Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Về Hương Sơn mùa không hội

Về Hương Sơn mùa không hội

655

Từ Hà Nội vào thành phố Hà Ðông, xuôi thị trấn Vân Ðình, qua gần 20km nữa, đoàn chúng tôi về tới Bến Ðục, nằm bên bờ sông Ðáy. Ðây là cửa ngõ của khu danh thắng Hương Sơn.


Xe chưa dừng bánh, ngay lập tức đã có 5-6 vị “cò mồi” áp sát chúng tôi, nửa mời mọc, nửa quát nạt, gần như bức chúng tôi phải theo sự sắp xếp lịch trình của họ. Đúng là “ở nơi đất Phật thì lắm ma”.


Trao đổi với họ, gần như cãi nhau, mất nửa giờ. Cuối cùng, tuy đã than vãn cho họ biết rằng chúng tôi là khách mời của Đại đức trụ trì, thì chúng tôi cũng phải “vui vẻ” gửi 2 chiếc xe máy tại nhà họ với giá “hữu nghị” 10.000 VNĐ/1xe; mua 3 vé thắng cảnh và vé đò mất: 55.000 X 3 người = 165.000; buộc mua 4 chỗ không người trên đò và bồi dưỡng người đã dẫn mối “bất đắc dĩ”. Tổng cộng là 290.000 (khi về còn buộc phải “vui vẻ bồi dưỡng” chị lái đò 50.000 nữa).


Dịp hội chùa Hương vừa qua, tôi đã được nghe, đọc nhiều bài nói về những điều “chưa được”, nhất là tình trạng nhũng nhiễu khách hành hương của một bộ phận dân chúng làm dịch vụ. Tự nhủ lòng nửa tin nửa ngờ. Nay thực chứng điều này, rất đau lòng. Tại sao dân chúng ở đây, đã bao đời mà vẫn không được giáo hoá?


Lại nhớ đến những dịp đi làm Phật sự ở xứ Huế, dân chúng – Phật tử ở đó phần lớn thật hoan hỉ, tận tình và từ bi. Còn ở đây thì phần lớn dân “nhà hàng”, “chỉ chỏ”, đón khách, chèo đò, bán hàng… đều nhìn khách hành hương như nhìn con mồi, với ánh mắt đầy tham, sân, si.


Có lẽ ý nghĩ thường trực trong họ là, làm sao để “vặt lông” được các con mồi này đây (!). Trực quan cũng cho thấy trong họ đầy rẫy sự bất mãn. Ai cũng thấy phần “chia chác” mà mình được hưởng là quá ít. (mà quả thật là quá ít so với lòng tham vô đáy của họ). Tôi tin chắc là, trong số những người làm dịch vụ ở đây, số Phật tử thuần thành chiếm tỷ lệ rất ít.


Lại liên tưởng đến những chướng duyên mà thầy Huyền Diệu gặp phải ở Nepan. Đúng là ở nơi đất Phật thì lắm ma chướng. “Phật cao 1 xích thì Ma cao một trượng”…


Từ Bến Ðục, chúng tôi lên thuyền xuôi dòng Yến Vĩ (đuôi con chim én), (sau khi đã phải bất đắc dĩ chứng kiến tới 15 phút cãi cọ của chị lái đò và mấy người dẫn mối. Không biết đã có bao nhiêu khách hành hương phải chịu đựng nghịch cảnh như chúng tôi ?)


Lên thuyền, tôi nén lòng niệm danh hiệu ngài Quán Thế âm, mong mượn thần lực của Ngài đang hiện hữu nơi Thánh địa này để làm lắng dịu cơn sân hận đang cuồn cuộn trong lòng.


Thuyền đưa chúng tôi lướt suối, bên những ngọn núi đá nên thơ như núi Voi, núi Rồng… cùng với nhịp cầu ở phía xa gợi lên khung cảnh non Tiên nước Phật. Qua đền Trình, chúng tôi bái vọng “trình diện” với thần linh trước khi đặt chân lên cõi Phật. Được biết, đền nằm dưới chân một quả núi được đặt tên là Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.


