Trang chủ Diễn đàn Từ dự án quy hoạch Hồ Gươm nghĩ về việc phục dựng...

Từ dự án quy hoạch Hồ Gươm nghĩ về việc phục dựng chùa Báo Thiên

108

Thông tin trên báo Thể Thao & Văn Hóa, cho biết ngày 8/1/2009 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra cuộc triển lãm trưng bày các đồ án dự thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”, trong đó có 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận. Theo bài viết “Triển lãm Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận: Tương lai nào cho kiến trúc Hồ Gươm?”, các đồ án “đều hấp dẫn người xem, bởi có những ý tưởng độc đáo, thú vị để tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ vốn có được nâng lên tầm cao mới, xứng với tầm vóc là trái tim của Thủ đô.


Các phương án đều cố gắng tìm giải pháp mở rộng không gian, tạo thêm đất để dành cho công trình công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh nhằm bổ sung những cảnh quan thêm phong phú, đáp ứng với yêu cầu sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, lễ hội và phát triển du lịch cũng như bảo tồn di sản văn hóa – kiến trúc vốn có từ lâu đời”.


 “Tất cả còn chờ ý kiến của Hội đồng Giám khảo và nhân dân”. Từ ngày  16 đến ngày 18/1 tới, Hội đồng giám khảo sẽ họp và các tác giả ý tưởng sẽ trình bày và trả lời chất vấn trực tiếp. Tuy nhiên, điều đáng nói là với mảnh đất gắn chặt với lịch sử chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân, không thấy có một đề án nào nhắc tới việc phục dựng hai di sản này, dù trong một số đồ án quy hoạch sẽ xây mới một số công trình.


Việc quy hoạch khu vực hồ Gươm là cơ hội tốt để chúng ta nói lên việc phục dựng chùa Báo Thiên bởi đó là di sản thiêng liêng và độc đáo bậc nhất của dân tộc đã từng bị tàn phá. Chúng ta cần phải nói lên tiếng nói của lương tâm để những người có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc, những người đã đưa ra ý tưởng và sau đó là những quyết định chính thức chọn đồ án để quy hoạch khu đất này.


Mảnh đất này từng tồn tại ngôi quốc tự có bảo tháp được mệnh danh là “An Nam tứ khí”, “Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ” – niềm tự hào quốc gia của người Việt; từng có lễ hội Báo Thiên lớn vào bậc nhất cả nước với truyền thống rước Phật Pháp Vân về cầu mưa thuận gió hòa, được đích thân các vị vua đứng ra làm chủ lễ. Thiết nghĩ, chỉ với hai điều này thôi, chùa Báo Thiên rất đáng được các đồ án đưa vào kế hoạch phục dựng.


Việc phục dựng chùa tháp Báo Thiên là mong mỏi của Tăng Ni Phật tử Việt Nam suốt nhiều thập kỷ nay. Lịch sử còn in đậm những dấu tích mà chúng ta có đủ cơ sở để khôi phục di sản vô giá đó bằng những ứng xử văn hóa, văn minh và lẽ công bằng. An Nam tứ khí Báo Thiên được phục dựng tại đây sẽ là một minh chứng lịch sử để các thế hệ đi sau và du khách có thể sống lại những thời kỳ lịch sử đầy biến động, khám phá nhiều tầng bậc lịch sử trong quá trình phát triển đầy thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội.


Chưa bao giờ chùa Báo Thiên được nhắc đến nhiều như những ngày tháng vừa qua ở Việt Nam vì có những tham vọng hỗn độn đã cố tình phủ định sự hiện diện của nó trên mảnh đất ấy. Chùa Báo Thiên được đích thân vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1056. Ngôi quốc tự này gắn với vận mệnh lịch sử Thăng Long cho đến khi bị tàn phá hoàn toàn vào năm 1883. Chính sách tàn phá di sản Phật giáo trong thời điểm này đã làm cho Hà Nội không còn bóng dáng của một ngôi chùa nào uy nghi mang ý nghĩa và tầm vóc quốc gia.


