Trang chủ Thời đại Giáo dục Từ bước đầu đưa nhà trường về mái chùa, nghĩ đến sự...

Từ bước đầu đưa nhà trường về mái chùa, nghĩ đến sự phát triển chung

73

Hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Lý – Trần, khi mà nhà chùa là nơi đào tạo những nhà trí thức hàng đầu của Việt Nam. Vua Lý Công Uẩn – Thái tổ nhà Lý, là một người được đào tạo trong nền giáo dục Phật giáo.

Trong những triều đại sau, việc Phật giáo suy vong, cũng đồng nghĩa với việc Phật giáo Việt Nam mất đi vai trò trong giáo dục.

Đầu thế kỷ XX, Thiên Chúa giáo La Mã thiết lập một hệ thống giáo dục được coi là tốt nhất dưới bóng các tháp chuông nhà thờ.

Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, chư tôn lãnh đạo Phật giáo Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đã xây dựng hệ thống các trường học gắn với nhà chùa mà chúng ta vẫn không quên, như các trường Bồ Đề, Đại học Vạn Hạnh… nổi tiếng, cũng là thành quả của quan điểm gắn sự nghiệp giáo dục với sự nghiệp hoằng hóa.

Sau một thời gian nhà trường tách rời nhà chùa, quan điểm “xã hội hóa hoạt động giáo dục” đã mở đường để gắn hoạt động giáo dục trở lại với các cơ sở tôn giáo. Và lần này phía Thiên Chúa giáo cũng đã có bước đi thích hợp, như sở trường của họ.

Xuất phát từ điều kiện cụ thể của xã hội, việc gắn nhà trường vào nhà chùa đã sớm bắt đầu ở bậc học mẫu giáo, nhiều trường tư thục của Phật giáo đã mở lại và thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh do chất lượng giáo dục cũng như hoạt động mạnh mẽ của nó.

Huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai là một địa phương khá điển hình do sự kiện được trình bày ở trên. Đây là địa phương có nhiều chùa chiền và số lượng Tăng ni Phật tử cũng tương đối đông, nhưng chỉ có các trường mẫu giáo “Dì Phước” (trường của Thiên Chúa giáo).

Những vấn đề tế nhị nảy sinh khi con em những gia đình Phật tử thuần thành được gửi vào những trường mẫu giáo “Dì Phước”. Một vấn đề lớn đặt ra cho các tu sĩ Phật giáo là Phật tử đòi hỏi ở họ trách nhiệm “đưa nhà trường về với nhà chùa”.

Như đã nói, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai là một điển hình, và ở đây cũng đã diễn ra một bước đi thích hợp để giải quyết vấn đề, đó là “trường mẫu giáo tư thục Tuệ Uyển” – một cơ sở trực thuộc chùa Phước Hải. Trường hợp thành lập trường mẫu giáo này cần được khảo sát như là một bước thử nghiệm “đưa nhà trường về với nhà chùa”.

Long Thành là địa phương với nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều dân nhập cư, nhất là từ các tỉnh miền Trung, đồng thời đây cũng là nơi có truyền thống Phật giáo lâu đời.

Nguyện vọng của các Phật tử là cư dân địa phương và cư dân nhập cư là có một trường mẫu giáo Phật giáo để họ gửi con em vào, để con em họ vừa có nơi học tập, vừa giữ được truyền thống tín ngưỡng tôn giáo.

Không thể không đáp ứng nguyện vọng bức thiết đó, cơ sở lớp học tình thương của chùa Tuệ Uyển, từ cuối những năm 80 đã ít người học, vì hầu hết trẻ em đã được phổ cập cấp I, nên được chuyển thành trường mẫu giáo tư thục do các ni cô phụ trách.

Trường mẫu giáo Tuệ Uyển lập tức có đông trẻ đăng ký học, vì nó đã thỏa mãn được nhu cầu của xã hội nói chung và của giới Phật tử nói riêng. Trường mẫu giáo nhà chùa này vừa phục vụ công tác giáo dục vừa thực hiện được chức năng hoằng hóa của Phật giáo, vừa gìn giữ được truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc.

