Trang chủ Thời đại Từ bảy bước chân thị hiện đến cuộc dấn thân nhập thế

Từ bảy bước chân thị hiện đến cuộc dấn thân nhập thế

71

 

Từ nền tảng này của một tôn giáo được thế giới nhìn nhận là một tôn giáo tốt đẹp, vĩ đại nhất, nhìn sang một mặt khác của cuộc đời, đó đây vẫn còn đói khổ, chiến tranh loạn lạc, thiên tai khắc nghiệt, thậm chí xung đột vì sắc tộc và tôn giáo, chúng ta mới cảm nhận được phúc báu vô vàn to lớn được thừa hưởng từ chính ánh sáng giáo pháp của đức Bản sư chúng ta truyền trao.
 
Và chính mặt tối cuộc sống này, chúng ta càng thêm thấm thía tại sao đức Phật đặt Vô Minh đứng đầu trong Thập Nhị Nhân Duyên. Nói một cách khác, bảy bước chân đức Phật chưa bước hết nên đó đây vẫn còn đau khổ triền miên. Dường như đó là một khoảng trống để dành phân chia trách nhiệm cũng như thử thách người con Phật thời đại hôm nay mà nhiều thế hệ trước kia, những người đi trước đã hoàn thành xong một phần trách nhiệm.
 
Có lẽ là như thế. Cho nên người tu Phật ngày hôm nay buộc lòng phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng thông đạt, để nhanh chóng hòa quyện vào cuộc đời, tạo nên một hình thái mới với tâm nguyện đưa đạo Phật đi vào cuộc đời.
 
Vì vậy, xin đừng nhìn Phật giáo thời đại hôm nay bằng nhãn quan của Phật giáo thời quá khứ (nhất là giai đoạn khi bị thực dân đánh dạt vào chốn thâm sơn cùng cốc thời mất nước). Phật giáo Việt Nam hơn nơi nào hết còn có một trang sử quá khứ đau buồn đó làm hành trang, bổ sung cho kinh nghiệm hoằng hóa của mình.
 
Do vậy nếu muốn đòi hỏi ở Phật giáo một tiêu chí nào đó, dù đó là  một hình thức hóa đạo hay chỉ là một lối suy nghĩ áp đặt khuôn mẫu so sánh v.v.. thì trước tiên hãy nhìn về một giai đoạn lịch sử đó.
 
Đồng thời, với người hoằng pháp, hóa đạo ngày nay, dẫu đang đứng ở vị trí và tư duy nào thì còn có thêm một khung trời lịch sử Pháp Nạn 1963 để làm một tiếng chuông cảnh tỉnh cần thiết một khi tâm ỷ lại, an nhiên, tự mãn mống khởi lên không bình thường.
 
Trong một hoàn cảnh nào đó, để những cái tâm không bình thường ấy trỗi dậy cũng đồng nghĩa với thiếu cái TRÍ lẫn cái DŨNG  thì rất đáng lo ngại.
 
Với ý chí ĐẠI BI ĐẠI TRÍ ĐẠI DŨNG, Phật giáo ngày nay không chấp nhận làm người đứng bên lề cuộc sống, sẵn sàng đương đầu với tất cả mọi nghịch duyên và thử thách để hoàn thành nốt những tâm nguyện còn dở dang của chư Tổ Sư xưa còn để lại.
 
Tinh thần cầu tiến vì tương lai đạo pháp, đi lên bên trên sự tự mãn, ỷ lại thái quá  góp phần làm nên nền tảng vững chắc cho đạo pháp thời đại, thời đại mà xác suất ranh giới giữa ThiệnÁc, giữa Ma Phật rất mong manh, đã và đang xảy ra nhiều sự việc cười rơi nước mắt.
 
Có lẽ rồi đây Phật giáo Việt nam còn phải mất không ít thời gian tuổi thọ hiện hữu của mình để giải quyết vấn đề này.
 
Một trong những vấn đề lớn hôm nay chúng ta phải buộc phải tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, và trực tiếp đương đầu, ấy là vấn nạn cải đạo của ngoại giáo.
 
Đã qua rồi thời kỳ Phật giáo chúng ta bị xem như một hiệp hội cỏn con, chỉ được phép hoạt động lén lút trong lùm tre, bờ đê xóm làng hẻo lánh. Hàng tăng sĩ khi ấy chỉ là những ông thầy chùa làng dốt nát đậu hậu; còn giới Phật tử có chăng chỉ là những người ít học, không biết gì ngoài vài chữ A Di Đà Phật  đơn điệu.
 
Phải khó khăn lắm, hao tổn biết bao nhiêu tâm trí chư Tôn Đức, Tổ Sư xưa mới khuấy động tinh thần chấn hưng Phật giáo, mới phần nào đạt được sở nguyện, đưa Phật giáo dần trở lại vị trí là một tôn giáo lớn của dân tộc.
 