Mọi nỗi đau của dân tộc luôn gắn với những tang thương của di sản văn hóa. Bất kể lúc nào di sản mất đi là chủ quyền dân tộc bị chà đạp, xâm hại. Bằng lương tâm, công lý và hòa bình, chúng ta đã ý thức nhiều hơn đến di sản văn hóa, nên chưa bao giờ những khái niệm khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Rất nhiều những di sản vật thể, phi vật thể tưởng chừng như có nguy cơ biến mất hoàn toàn đều lần lượt được khôi phục như điệu múa cổ Bài bông thời Trần, và mới đây là ý tưởng phục dựng lại lễ hội đèn Quảng Chiếu thời Lý. Vậy thì vì lý do gì chùa Báo Thiên (An Nam tứ khí) lại không thể nhận được những ứng xử tương tự như vậy? 


Nhìn vào những ý tưởng trong đồ án quy hoạch hồ Gươm, người Phật tử lại thấy chạnh lòng, thấy những nỗi đau di sản của mình vẫn còn đó, thấy sự hờ hững của lòng người… Cảm giác ấy thật khó tả, bởi gần đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ở mãi những tỉnh lân cận, người ta còn cho tu bổ một số công trình văn hóa để chào mừng, nhưng ngay tại Hà Nội, di sản Báo Thiên lại vô tình bị bỏ quên trên chính mảnh đất rộng lớn từng tồn tại cả một ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất nước Nam và một khu phố mang tên Báo Thiên.



Theo một quy hoạch, Nhà thờ Lớn (nằm trên đất chùa Báo Thiên xưa, vốn bị người Pháp cho phá đi xây Nhà thờ) sẽ nhìn thẳng ra Hồ Gươm


Các đồ án quy hoạch cho thấy sự hiện diện của nhà thờ Lớn, đền Ngọc Sơn, trong khi tháp Hòa Phong của chùa Báo Ân vẫn còn trơ trọi thì không ai nghĩ đến việc nhân dịp quy hoạch này mà trả về cho nó một không gian tâm linh đúng nghĩa. Cả chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân đều xứng đáng được đưa vào tham khảo trong những đồ án này. Có lẽ nào những người làm công tác khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa, những nhà khoa học, những kiến trúc sư lại quên đi những chứng cứ còn nguyên vẹn trong lịch sử?



Tháp Hòa Phong, di tích duy nhất còn lại cùa chùa Báo Ân bên Hồ Gươm. Chùa đã bị giặc Pháp phá đi xây Bưu điện


Còn nhớ, trước đó từng có một dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp” gần hồ Gươm và Hồ Thiền Quang. Và có rất nhiều những di sản văn hóa lịch sử bị tàn phá trong chiến tranh trên khắp đất nước được phục dựng từ nền móng cũ, trong khi chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân (còn nguyên tháp và hình vẽ rất đẹp trong tư liệu) từng nổi tiếng tại kinh đô Thăng Long xưa lại chìm vào quên lãng với bao nỗi ngậm ngùi như vậy.


Khôi phục và bảo tồn các di sản vật thể, phi vật thể không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn liên hệ đến nguồn gốc lịch sử, sinh hoạt văn hóa của một dân tộc, tạo ra những liên kết xã hội, môi trường, giáo dục, đạo đức… Phục dựng chùa Báo Thiên không chỉ có ý nghĩa hàn gắn lịch sử mà còn trả lời một cách trung thực cho câu hỏi: Di sản văn hoá của dân tộc có bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột hay không, ý thức di sản đang biến dạng như thế nào?


Chúng ta không thể thổi bụi lên không trung khi chối bỏ quá khứ, chối bỏ những ứng xử không đúng mực về văn hóa và di sản, bởi thời đại văn minh, con người luôn cần có sự nhìn nhận đúng mực với quá khứ, để ứng xử một cách công bằng hơn với cuộc sống còn nhiều những giá trị liên đới, tương quan chung quanh.


Chúng tôi thiết nghĩ, với việc triển lãm đồ án quy hoạch đang trong thời gian chờ ý kiến của Hội đồng giám khảo và nhân dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử Thủ đô Hà Nội nên có kiến nghị và đề xuất việc phục dựng chùa Báo Thiên tại cảnh quan nơi đây. Phật tử cả nước đang chờ đợi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội lên tiếng về vấn đề này, bởi đó không chỉ là trách nhiệm lịch sử mà còn là lương tâm văn hóa của mỗi người dân Việt Nam. Bởi chùa Báo Thiên xét ở bất cứ phương diện lịch sử văn hóa nào cũng xứng đáng được đưa vào đồ án quy hoạch và phục dựng.


Xem chùm ảnh Giới thiệu các ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm






Nếu quý độc giả có ý kiến về vấn đề bài viết trên nêu ra, xin bấm vào đây, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]