Trang chủ Thời đại Tìm về Minh Triết Việt Nam

Tìm về Minh Triết Việt Nam

61

Ngô Thời Sĩ phân biệt “đạo lý thánh hiền” và “đạo lý đời thường”: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”.

Trên đại thể, minh triết là đạo lý đời thường. Đạo lý này có tính chất đời thường vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người.

Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết.

Trong tiểu luận “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây” (1960), Kim Định đề nghị ước lệ phân biệt 3 ý niệm: triết lý, minh triết, và triết học.

Trước đây vẫn lưu hành một thành kiến cho rằng chỉ phương Tây mới có triết lý, phương Đông có tư tưởng, có Đạo học, có minh triết… nhưng không có triết lý.

Với một cách ước định riêng thuật ngữ “triết lý”, Kim Định khẳng định: có triết lý phương Tây và có triết lý phương Đông ngay từ thời cổ đại và trung đại.

Trào lưu minh triết

Từ những năm cuối thế kỷ 20, ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có một trào lưu phục hưng minh triết ngày càng rộng lớn, nhằm trả lại cho minh triết địa vị và vai trò xứng đáng của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Chỉ cần mở trang Web “Wisdom Page” (Trang Minh triết) là có danh sách hàng trăm tiểu luận và công trình về Minh triết được giới thiệu nghiêm túc, có hệ thống, phân tích cặn kẽ.

Đã xuất hiện những trường Đại học Minh Triết (Wisdom University), mà riêng bang California có vài ba trường như vậy.

Tiêu biểu nhất là Đại học Minh Triết có trụ sở ở San Fransisco, được thành lập năm 1996, chỉ đào tạo trên đại học (MA và PhD), đối tượng đào tạo của Trường là “những người đã có trình độ nghiệp vụ chín chắn muốn đặt mình vào một văn cảnh sống và học tập rộng lớn hơn”.

Môn học nghiên cứu “trí tuệ bản địa”: (indigenous mind) được đặc biệt coi trọng, coi con đường cứu nguy cho nhân loại hiện nay là “đem những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại hòa vào tri thức, minh triết và những lề lối thực hành lành mạnh về sinh thái của những nhân dân bản địa và truyền thống”.

Một vài ví dụ

Trong quá trình tìm kiếm, tôi gặp một vài ví dụ, như thời bom Mỹ, láng giềng với hộ của tôi có một cháu bé hơn mười tuổi, học lớp 3, một lần đi sơ tán về, cháu nói với tôi: “Bác ạ, mình cứ nói người nhà quê ra Hà nội thì đần, cháu thấy người Hà nội về nhà quê cũng đần. Hôm đầu, cháu chịu, không biết làm thế nào để rửa chân, mãi mấy hôm sau cháu mới biết cách.”

Câu nói của cháu làm tôi sửng sốt… Đây là một nhận xét minh triết.

Tôi từng đọc một công trình rất hay về vấn đề tư hữu, nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc đến câu của Balzac được tác giả trích dẫn: “Người mà không có gì là kẻ không ra gì”. Câu của Balzac là minh triết.

Tôi có hỏi Nguyên Ngọc về minh triết các dân tộc Tây nguyên, anh dẫn một câu “xanh rờn” từ một bản trường ca: “Đàn ông là sấm, đàn bà mới là sét

Hôm vừa rồi, đến thăm chùa Quang Ân (Hà Đông cũ) tôi thấy một bức trướng ghi lại 14 lời khuyên của Phật, do Thượng tọa Kim Cương Tử sưu tầm.

Câu đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Câu cuối cùng: “An ủi lớn nhất đời người là làm bố thí”.

Mười bốn câu, câu nào cũng hay. Tôi nghĩ bụng giá như học sinh của chúng ta ngay trên ghế nhà trường đã được học những câu này, những ý nghĩ minh triết giản đơn, không bao giờ cũ.

Trí-nhân-dũng bộ ba phẩm giá này hết sức quen thuộc với chúng ta, có thể xem đây là lý tưởng của minh triết.

Thử tìm định nghĩa

Những biểu hiện của minh triết có tính chất tổng thể: vừa là chân, là mỹ, là thiện; vừa là tri thức, là kinh nghiệm; vừa là trí tuệ, là tâm hồn, là ý chí; vừa là vốn sống, lối sống, phương pháp tư duy…

Chuẩn bị cho một định nghĩa thấu đáo và đầy đủ hơn về minh triết, tôi thử đưa ra mấy nét đặc biệt của minh triết như là nhận thức và lối sống: 1) Minh triết gắn với nghiệm sinh, 2) Minh triết quan tâm đến sự cân bằng, hài hoà, 3) Minh triết thể hiện trong lối sống.

Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi. Nói một cách khác, sự khôn ngoan của minh triết thường gắn với những giá trị hướng thượng, hướng thiện. Hẳn hoi là một từ rất Việt mà chúng tôi chưa tìm được ở những ngôn ngữ khác từ tương ứng.

Trong xã hội Việt Nam, ở mọi nơi mọi thời, người hẳn hoi bao giờ cũng được nể trọng. Hẳn hoi có gốc rễ ở những đức tính phổ quát: đó là sự hướng thiện, sự “liêm chính”.

Nhìn chung sự hẳn hoi của con người không ở ngoài bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính” của cụ Hồ.

Minh triết văn hóa Việt có nhiều nguồn, mà trong thời đại Hồ Chí Minh, minh triết Hồ Chí Minh với sức thấm sâu, lan tỏa rộng trong lòng dân, xứng đáng là một nguồn trung tâm trong đa nguồn minh triết Việt.

Con đường hội nhập

Minh triết trong vốn trí tuệ và tâm linh của chúng ta không tách rời minh triết nhân loại bao gồm minh triết của nhiều nền văn minh, nhiều khu vực văn hóa, tôn giáo.

Ngay trong bản thân minh triết lưu hành ở Việt Nam có thể tìm thấy nhiều vết tích vang vọng của minh triết những nền văn hoá, văn minh khác.

Người Việt không thể không tìm hiểu minh triết của những nền văn hoá khác.

Công việc này giúp chúng ta thấy được rõ hơn, tinh tế hơn bản sắc riêng của mình, đồng thời thấy được tính phổ quát của minh triết, thấy được cái chung giữa ta và người.

Cũng có thể xem đây là một sự chuẩn bị tinh thần đi vào con đường hội nhập.

GS. TS. Hoàng Ngọc Hiến là chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt tại Hà Nội, nơi đang chuẩn bị hội thảo chuyên đề về Minh Triết Việt vào ngày 22 tháng Chín năm 2009. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả