Trang chủ Thời đại Giáo dục Từ ý nghĩa Đức Phật ra đời đến triết lý sống của...

Từ ý nghĩa Đức Phật ra đời đến triết lý sống của người Việt

86

 

Người Việt Nam đến đạo Phật bằng cả niềm tin, bằng sự nhiệt tâm tinh cần trải nghiệm những lời dạy Phật dạy vào trong đời sống thực tiễn, nhằm giảm thiểu khổ đau và hướng tâm đến an lạc. Bằng triết lý duyên sinh, duyên khởi mà Phật đã chứng ngộ, đạo Phật đã thể nhập vào triết lý sống của người Việt Nam trong các mối quan hệ ứng xử. Triết lý đó dạy rằng không ai có thể sống một mình, mà không liên hệ đến nhiều nhân duyên điều kiện khác.
 
Con người có nhiều mối quan hệ để được sinh ra, để lớn lên, trưởng thành và phát triển trong dòng sống tương tục. Cho nên nói đến đạo Phật là nói đến triết lý sống của người Việt trong các mối quan hệ ứng xử với với thiên nhiên – môi trường sống; với xã hội; và đối với chính bản thân mình. Đó cũng là giá trị cao quý nhất mà đạo Phật đem đến cho chúng ta, nhất là những người Phật tử Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, với mục đích xây dựng đất nước phồn vinh, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
 
1. Quan hệ người Việt với thiên nhiên môi trường sống.
 
Như đã nói, học thuyết Duyên khởi chỉ ra rằng con người phải có thái độ sống hài hòa với thiên nhiên để bảo vệ môi sinh. Bởi vì thiên nhiên là môi trường sống của con người. Cũng theo học thuyết này, con người được hình thành bởi tập hợp 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, sắc uẩn của một con người là bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người, hay một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi sinh. Nếu môi sinh hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người thời bị hủy diệt. Vậy là khi con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi thì con người sẽ tự nguyện bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm. Đó cũng là ý nghĩa bảo vệ nguồn sống, nguồn hạnh phúc của nhân loại.
 
Và như thế do sự ô nhiễm môi sinh và sự thành tựu của khoa học môi sinh đã chứng minh con người không thể sống tách biệt với thiên nhiên, con người phải có thái độ sống hài hòa với thiên nhiên. Cơ thể vật lý của con người không có sự giới hạn cái thân vật lý riêng biệt của mình ở bất cứ một trú xứ hay một đại lục. Rõ ràng, đây là cái thân sắc vô ngã tính của con người. Tương tự đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Sự thật này sẽ giúp con người có thái độ sống đúng đắn khi giải quyết vấn đề môi trường trên nền tảng học thuyết Duyên khởi về con người và thế giới.
 
Do đó, đạo Phật không quan niệm thế giới như một tích lũy tĩnh tại của sự vật và hiện tượng, mà là một tổng hòa sống động của các mối quan hệ chằng chịt thiên nhiên, xã hội, đạo đức. Gây tổn hại đến thiên nhiên tức là gây tổn hại đến xã hội, đạo đức và con người. Do đó sống hài hòa với thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý để thỏa mãn những nhu cầu lành mạnh của con người. Phương châm nhất quán của đạo Phật trong vấn đề môi sinh hay môi trường là xem sự sống là thiêng liêng dưới mọi hình thức, đề cao phương châm sống bất hại. Còn thực hành phương châm đó như thế nào, đến mức độ nào lại tùy thuộc thái độ ứng xử của con người đối với thiên nhiên và môi trường sống.
Khi nói đến môi sinh, Phật giáo không phải chỉ thấy có không khí, nước và đất. Môi sinh còn bao gồm cả loài vật và cỏ cây nữa. Đạo Phật tôn trọng sự sống như một cái gì thiêng liêng, bất kể hình thái của sự sống như thế nào. Chính vì vậy mà thủy chung, trước sau như một, phản đối tập tục hiến tế bằng súc vật, phản đối trò chơi săn bắn, đề cao lòng từ, lòng bi đối với tất cả chúng sinh, tất cả mọi loài có mạng sống. Đối với loài vật và cỏ cây, đạo Phật còn khuyến cáo chúng ta trân trọng yêu thương, huống hồ chi là đối với con người đối với đồng loại.
 
