Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Tinh Thần báo hiếu Tứ Ân trong mùa Vu Lan

Tinh Thần báo hiếu Tứ Ân trong mùa Vu Lan

83

Ý thức sâu sắc tinh thần mọi người, mọi việc đều tồn tại hỗ tương theo thuyết tương quan tương duyên trong pháp giới như  Phật đã dạy, việc báo hiếu và báo ân là điều tất yếu của người con Phật


Trên tinh thần biết ơn và báo đáp bốn trọng ân nói trên, chúng ta nhận thấy rõ đạo Phật tồn tại ở Việt Nam lâu dài chính là nhờ công ơn to lớn của những nhà truyền giáo Aán Độ, Trung Hoa đã đưa Phật giáo vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Trong số các vị Tổ sư truyền giáo, không ít những vị xuất thân từ dòng dõi qúy tộc hay vua chúa. Các ngài đã hết lòng vì đạo mà hy sinh quyền lợi thế gian, sống rất đạm bạc, thậm chí không màng đến thân mạng các ngài, chỉ vì mục đích duy nhất là mang đạo pháp của Đức Thế Tôn truyền bá khắp thế giới, trong đó có nước Việt Nam chúng ta.


            Thật vậy, lịch sử của dân tộc Việt Nam đã từng ghi nhận sự kiện các bậc Tổ sư tiền bối trên bước đường hoằng pháp lợi sinh đã luôn luôn gắn chặt thân mạng với sự sống còn của dân tộc Việt Nam, mới tạo nên những trang sử vàng son của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ Hùng Vương lập nước, cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và đến thời kỳ dựng nước của Lý Nam Đế. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ thời kỳ nào, chúng ta cũng thấy xuất hiện những vị cao tăng tài năng đức hạnh đã cống hiến toàn tâm toàn trí cho đất nước, dân tộc chúng ta. Và đẹp nhất là sự đóng góp cao độ, lợi ích thiết thực của Phật giáo cho đất nước, dân tộc, đã từng thể hiện một cách đặc sắc ở các thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần. Tuy nhiên, trong thời kỳ dân tộc ta bị mất nước, bị nô lệ và Phật giáo cũng bị rơi vào tình trạng đen tối, thì thực sự mà nói, các nhà sư cũng vẫn giữ được vai trò gắn bó với dân chúng và giữ gìn Phật giáo tồn tại ở một khía cạnh nào đó. Thật vậy, chúng ta thấy rõ rằng có lúc Phật giáo phát triển mạnh, được vua chúa và giới trí thức kính nể, cũng có lúc đạo Phật âm thầm lặng lẽ chỉ hiện hữu qua hình bóng những nhà sư quê mùa, chất phác chỉ làm một việc đốt nhang, giữ chùa cho người dân sớm hôm có chỗ lui tới cầu nguyện để nuôi dưỡng hy vọng một ngày mai tươi sáng cho đất nước, con cháu họ. Đó cũng là một cách thích nghi tương ưng mà đạo Phật đã gắn bó với dân tộc.


            Mùa Vu Lan về, nhớ nghĩ đến quá trình gắn bó lịch sử của đạo Phật trên đất nước chúng ta, cũng là nhớ ơn Tam bảo, trong đó có Phật là đấng Thế Tôn đã khai sáng con đường giải thoát giác ngộ cho chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi. Tiếp nối ngọn đuốc soi đường của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, các vị Tổ sư truyền giáo đã hiến dâng cuộc đời cho việc truyền bá giáo pháp Phật Đà hiện hữu khắp nơi, nhờ đó chúng ta mới biết giáo lý để phát huy tâm linh, thăng hoa tri thức, đạo đức. Ơn Tam bảo là ơn trọng đại nhất mà người tu hành theo Phật tất yếu phải ghi tâm khắc cốt.