Trực tiếp đương đầu trước vấn nạn cải đạo, trước hết đây không phải là một cuộc đối đầu theo nghĩa đen vì Phật giáo luôn là một tôn giáo của hòa ái, nhân bản và không chiêu dụ hoặc tranh giành vì bất cứ lý do gì, mà là từ trong chiến lược hoằng pháp, chúng ta không quên vạch định nó là một vấn đề đáng quan tâm và đưa vào một tiết học trong các đạo tràng, nhất là các đạo tràng có nhiều giới trẻ tham gia tu học.
 
Từ đây, không chỉ riêng giới xuất gia mà giới tại gia, với khả năng tri thức và các phương tiện thông tin thời đại, kiến thức lịch sử được mở rộng, sẽ giúp hiểu rõ rất nhiều vấn nạn cải đạo. Cho nên lảng tránh đề cập vấn nạn này không phải là giải pháp khôn ngoan của một người con Phật thời đại có trách nhiệm, bổn phận và bảo vệ chính pháp.
 
Công ơn chư Tổ sư xưa có được đáp đền hay không, hay bị chà đạp xem thường là do chính thái độ, hành xử của chúng ta trong những trọng trách của thời đại mới hôm nay. Đặc biệt các vị hoằng pháp trẻ.
 
Đối với riêng tôi, bảy bước chân đức Phật lúc thị hiện Đản sinh luôn là những gợi mở cho nhiều vấn đề đặt ra. Trong tư duy cũng như trong lĩnh vực chuyên môn, bảy bước chân Phật luôn giúp tôi mở rộng tầm nhìn, kiến giải và đúc kết được nhiều vấn đề.
 
Tôi không nghi ngờ về bảy bước chân ấy vì ít ra chư cổ đức xưa có vẽ nên cũng chỉ nhằm cho hậu thế thấy được sự nhập thế tuyệt vời nơi đức Phật tôn quý của chúng ta ngay từ lúc đầu tiên tiếp cận với cõi Ta bà nhiễm trược này.
 
Thế nên, những khi liên tưởng đến ngôi nhà Phật giáo yên bình và tốt lành mà chúng ta đang trú ngụ, lòng luôn cảm niệm vô vàn công ơn những người đi trước nhọc lòng, đôi khi hy sinh cả một đời đạo hạnh, gìn giữ cho hậu thế sự nghiệp huy hoàng hôm nay.
 
Có một vài nghịch duyên gõ cửa, lẽ nào chúng ta lo sợ lùi dần vào trong, mặc cho sự đe dọa ấy tiến dần trước sự thờ ơ, ỷ lại và thụ động?
 
Đã xuất hiện một vài ý kiến tuy chưa hẳn là phê phán nhưng cũng đủ gây phản cảm những ai nói về vấn nạn cải đạo mà chính đức Dalai Lama cũng đã phải mạnh dạnh lên tiếng chỉ trích. Điều này cho thấy tư tưởng cầu an, ỷ lại vẫn còn đất sống.
 
Nào phải nói đến vấn nạn này là chúng ta khơi dậy lòng đồ kỵ nhỏi nhoi hay không biết tự tin vào đà phát triển của chính pháp, mà là để vừa cảnh báo ở mức cần thiết đồng thời để chúng ta nhìn lại những yếu kém trong công cuộc hoằng pháp hôm nay đã để lộ một khoảng trống hết sức đáng trách. Đó chính là điều mà bài viết này mong đợi.
 
Cũng như xưa kia, khi đức Phật đặt bày bước chân tinh khôi của mình lúc thị hiện, chư thiên vân tập, ca hát, rải hoa cúng dàng tán than, quả đất cũng chia vui bằng cách rúng động bảy lần! Thì khi chứng đạo rồi, Ngài đang do dự đi hay ở giữa cõi này, nếu không có chư Phạm Thiên đến cung thỉnh, liệu rồi chúng ta có được thừa hưởng nền tảng chính pháp tuyệt vời này không? Một kết cục mang đậm dấu ấn Nhân – Quả.
 
Vì chấp thuận theo lời thỉnh cầu ấy mà  cuộc đời đức Thế Tôn phải chấp nhận trải nghiệm CHÂN LÝ VÔ THƯỜNG cho chính bản thân Ngài, và ngay cả dòng họ Thích ca của Ngài trong suốt 80 năm đồng hành với thế gian này. Tang thương vinh nhục, đủ đầy thân phận một kiếp con người. Đó há chưa đủ để chúng ta thấy ra được một cuộc dấn thân vô tiền khoáng hậu, một bức tranh vẹn đầy bố cục nhất, không chỉ dành cho kẻ thưởng lãm mà phải là một sự chiêm nghiệm thật sự từ chính cuộc đời của Ngài.
                  
Hơn hai ngàn năm trăm năm rồi ư? Đó chưa hẳn là quãng thời gian to tát chi nhưng cũng đủ để chứng minh sự tồn tại của một nền chính pháp vĩ đại mà ngày hôm nay đã và đang trở thành một tôn giáo tiêu biểu của thế gian.
 
Nền tảng của sự tốt đẹp đó bắt đầu từ sự ra đi và dấn thân vào chính cuộc đời khổ đau mà đức Bản Sư Thích Ca đã thị hiện.