Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Trước thềm HT Hoằng pháp 2011: Hoằng pháp tốt hơn để không...

Trước thềm HT Hoằng pháp 2011: Hoằng pháp tốt hơn để không còn PT theo mùa

83

Lễ Phật tháng giêng, đó không phải là một cuộc chơi, mà là sự nhiệt tình, thành tâm, tín ngưỡng tuyệt đối. Cứ nhìn người dâng hương ngước lên bàn thờ Phật thì không thể nghi ngờ gì tín tâm của họ khi lễ chùa ngày xuân.

Nhưng chỉ mùa xuân, tháng giêng, còn các mùa khác thì Phật tử biến đi đâu mất hết!

Phải chăng số đông người đó chỉ là Phật tử theo mùa?

Đề cập đến vấn đề này, tôi xin kể một câu chuyện khá điển hình kiểu Phật tử theo mùa như sau:

Có lần, tôi cùng một vị sư trụ trì đứng ở sân một ngôi chùa ven sông. Một chiếc ghe chở một đám thanh niên, dường như có người đã say rượu, nhưng cả người say lẫn người còn tỉnh đều thi nhau mà trêu chọc vị sư bằng những lời lẽ khiếm nhã, tục tằn, hỗn hào. Có người còn ném với một vật gì đó về hướng sân sau nhà chùa.

Tôi rất bất bình, nên hỏi thầy “Họ theo đạo nào vậy?”

Thầy trả lời, mà ban đầu tưởng như đùa: “Đạo Phật!”

Quả nhiên, tết đến, tôi thấy không ít khuôn mặt trong đám thanh niên trêu thầy hôm đó  đi lễ Phật, cũng thành kính như bao tín đồ khác.

Đến ngày cúng sao, lại gặp họ quỳ đội sớ hàng giờ, cúng lễ vật trị giá có đến hàng trăm ngàn đồng.

Sang mùa khác họ lại là những người, mà nhìn vào không biết theo đạo nào?

Hiện tượng như thế có lẽ chỉ có đạo Phật ta. Thông thường, hết tết là số đông người hết…Phật tử. Đó là chuyện bình thường. Còn bất thường, quá đà, thì như đám thanh niên kia, trêu ghẹo cả nhà sư trụ trì để làm vui.

Tại sao như vậy?

Phải chăng, vấn đề là ở bản chất tự do phóng khoáng, cởi mở của đạo Phật?

Có người giải thích đó là vì căn cơ chênh lệch nhau, dẫn đến hiện tượng có Phật tử thuần thành lễ chùa, cả năm cúng bái, có Phật tử lễ chùa cúng bái… một tháng!

Phải chăng, đó là vì Phật giáo chúng ta làm công việc hoằng pháp chưa tốt, đến nảy sinh hiện tượng Phật tử theo mùa như vậy?

Sau tháng giêng, chùa không còn giữ chân được họ, trong họ không còn nhu cầu tín ngưỡng nữa, mà phải chờ đến tết năm sau.

Có bao giờ chúng ta đặt vấn đề này ra không? Tại sao chừng ấy Phật tử tháng giêng không còn là Phật tử tháng tư mùa Phật đản, Phật tử tháng Bảy mùa Vu lan, Phật tử tháng Chạp mùa Thành đạo, và Phật tử cả năm?

Mà chỉ mỗi một tháng Giêng?

Chúng tôi nghĩ rằng không thể xem vấn đề này là bình thường đối với đạo Phật Việt Nam. Tháng Giêng, mọi người đều là Phật tử thuần thành, tín tâm, mộ đạo.

Không ai cải đạo được họ. Nhưng mười một tháng còn lại, tín tâm biến mất, họ trở thành đối tượng dễ dàng cải đạo. Tình trạng 11 tháng còn lại đó, họ có phải là Phật tử không, thật khó trả lời!

Theo tôi, mục tiêu cụ thể của việc hoằng pháp là chuyển dần số Phật tử 1 tháng này thành Phật tử 12 tháng, xóa 11 tháng không Phật tử của họ.

Thật đáng buồn, vì họ chỉ có 1 tháng Phật tử, nhưng cũng thật đáng mừng, vì vẫn còn 1 tháng Phật tử. Điều này không mâu thuẫn chút nào hết, nếu nhìn với cái nhìn nhân duyên của đạo Phật.

Tuy chỉ có một tháng, nhưng nhân lành Phật tử đã có trong một số người vô cùng đông đảo.

Nếu quý tăng ni Phật tử không khéo chuyển hóa, 11 tháng còn lại sẽ trở thành thời gian mà số Phật tử 1 tháng trở nên thối thất, dễ bị cải đạo.

Còn nếu quý tăng ni Phật tử thuần thành khéo chuyển hóa, sách tấn họ, thì 11 tháng còn lại đó là mảnh đất mênh mông để ươm mầm hạt giống Phật giáo, mà một số đông người đã có trong ngày tết, tháng giêng.

Chắc chắn quý thầy, quý cô đều muốn 11 tháng trong năm nhà chùa cũng đều tấp nập người lễ bái, chứ không chỉ là mỗi một tháng giêng.

Vì vậy, việc nỗ lực, sách tấn số Phật tử đã có duyên một tháng là điều hết sức cần thiết và có thể chuyển biến họ dần dần.

Vì nhân tin Phật trong số đông đã có.

Phương cách thì có rất nhiều, chúng ta đã và đang đề cập.

Bài viết này chỉ xin dừng lại ở mức độ lưu ý một hiện tượng không bình thường và kêu gọi giải quyết nó .

MT