            Kế đến là ơn đồng bào, đất nước. Nước Việt Nam chúng ta trải qua lịch sử thật dài từ thời kỳ các vua Hùng lập quốc cho đến ngày nay tính ra đã hơn 4000 năm, từng thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu để chúng ta có được đất nước độc lập như ngày nay. Điều đáng nói là hiện nay cả thế giới đều muốn làm bạn với Việt Nam, kể cả 5 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có những nước trước kia thù nghịch với ta, nhưng nay cũng muốn kết thân. Hãnh diện đó chúng ta có quyền nghĩ đến và cũng gợi nhắc chúng ta nhớ nghĩ đến công ơn to lớn vô cùng của chư vị tiền bối, của quốc dân đồng bào qua bao thế hệ nối tiếp đã đổ mồ hôi và xương máu cho việc xây dựng một quốc gia Việt Nam độc lập, ngày nay có vị trí ngang hàng với các dân tộc bè bạn trên thế giới.


            Chúng ta có một lịch sử đất nước lâu dài như vậy, nhưng nếu ta không mang thân người, thì cũng không thể hưởng được thành quả này. Nhờ có cha mẹ cho chúng ta hình hài thân xác của con người và suốt đời hy sinh, tận tụy nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta thành tài, cho chúng ta những hiểu biết tốt đẹp, cách sống lợi ích cho bản thân, cho xã hội. Vì vậy, đối với người đệ tử Phật, ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng là một trong bốn ơn sâu nặng cần ghi nhớ và báo đáp.


            Sau cùng là nhờ ơn thầy dạy dỗ, chỉ lối đưa đường cho chúng ta đi đúng và ơn giúp đỡ của bạn bè trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, chúng ta mới có được sự thành đạt vẻ vang ngày nay.


            Nói chung, Đức Phật dạy chúng ta làm người thì phải nhớ nghĩ đến tất cả công ơn mà mình được thụ hưởng; nhưng đặc biệt có bốn ân sâu nặng mà chúng ta luôn ghi tạc trong tâm và luôn tìm cách trả ơn bằng những cách thiết thực hữu ích.


            Đối với người đã qua đời, ngoài việc cầu nguyện cho họ được tái sinh về cảnh giới an lạc; còn có một việc nữa quan trọng để trả ơn những người này là chúng ta cũng làm những việc tốt đẹp, lợi ích như những bậc tiền nhân đã làm cho chúng ta. Thể hiện tinh thần này, Đức Phật dạy rằng lo cho người thuộc thế hệ kế tiếp chính là cách đền ơn người trước một cách thiết thực nhất. Chúng ta làm thế nào xây dựng con cháu, những người trẻ thuộc thế hệ tương lai có được đời sống tri thức, đạo đức và việc làm lợi ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước giống như các bậc tiền nhân đã xây dựng cho ta hưởng thành quả ấy. Làm như vậy là đã báo đáp công ơn một cách hữu hiệu nhất đối với người đã nằm xuống.


            Ngày Vu Lan cũng gần với ngày lễ kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ. Họ đã hy sinh hạnh phúc gia đình, từ bỏ quyền lợi cá nhân và cả một phần thân thể, xương máu của họ để cuộc sống của chúng ta hôm nay được an lạc. Hy sinh to lớn ấy đã dành cho chúng ta, chắc chắn là việc làm vô cùng cao qúy mà chúng ta cần nhớ nghĩ và đền đáp thiết thực. Thể hiện tinh thần biết ơn và báo ơn trong mùa Vu Lan, chúng tôi kêu gọi Tăng Ni Phật tử bằng mọi cách tỏ lòng kính trọng, an ủi, giúp đỡ những thương binh, gia đình liệt sĩ vượt qua cuộc sống khó khăn trong đời thường, ngõ hầu xoa dịu phần nào những hy sinh mất mát của họ cho cuộc sống an bình của chúng ta.


            Tóm lại, trong mùa Vu Lan Phật lịch 2546-2002, Tăng Ni Phật tử nên cầu nguyện cho người quá vãng được về thế giới an lành. Ngoài ra, tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các bậc tiền nhân, chúng ta nên thực hiện những việc làm có nhiều lợi ích thiết thực cho lớp người kế tiếp. Với cha mẹ, ông bà, chúng ta cần phụng dưỡng về vật chất lẫn tinh thần, hướng bậc sinh thành ra mình đến con đường thánh thiện. Và đối với những người đang gặp khó khăn vì đã hy sinh cho đất nước, dân tộc, chúng ta cần an ủi, giúp đỡ họ thăng hoa trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó là phương cách báo đáp bốn trọng ân của hàng đệ tử Phật.