2. Quan hệ người Việt đối với xã hội.
 
Hoàn cảnh địa lý–lịch sử của Việt Nam khiến cho nhân dân Việt Nam, kể cả hàng chục dân tộc ít người sống trên các vùng cao, phải chịu đựng hàng loạt cuộc xâm lăng từ nước ngoài cũng như nhiều thảm cảnh do thiên tai bão lụt, hạn gây ra. Đặc điểm hoàn cảnh đó khiến nảy nở trong bản tính của người Việt Nam những yếu tố tốt đẹp, được phản ánh cụ thể trong nhiều câu ca dao, tục ngữ hay những lời thơ mà hầu như người Việt Nam cũng thuộc lòng:“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước hãy thương nhau cùng” hay“Bầu ơi thương bí lấy cùng, Tuy rằng khác giống, như chung một giàn”, “Thương người như thể thương thân”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”.v.v…
 
Trên nền tảng tình yêu thương giữa đồng bào ruột thịt, cùng chung một nòi giống Lạc Hồng, đạo Phật đến bất quá chỉ khẳng định nền tảng tình yêu thương đó, hay là mở rộng nó, làm cho nó sâu sắc hơn lên mà thôi. Lòng từ được mở rộng để bao trùm tất cả, loài người và loài vật, kể cả cây cỏ cũng được bảo vệ, nâng niu, săn sóc chu đáo.
 
Vua Lý Thái Tổ vừa lên ngôi, đã ra lệnh loại bỏ và thiêu hủy các hình cụ, trong khi các vua Đinh và Tiền Lê, đặc biệt là Lê Ngọa Triều lại duy trì những hình phạt như chuồng hổ, vạc dầu. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, thì ở Hoa Lư, em vua là Khai quốc vương họ Bồ dấy binh làm phản. Vua Lý Thái Tổ thân chinh, bắt được, đã không giết lại còn cho phục chức cũ.
 
Năm 1044, vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành, dân Chiêm bị loạn binh giết rất nhiều. Vua thương sót ra lệnh “Hữu vọng sát Chiêm Thành nhân giả, sát vô xá”. Nghĩa là ai giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ bị chém, không tha.
 
Đến đời vua Lý Thánh Tông, đánh Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ, cũng tỏ lượng khoan hồng, tha chết và cho về nước. Vua Lý Thánh Tông không những thương dân mà còn quan tâm đến cả tù nhân trong ngục. Một hôm vua chỉ công chúa Động Thiên đứng bên cạnh, mà bảo viên quan coi ngục rằng:  “Lòng ta yêu con ta cũng như lòng mẹ dân yêu dân. Dân không biết mà phạm tội, mắc vào hình phạt, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Cũng như vua Lý Thánh Tông phát biểu với các quan nhân một mùa đông cực rét: “Trẫm ở trong cung, nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét thế này, nghĩ tới người tù bị giam trong ngục, chưa biết rõ gian ngay, mà ăn không được no, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa. Trẫm rất thương xót. Nay hạ lệnh cho quan hữu ty phát chăn chiếu cho tù nhân và cho họ ăn đủ ngày hai bữa”. Cũng năm đó, Lý Thánh Tông xuống chiếu miễn một nữa tiền thuế cho dân. Nghĩa là, không đợi mất mùa, chỉ trời rét thôi, cũng miễn thuế cho dân!
 
Nhớ lại trường hợp vua Lý Thái Tông, năm 1044, đánh thắng Chiêm Thành trở về, mừng thấy mùa đông năm nay, nông dân được mùa lớn, cũng ra lệnh xóa một nữa tiền thuế cho dân. Vua xuống chiếu: “Việc đánh dẹp phương xa, làm tổn hại đến công việc nhà nông, thế mà ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn, nên trăm họ đều no đủ thì Trẫm còn lo gì thiếu thốn. Vậy xóa cho thiên hạ một nữa tiền thuế năm nay…”. Mất mùa giảm thuế đã đành, ở đây được mùa cũng giảm thuế, vì như vua nói: “Nhân dân đã no đủ thì vua không sự thiếu thốn”.
Các vua Lý có đức hiếu sinh lớn như vậy, có lòng thương dân thấm thía như vậy cho nên được nhân dân ủng hộ, mặc dù bị quân Tống hai lần xâm lược, nhưng triều đại vẫn kéo dài hơn hai trăm năm thay vì hai đời vua trước Đinh và Tiền Lê, cộng lại cũng không đủ 50 năm.
 
Hai triều đại Lý và Trần sơ sở dĩ được lâu dài và bền vững, mặc dù phải đối phó với những cuộc xâm lăng liên tiếp của quân Tống và quân Nguyên, chính là nhờ sức mạnh của lòng từ bi, đoàn kết được toàn dân và, cũng nhờ sự sáng suốt của trí tuệ, biết lấy yếu đánh mạnh, tức là cái yếu của con châu chấu hay con bọ ngựa đối với cỗ xe quân sự khổng lồ của quân Nguyên Mông: “Nực cười châu chấu đá xe, Bảo rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng”.
 
Một trong những hiểu lầm lớn về đạo Phật là tưởng rằng nhà Phật chỉ lo tu tâm sửa tính, không lo lắng gì đến việc của xã hội, của đất nước. Nhưng thật ra, chỉ có những người Phật tử, thấm nhuần đạo đức vô ngã của đạo Phật như các ông vua Phật tử, đời Lý đời Trần mới có thể toàn tâm toàn ý, lo việc nước, việc dân, mới làm nên những chiến thắng vang dội, bình Chiêm, phá Tống và ba lần đánh lui quân Nguyên Mông! Tinh thần này đã làm cho dân tộc Việt hoàn thành sự nghiệp dựng nước, giữ nước và mở nước từ xưa đến nay.
 
3. Quan hệ người Việt đối với bản thân
 
Trong ba mối quan hệ của người Việt đối với thiên nhiên, xã hội và bản thân, thì mối quan hệ thứ ba, đối với bản thân là cơ bản. Bởi lẽ, chỉ trên mối quan hệ với bản thân được xử lý và giải quyết đúng đắn, thì hai mối quan hệ với thiên nhiên, môi trường và xã hội mới tốt đẹp. Hơn nữa, trong thời đại mở cửa, cơ chế thị trường và hội nhập vào thế giới, người Việt Nam hơn lúc nào hết phải biết rõ bản thân mình, phải biết phát huy sức mạnh của bản thân mình thì mới không bị sa ngã bởi sức cám dỗ của đồng tiền và tiện nghi vật chất của nền văn minh phương Tây.
 
Về mặt này, nền tâm học Phật giáo có một khả năng cống hiến rất lớn, vượt xa những phát hiện của ngành phân tâm học hiện đại, với những đại biểu xuất sắc như Sigsmund Freud, C.G.Jung. Nghiên cứu so sánh tâm học Phật giáo và phân tâm học của Freud và Jung là chủ đề của nhiều cuốn sách, vì vậy ở đây không bàn. Chỉ cần nói rằng, vấn đề không phải chỉ là phát hiện tâm người có một phần vô thức với những xung động bản năng bất khả kháng như xung động tình dục, quyền lực và danh vọng (các nhà phân tâm học đã thuyết minh khá rõ về điểm này), nhưng ở một tầng sâu hơn của tâm thức, đạo Phật còn phát hiện, trong tâm người, có đầy đủ mọi hạt giống, mọi tìm năng của giác ngộ và giải thoát mà sách Phật còn gọi là chân tâm hay Phật tính. Đó chính là tinh thần lạc quan của đạo Phật, mà ít người biết đến, trong khi đó không ít người cho rằng đạo Phật luôn nói về cuộc đời là khổ, bi quan yếm thế.
 