Công việc giáo dục là một công việc phù hợp với các sư cô trẻ, có thể song hành với việc tu học. Vườn chùa cũng hết sức phù hợp với các hoạt động trong công tác giáo dục của một ngôi trường mẫu giáo. Chỉ cần các sư cô phải có một số cố gắng trong việc học hỏi nghiệp vụ giáo dục.

Đưa nhà trường về với nhà chùa là hướng đi trở lại với truyền thống giáo dục Phật giáo Việt Nam hàng nghìn năm trước và truyền thống của Phật giáo thế giới.

Chuyển động của Phật giáo Việt Nam theo hướng đi này có thể nói là chậm. Chậm vì nó đã không được đi trước xã hội mà là đi sau nhu cầu của xã hội. Việc thành lập trường mẫu giáo tư thục Tuệ Uyển ở Long Thành Đồng Nai là một bước đi nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn.

Phật giáo Nam tông ở phía Tây Nam bộ sở dĩ giữ được một tỷ lệ tín đồ tuyệt đối là nhờ đã gắn bó nhà trường với nhà chùa một cách chặt chẽ.

Chúng tôi không nghĩ việc thành lập trường mẫu giáo tư thục Tuệ Uyển là một cuộc thử nghiệm. Vì có gì mà phải thử nghiệm, khi liệt vị tôn đức hàng ngàn năm trước đã nhận lấy trách nhiệm phụ trách công tác giáo dục trước xã hội về mình, và đã đào tạo được những nhân tài kiệt xuất cho đất nước.

Nhưng việc thành lập trường mẫu giáo Tuệ Uyển có ý nghĩa như một tiếng chuông cảnh báo, rằng các vị tu sĩ Phật giáo cần chú ý đến trách nhiệm của mình đối với dân tộc và đạo pháp.

“Xã hội hóa hoạt động giáo dục” là một thời cơ cũng là thách thức đối với Phật giáo. Những vấn đề tế nhị mà các bậc phụ huynh là Phật tử ở Long Thành Đồng Nai gặp phải cũng sẽ là vấn đề ở nhiều nơi trong cả nước, và đó cũng là vấn đề của chính Phật giáo.

Trường mẫu giáo Tuệ Uyển là hình ảnh thu nhỏ, mở đường cho một tiến trình phát triển Phật giáo. Cần nghĩ đến mục tiêu khôi phục hệ thống trường Bồ Đề và bắt tay ngay vào việc đưa hệ thống trở lại hoạt động khi điều kiện cho phép.

Chúng ta nghe nói nhiều về việc các trường đại học tư thục đang được thành lập. Có mẫu giáo tư thục, có đại học tư thục đã hoạt động đang ở ngay trước mắt chúng ta.

Có lẽ cũng nên đặt vấn đề đưa tăng ni đi đào tạo ở các trường sư phạm và mở bộ môn sư phạm trong các trường Phật học các cấp.

Nhà trường sẽ không gắn được với nhà chùa khi mà các tu sĩ Phật giáo non yếu về nghiệp vụ sư phạm. Phải “thầy giáo hóa” đội ngũ Tăng ni.

Sẽ không tránh khỏi ý kiến tu là để giải thoát, sao lại biến tăng ni thành những thầy giáo, cô giáo hay nhà quản lý giáo dục? Chúng ta không thể quên rằng thiền sư Vạn Hạnh là một nhà giáo tiêu biểu của dân tộc.

Đến thăm trường mẫu giáo Tuệ Uyển, chúng ta sẽ thấy thực tế trước mắt hoạt động giáo dục và hoạt động tu học không loại trừ nhau. Làm giáo dục không ảnh hưởng đến mục tiêu tu giải thoát, cũng không thể nói đến chuyện giải thoát khi lẩn tránh trách nhiệm mà đời đặt ra với đạo.

Một sư cô trẻ đã nói một câu đầy ý nghĩa: “Làm bảo mẫu cho các cháu mẫu giáo cũng chính là học hạnh làm mẹ của đức Bồ tát Quan Thế Âm”. Hiện nay đã có nhiều ngôi chùa đồng thời cũng là trường học với nhiều dạng thức khác nhau. Mong rằng tốc độ phát triển mô hình “chùa – trường” sẽ nhanh hơn nữa.

MT