Trang chủ Văn hóa Du lịch Xuôi miền Kinh Bắc

Xuôi miền Kinh Bắc

54

Sông Đuống dài 68 km từ bao đời nay đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Kinh Bắc. Du ngoạn bằng thuyền trên sông, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn về đồng ruộng bạt ngàn màu xanh non cùng những rặng tre ngà tỏa bóng mát rượi trên con đê làng. Đặc biệt, xuôi dòng sông Đuống, bạn sẽ tìm về những di tích cổ xưa như lăng Kinh Dương Vương, thủy tổ của Đất Việt (ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành), đền thờ Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), nơi còn lưu dấu tích bí ẩn của pho tượng rồng/rắn khổng lồ "miệng cắn thân, chân xé mình"…

Xứ Kinh Bắc còn được gọi là xứ chùa chiền, vậy nên đến Kinh Bắc mà không thăm chùa Dâu, Bút Tháp (huyện Thuận Thành) thì kể như ta chưa đến nơi này. Từ triền đê uốn lượn bên dòng sông Đuống chảy hiền hòa, du khách có thể nhìn thấy hai ngôi chùa cổ ẩn mình dưới lùm cây cổ thụ. Đó là chùa Dâu, ngôi chùa cổ xưa nhất, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam và chùa Bút Tháp, một công trình kiến trúc độc đáo còn lưu giữ được kỹ thuật điêu khắc tinh xảo với  bức tượng kiệt tác Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Cũng ở huyện Thuận Thành, đến xã Song Hồ, du khách có thể thăm làng tranh Đông Hồ nổi tiếng, chiêm ngưỡng và mua những bức tranh độc đáo như Đám cưới chuột, Đánh ghen, Chăn trâu thổi sáo, Hái dừa…  Điểm độc đáo của tranh Đông Hồ là kỹ thuật in hoàn toàn bằng tay và giấy in là giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như màu đen của than xoan hay than lá tre; màu xanh của gỉ đồng, lá chàm; màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi son, gỗ vang…  Đây là những màu khá cơ bản và thường tranh Đông Hồ chỉ dùng có 4 màu, một điểm khác biệt so với tranh hiện đại.

Bạn cũng nên dừng chân ở làng Diềm – nơi vốn là cái nôi của quan họ cổ, để được lắng nghe những câu hát quan họ mượt mà, đằm thắm cũng như tìm hiểu thêm về giá trị truyền thống của một di sản văn hóa của nhân loại này. Không hoa mỹ, cầu kỳ, người làng Diềm sẽ đón khách đến chơi nhà bằng thái độ cởi mở, chân tình như chính những câu ca quan họ mà các liền anh, liền chị thể hiện. Và trước khi chia tay Kinh Bắc, hãy nếm thử bánh phu thê (còn gọi là bánh su sê), đặc sản của làng Đình Bảng, Từ Sơn. Mở lớp lá sen bên ngoài rồi đến lớp lá chuối bên trong, ta sẽ thấy một chiếc bánh trong suốt màu vàng tươi bóng nhẫy lộ ra đầy hấp dẫn. Vừa ăn bánh phu thê, vừa nghe người làng Đình Bảng kể về sự công phu trong cách làm bánh, chắc chắn du khách sẽ thêm một lần lưu luyến miền quê này.