Tuy nhiên, đạo Phật cũng dạy những phương pháp tu tập tâm, có thể giúp khống chế những xung động bản năng mà Freud và Jung cho là không thể khống chế được, là bất khả kháng. Hơn nữa, theo đạo Phật, đó là do thái độ sống và do có cái nhìn hời hợt thì tình hình có vẻ bi quan như vậy. Nhưng nếu nhìn sâu vào tâm người hơn nữa, thì như đã nói trên, người nào cũng có Phật tính, với đầy đủ mọi công đức của nó. Chân lý cứu kính, tối hậu là ở đó. Vì vậy mà đạo Phật chủ trương, muốn tầm cầu chân lý, không phải hướng ngoại mà là hướng nội, nghĩa là hướng vào bên trong mình mà tìm, không phải cầu tìm ở bên ngoài.
 
Đó là ý nghĩa của câu:“Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” (Chỉ thẳng vào tâm người, Thấy được tánh mà thành Phật), mà tổ Bồ Đề Đạt Ma, sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa, để lại như cái cẩm nang tu hành, cho các học trò của mình. Thiền sư Việt Nam đời Lý, là Nguyên Học cũng viết trong một bài thơ Thiền:“Đạo vô ảnh tượng, Xúc mục phi dao, Tự phản suy cầu, Bất cầu tha đắc…” (Đạo không ở hình bóng, Là trước mắt không xa. Tự quay lại mà tìm, Chớ cầu ở nơi khác). Nhưng có lẽ nói rõ và dứt khoát nhất là vua Trần Nhân Tông, sau này xuất gia và trở thành Sơ Tổ sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm, trong bài phú Cư trần lạc đạo, đã viết:“Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt. Chỉn mới hay chính Bụt là ta”.
 
So với quan niệm về Bụt trong Phật giáo Nguyên thủy, tức là: Người, hay chúng ta đều là Phật mà không biết, lại đi tìm Phật ở bên ngoài. Trong khóa tụng của Phật giáo Việt Nam, có câu “tự quy y Phật”, có nghĩa là “nương tựa Phật ở trong mình, vốn là mình”. Còn dân ta thì bảo: “Phật ở trong nhà, cầu Thích Ca ở ngoài đường” cũng không ngoài tinh thần trên.
Đó là hạt ngọc và cũng là hạt nhân giáo lý của đạo Phật nói chung, và cả của đạo Phật Việt Nam nói riêng. Hạt nhân hay hạt ngọc giáo lý đó tôn vinh con người lên ngang hàng với Phật, như Phật không khác. Ý nghĩa nhân sinh của đạo Phật thật là cao quý, tối thượng. Ý nghĩa nhân sinh của đạo Phật tạo ra một lực đối trọng mạnh mẽ, khắc phục được sức hấp dẫn, lôi cuốn của cuộc sống vật chất hào nhoáng, rộn ràng của nền văn minh tiêu thụ hiện đại.
 
Tóm lại, triết lý sống của người Việt Nam không thể hình thành một cách tự nhiên. Nó được hình thành như là quá trình thể nhập và trải nghiệm từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, nó thể hiện trong ba mối quan hệ giữa con người Việt Nam với thiên nhiên, môi trường, với xã hội và quan trọng hơn hết là với bản thân mình. Phật giáo với tư cách là một tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam, và là một trong những tôn giáo lớn của thế giới, hi vọng đóng góp một phần trong sự hình thành triết lý sống hiền thiện của người Việt Nam hiện nay, được thể hiện trong ba mối quan hệ nói trên như là lẽ sống, một chân lý không có gì để bàn thêm nữa.