Để tham quan các chùa ở Hương Sơn, người hành hương thường đi theo các tuyến đường khác nhau. Nay đang tháng 7, thuyền đò tập kết tản mạn, bèo cái kết mảng nơi bến đậu thật thê lương.


Xuôi dòng Yến Vĩ, cảnh đẹp như trong thơ làm lắng lòng phiền não. Trên dòng suối Yến có cây cầu rất ấn tượng tên là cầu Hội vắt ngang. Từ chân cầu đi vào bên trái có thể đi vào ngôi chùa Thanh Sơn trong một động núi.


Sau chừng 1 giờ du ngoạn trên nước biếc non xanh, thuyền dừng ở Bến Trò, chúng tôi bước lên khu vực chùa Thiên Trù. Đường đi lối lại đang hoàn thiện, lát đá tảng, bao lơn thật hoành tráng.


Được biết, ngày xưa chùa được xây khuất trong bốn vách núi, có đến vài chục gian, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nam Thiên môn được xây dựng dưới triều Vua Gia long (năm 1809) cũng bị phá hủy. Năm 1986, chùa Thiên Trù đã phục dựng lại gác chuông và đến năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ “Ðinh”. Ðầu năm 1994, chùa đã xây dựng lại Nam thiên môn (cửa trời Nam) theo nguyên mẫu xưa.


Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất chùa Thiên Trù. Theo sách “Hương Sơn Thiên Trù thiên phú” thì chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, (1680-1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686.


Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ 17. Cho đến đầu thế kỷ 20, trong khu vực này đã có hơn 100 ngôi chùa.


Từ Bến Trò chúng tôi leo bộ lên chùa Thiên Trù. Từ bến vào chùa có một nhà bia, trong có tấm bia “Thiên Trù tự bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ 7, ghi lại những hoạt động tu sửa chùa Thiên Trù và chùa Hương Tích của nhà sư Viên Quang.


Qua Tam quan, thấy sừng sững toà gác chuông đẹp kì vĩ, đặc sắc, là biểu tượng kiến trúc của chùa Hương, đã được cách điệu thành logo. Công trình này cũng chỉ mới được kiến tạo vào năm 86 của thế kỷ trước, nhưng đã hội tụ, kết tinh được tinh thần thăng hoa bao thế kỷ của Hương Sơn.


Hiện nay, nhà chùa đang cho tiếp tục phục dựng và kiến tạo các công trình gác tháp đồ sộ uy nghi ở nơi sân chùa, với lối quy hoạch đặc trưng của chùa núi, “bình thiên bất bình địa” như trong kinh Pháp Bảo Đàn đã chỉ dạy.


Giữa sân chùa có một đỉnh đồng cao 3 m. Cạnh sân chùa có hồ bán nguyệt và vườn tháp. Trong vườn tháp có ngôi tháp Viên Công chứa hài cốt Thiền sư Viên Quang, người có công trùng tu chùa Hương sau nhiền năm hoang phế, được dựng từ thế kỷ 17. Tháp xây gạch trần màu đỏ, cao 4 tầng, tầng thứ 2 và 3 có mái cong với các đầu đao. Ở chùa Thiên Trù còn có quả chuông đúc năm cảnh Thịnh thứ 2 (1793) thời Tây Sơn.


Được biết, Thiên Trù đã bị phá hủy vào năm 1947. Năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ “Đinh”. Ngôi chùa hiện tại được xây dựng nhỏ hơn ngôi chùa cũ. Bái đường và hậu cung chùa Thiên Trù mới được xây dựng lại gần đây. Giữa điện thờ Phật có tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá, tạc theo mẫu tượng trong chùa Hương Tích nhưng được phóng to gấp 2,5 lần, cao đến 2,8 m.


Ngày 19/7 âm lịch, là ngày giỗ Tổ đời thứ VIII của sơn môn Hương Tích – cố Hoà thượng Thích Thanh Quyết – bậc “Tăng trung hào kiệt” của Phật giáo trời Nam. Chính vào thời cận đại Hương Sơn đã trở thành một căn cứ địa của nghĩa quân Tán Thuật (Bãi Sậy) nổi tiếng mà người trong vùng thường gọi là nghĩa quân Tuyết Sơn.


