Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Vài suy nghĩ nhân đọc bài “Kế hoạch cho ngày tàn của...

Vài suy nghĩ nhân đọc bài “Kế hoạch cho ngày tàn của Phật giáo”

243

Xét người thì cũng nên ngẫm lại ta. Tôi nhận thấy tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay còn khá nhiều hạn chế, yếu kém mà nếu không tỉnh táo nhìn nhận và khắc phục thì một tôn giáo truyền thống gắn bó với dân tộc có nguy cơ mất dần chỗ đứng trên chính mảnh đất đã từng là quốc giáo.


Ở nước ta, tín đồ Phật giáo chiếm tỉ lệ đông nhất nhưng thử hỏi có mấy ai tỏ tường về tôn giáo mà mình theo, có mấy ai tỏ tường về đức Bổn sư mà mình tôn thờ. Đa số mọi người đến chùa chỉ để cầu an, cầu tài, cầu lộc.


Lợi dụng điều này, có tôn giáo đã tranh thủ, lôi kéo, thu hút tín đồ bằng cả vật chất là tinh thần. Câu nói “theo Đạo có gạo mà ăn” xem ra vẫn đúng đến bây giờ.


Vấn đề là công cuộc hoằng pháp của chúng ta còn hạn chế. Ở các chùa tổ chức thuyết giảng Phật pháp, đa số là các cụ già tham dự mà thôi, hầu như không thu hút được giới trẻ tham gia. Tôi có một anh bạn vốn không theo Công giáo nhưng anh ta khoe là thích đi nhà thờ chỉ để nghe giảng mà thôi.


Nghe xong, tôi không khỏi chạnh lòng và man mác buồn cho sự nghiệp hoằng dương chính pháp. Ở các thành phố lớn đã thế, thì các vùng sâu, vùng xa thì tình hình ảm đạm đến chừng nào. Ơ các tỉnh vùng sâu, vùng xa, chùa chiền thưa thớt, xuống cấp, tu sĩ còn quá ít,  hoạt động Phật sự vô cùng tẻ nhạt, đơn điệu, đìu hiu, không thu hút nhiều người tham gia.


Qua bài viết về chuyến thăm các chùa ở Tây Nguyên của CLB TNPT TP.HCM ta càng thấy rõ điều đó. Chùa xây dựng bằng gỗ lợp tôn rất thô sơ, thiếu thốn đủ thứ. Ngay cả huyện Cần Giờ ở TP HCM – một thành phố lớn của cả nước – mà số chùa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy vậy mà có chùa lại không có ai trụ trì, chỉ có tín đồ chăm lo hương khói mà thôi chứ nói gì đến chuyện hoằng dương Phật pháp.


Tình hình Phật giáo ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên như Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Kontum, Đắc Lắc… cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Trong khi đó chúng ta đâu có phải thiếu nhân sự, có chùa tập trung hàng chục tu sĩ. Cư sĩ thâm hiểu Phật pháp đâu có thiếu, nhưng việc cư sĩ đăng pháp tòa còn quá ít ỏi, không hiểu do đâu.


Chẳng lẽ Giáo hội lại không thể phân công nhân sự đến nhưng nơi còn khó khăn, nghèo khổ này? Chẳng lẽ mục đích xuất gia của một số tu sĩ là chỉ để ăn mày lộc Phật chứ không phải là hoằng dương chính pháp, hoằng hóa độ sinh?


Rồi còn về tác phong của một vài tu sĩ cũng đáng nhắc nhở. Có thầy trên tay phì phèo điếu thuốc, có thầy thì quá thân mật với các Phật tử là phái nữ, có thầy thì phát ngôn linh tinh, thiếu suy nghĩ, còn có thầy thì luôn xuyên tạc chính trị… Thử hỏi khi các thầy nói thì mấy ai nghe, mấy ai tin. Từ đó mọi người có quan niệm sai lầm về tu sĩ nhà Phật rồi tâm Bồ đề của họ thối chuyển, rất dễ bị các tôn giáo khác lôi kéo, dụ dỗ.


Ở TP HCM, có nhiều chùa thu tiền khá cao khi Phật tử có nhu cầu gửi di ảnh, tro cốt người thân quá cố vào chùa. Điều này làm cho nhiều người nghĩ rằng nhà chùa kinh doanh, chứ không còn “cửa Phật từ bi” nên họ chẳng mặn mà gì với nhà chùa, với Phật giáo. Công cuộc hoằng pháp gặp phải nhiều trắc trở.


Đa số mọi người Việt Nam đều có tình cảm tốt đẹp với đạo Phật, vì triết lý đạo Phật là từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha. Đây là cơ duyên thuận lợi để cho chúng ta truyền bá chánh pháp. Nhưng do vô tình hay cố ý, mà một số tu sĩ đã tự mình đánh mất tình cảm tốt đẹp này của quần chúng nhân dân, làm mất đi lòng tin của mọi người. Do đó công việc hoằng pháp trở nên khó khăn, lòng tin cuả tín đồ suy giảm, tạo điều kiện tốt cho các tôn giáo khác bôi nhọ đạo Phật, lôi kéo tín đồ.


Thiết nghĩ, công cuộc hoằng pháp có thành công tốt đẹp hay không, Phật giáo Việt Nam có trường tồn và phát triển lâu dài hay không đều do quý Thầy , quý Cô mà nên. Không có phương pháp hoằng pháp nào tốt hơn là xây dựng được lòng tin đối với quần chúng nhân dân, tín đồ Phật tử, mà muốn được như thế thì xin các vị tu sĩ hãy giữ gìn tác phong đạo đức thật tốt, cẩn thận từng lời ăn tiếng nói, oai đức trang nghiêm.


Và kính xin những vị Tăng Ni trẻ tuổi tâm huyết với Đạo pháp hãy chịu khó về vùng sâu vùng xa để xây dựng và phát triển Phật sự, xiển dương Phật pháp và hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số quay về nương tựa ánh Từ quang của Đức Phật. Mong lắm thay.


Còn tổ chức Gia Đình Phật Tử – nơi để thanh thiếu niên Phật giáo sinh hoạt và tu học Phật pháp thì còn quá yếu về số lượng và chất lượng. Ở TPHCM có hằng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, nhưng chỉ có hơn chục ngôi chùa là có tổ chức Gia Đình Phật Tử mà thôi.


Còn ở các tỉnh thành phía bắc và Thủ đô Hà Nội thì hầu như không có. Trong khi đó, Tăng Ni sinh trẻ, thanh niên Phật tử là những người sẽ tương lai kế tục và phát huy Phật giáo.


Giáo hội cần tổ chức và phát triển mô hình Gia Đình Phật Tử mạnh hơn nữa, đông đảo hơn nữa và cần có nhiều hoạt động giao lưu giữa các tỉnh thành ở vùng sâu, vùng xa, hướng dẫn Phật tử tinh tấn tu học để mọi người có tâm Bồ đề kiên cố.


Tôi rất vui mừng khi mùa thi năm nay, Ban Hoằng Pháp Trung Ương đã tổ chức tư vấn mùa thi cho một vài tỉnh thành. Đây là một việc làm mà tôi đánh giá là rất hay, rất thiết thực và mong sao phong trào này ngày càng phát triển lan rộng hơn nữa để đưa người trẻ, thanh niên, học sinh tìm hiểu và đến với Phật giáo.


Vài dòng góp ý chân thành, nếu trong bài viết này có điều gì sai sót, kính xin chưa tôn đức và quý đạo hữu tha thứ.