đủ tài (của) Pháp hành và duy trì đạo pháp. Nhất là bản thân mình phải có đủ để biết đường tu hành và dạy bảo cho người mới xứng là thầy thì người có hảo tâm cầu đạo mới đến làm đệ tử, những người có lòng muốn tu đạo thì không phải là người chỉ vì cơm áo hay vì ruộng vì vườn, vì nhà, vì chùa to cảnh lớn mà tới chùa. Muốn ăn quả cam lại đi trồng cây bồ hòn, tất không bao giờ được ăn quả ngọt cả. Chính là theo lý nhân quả của Phật dạy”. Hòa thượng đề xuất Hội Phật giáo Việt Nam nên có biện pháp tổ chức học tập, ra tạp chí Phật giáo, mở thư viện… để thu hút và nâng cao trình độ đội ngũ Tăng già.


Chấn chỉnh chùa cảnh


Theo tác giả, thời Lý-Trần, chùa là trung tâm văn hóa của quốc dân, ngày nay hầu hết đã biến tướng. Trừ những nơi danh lam cổ tích, còn hầu hết có thể nói là chỉ còn cái tên gọi là chùa, còn hình thức và tinh thần cũng chẳng còn mấy nữa. Tác giả sao nguyên văn Chỉ thị số 88 – TTg do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký ngày 26 tháng 4 năm 1975 về việc chấp hành chính sách đối với việc bảo vệ các chùa thờ Phật và đối với Tăng Ni. Vậy nên chấn chỉnh chùa cảnh như thế nào, chấn chỉnh để làm gì cho hiện nay cũng như mãi mãi về sau này làm cho ích quốc lợi dân thật sự chứ không phải chỉ bảo tồn làm nơi cho khách tham quan. Theo ý Hòa thượng, các chùa nên mở vườn trồng các cây thuốc, vừa làm cảnh vừa lấy dược liệu, các sư cũng cần nên học thuốc để làm việc cứu dân độ thế như cụ Tuệ Tĩnh đã làm.


Hòa thượng đề xuất:


– Mở mang khu Yên Tử: Lúc ban đầu Phật giáo chỉ cần đầu tư vào để xây dựng đướng sá, chùa… sau khi đã thành cơ sở vững chắc, cần tăng gia sản xuất thu hoa lợi. Cộng với số thập phương thiện tín cúng dàng hàng năm, có thể tiếp tục mở mang ngày càng rộng mãi ra. Ngài cho rằng: thiết tưởng cũng không phải là sự không làm được.


– Đối với chùa Hương Tích: tất cả các chỗ bỏ hoang đều trồng các thứ hoa mùa nào hoa ấy. Lúc nào khách đến tham quan cũng trông thấy đủ mọi màu sắc của hoa, thưởng thức mùi của hoa thơm cỏ lạ. Ở đây cũng nên phát triển trồng mơ và các cây thuốc. Đường lên chùa có suối, hai bên suối có núi thì ở những vách đá hai bên đường đi vào các chùa có thể bạt phẳng để viết những câu kệ hoặc châm ngôn hay biểu ngữ. Tỷ như câu: “Phụng đạo yêu nước là bổn phận của các Phật tử chân chính”.Biết ơn nước ơn dân là bổn phận chính của các Phật tử”… để khách đi qua trông vào vừa đi vừa ngẫm nghĩ về ý nghĩa các câu ấy để tu sửa thân tâm. Hay viết: Nam mô A Di Đà Phật để nhắc nhở mọi người trông thấy khởi tâm niệm Phật.


Đối với các chùa nhỏ cũng vậy, phải kiên trì và xác định: “Nếu như xem việc làm chùa là làm chỗ riêng của một vị nào đó và khư khư chiếm giữ thì có thể khó khăn. Nhưng ở đây phải xác định là làm cho toàn thể Phật giáo, làm cho đất nước trở nên tươi đẹp giàu mạnh, làm cho đạo Phật trở nên hưng thịnh (trong kinh gọi là trang nghiêm Phật độ) thì Phật tử trong nước ai nghe biết mà không hoan hỷ, không hưởng ứng một khi Chính phủ cho phép”. Những điều vừa nêu lại một lần nữa cho ta thấy tâm huyết đối với sự tồn tại và phát triển của nền Phật giáo nước nhà cũng như tư tưởng Phật giáo nhân gian của Hòa thượng Trí Hải. 