Người ta còn biết đến tên tuổi Hòa thượng Thích Thanh Quyết – động chủ Hương Sơn đã từng làm tham mưu cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Kỷ niệm ngày Giỗ Tổ, chư tăng cúng Phật trên Đại điện, cúng Tổ trên tổ đường thật trang nghiêm.


Chúng tôi có vinh hạnh được Đại đức Viện chủ Thích Minh Hiền cho hầu chuyện trong 2 giờ. Ngài là Trưởng Pháp tử của Cố Hoà thượng Viên Thành. Hiện Ngài là kế đăng truyền thừa đời thứ XII ở Tổ đình Hương Tích. Hầu chuyện Ngài, bao điều muốn biết nay được biết, bao sự nghi vấn cần xác quyết nay được tường minh.


Tôi cũng chẳng đem những điều phiền não ma chướng ngoài bến Đục để chia sẻ với Thầy. Nhưng dường như Thầy hiểu cả! Dường như đoán biết được ý nghĩ của tôi, Thầy bảo: “Về đến Hương thì đừng mang Hà Nội theo. Nếu mang theo Hà Nội thì sẽ nảy sinh cái tâm đối chiếu, so sánh, suy bì hơn thiệt. Khi đó thì khó mà thấy được cái bản chất của vạn cảnh. Vạn vật là thế là vì trong nó có cái lý nhân quả đang vận hành. Con tạo xoay vần là tự nhiên. Tương thích được với nó thì gần với Đạo”.


Tôi chợt nhớ đến lời Tổ Ráng thường dẫn lời Phật dạy chư Bồ Tát để răn chúng đệ tử: “Phiền não ấy tức Bồ Đề; hạt giống Bồ Đề thường gieo vào những miền đất phiền não”. Nghĩ đến đây tôi thấy tâm mình đột nhiên lắng xuống. Phải chăng “Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng” là đây?


Sau thời Ngọ trai, chúng tôi lên núi. Gần chùa Thiên Trù là núi Tiên, có chùa Tiên trong hang. Trong chùa có 5 pho tượng bằng đá do những người thợ đá ở Kiện Khê (Hà Nam) tạc năm 1907 dựa theo truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đã đắc đạo thành Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hương Sơn.


Tượng Bà Chúa Ba ở giữa, phía trước là người chị cả Diệu Thanh cưỡi sư tử xanh (Văn Thù Bồ Tát) và tượng người chị thứ hai Diệu Âm cưỡi voi trắng (Phổ Hiền Bồ Tát). Phía sau là tượng vua cha và hoàng hậu – mẹ của Bà Chúa Ba.


Quãng giữa chùa Thiên Trù đến động Hương Tích là chùa Giải Oan. Ở đây có giếng nước trong vắt gọi là “Thiên nhiên thanh trì” hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích, nơi có tảng đá tương truyền lưu dấu chân Quan Âm Bồ tát. Cách đó không bao xa, chúng tôi bước chân đến núi Chấn Song để thăm viếng đền cửa Võng thờ Mẫu Thượng Ngàn.


Dọc đường bộ hành lên núi, dù mùa lễ hội đã qua được gần 4 tháng mà đồ đạc, lều quán còn rất bừa bộn ngổn ngang; tre pheo, phông bạt, chất thành từng đống rất phản mỹ quan, chắc là đợi đến mùa hội sang năm thì dùng lại. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: chẳng lẽ nhà chùa, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây chỉ để di tích Hương Sơn được sống động trong 3 tháng hội, còn lại thì là khu kho tàng hoang phế hay sao?


Ðích xa nhất của chuyến hành hương là Ðộng Hương Tích nằm sâu ở phía trong. Chúng tôi bước qua một cổng lớn được ghép bằng đá xanh ở phía trên, rồi theo những bậc đá rộng đi xuống động. Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá. Cửa động trông như hàm một con rồng khổng lồ, phía trong, trên vách đá có tạc năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”. Tương truyền là bút tích của Tĩnh Ðô Vương Trịnh Sâm khắc vào năm 1770.


Vào trong động, vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá có khối to, khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người.


Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã.


Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng. Chúng tôi thấy từng nhóm người đang kiên nhẫn dùng những đồng tiền mới gấp thành bồ kề hứng uống từng giọt “sữa mẹ”.


Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén… Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.


Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn.


Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tỳ Lư nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.


Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63 m đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655). Chùa Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi văn Việt Nam, trong số đó có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Nhược Pháp và Chu Mạnh Trinh.


Bài Thú Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh có lẽ nổi tiếng nhất, gói ghém trọn cảnh Hương tích:


“Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải!
Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?”


Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn hai nghìn năm và đã được đặt tên Hương Sơn – lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã.


Hương Sơn là một cảnh quan lịch sử còn vì ở chính nơi đây đã từng ghi dấu những bằng chứng của lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Không kể đến những huyền tích về thời các Vua Hùng và những chiếc trống đồng tìm được ở Thượng Lâm (Mỹ Đức năm 1934) mang truyền thuyết là món quà của Đinh Tiên Hoàng tặng cho dân làng cùng với dấu tích của con đường mang tên Vua Đinh.


Qua các đời Lý – Trần – Lê con đường Thượng Đạo được hình thành cũng đã từng làm vang động cảnh đẹp Hương Sơn bởi những biến cố lịch sử của đạo quân Lê Lợi hay sau này của Nguyễn Huệ tiến công Đông Đô – Thăng Long để giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang.


Và Hương Sơn trong con mắt của con nhà võ, thực là đắc địa, là một căn cứ địa “tiến có thế đánh, thoái có thế giữ”. Chính vào thời cận đại Hương Sơn đã trở thành một căn cứ địa của nghĩa quân Tán Thuật (Bãi Sậy) nổi tiếng mà người trong vùng thường gọi là nghĩa quân Tuyết Sơn. Hòa thượng Thích Thanh Quyết- động chủ Hương Sơn đã từng làm tham mưu cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Cách đây không lâu, Hương Sơn đã là nơi đóng của Bộ Tư Lệnh liên khu III.


Cả một vùng thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của Hương Sơn kể từ khi được Lê Thánh Tông vị vua sáng của triều Lê phát hiện đến nay đã trải qua trên nửa thiên niên kỷ. Thời gian ấy, bên cạnh những huyền thoại, những truyền thuyết của một thời lịch sử xa xưa cũng đã đủ để tạo dựng nên một bề dày truyền thống với những giá trị lịch sử đáng trân trọng.


Giã từ cảnh đẹp Hương Sơn, du khách có thể mang về làm kỷ niệm một cây gậy trúc đã chống trên đường hành hương, vài mảnh gốc mơ già để pha nước uống, những quả mơ dày cùi nhỏ hạt và mấy mớ rau sắng nấu canh hương vị thơm ngon. Nhưng cái quý nhất mà người đi Chùa Hương có được là một tâm hồn đã tẩy sạch bụi trần, lâng lâng một niềm vui thoát tục với những ấn tượng không phai mờ về một Bồng Lai – Cõi Phật ngay trên trần gian.


PTVN xin trân trọng giới thiệu phóng sự ảnh mỹ quan và phản mỹ quan Hương Sơn mùa không lễ hội.















Kích điện để bắt cá gây tận diệt môi trường

















Sang sửa, xây cất chờ mùa lễ hội. Dường như danh thắng Hương Sơn mới chỉ được khai thác do du lịch lễ hội, còn việc hoằng dương Phật pháp, giáo hóa dân chúng nơi đây, tổ chức các hoạt động ngoài mùa lễ hội ít được quan tâm











Tam bảo chùa Thiên Trù


Giỗ Tổ đệ bát Thích Thanh Quyết


Tượng Phật bà chùa Hương





Ban thờ tổ


Tổ đệ bát Thích Thanh Quyết


Nhà tổ chùa Thiên Trù


Nhà thờ Mẫu


Tháp tổ


Đại đức Trụ trì Thích Minh Hiền


Hàng quán dọc lối lên động Hương Tích











Tượng Phật bà chùa Hương trong động Hương Tích