Trang chủ Diễn đàn Viết lời Phật ca có phải là đạo nhạc?

Viết lời Phật ca có phải là đạo nhạc?

93

Liệu một người sở hữu ngần ấy sáng tác, lại "tranh thủ" chép nhạc người khác để ghép lời Phật dạy có phải là người ham hư danh mà quên mất lòng tự trọng không?

Theo Trung tâm (TT) Sách và Kỷ lục VN – đơn vị đăng cai tổ chức công nhận các kỷ lục thường niên – trong hồ sơ ông Toản gửi đến chỉ đúng 639 ca khúc do ông sáng tác, trong đó nhiều bài phổ thơ người khác và ghi rõ như vậy. Còn TT không nhận được cuốn nhạc nào chép tay ghi bản nhạc và lời soạn mới. Như vậy, những gì mà TT xác nhận kỷ lục dựa trên chính sáng tác của nhạc sĩ.

Chiều 22.6, ông Toản cho biết: "Thực ra, tôi không muốn được công nhận kỷ lục này nọ, mà bên TT họ nói mãi, nên mới nộp hồ sơ gồm 639 tác phẩm. Tôi khẳng định tất cả những bài hát trong bộ hồ sơ đó đều là những giai điệu của tôi. Chưa bao giờ tôi có ý định lấy nhạc của người khác làm sáng tác của mình và đặt lời, bởi đã là nhạc sĩ thì không thể vay mượn giai điệu của người khác".

"Bao nhiêu năm qua tôi ăn chay trường, làm một cư sĩ, sống đúng theo Phật pháp và chỉ mong truyền bá Phật pháp cho nhiều thanh – thiếu niên. Có những đứa trẻ ở vùng quê nghèo, hay vùng sâu, vùng xa, đời sống vất vả, khổ sở mà không có thời gian đi chùa, đi nghe thuyết giảng. Tôi đã thử dạy chúng học những bài nhạc Phật giáo, nhưng có những bài mới quá, bọn trẻ không nhớ được, lại không phải ai cũng biết nhạc, nên tôi nghĩ ra cách lấy những bài nhạc đã phổ biến rộng rãi và soạn thêm lời Phật pháp, để bọn trẻ dễ thuộc, sau theo đó mà học đạo" theo ông Toản.

"Trên những bản nhạc đó, tôi đều ghi rõ là nhạc nước ngoài, nhạc dân ca… Nhân đây, tôi cũng xin làm rõ rằng 3 bài nhạc người ta nêu lên không phải của tôi: Đó là bài "Tinh Tấn" (soạn lời từ bài "Sao em nỡ vội lấy chồng" của Trần Tiến), hay soạn lại lời bài "Khúc hát ân tình" (Y Vân-Xuân Tiên) và "Em bé quê" (Phạm Duy). Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là giảng dạy chính pháp, là giá trị tinh thần còn mãi, như sự an lạc trong tâm hồn, chứ không phải những hư danh. Những người tố cáo tôi đều từng là bạn bè của tôi, nhưng có lẽ họ chưa hiểu tôi", ông Toản cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Văn Viễn – Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ TPHCM – về việc đặt lại lời bài hát, có hai trường hợp: Một là trong luật có quyền tự do biểu hiện, tức có thể sử dụng bài nhạc nào đó nghêu ngao thành lời của mình, chỉ trong phạm vi riêng tư cho mình và một nhóm bạn quen biết gần gũi, với điều kiện là không được truyền bá, in thành sách hay phát tán thành tài liệu.

Còn trường hợp thứ hai, nếu đã in thành sách hay phát hành rộng rãi thì dù là bản chép tay, mà không xin phép tác giả viết nhạc, cũng đã là vi phạm bản quyền. Đối với trường hợp những bài hát nước ngoài nổi tiếng qua thời gian, hết thời hạn để xin phép bản quyền thì không sao, nhưng trong trường hợp là nhạc dân ca, thì gần đây có điều lệ mới: Khi muốn in thành sách, chính người soạn lời mới phải liên hệ với hội văn nghệ dân gian ở các địa phương để xin phép dân chúng trong vùng đó được viết lời 2 và phổ biến. Nếu dân chúng trong vùng dân ca đó chấp thuận thì mới được phép.

Như vậy có thể thấy, trong trường hợp của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản, với mục đích truyền bá Phật pháp cho giới trẻ và không vụ lợi, không để in thành sách, thì việc soạn lời mới cho 90 bài nhạc nước ngoài và dân ca không bị xem là đạo nhạc. Vấn đề là soạn lời mới có nội dung phù hợp hay không, có xuyên tạc hay nhại ý bài hát hay không mà thôi.

Những bài hát được soạn lời hai đều có ý nghiêm túc, lấy kinh Phật và những giáo lý nhà Phật ra để khuyên răn và để người khác làm theo, nhớ lâu thì không thuộc dạng trên.