Ở phần Kết luận, tác giả mong muốn sau khi thống nhất Phật giáo Bắc Nam, Tăng già phải bầu ra các chuyên ban để làm việc. Ngài đề nghị Ban Giáo lý cùng với Ban Nghiên cứu và Hoằng pháp hoạch định rõ chương trình biên soạn, biên dịch kinh điển phải thực hiện 3 mục lớn sau: Lịch sử đạo Phật và Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Phần nghi lễ: thống nhất các ngày lễ trong đạo Phật và nghi thức hành lễ (in vào một tập Nhật tụng cho toàn thể Phật tử cùng theo). Ban Giám luật nghiên cứu các luật Phật soạn thành Bộ luật của Phật giáo Việt Nam để cho Tăng Ni biết lối hành đạo; mục thứ ba là về giáo lý: theo Hòa thượng: Phật giáo Bắc tông “nên theo Thiền tông Yên Tử, tông Tịnh Độ (phổ biến, dễ dàng hơn) hoặc tông Duy Thức (thích hợp với khoa học hơn nhất là Tâm lý học, phân tích rất khoa học, từng chi tiết rành mạch công phu), nếu thống nhất thì chỉ tập trung nghiên cứu soạn dịch các kinh điển trong ba tông này. Các tông khác chỉ tham khảo cho biết”. Ngài rút ra: “Muốn tu học theo Phật pháp có tới vô lượng pháp môn, vô lượng phương pháp nhưng không ngoài hai yếu tố chính là Phúc và Tuệ cộng với Giới, Định, Tuệ là chính. Phương pháp thì thế nhưng nếu không được thực hành thì phương pháp dù hay mấy cũng chỉ như đơn thuốc hay đến đâu mà người bệnh không chịu dùng cũng không có tác dụng chi hết! Trong Phật gọi là Hành giải tương ứng nghĩa là việc làm với sự hiểu biết phù hợp nhau, tức là giác hành viên mãn, là thành Phật”.


Thực ra có thể coi Đề án Tổ chức nghiên cứu Phật học của Hội Phật giáo Việt Nam là một tác phẩm riêng của Hòa thượng Trí Hải. Có lẽ để liền một mạch với chuyên đề Phật giáo Việt Nam mà ngài ghép Đề án vào cuốn sách này chăng?


Lý do có thể xuất phát từ ba điểm:


1. Đạo Phật là một đạo cứu nhân độ thế, cứu người giúp đời;


2. Phật giáo Việt Nam là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, là tôn giáo yêu nước đã có truyền thống từ lâu đời, đến nay vẫn được giữ vững và phát huy;


3. Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nói chung không mâu thuẫn với CNXH, có điều kiện được phát huy.


Từ trang 121-129, Hòa thượng trình bày Đề án tổ chức nghiên cứu Phật học của Hội Phật giáo Việt Nam, với mục đích yêu cầu sau:


– Giúp Tăng Ni và cư sĩ hiểu được những vấn đề cơ bản trong giáo lý đạo Phật một cách có hệ thống, qua đó mà hiểu được phụng đạo là yêu nước, yêu nhân dân, yêu hòa bình. Người tu đạo là người sống vị tha lấy đó làm lẽ sống của mình, coi đó là lý tưởng cao cả của mình;


– Đoàn kết với Tăng Ni và đạo hữu miền Nam trên tinh thần Lục hòa, cùng nhau nghiên cứu giáo lý đạo Phật theo con đường chính tín, bài trừ mê tín dị đoan;


– Đối với Phật giáo thế giới – tìm hiểu về Phật giáo các nước trên thế giới, cùng nhau nghiên cứu, học tập có chọn lọc và kế thừa.


Tác giả đề ra nội dung nghiên cứu Phật học của Hội Phật giáo Việt Nam gồm:


a) Về sáng tác biên soạn:


– Giáo lý đạo Phật;


– Lịch sử Phật giáo;


– Phương pháp tu dưỡng của đạo Phật;


– Văn học, nghệ thuật, kiến trúc v.v…


b) Về xuất bản phát hành:


– Ra tập san Phật giáo;


– In một số kinh sách cần thiết.


c) Viết những bài, những tài liệu thường thức về đạo Phật, nhan đề:


– Tọa đàm với các vị Tăng Ni;


– Nói chuyện với các cư sĩ và các đạo hữu một cách rộng rãi;


– Đăng báo và qua đài phát thanh;


– Trao đổi với nước ngoài.


d) Biên dịch: